ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU
LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ
THU NHẬP CÁ NHÂN SỐ 26/2012/QH13
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT
Qua 03 năm thực hiện, Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã đạt được những mục tiêu đề ra như: (1) Đã bao quát và mở rộng được đối tượng nộp thuế, đối tượng chịu thuế; (2) Đảm bảo động viên hợp lý thu nhập của dân cư, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, thống nhất các quy định về thuế áp dụng đối với cá nhân có thu nhập; (3) Góp phần đảm bảo nguồn thu Ngân sách nhà nước; (4) Từng bước góp phần thực hiện kiểm soát thu nhập của dân cư.
Tuy nhiên, do sự biến động nhanh của nền kinh tế nên một số quy định trong Luật thuế TNCN đã không còn phù hợp với thực tiễn, đó là: (1) Mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp; (2) Phạm vi, đối tượng tính thuế chưa bao quát hết hoặc đã lạc hậu do phát sinh những nội dung mới theo quy định của pháp luật liên quan; (3) Một số quy định về kỳ tính thuế, về thủ tục kê khai, quyết toán thuế còn phức tạp, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, công tác quản lý thuế cũng như hiện đại hoá quản lý thuế.
Những tồn tại, bất cập này cần được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Vì vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân là rất cần thiết.
II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân được xây dựng, ban hành nhằm thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 và quán triệt mục tiêu, yêu cầu sau đây:
- Một là, kiên trì mục tiêu dài hạn theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là: Đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập, động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư, góp phần ổn định, nâng cao đời sống của người nộp thuế, khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng.
- Hai là, chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập so với thực tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có tính ổn định; việc sửa đổi đảm bảo không làm ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách nhà nước.
- Ba là, bảo đảm đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế.
- Bốn là, việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN góp phần tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng với nước ta, phù hợp với xu thế cải cách thuế và thông lệ quốc tế.
III. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT THUẾ TNCN SỐ 26/2012/QH13
Luật sửa đổi, bổ sung 6/35 Điều của Luật năm 2007, gồm 3 nhóm vấn đề với 7 nội dung, cụ thể như sau:
1. Sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh
Luật thuế TNCN năm 2007 quy định mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 04 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ gia cảnh này được xây dựng trên cơ sở tham chiếu các chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, mức thu nhập, chi tiêu trung bình của xã hội, tiền lương tối thiểu và bằng khoảng 2,5 lần GDP bình quân đầu người tại thời điểm Luật có hiệu lực năm 2009. So với các nước trong khu vực1[1], mức giảm trừ gia cảnh của Việt Nam tuy có tỷ lệ cao hơn (bằng khoảng 1,7 lần GDP bình quân đầu người năm 2011) nhưng do thu nhập bình quân đầu ở Việt Nam còn thấp nên mức giảm trừ gia cảnh về số tuyệt đối còn thấp.
Từ năm 2009, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế - xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn, giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống người nộp thuế. Do vậy, ngay từ khi Luật có hiệu lực năm 2009 và trong các năm 2011, 2012, để chia sẻ và giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết cho miễn thuế TNCN đối với những người có thu nhập đến mức phải chịu thuế ở bậc 1 (Nghị quyết số 32/2009/QH12 cho miễn thuế 6 tháng đầu năm 2009, Nghị quyết 08/2011/QH13 cho miễn thuế 5 tháng cuối năm 2011, Nghị quyết số 29/2012/QH13 cho miễn thuế 6 tháng cuối năm 2012 cho những cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh đến mức phải nộp thuế ở bậc 1 của biểu thuế).
Để thực hiện việc giảm tỷ lệ động viên thuế, phí trên GDP theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020, đảm bảo tính ổn định của chính sách cho giai đoạn sau năm 2014 và để có sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước đối với người nộp thuế trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, Luật điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng, đồng thời bổ sung quy định “mở” để khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả.
Mức giảm trừ gia cảnh này cũng tương đương khoảng 2,5 lần GDP dự tính tại thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực.
Với mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh này, mức điều tiết thuế được giảm ở tất cả các bậc và dự kiến khi Luật có hiệu lực từ 01/7/2013 thì dự kiến số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng.
2. Về phạm vi, đối tượng chịu thuế
a) Về sửa đổi quy định về các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
Để đảm bảo nguyên tắc chỉ các khoản trợ cấp mang tính bù đắp những rủi ro, giải quyết khó khăn tạm thời cho người lao động, hoặc phụ cấp, trợ cấp mang tính chất bảo trợ, an sinh xã hội mới được trừ khỏi thu nhập chịu thuế, Luật sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 3 Luật thuế TNCN theo hướng bỏ các khoản trợ cấp, phụ cấp đến nay không còn nữa; đồng thời bổ sung quy định thêm nội dung “quét”: “trợ cấp mang tính bảo trợ xã hội và các khoản trợ cấp, phụ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ” để đảm bảo Luật không bị lạc hậu khi có phát sinh các khoản phụ cấp mới.
b) Về thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
Để đảm bảo bao quát hết các trường hợp thu nhập phát sinh từ chuyển nhượng bất động sản, Luật sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 3 Luật thuế TNCN như sau: “d) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức” (bao gồm cả trường hợp người có bất động sản làm hợp đồng uỷ quyền mà người được uỷ quyền có cả quyền cho, tặng, chuyển nhượng bất động sản... phát sinh thu nhập).
