08/05/2014 15:20        

Đề cương giới thiệu Luật Khoa học và công nghệ năm 2013.

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

__________________________

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

VỤ PHÁP CHẾ

___________

 

 

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU

LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 2013

__________________

 

Luật khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 2013

1. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là KH&CN) đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Điều 37 Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) xác định: “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu”. Đại hội Đảng toàn quốc khóa XI đã bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, trong đó đã xác định đường lối, chủ trương cơ bản để phát triển KH&CN phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước.

Để cụ thể hoá các chủ trương về phát triển KH&CN trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (bổ sung, phát triển năm 2011) và trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI của Đảng đã thông qua Nghị quyết mới về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết TW6).

Với vị trí là luật gốc trong lĩnh vực KH&CN, Luật KH&CN cần tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế hiện nay.

2. Luật KH&CN năm 2000 được ban hành cách đây 13 năm. Khi đó Việt Nam chưa phải là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chưa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, chưa vượt qua ngưỡng của một nước kém phát triển và chưa có hệ thống luật pháp đồng bộ về KH&CN. Từ đó đến nay hệ thống văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện rất căn bản. Quốc hội đã ban hành nhiều luật về các lĩnh vực KH&CN chuyên ngành. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng ban hành nhiều văn bản liên quan đến hoạt động KH&CN. Luật KH&CN năm 2000 đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành. Nhiều điều, khoản của Luật này quy định còn chung chung, hiệu lực thực thi thấp.

Do vậy, Luật KH&CN năm 2000 cần được sửa đổi, bổ sung để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về KH&CN; bảo đảm tính phù hợp cả về nội dung cũng như hình thức văn bản và được cập nhật để đáp ứng quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

3. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới hơn 25 năm qua, nền KH&CN của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kết quả hoạt động KH&CN những năm qua đã được Đại hội toàn quốc lần thứ XI khẳng định một cách khái quát như sau: “Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quản lý khoa học, công nghệ có đổi mới, thực hiện cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ. Thị trường khoa học, công nghệ bước đầu hình thành. Đầu tư cho khoa học, công nghệ được nâng lên”. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động KH&CN đã bộc lộ một số yếu kém: công tác tổ chức, quản lý nhà nước về KH&CN đổi mới chậm; tổng đầu tư xã hội, nhất là đầu tư từ doanh nghiệp cho KH&CN còn thấp, sử dụng chưa hiệu quả; cơ chế tài chính cho KH&CN mang nặng tính hành chính, không phù hợp với đặc thù hoạt động sáng tạo. Nhìn chung, năng lực KH&CN quốc gia còn chưa tương xứng với vai trò là động lực then chốt và nền tảng cho quá trình phát triển đất nước.

Tình hình này đòi hỏi phải ban hành Luật KH&CN mới nhằm tạo nền tảng pháp lý giải quyết triệt để những bất cập, vướng mắc đang cản trở sự phát triển của KH&CN trong thời gian qua, để triển khai thực hiện ba nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá trong hoạt động KH&CN là: tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KH&CN;  tăng cường đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN, trước hết là đầu tư vào hạ tầng KH&CN; xây dựng chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ KH&CN.

4. Sau khi Luật KH&CN năm 2000 có hiệu lực, Việt Nam có điều kiện pháp lý để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới. Tuy vậy, cơ chế, chính sách hiện hành chưa tạo điều kiện thực sự thuận lợi để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội do quá trình hội nhập đem lại; việc áp dụng phương pháp, quy trình, chuẩn mực quốc tế trong hoạt động đổi mới sáng tạo công nghệ và nghiên cứu phát triển còn hạn chế; chưa tận dụng được nguồn công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của thế giới, chưa thu hút được nguồn vốn nước ngoài và chuyên gia giỏi của các nước phát triển, chưa đào tạo được nhiều tập thể khoa học mạnh đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Để đảm bảo sự phù hợp và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam cam kết hoặc tham gia, khai thác có hiệu quả những cơ hội để tăng nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng và nhân lực KH&CN, nâng cao vị thế quốc tế về KH&CN  của Việt Nam, thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới cần phải ban hành Luật KH&CN mới..

