09/05/2014 08:11        

Đề cương giới thiệu Luật phòng, chống thiên tai

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ

PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỔNG CỤC THUỶ LỢI

 

 

ĐỀ CƯƠNG

GIỚI THIỆU LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

 

Ngày 19 tháng 06 năm 2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật phòng, chống thiên tai. Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố số 07/2013/L-CTN ngày 28 tháng 6 năm 2013 và Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2014.

 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa nằm ở một trong 05 ổ bão lớn của thế giới, hàng năm phải đối mặt với nhiều loại thiên tai xảy ra. Trong những năm gần đây, diễn biến thiên tai và thời tiết ở Việt Nam ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường và phức tạp hơn. Biến đổi khí hậu và tình trạng trái đất ấm lên được cảnh báo sẽ làm cho thiên tai trở nên tồi tệ hơn trên phạm vi toàn cầu. Ở cấp độ quốc gia, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số càng làm gia tăng các nguy cơ, hiểm họa trước thiên tai [1].

Trong những năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số luật, pháp lệnh liên quan đến phòng, chống thiên tai bao gồm: Luật tài nguyên nước năm 1998, Luật đê điều năm 2006; Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão năm 2000, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi năm 2001 và một số luật, pháp lệnh có liên quan khác. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó có: Nghị định số 08/2006/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng chống lụt bão sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000; Nghị định số 50/NĐ-CP quy định về quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ Phòng chống lụt bão của địa phương; Nghị định số 14/2000/NĐ-CP quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt, bão trung ương, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành và địa phương (thay thế cho Nghị định số 168/1990/NĐ-HĐBT); Nghị định số 04/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão; Nghị định số 113/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đê điều. v.v… Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định về quy chế, cơ chế, chính sách trong phòng, chống thiên tai.

Hệ thống văn bản pháp luật nêu trên đã đi vào cuộc sống, trở thành công cụ pháp lý quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, qua tổng kết tình hình thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai trong thời gian qua cho thấy các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam còn có những bất cập chính như sau:

- Thứ nhất, chưa có một đạo luật chung điều chỉnh công tác phòng, chống các loại thiên tai. Các văn bản pháp luật chủ yếu mới điều chỉnh về phòng, chống lũ, ngập lụt, nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sạt lở đất do mưa, lũ, bão và sóng biển gây ra, còn việc phòng, chống các loại thiên tai khác chưa được pháp luật quy định hoặc chỉ được quy định ở các văn bản có hiệu lực pháp lý chưa cao: Pháp lệnh Phòng chống lụt bão điều chỉnh trực tiếp công tác phòng chống đối với “lũ, ngập lụt, nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sạt lở đất do mưa, lũ, bão và sóng biển gây ra”. Luật tài nguyên nước cũng quy định về phòng chống các tai nạn liên quan tới nước, bao gồm lụt, bão, ngoài ra còn điều chỉnh thêm về phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, tràn, mưa đá, mưa a-xít (không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh phòng chống lụt bão). Công tác phòng, chống động đất, sóng thần được quy định tại Quy chế phòng chống động đất, sóng thần do Chính phủ ban hành (2006). Một số loại thiên tai thường xảy ra ở Việt Nam và tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế, xã hội nhưng lại chưa có văn bản riêng điều chỉnh về công tác phòng, chống như: nắng nóng, rét đậm, rét hại…

- Thứ hai, trong hệ thống pháp luật hiện nay còn thiếu các quy định và chế tài cụ thể về lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành và địa phương, dẫn đến giải pháp phát triển thiếu đồng bộ và bền vững trước thiên tai, nhiều công trình hạ tầng dễ bị hư hỏng, xuống cấp, một số gây cản trở thoát lũ hoặc làm tăng nguy cơ sạt lở.

- Thứ ba, chưa có quy định về việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai, dẫn đến không chú trọng bố trí nguồn lực tương xứng. Khi thiên tai xảy ra mới tập trung ứng phó và khắc phục thiệt hại. Do đó, việc sử dụng nguồn lực cho phòng, chống thiên tai kém hiệu quả.

- Thứ tư, chưa có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai của cộng đồng dẫn đến nhiều người dân không biết hoặc không tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống thiên tai.

- Thứ năm, trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu chính quyền địa phương chỉ mới được quy định ở các văn bản hướng dẫn hiệu lực pháp lý thấp. Do đó, có tình trạng một số địa phương, nhất là cấp xã, chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm, thiếu chủ động trong phòng, chống thiên tai.

