10/05/2014 17:54        

Đề cương giới thiệu việc làm

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

------------------

 

BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

CỤC VIỆC LÀM

--------------

 

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT VIỆC LÀM

 

Ngày 16 tháng 11 năm 2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật việc làm. Ngày 29 tháng 11 năm 2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố Luật việc làm. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

 

          I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT VIỆC LÀM

Việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của người lao động để bảo đảm cuộc sống và phát triển toàn diện. Điều 55, Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định: “Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động”. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1992, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản luật như Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật dạy nghề… điều chỉnh các nội dung trong lĩnh vực việc làm. Chính phủ, các Bộ, ngành cũng đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, văn bản luật trong lĩnh vực này. Có thể thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực việc làm đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động việc làm tuân theo các quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, cùng với sự hình thành và phát triển thị trường lao động trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ trong lĩnh vực việc làm ngày càng phát triển đa dạng và linh hoạt hơn; chính sách pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về việc làm đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế; nhiều vấn đề mới về việc làm trong bối cảnh hội nhập kinh tế phát sinh cần được pháp luật điều chỉnh, cụ thể:

- Việc làm là nhu cầu cơ bản của mọi người lao động, giải quyết việc làm là một trong những mục tiêu quan trọng trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa có một luật riêng điều chỉnh các vấn đề liên quan việc làm;

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc làm hiện nay chủ yếu điều chỉnh nhóm đối tượng có quan hệ lao động (có giao kết bằng hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc) trong khi trên 65,4% lực lượng lao động cả nước không có quan hệ lao động nhưng chưa có luật điều chỉnh; vấn đề việc làm được quy định trong nhiều văn bản khác nhau và chủ yếu trong các văn bản dưới luật nên thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, ảnh hưởng trong quá trình triển khai;

- Các chính sách hỗ trợ tạo việc làm chưa đủ mạnh để xóa bỏ mọi rào cản, giải phóng năng lực của mọi người lao động cho phát triển kinh tế - xã hội; việc lồng ghép mục tiêu việc làm trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội chưa được quan tâm và thực sự hiệu quả;

- Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia theo ngành nghề, vị trí công việc chưa được xây dựng; hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa được thực hiện để người lao động hoàn thiện năng lực nghề nghiệp của bản thân, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, gắn đào tạo với sử dụng, phù hợp với xu hướng tiêu chuẩn kỹ năng nghề chung giữa các nước trong khu vực, nhất là khu vực ASEAN;

- Chủ trương đẩy mạnh phát triển thị trường lao động nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng chưa được thể chế hóa bằng các quy định pháp luật; hoạt động dịch vụ việc làm chưa đáp ứng được sự phát triển của thị trường lao động; thông tin thị trường lao động chưa được điều chỉnh bằng văn bản luật;

- Chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế trong việc bảo đảm việc làm toàn diện cho người lao động; chưa có chính sách duy trì việc làm, ngăn ngừa và hạn chế thất nghiệp; việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành cũng đang bộc lộ một số hạn chế về đối tượng, điều kiện, tổ chức thực hiện,… đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung và mở rộng để thực hiện tốt mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp, nhanh chóng giúp người người thất nghiệp tìm được việc làm, đồng thời, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính.

Do đó, việc xây dựng Luật việc làm là hết sức cần thiết, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy và bảo đảm việc làm theo hướng bền vững cho người lao động.

Ngày 12 tháng 6 năm 2012, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 23/2012/QH13 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, trong đó giao Chính phủ chủ trì soạn thảo Luật việc làm. Trên cơ sở tờ trình của Chính phủ, ngày 16 tháng 11 năm 2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật việc làm (Luật số 38/2013/QH13). Việc Quốc hội thông qua Luật việc làm là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực việc làm. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động. Đây là cơ sở pháp lí quan trọng nhằm tạo cơ hội việc làm theo hướng bền vững cho mọi lao động trong xã hội, đồng thời, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là một thành viên trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước số 122 của Tổ chức lao động quốc tế về chính sách việc làm, quyết tâm phấn đấu giải quyết các vấn đề xã hội ngay trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập.

 

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT VIỆC LÀM

1. Tiếp tục cụ thể hoá Hiến pháp năm 1992, phù hợp với định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thể chế hoá chủ trương, đường lối, quan điểm và định hướng xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện qua: các văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, lần thứ XI; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.