Với những lý do nêu trên, việc ban hành Luật KH&CN năm 2013 là rất cần thiết nhằm tiếp tục khẳng định phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững; khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian qua; phát huy và tận dụng mọi cơ hội trong và ngoài nước để tăng cường tiềm lực KH&CN đáp ứng mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT KH&CN

Luật KH&CN năm 2013 được xây dựng trên cơ sở quán triệt các quan điểm chỉ đạo sau đây:

1. Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách về KH&CN được thể hiện trong Hiến pháp và các văn kiện của Đảng từ trước đến nay và được tiếp tục khẳng định và phát triển trong các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI năm 2011 và trong Nghị quyết TW6. Cụ thể như sau:

a) Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu;

b) KH&CN giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

c) Phát triển KH&CN nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới.

d) Phát triển đồng bộ các lĩnh vực KH&CN gắn với phát triển văn hoá và nâng cao dân trí.

đ) Tăng nhanh và sử dụng có hiệu quả tiềm lực KH&CN của đất nước, nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu KH&CN hiện đại trên thế giới.

e) Hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ.

2. Tạo cơ sở pháp lý hiệu lực cao, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN, xem đó là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN; phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức KH&CN chủ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm; phát triển mạnh thị trường KH&CN; đổi mới căn bản cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước và cơ chế xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo hướng lấy mục tiêu và hiệu quả ứng dụng là tiêu chuẩn hàng đầu; chuyển các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phương thức khoán sản phẩm KH&CN; phát triển các doanh nghiệp KH&CN, các quỹ trong lĩnh vực KH&CN; xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài KH&CN; thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì sự phát triển của đất nước.

3. Luật KH&CN năm 2013 phải thực sự trở thành một văn bản luật gốc trong lĩnh vực KH&CN; kế thừa các quy định pháp luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm và còn phù hợp với yêu cầu phát triển KH&CN hiện nay và những năm tới; khắc phục những hạn chế của Luật KH&CN hiện hành, bổ sung các quy định mới đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập .

4. Bảo đảm sự tương thích của pháp luật về KH&CN với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới và tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực KH&CN.

III. NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT KH&CN NĂM 2013

Luật KH&CN năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, bao gồm 11 Chương, 81 Điều.

So với Luật KH&CN năm 2000, Luật KH&CN năm 2013 có nhiều nội dung mới, quy định rõ hơn, hợp lý hơn, phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết TW6 về nhiệm vụ, nguyên tắc của hoạt động KH&CN, chính sách của Nhà nước về phát triển KH&CN; làm rõ hơn vị trí, vai trò của tổ chức KH&CN, sắp xếp lại mạng lưới tổ chức KH&CN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN, hiệu quả đầu tư cho KH&CN; các cơ chế, chính sách và biện pháp đào tạo, thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực KH&CN; các biện pháp sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, khuyến khích mạnh mẽ và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động KH&CN; đẩy mạnh việc ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất, kinh doanh; xây dựng cơ sở hạ tầng  phục vụ phát triển KH&CN; phát triển thị trường KH&CN

Nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật KH&CN năm 2013 so với Luật KH&CN 2000 được thể hiện cụ thể như sau:

1. Bỏ Lời nói đầu cho phù hợp với thông lệ ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Một số nội dung của Lời nói đầu được đưa xuống điều quy định về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động KH&CN.

2. Chương I về những quy định chung gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8). So với Luật KH&CN 2000, có một số điểm mới sau đây: bổ sung các điều về đối tượng áp dụng, chính sách của Nhà nước về KH&CN; chỉnh sửa, bổ sung một số từ ngữ trong điều giải thích từ ngữ; chỉnh sửa điều về nguyên tắc hoạt động KH&CN, nhiệm vụ của hoạt động KH&CN, các hành vi bị cấm; bổ sung điều về ngày KH&CN Việt Nam; bỏ điều về mục tiêu của hoạt động KH&CN, trách nhiệm của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động KH&CN.