- Thứ sáu, quan điểm của Đảng chỉ đạo về phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được thể hiện rõ trong các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ sung và phát triển năm 2011; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 nhưng chưa được thể hiện hóa kịp thời, đầy đủ trong các văn bản pháp luật.

- Thứ bảy, một số điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như Nghị định thư Kyoto và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Khung hành động Hyogo về giảm nhẹ thiên tai, Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (AADMER)... chưa được nội luật hóa trong các văn bản pháp luật của Việt Nam.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, cần thiết phải xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Luật phòng, chống thiên tai.

 

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT

Luật phòng, chống thiên tai năm 2013 được xây dựng dựa trên những quan điểm sau:

Một là, thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia; phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng địa phương trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo.

Chủ trương của Đảng về công tác phòng, chống thiên tai đã được khẳng định tại Nghị quyết số 26 NQ/TƯ ngày 5 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nhấn mạnh mục tiêu "nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chủ động triển khai một bước các công trình giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và nước biển dâng...". Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 với mục tiêu chung là huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác PCTT từ nay đến năm 2020, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa, góp phần quan trọng bảo đảm phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chiến lược cũng khẳng định, công tác giảm nhẹ thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện, xác định ưu tiên đầu tư cho công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai là yếu tố quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững, kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình, đảm bảo hài hoà với thiên nhiên và cảnh quan môi trường, đồng thời thúc đẩy thực hiện việc lồng ghép hoạt động giảm nhẹ thiên tai vào trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng, từng lĩnh vực, quốc gia; song song với đó, thúc đẩy thực thi nghiên cứu và đánh giá một cách toàn diện các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và những hiện tượng bất thường khác của khí hậu để có giải pháp, cân đối nguồn lực để thực hiện.

Hai là, kế thừa và pháp điển hóa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh phòng, chống lụt bão và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật nhằm tăng giá trị pháp lý của các quy định này.

Ba là, phù hợp với những thông lệ và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.

Bốn là, dựa trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn về phòng, chống thiên tai giai đoạn trước.

 

III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

Luật phòng, chống thiên tai bao gồm 6 chương, 47 điều.

Chương I. Những quy định chung

Chương này bao gồm 12 điều, từ Điều 1 đến Điều 12, quy định về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai; chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai; nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai; vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm cho hoạt động phòng, chống thiên tai; nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai (ngân sách nhà nước; Quỹ phòng, chống thiên tai; nguồn đóng góp tự nguyện cho phòng, chống thiên tai) và các hành vi bị cấm.

1. Về đối tượng điều chỉnh:

Luật đã quy định thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm 19 loại hình thiên tai phổ biến: "bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần" và các loại thiên tai khác để có căn cứ pháp lý tổ chức thực hiện cụ thể và linh hoạt khi phát sinh loại thiên tai mới (như núi lửa, thiên thạch rơi, …).

2. Về nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai

Luật đã quy định 7 nguyên tắc cơ bản trong phòng chống thiên, gồm:

- Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

- Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau.

- Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

- Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.

- Phòng, chống thiên tai phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới.

- Phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai.

Đây là các nguyên tắc chủ đạo, được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ nội dung quy định của Luật.

3. Về chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai và nguồn lực phục vụ cho hoạt động phòng, chống thiên tai

Trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản, Luật cũng đã quy định các chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai và nguồn lực phục vụ cho hoạt động phòng, chống thiên tai (bao gồm: nguồn nhân lực; vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm và nguồn tài chính).

3.1 Về chính sách

 Luật quy định 5 chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai, bao gồm:

- Có chính sách đồng bộ về đầu tư, huy động nguồn lực và giải pháp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm và hỗ trợ địa phương xây dựng công trình phòng, chống thiên tai theo phân cấp của Chính phủ.

- Đào tạo, giáo dục, huấn luyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân trong việc tuân thủ pháp luật và tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng thường xuyên bị thiên tai; di dời dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; hỗ trợ về đời sống và sản xuất đối với đối tượng bị thiệt hại do thiên tai gây ra, ưu tiên vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, đối tượng dễ bị tổn thương.

- Khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống thiên tai; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình, nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động phòng, chống thiên tai. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống thiên tai.

- Ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm rủi ro thiên tai; hỗ trợ đối với doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh ở vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về phòng, chống thiên tai; chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản đóng góp cho phòng, chống thiên tai.

Như vậy, ngoài 04 nhóm chính sách đang được thực hiện theo Pháp lệnh phòng chống lụt bão hiện hành, Luật còn quy định chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm rủi ro thiên tai.

3.2 Về nguồn nhân lực

 Luật đã xác định tổ chức, hộ gia đình và cá nhân là chủ thể, lực lượng tại chỗ trong phòng, chống thiên tai, thể hiện quan điểm xã hội hóa trong hoạt động phòng, chống thiên tai, đồng thời xác định quân đội nhân dân, công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

3.3 Về nguồn tài chính

Nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai bao gồm: ngân sách nhà nước; quỹ phòng, chống thiên tai và nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân, được quy định như sau:

+ Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách nhà nước theo dự toán chi hằng năm và dự phòng ngân sách nhà nước. Luật cũng quy định cụ thể nội dung chi, việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước theo dự toán chi hằng năm và việc sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai.

+ Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ được thành lập ở cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Quỹ phòng, chống thiên tai không bao gồm ngân sách nhà nước và không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai bao gồm: đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài tại địa bàn, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật và các nguồn hợp pháp khác. Luật cũng quy định một số nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ và giao Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, mức đóng góp, đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán Quỹ phòng, chống thiên tai.

+ Nguồn đóng góp tự nguyện cho phòng, chống thiên tai dưới các hình thức: đóng góp vào quỹ xã hội, quỹ từ thiện; tham gia quyên góp theo quy định của pháp luật và hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai. Luật cũng quy định việc phân bổ, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện được thực hiện theo quy định của pháp luật về quỹ xã hội, quỹ từ thiện và có sự thống nhất của chính quyền địa phương nơi có đối tượng được hỗ trợ.

- Về vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm cho hoạt động phòng, chống thiên tai: Luật đã quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải có trách nhiệm chuẩn bị để ứng phó với thiên tai, đặc biệt các dự trữ "4 tại chỗ" tại địa phương và cộng đồng.

4. Về các hành vi bị cấm

Luật quy định 10 hành vi bị cấm trong phòng, chống thiên tai, bao gồm:

- Lợi dụng thiên tai và hoạt động phòng, chống thiên tai gây phương hại đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh và lợi ích khác của quốc gia; gây mất trật tự xã hội; xâm hại tài sản của Nhà nước và nhân dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng và thực hiện các hoạt động trái pháp luật khác.

- Phá hoại, làm hư hại, cản trở sự vận hành của công trình phòng, chống thiên tai.

- Vận hành hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện, cống, trạm bơm không đúng quy trình được phê duyệt, trừ trường hợp đặc biệt thực hiện theo chỉ đạo của người có thẩm quyền.

- Thực hiện hoạt động làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục, đặc biệt là chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm bãi sông, lòng sông, tạo vật cản, cản trở dòng chảy, khai thác trái phép cát, sỏi, khoáng sản gây sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền.

- Chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó khẩn cấp thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền.

- Lợi dụng thiên tai đầu cơ nâng giá hàng hóa, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để trục lợi, gây thiệt hại tới đời sống dân sinh.

- Sử dụng sai mục đích, chiếm dụng, làm thất thoát tiền và hàng cứu trợ; cứu trợ không kịp thời, không đúng đối tượng.

- Cố ý đưa tin sai sự thật về thiên tai và hoạt động phòng, chống thiên tai.

- Cố ý báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chương II. Hoạt động phòng, chống thiên tai

Chương này gồm 3 mục, từ Mục 1 đến Mục 3, với 21 điều, từ Điều 13 đến Điều 33, quy định hoạt động phòng, chống thiên tai theo chu trình gồm ba giai đoạn: phòng ngừa thiên tai; ứng phó thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai.

1. Mục 1: Phòng ngừa thiên tai (gồm 11 điều, từ Điều 13 đến Điều 23), quy định các nội dung:

- Quy định về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và cơ sở để xây dựng chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai; xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp quốc gia, cấp bộ và các cấp địa phương; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.

- Quy định các nội dung về xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai, theo dõi, giám sát thiên tai.