2. Bảo đảm tính thống nhất, toàn diện và nhất quán các quy định của pháp luật về việc làm trong một văn bản luật; tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trên cơ sở pháp điển hoá các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc làm hiện hành; hoàn thiện chính sách pháp luật về việc làm; điều chỉnh thống nhất những vấn đề liên quan đến việc làm đối với mọi người lao động (bao gồm cả người lao động có việc làm và người lao động chưa có việc làm nhưng có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc).

3. Kế thừa và phát triển các quy định pháp luật đã đi vào cuộc sống, sửa đổi các quy định còn bất cập, đồng thời bổ sung những quy định mới để phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

4. Bảo đảm bình đẳng và thúc đẩy cơ hội việc làm cho mọi người lao động, hướng đến mục tiêu việc làm bền vững, việc làm an toàn cho người lao động.

5. Tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật về việc làm của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN, phù hợp với thông lệ quốc tế và nội dung của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn hoặc tham gia.

III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT VIỆC LÀM

Luật việc làm gồm 7 chương và 62 điều điều chỉnh 05 nhóm vấn đề lớn: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; Thông tin thị trường lao động; Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm; Bảo hiểm thất nghiệp.

1. Chương I. Những quy định chung

Chương này gồm 09 điều (Từ Điều 1 đến Điều 9) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc về việc làm; chính sách của Nhà nước về việc làm; nội dung quản lý nhà nước về việc làm; thẩm quyền quản lý nhà nước về việc làm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân về việc làm; những hành vi bị nghiêm cấm.

Trên cơ sở tinh thần của Hiến pháp năm 1992 về quyền lao động, Luật việc làm khẳng định rõ các nguyên tắc về việc làm của người lao động: bảo đảm quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc; bình đẳng về cơ hội việc làm và thu nhập; bảo đảm làm việc trong điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Luật việc làm tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Nhà nước trong việc xác định mục tiêu giải quyết việc làm trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia tạo và tự tạo việc làm song song với việc ban hành các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề; hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số.

2. Chương II. Chính sách hỗ trợ tạo việc làm

Chương này gồm 13 điều (từ Điều 10 đến Điều 22) quy định 06 chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, bao gồm: Tín dụng ưu đãi tạo việc làm; Hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn; Việc làm công; Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên và Hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

2.1 Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm

Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm được phát triển trên cơ sở chính sách cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm (ra đời từ năm 1992). Luật đã cụ thể hóa các quy định về đối tượng, điều kiện vay vốn, đồng thời, bổ sung thêm đối tượng ưu tiên là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều lao động là người dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, Luật việc làm cũng bổ sung quy định về các chính sách tín dụng ưu đãi khác nhằm huy động nhiều nguồn lực cho tạo việc làm.

2.2 Chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn

Thông qua việc hỗ trợ học nghề (dưới 03 tháng hoặc trình độ sơ cấp nghề), tư vấn, giới thiệu việc làm và vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm nhằm nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phi nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh phát triển sản xuất kinh doanh để khuyến khích giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động ở khu vực nông thôn.

2.3 Chính sách việc làm công

Chính sách việc làm công là chính sách mới với mục tiêu cung cấp việc làm tạm thời có trả công cho người lao động thông qua việc thực hiện dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp xã, gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng; bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; các dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng tại địa phương. Việc thực hiện chính sách việc làm công sẽ góp phần quan trọng giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động song song với việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, chất lượng công trình với sự tham gia trực tiếp của người dân.

2.4 Các chính sách hỗ trợ khác

Trên cơ sở kế thừa các quy định pháp luật hiện hành, Luật việc làm cũng quy định chính sách khuyến khích và hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc làm ở nước ngoài theo hợp đồng, ưu tiên đối với lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng.

Nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, Luật việc làm đã quy định các chính sách: tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí cho thanh niên; đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.

Song song với các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, Luật việc làm cũng quy định việc hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và phát triển hệ thống dịch vụ việc làm nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu lao động.

3. Chương III. Thông tin thị trường lao động

Gồm 06 điều (từ Điều 23 đến Điều 28) quy định: Nội dung thông tin thị trường lao động; Quản lý thông tin thị trường lao động; Thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động; Cung cấp thông tin thị trường lao động; Phân tích, dự báo và phổ biến thông tin trường lao động và bảo đảm an toàn, bảo mật, và lưu trữ thông tin thị trường lao động.

Lần đầu tiên thông tin thị trường lao động được quy định trong văn bản luật, góp phần phát triển thị trường lao động năng động, cạnh tranh, minh bạch và thống nhất, bao gồm: tình trạng, xu hướng việc làm; thông tin về cung cầu lao động, biến động cung cầu lao động trên thị trường lao động; thông tin về lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và thông tin về tiền lương, tiền công. 