3. Chương II về tổ chức KH&CN gồm 10 điều (từ Điều 9 đến Điều 18), được chia thành 02 mục. So với Luật KH&CN 2000, có một số điểm mới sau đây:

Sửa đổi, bổ sung các quy định làm rõ hình thức, phân loại tổ chức KH&CN (Điều 9); quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập (Điều 10) để bảo đảm phát triển đồng bộ các lĩnh vực KH&CN, thực hiện có hiệu quả các hoạt động KH&CN; quy định rõ điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN (Điều 11), thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức KH&CN (Điều 12) cho phù hợp với thực tiễn, với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của tổ chức KH&CN cho đầy đủ hơn, phù hợp với thực tiễn và theo hướng phát huy sức sáng tạo và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN (Điều 13, 14); bổ sung quy định về thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN nước ngoài tại Việt Nam để hoạt động KH&CN và các hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động KH&CN (Điều 15) và quy định về đánh giá, xếp hạng tổ chức KH&CN (các điều 16, 17 và 18).

4. Chương III về cá nhân hoạt động KH&CN và phát triển nguồn nhân lực KH&CN gồm 06 điều (từ Điều 19 đến Điều 24) quy định rõ các nội dung sau đây: chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ; quyền và nghĩa vụ của cá nhân hoạt động KH&CN; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học; ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài KH&CN; thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài.

5. Chương IV về xác định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN gồm 19 điều (từ Điều 25 đến Điều 43), được chia thành 05 mục làm rõ các nội dung sau đây: nhiệm vụ KH&CN, đề xuất, phê duyệt, ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH&CN; phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN, liên kết xác định và thực hiện nhiệm vụ KH&CN; hợp đồng KH&CN; đánh giá, nghiệm thu, đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, hội đồng KH&CN chuyên ngành, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN; trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN; quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

6. Chương V về ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phổ biến kiến thức KH&CN gồm 05 điều (từ Điều 44 đến Điều 48) quy định rõ các vấn đề sau đây: trách nhiệm triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của bên đề xuất đặt hàng hoặc đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng KH&CN trong dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới sáng tạo; truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN.

7. Chương VI về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển KH&CN gồm 17 điều (từ Điều 49 đến Điều 65), được chia thành 04 mục, quy định rõ các nội dung sau đây: ngân sách nhà nước cho KH&CN; mục đích chi ngân sách nhà nước cho KH&CN; xây dựng dự toán và quản lý việc sử dụng ngân sách nhà nước dành cho KH&CN; áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; cơ chế cấp, sử dụng, quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt thực hiện nhiệm vụ KH&CN đặc biệt; huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho KH&CN; đầu tư của doanh nghiệp cho KH&CN; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phát triển doanh nghiệp KH&CN; chính sách của nhà nước thành lập và khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các quỹ để huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động KH&CN; quỹ phát triển KH&CN quốc gia; quỹ phát triển KH&CN của bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quỹ phát triển KH&CN của tổ chức, cá nhân; quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; chính sách thuế đối với hoạt động KH&CN; chính sách tín dụng đối với hoạt động KH&CN.

8. Chương VII về xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển thị trường KH&CN gồm 04 điều (từ Điều 66 đến Điều 69) quy định rõ việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển KH&CN; xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ cao; xây dựng hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, thống kê về KH&CN; xây dựng và phát triển thị trư­ờng KH&CN. 

9. Chương VIII về hội nhập quốc tế về KH&CN gồm 03 điều (từ Điều 70 đến Điều 72). Đây là chương mới, thay thế cho chương về hợp tác quốc tế của Luật KH&CN 2000, quy định rõ các nội dung: nguyên tắc hội nhập quốc tế về KH&CN (Điều 70); các hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN (Điều 71); các biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN phù hợp với yêu cầu của quá trình phát triển hội nhập quốc tế về KH&CN hiện tại và những năm tới (Điều 72).

10. Chương IX về trách nhiệm quản lý Nhà nước về KH&CN thay cho các quy định của Luật KH&CN 2000 về “Quản lý nhà nước về KH&CN”, gồm 04 điều (từ Điều 73 đến Điều 76), quy định rõ phạm vi trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong lĩnh vực KH&CN làm cơ sở để kiện toàn và nâng cao hiệu lực cũng như hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN từ Trung ương xuống cơ sở.

11. Chương X về khen thưởng và xử lý vi phạm gồm 03 điều (từ Điều 77 đến Điều 79) quy định việc phong, tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước, khen thưởng và giải thưởng KH&CN; nhận danh hiệu, giải thưởng KH&CN của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế; xử lý vi phạm.