c) Về miễn thuế đối với tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả và khoản đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện
Hiện nay đã hình thành và sẽ phát triển mạnh mô hình quỹ đầu tư là quỹ hưu trí tự nguyện, góp phần phát triển thị trường vốn, hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội. Để đảm bảo công bằng giữa người có lương hưu do Quỹ BHXH chi trả đang được miễn thuế TNCN với người có lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả, đồng thời khuyến khích cá nhân tham gia vào quỹ hưu trí tự nguyện, Luật sửa đổi, bổ sung quy định miễn thuế TNCN đối với tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng và bổ sung quy định không tính vào thu nhập tính thuế đối với khoản đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện. Để tránh tình trạng lợi dụng chính sách, bổ sung nội dung Chính phủ quy định mức tối đa được trừ đối với khoản đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện quy định tại khoản này.
d) Về khoản đóng góp bảo hiểm thất nghiệp
Theo Luật BHXH thì bảo hiểm thất nghiệp cũng là loại bảo hiểm bắt buộc, người lao động và người sử dụng lao động đều phải đóng (doanh nghiệp đóng 1%, người lao động đóng 1%) và đóng cùng với BHXH, BHYT. Để chính sách rõ ràng và thống nhất với các luật chuyên ngành được ban hành trong thời gian gần đây, Luật sửa đổi khoản 1 Điều 21 theo hướng bổ sung thêm khoản đóng góp bảo hiểm thất nghiệp cũng được loại trừ khi tính thuế TNCN.
3. Về kỳ tính thuế và quyết toán thuế
a) Về kỳ tính thuế
Kỳ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán theo Luật hiện hành là theo lần chuyển nhượng hoặc theo năm, trường hợp áp dụng kỳ tính thuế theo năm thì phải đăng ký từ đầu năm. Quy định này dẫn đến trường hợp nhà đầu tư chứng khoán bị lỗ nhưng do không đăng ký phương pháp tính thuế từ đầu năm nên vẫn phải nộp thuế theo mức 0,1% trên giá trị mỗi lần chuyển nhượng. Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư được lựa chọn phương pháp tính thuế, Luật sửa đổi theo hướng bỏ cụm từ “trường hợp cá nhân áp dụng kỳ tính thuế theo năm thì phải đăng ký từ đầu năm với cơ quan thuế”.
b) Về quyết toán thuế
Để thuận lợi cho người nộp thuế và giảm khối lượng quyết toán thuế không cần thiết, Luật sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 24 Luật thuế TNCN theo hướng bỏ quy định cá nhân phải quyết toán đối với mọi khoản thu nhập, cá nhân có thu nhập chịu thuế có trách nhiệm kê khai, khấu trừ, nộp thuế vào NSNN và quyết toán thuế theo quy định của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ quy định chi tiết về việc quyết toán thuế đối với trường hợp số thuế đã tạm nộp, tạm khấu trừ còn thấp hơn số thuế phải nộp theo Luật, bỏ quy định việc quyết toán thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán hoặc cá nhân có số thuế nộp thừa không có yêu cầu hoàn lại.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần tập trung thực hiện một số công việc sau:
1. Tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN
- Biên soạn, xuất bản sách giới thiệu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao trách nhiệm, nhận thức của nhân dân và nhất là đối với đội ngũ cán bộ thuế.
- Tổ chức hội nghị quán triệt triển khai Luật, đặc biệt là các nội dung mới so với Luật hiện hành, phục vụ tích cực cho việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN.
- Xây dựng chuyên trang về Luật thuế TNCN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN và tổ chức thực hiện Luật trên để cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về việc triển khai Luật, đồng thời liên tục cập nhật các hoạt động mới trong quá trình triển khai Luật.
- Nghiên cứu, xây dựng một số chuyên đề về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN đăng trên các tạp chí, báo để tuyên truyền, phổ biến các nội dung mang tính chuyên sâu
2. Tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN
Nghiên cứu, xây dựng và phát hành sách và tài liệu khác phục vụ công tác tập huấn chuyên sâu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ trực tiếp xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ được áp dụng chính xác, thống nhất trên toàn quốc.
3. Rà soát, hệ thống hóa và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNCN
Ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN được thông qua, các bộ, ngành khẩn trương tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật, lập danh mục văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ để phù hợp với Luật.
Để bảo đảm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN được thực thi ngay khi có hiệu lực, Chính phủ cần chỉ đạo, phân công trách nhiệm xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, ví dụ như giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN, nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc ban hành Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN, v.v..
1 Trung Quốc từ ngày 01/9/2011 quy định mức giảm trừ gia cảnh (không có quy định mức riêng cho bản thân người nộp thuế và mức cho người phụ thuộc) là 42.000 NDT/năm (tương đương 6.404 USD/năm và bằng 1,23 lần GDP bình quân đầu người năm 2011); In-đô-nê-xi-a quy định mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 15,84 triệu rupi/năm (tương đương 1.830 USD/năm và bằng khoảng 0,527 GDP bình quân đầu người năm 2011); Ma-lai-xi-a quy định mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 9.000 RM/năm (tương đương 2.687 USD/năm và bằng khoảng 0,312 lần GDP bình quân đầu người năm 2011