Luật việc làm quy định cơ quan quản lý nhà nước về thống kê ở trung ương tổ chức thu thập, công bố và xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu đối với các thông tin thị trường lao động là chỉ tiêu thống kê quốc gia theo quy định của pháp luật về thống kê, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thu thập và công bố các thông tin thị trường lao động thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách ngoài các thông tin thị trường lao động thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn quản lý thông tin thị trường lao động tại địa phương.

4. Chương IV. Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

Chương này gồm 07 điều (từ Điều 29 đến Điều 35) quy định: Mục đích đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Nguyên tắc, nội dung đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề; Xây dựng, công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Quyền và trách nhiệm của người lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Những công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Luật việc làm quy định việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm công nhận cấp độ kỹ năng nghề nghiệp theo trình độ của người lao động và người lao động được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để hoàn thiện năng lực nghề nghiệp, tìm công việc phù hợp hoặc công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia phải đảm bảo các nguyên tắc: sự tự nguyện của người lao động; căn cứ vào tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; theo từng bậc trình độ kỹ năng của từng nghề; chính xác, độc lập, khách quan, công bằng, minh bạch.

Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề là tổ chức hoạt động có điều kiện và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia khi có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực.

Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia được xây dựng theo từng bậc trình độ kỹ năng nghề cho mỗi nghề và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia. Luật việc làm quy định rõ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho từng nghề thuộc lĩnh vực quản lý và đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

5. Chương V. Tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm

Gồm 05 điều (từ Điều 36 đến Điều 40) quy định: Dịch vụ việc làm; Trung tâm dịch vụ việc làm; Nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm; Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm và Hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

Chương này về cơ bản kế thừa, có sửa đổi, bổ sung pháp luật hiện hành và cụ thể hóa các quy định của Bộ luật lao động năm 2012 về tổ chức và hoạt động của tổ chức dịch vụ việc làm nhằm bảo đảm xã hội hóa trong hoạt động dịch vụ việc làm. Luật việc làm quy định tổ chức dịch vụ việc làm bao gồm trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm 02 loại hình: trung tâm do cơ quan quản lý nhà nước và trung tâm do tổ chức chính trị - xã hội thành lập. Trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập phải phù hợp với quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực.

Luật việc làm quy định rõ nhiệm vụ của Trung tâm dịch vụ việc làm và hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Ngoài các nhiệm vụ chung theo quy định, các Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

6. Chương VI. Bảo hiểm thất nghiệp

Chương này gồm 19 điều (từ Điều 41 đến Điều 59) quy định: Nguyên tắc, đối tượng, chế độ bảo hiểm thất nghiệp; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Luật việc làm quy định chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở kế thừa các quy định về bảo hiểm thất nghiệp của Luật bảo hiểm xã hội và sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo phù hợp với tình hình mới, thực hiện tốt mục tiêu nhanh chóng đưa người thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động, đồng thời, tạo thuận lợi cho người lao động tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

6.1 Về đối tượng

Luật việc làm quy định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng và mọi người sử dụng lao động.

 Quy định mở rộng đối tượng lao động có hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng và mọi người sử dụng lao động sẽ góp phần mở rộng phạm vi bao phủ của chính sách, tạo thuận lợi cho người lao động đã có quan hệ lao động nhưng mức độ ổn định yếu hơn có cơ hội có được việc làm sớm sau khi thất nghiệp.

6.2 Về chế độ bảo hiểm thất nghiệp

 Luật việc làm quy định các chế độ đối với người thất nghiệp như hiện hành, gồm: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề, đồng thời, bổ sung chế độ hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Luật việc làm cũng quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tiếp thu, kế thừa các quy định hiện hành và sửa đổi, bổ sung các quy định mới đảm bảo phù hợp hơn, tiến bộ hơn, cụ thể:

- Mở rộng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng: từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động (Khoản 2 Điều 49);

- Bổ sung quy định về bảo lưu thời gian đóng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động (Khoản 4 Điều 53);

- Cải cách thủ tục hành chính theo hướng bỏ quy định về đăng ký thất nghiệp và gộp thành việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập (Khoản 1 Điều 46);

- Điều chỉnh quy định về thời gian hưởng (đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng) và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp (tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định) (Điều 50);

- Mở rộng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để được hỗ trợ học nghề: đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (Điều 55).