12. Chương XI về Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 80, Điều 81) quy định Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, Luật KH&CN 2000 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực; Chính phủ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.

IV. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI LUẬT KH&CN NĂM 2013

Luật KH&CN năm 2013 được Quốc hội thông qua có nhiều nội dung đổi mới chưa từng có ở nước ta từ trước đến nay đối với hoạt động KH&CN. Đây là một cơ hội thực sự, một bước quan trọng mở đường và tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đẩy mạnh các hoạt động KH&CN trong những năm tới. Tuy nhiên vấn đề hiện nay là làm thế nào để đưa đạo luật này vào cuộc sống.

 Việc cần làm ngay là xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật kịp thời và đồng bộ. Đây là việc làm hết sức khó khăn do phần lớn các quy định của Luật cũng chỉ có tính nguyên tắc, phải có hàng loạt văn bản hướng dẫn cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp Bộ, ngành thì mới thi hành được. Cũng có một số quy định của Luật chưa thể thi hành được ngay không phải vì phụ thuộc vào văn bản hướng dẫn Luật này mà phụ thuộc vào việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật liên quan như Luật đất đai, các luật về thuế..., vì trong quá trình xây dựng và thông qua Luật, các cơ quan có thẩm quyền quyết định không đưa các ưu đãi cụ thể về đất đai, về thuế, tín dụng... vào Luật KH&CN mà chỉ khẳng định nguyên tắc những trường hợp được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật có liên quan.

Vấn đề thứ hai là phải tuyên truyền, phổ biến để mọi tổ chức, cá nhân, kể cả các cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức, có nhận thức đúng và quán triệt được đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với KH&CN cũng như các quy định của Luật để triển khai thực hiện.

Hiện nay Bộ KH&CN đã và đang triển khai thực hiện chương trình cụ thể về xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm khi Luật có hiệu lực thi hành thì phần lớn các nghị định hướng dẫn thi hành Luật cũng được Chính phủ ban hành cũng như xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến triển khai Luật./.


DỰ KIẾN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 2013

1.               Xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật KH&CN năm 2013

TT

 

Tên văn bản

 

Thời gian trình

I.

VĂN BẢN CẤP CHÍNH PHỦ

1.      

Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN (chủ yếu hướng dẫn các điều 11, 12, 25, 30, 32, 41, 43, 46 của Luật KH&CN năm 2013)

Tháng 10/2013

2.      

Nghị định về đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN (chủ yếu hướng dẫn Chương VI của Luật KH&CN năm 2013)

Tháng 10/2013

3.      

Nghị định quy định về việc sử dụng, trọng dụng cán bộ KH&CN (chủ yếu hướng dẫn các điều 19, 22, 23 của Luật KH&CN năm 2013)

Tháng 11/2013

4.      

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ngày 22/10/2003 của Chính phủ về thành lập Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Nghị định số 201/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học xã hội và nhân văn, Nghị định số 159/2004/NĐ-CP ngày 31/8/2004 của Chính phủ về thông tin KH&CN, Nghị định số 30/2006/NĐ-CP ngày 29/03/2006 của Chính phủ về thống kê KH&CN, Nghị định số 80/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực KH&CN (chủ yếu hướng dẫn các điều 11, 15, 60, 68 của Luật KH&CN năm 2013)

Tháng 11/2013

II.

VĂN BẢN CẤP THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

1.                

Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển các khu công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao (chủ yếu hướng dẫn Điều 67 của Luật KH&CN năm 2013)

Tháng 12/2014

2.                

Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập (chủ yếu hướng dẫn Điều 10 của Luật KH&CN năm 2013)

Tháng 12/2015

3.                

Quyết định phê duyệt đề án về kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của các tổ chức KH&CN quan trọng; các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế (chủ yếu hướng dẫn Điều 66 của Luật KH&CN năm 2013)

Tháng 12/2015

III.

VĂN BẢN CẤP BỘ

1.                

Thông tư quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (chủ yếu hướng dẫn Điều 26 và Điều 27 Luật KH&CN năm 2013)

Tháng 10/2013

2.                