- Quy định nội dung về cấp độ rủi ro thiên tai: Rủi ro thiên tai được phân thành các cấp độ. Cấp độ rủi ro thiên tai là cơ sở cho việc cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Quy định các tiêu chí để phân cấp độ và giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai.

- Quy định về lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội; nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm dân cư nông thôn và công trình hạ tầng kỹ thuật; xây dựng và bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình kết hợp phòng, chống thiên tai phải đảm bảo an toàn trước thiên tai, đồng thời không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.

- Quy định về thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai bằng nhiều hình thức, phương tiện, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai của tổ chức, cá nhân, trong đó nhấn mạnh quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương và cộng đồng dân cư; quy định việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng bằng nhiều hình thức phù hợp với các nhóm đối tượng trong cộng đồng.

- Xây dựng phương án ứng phó thiên tai và chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".

Trong mỗi nội dung hoạt động của giai đoạn phòng ngừa, Luật đã giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các cấp để thực hiện.

2. Mục 2: Ứng phó thiên tai (gồm 6 điều, từ Điều 24 đến Điều 29), quy định các nội dung:

- Quy định về việc phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai, trong đó quy định trách nhiệm của các cơ quan dự báo, cảnh báo để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó thiên tai và sự chủ động phòng tránh của cộng đồng.

- Luật cũng quy định việc chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai phải bám sát vào bản tin dự báo, cảnh báo và diễn biến thiên tai xảy ra trên thực tế. Đồng thời, cũng đề ra các biện pháp cơ bản để ứng phó với từng loại thiên tai cụ thể làm cơ sở cho cơ quan chỉ đạo, chỉ huy lựa chọn biện pháp ứng phó phù hợp.

- Quy định cụ thể trách nhiệm trong ứng phó thiên tai của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.

- Về thẩm quyền huy động nguồn lực phục vụ hoạt động ứng phó thiên tai: Luật đã giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm đã được chuẩn bị theo phương châm bốn tại chỗ, huy động của tổ chức, cá nhân trên địa bàn để phục vụ ứng phó thiên tai và cứu trợ khẩn cấp; quy định thẩm quyền huy động của Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của bộ, cơ quan ngang bộ để ứng phó thiên tai trong phạm vi quản lý và hỗ trợ các địa phương; thẩm quyền của Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai trong việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ huy động nguồn lực để hỗ trợ các địa phương, các bộ, ngành ứng phó thiên tai trong trường hợp thiên tai xảy ra nghiêm trọng, phạm vi rộng, vượt quá khả năng ứng phó của địa phương, bộ, cơ quan ngang bộ.

- Quy định các nội dung hoạt động và trách nhiệm thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn trong ứng phó thiên tai của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và lực lượng vũ trang nhân dân cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải chủ động và tham gia phòng tránh, ứng phó thiên tai.

3. Mục 3: Khắc phục hậu quả thiên tai (gồm 4 điều, từ Điều 30 đến Điều 33), quy định về:

-  Xác định các nội dung hoạt động trong giai đoạn khắc phục hậu quả thiên tai, quy định trách nhiệm thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp trong việc thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai.

- Quy định các hình thức, đối tượng và nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ, trong đó nhấn mạnh việc cứu trợ khẩn cấp trong và ngay sau khi thiên tai xảy ra để ổn định đời sống nhân dân.

- Quy định về thẩm quyền huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ để khắc phục hậu quả thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc vận động quyên góp và phân bổ nguồn lực để cứu trợ, hỗ trợ.

Chương III. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phòng, chống thiên tai

Chương này gồm 4 điều, từ Điều 34 đến Điều 37, quy định về:

- Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân: trong đó quy định hộ gia đình, cá nhân phải có nghĩa vụ chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai cho bản thân và gia đình; chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, người có thẩm quyền; tham gia hỗ trợ cộng đồng phòng, chống thiên tai. Việc đề cao tính chủ động của hộ gia đình, cá nhân là chủ trương xã hội hóa công tác phòng, chống thiên tai, nhằm huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế;

- Quy định quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong phòng, chống thiên tai.

- Đặc biệt, Luật cũng đã quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

Chương IV. Hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai

Chương này gồm 4 điều, từ Điều 38 đến Điều 41.

Việc quy định nội dung Hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai đã thể hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong công tác phòng, chống thiên tai, nhằm nội luật hóa các cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc là thành viên.