6.3 Về Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Luật việc làm vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành nhưng có tiếp thu, sửa đổi quy định về mức hỗ trợ của Nhà nước theo hướng nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp căn cứ tình hình kết dư Quỹ từng thời kỳ. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn và được Nhà nước bảo hộ.

7. Chương VII. Điều khoản thi hành

Chương này gồm 03 điều (Từ Điều 60 đến Điều 62) quy định về điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Luật việc làm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, các quy định về bảo hiểm thất nghiệp của Luật bảo hiểm xã hội; Chương IX – Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của Luật dạy nghề hết hiệu lực kể từ ngày Luật việc làm có hiệu lực thi hành.

Luật việc làm quy định Chính phủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.

 

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật việc làm

Theo dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành 03 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật việc làm:

- Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về hỗ trợ tạo việc làm;

- Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;

- Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

1.1 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về hỗ trợ tạo việc làm

Dự kiến quy định chi tiết các nội dung:

- Chính sách cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm: mức vay, thời hạn, lãi suất cho vay, trình tự, thủ tục vay vốn và điều kiện bảo đảm tiền vay từ Quỹ quốc gia về việc làm;

- Chính sách việc làm công: đối tượng tham gia; chế độ đối với người lao động; thủ tục tham gia; tổ chức thực hiên và giám sát thực hiện;

- Chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ; hiểu biết phong tục tập quán, pháp luật; đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và vay vốn với lãi suất ưu đãi;

- Chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên: mức hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.

1.2 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

Dự kiến quy định chi tiết các nội dung:

- Điều kiện, thủ tục và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho tổ chức đánh giá kỹ năng nghề;

- Thủ tục, quy trình đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;

- Những công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;

- Tổ chức thực hiện.

1.3 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp

Dự kiến quy định chi tiết các nội dung:

- Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

- Quyền và trách nhiệm về bảo hiểm thất nghiệp;

- Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp;

- Trình tự, thủ tục thực hiện bảo hiểm thất nghiệp;

- Quỹ bảo hiểm thất nghiệp;

2. Tuyên truyền, phổ biến về Luật việc làm

- Tập huấn nội dung của Luật việc làm: Biên soạn tài liệu tập huấn và tổ chức tập huấn cho báo cáo viên, cán bộ, công chức của các Bộ, ngành, địa phương;

- Phổ biến, giới thiệu các nội dung của Luật việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động: Biên soạn và phát hành tài liệu phổ biến, giới thiệu về các nội dung của Luật việc làm phù hợp với người lao động, người sử dụng lao động từng địa phương, khu vực;

- Thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến Luật việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành trên website, báo chí, truyền hình trung ương và địa phương;

- Dịch Luật việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành ra Tiếng Anh:  dịch Luật việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành ra tiếng Anh để phát hành cho người sử dụng lao động có quốc tịch nước ngoài, người lao động nước ngoài tại Việt Nam và các đối tượng khác có liên quan./.

 

 

 
Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm về công tác xây dựng Bộ pháp điển
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2018
Đề cương Luật Xây dựng năm 2014
Đề cương giới thiệu Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Đề cương giới thiệu Luật Công chứng năm 2014
Đề cương giới thiệu Luật Hải quan năm 2014
Đề cương giới thiệu Luật đấu thầu
Đề cương giới thiệu Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Đề cương giới thiệu Luật Đất đai
Đề cương giới thiệu Luật Tiếp công dân
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng
Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối
Đề cương giới thiệu Luật phòng, chống thiên tai
Đề cương giới thiệu Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 07/2013/UBTVQH13
Giới thiệu Luật Hòa giải cơ sở
Đề cương giới thiệu Luật Khoa học và công nghệ năm 2013.
Đề cương giới thiệu Luật giáo dục quốc phòng và an ninh
Đề cương giới thiệu Luật Công đoàn năm 2012.
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13

HÌnh ảnh
  • Giống
    08/03/2024
    Một ông nói với bạn trong nhà dưỡng lão: - Tôi cảm thấy mình giờ cứ như hồi 18 ấy.
  • Sợ
    08/03/2024
    Hai bà nội trợ bàn luận chuyện đời: - Ngày xưa cũng khổ như nhau, vậy mà vui. Chứ bây giờ sợ lắm!
  • Tập thể dục?!
    08/03/2024
    Một người hỏi bạn: - Cậu có chạy thể dục buổi sáng không?
Liên kết web
Số lượt truy cập
Số lượt truy cập: 356290