Thông tư quy định về tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN (chủ yếu hướng dẫn Điều 29 Luật KH&CN năm 2013)

Tháng 01/2014

3.                

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về mẫu các loại hợp đồng KH&CN (chủ yếu hướng dẫn Điều 33 Luật KH&CN năm 2013)

Tháng 01/2014

4.                

Thông tư quy định xây dựng và quản lý các nhiệm vụ hợp tác quốc tế về KH&CN theo Nghị định thư (thay thế Quyết định số 14/2005/QĐ-BKHCN ngày 08/9/2005)

Tháng 01/2014

5.                

Thông tư quy định Điều lệ mẫu tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN của bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (chủ yếu hướng dẫn Điều 61 Luật KH&CN năm 2013)

Tháng 01/2014

6.                

Thông tư liên tịch quy định việc xét giao biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp cho các trường đại học (chủ yếu hướng dẫn Điều 75 Luật KH&CN năm 2013)

Tháng 01/2014

 

7.                

Thông tư quy định tiêu chí, thủ tục đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN (chủ yếu hướng dẫn Điều 37 Luật KH&CN năm 2013)

Tháng 01/2014

8.                

Thông tư liên tịch quy định danh mục, tiêu chuẩn và mã số chức danh nghiên cứu khoa học và chức danh công nghệ (chủ yếu hướng dẫn Điều 19 Luật KH&CN năm 2013).

Tháng 12/2014

9.                

Thông tư quy định về tiêu chí và phương pháp đánh giá tổ chức KH&CN (chủ yếu hướng dẫn Điều 17 Luật KH&CN năm 2013)

Tháng 12/2014

 

2.               Tuyên truyền, phổ biến Luật KH&CN trên phương tiện thông tin đại chúng

TT

Nội dung công việc

Tiến độ

1.         

Tọa đàm, trả lời phỏng vấn về Luật KH&CN năm 2013 trên Đài truyền hình Việt Nam

Tháng 11/2013

2.         

Tọa đàm, trả lời phỏng vấn về Luật KH&CN năm 2013 trên Đài tiếng nói Việt Nam

Quý I/2014

3.         

Viết bài giới thiệu trên các báo, tạp chí

Quý I/2014

4.         

In Luật KH&CN năm 2013 bằng tiếng Việt - Anh

Quý II/2014

2. Tổ chức các hội nghị phổ biến Luật KH&CN cho các tổ chức, cá nhân

TT

Nội dung công việc

Tiến độ

1.                

Tổ chức phổ biến cho cán bộ chủ chốt, cán bộ, công chức của Bộ về nội dung của Luật KH&CN năm 2013

Tháng 11/2013

2.                

Tổ chức phổ biến Luật KH&CN năm 2013 tại Hà Nội cho lãnh đạo, chuyên viên quản lý trong lĩnh vực KH&CN và các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN các tỉnh phía Bắc

Tháng 8/2013

3.                

Tổ chức phổ biến Luật KH&CN năm 2013 tại Hà Nội cho lãnh đạo, chuyên viên quản lý trong lĩnh vực KH&CN và các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN các tỉnh miền Trung

Tháng 9/2013

4.                

Tổ chức phổ biến Luật KH&CN năm 2013 tại thành phố Hồ Chí Minh cho lãnh đạo, chuyên viên quản lý trong lĩnh vực KH&CN và các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN các tỉnh phía Nam

Quý

I/2014

 

 
Đề cương giới thiệu Luật đấu thầu
Đề cương giới thiệu Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Đề cương giới thiệu Luật Đất đai
Đề cương giới thiệu Luật Tiếp công dân
Đề cương giới thiệu việc làm
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng
Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối
Đề cương giới thiệu Luật phòng, chống thiên tai
Đề cương giới thiệu Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 07/2013/UBTVQH13
Giới thiệu Luật Hòa giải cơ sở
Đề cương giới thiệu Luật giáo dục quốc phòng và an ninh
Đề cương giới thiệu Luật Công đoàn năm 2012.
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư.
Đề cương giới thiệu Luật Hợp tác xã năm 2012
Đề cương giới thiệu Luật Giáo dục đại học
Đề cương giới thiệu Luật Dự trữ quốc gia.
Đề cương giới thiệu Luật Xuất bản
Đề cương giới thiệu Luật Thủ đô

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 1644822