Luật đã quy định các nội dung về hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai, bao gồm:

- Quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai;

- Quy định nội dung hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai;

-  Quy định cơ quan đầu mối và cơ quan có thẩm quyền hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai;

- Quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam.

Chương V. Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai

Chương này gồm 4 điều, từ Điều 42 đến Điều 45, quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai, bao gồm:

- Trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, bộ và cơ quan ngang bộ;

- Trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp;

- Quy định về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy về phòng, chống thiên tai, trong đó quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai; quy định việc thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các bộ, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Luật cũng đã quy định nội dung về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Chương VI. Điều khoản thi hành

Chương này gồm 2 điều, từ Điều 46 đến Điều 47, quy định thời điểm hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 01 tháng 5 năm 2014 và giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.

 

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để tổ chức thực hiện Luật phòng, chống thiên tai, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, bao gồm:

1. Nghị định của Chính phủ

1.1. Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, quy định chi tiết các nội dung sau:

- Khoản 4, Điều 25: quy định cụ thể các cơ quan có trách nhiệm truyền tin; tần suất, thời lượng phát tin chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai; mạng lưới thông tin, trang thiết bị phục vụ hoạt động chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai.

- Khoản 8, Điều 27: quy định việc phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó thiên tai phù hợp với cấp độ rủi ro thiên tai.

- Khoản 3, Điều 33: quy định cụ thể việc huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.

- Khoản 3, Điều 41: quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam.

- Khoản 4, Điều 44: quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của bộ, cơ quan ngang bộ, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Dự kiến thời gian trình: tháng 3/2014.

1.2. Nghị định quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai (thay thế Nghị định 50/CP ngày 10/5/1997 của Chính phủ ban hành quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ Phòng, chống lụt bão của địa phương).

- Cụ thể hoá khoản 5, Điều 10 của Luật.

- Dự kiến thời gian trình: tháng 3/2014.

2. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

2.1. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về cấp độ rủi ro thiên tai.

- Cụ thể hoá khoản 3, Điều 18 của Luật.

- Dự kiến thời gian trình: tháng 3/2014.

2.2. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai (thay thế Quyết định số 17/2011/TTg ngày 14/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ và Quyết định số 264/2006/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần).

- Cụ thể hoá khoản 5, Điều 24 của Luật.

- Dự kiến thời gian trình: tháng 3/2014.

Ngoài ra, để tổ chức thi hành Luật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai giúp cán bộ và nhân dân nắm, hiểu rõ và chấp hành các quy định của Luật.



[1] Theo số liệu thống kê trong hơn 30 năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước đã gây ra nhiều tổn thất về người và tài sản. Bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1,0 - 1,5% GDP. Thiên tai đang là nguy cơ lớn đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

 
Đề cương giới thiệu Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Đề cương giới thiệu Luật Công chứng năm 2014
Đề cương giới thiệu Luật Hải quan năm 2014
Đề cương giới thiệu Luật đấu thầu
Đề cương giới thiệu Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Đề cương giới thiệu Luật Đất đai
Đề cương giới thiệu Luật Tiếp công dân
Đề cương giới thiệu việc làm
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng
Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối
Đề cương giới thiệu Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 07/2013/UBTVQH13
Giới thiệu Luật Hòa giải cơ sở
Đề cương giới thiệu Luật Khoa học và công nghệ năm 2013.
Đề cương giới thiệu Luật giáo dục quốc phòng và an ninh
Đề cương giới thiệu Luật Công đoàn năm 2012.
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư.
Đề cương giới thiệu Luật Hợp tác xã năm 2012
Đề cương giới thiệu Luật Giáo dục đại học

  • Tiếc
    16/04/2024
    Một ông nổi tiếng keo kiệt phải cấp cứu vì ăn nhầm nấm độc. Sau khi được bác sỹ rửa ruột, tiêm thuốc, ông ta hồi tỉnh lại. Trước khi cho xuất viện, báo sỹ hỏi:
  • Giải đáp
    16/04/2024
    Bà vợ hỏi ông chồng: - Tại sao người ta chọn Giờ Trái đất vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm ông nhỉ?
  • Món ngon
    16/04/2024
    Hai bợp nhậu ngồi tám chuyện: - Đố ông, trong các món mồi nhậu, con gì ngon nhất?
Số lượt truy cập: 482003