28/05/2014 09:54        

Đề cương giới thiệu Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật

BỘ TƯ PHÁP

 

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

------------------

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ

PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT

-----------------------

 

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU

LUẬT BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

 

Ngày 25/11/2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13. Chủ tịch nước ký Lệnh số 16/2013/L-CTN ngày 06/12/2013 công bố Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật và Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 .

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

1. Bối cảnh, thực trạng quan hệ xã hội đòi hỏi phải có sự điều chỉnh của pháp luật

Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật được Ủy ban Thường vụ                Quốc hội khoá X thông qua ngày 25/7/2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2002 thay thế Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 1993 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh). Sau 10 năm thi hành, Pháp lệnh đã thực sự góp phần quan trọng, tạo cơ sở pháp lý trong việc phòng trừ sâu bệnh, ngăn chặn kịp thời dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật; góp phần ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của nước ta.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực thi Pháp lệnh năm 2001 đã bộc lộ một số hạn chế là chưa đáp ứng được những đòi hỏi của hoạt động quản lý nhà nước trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Ở tầm Pháp lệnh năm 2001, các quy định chỉ mang tính cụ thể trước mắt, chưa xác lập những quy định pháp luật với tầm nhìn chiến lược cho một giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, việc thiếu các quy định đáp ứng yêu cầu của thực tế trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đẩy mạnh xã hội hóa, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả của một công cụ pháp lý quan trọng trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong thời kỳ mới.

2. Tổng kết, đánh giá thực trạng của các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật (BV&KDTV)

Trong các năm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2000, để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành các Nghị định: Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 ban hành Điều lệ bảo vệ thực vật, Điều lệ kiểm dịch thực vật, Điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật; Nghị định số 02/2007/NĐ-CP ngày 05/01/2007 quy định về kiểm dịch thực vật; Nghị định số 26/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các Quyết định về quy chế, cơ chế, chính sách trong phòng chống sinh vật gây hại thực vật.

Hệ thống văn bản pháp luật được ban hành đã đi vào cuộc sống trở thành công cụ pháp lý quan trọng trong công tác quản lý về bảo vệ và kiểm dịch thực vật của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua tổng kết tình hình thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy các quy định hiện hành của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật còn có những bất cập chính như sau:

Thứ nhất, một số quy định trong Pháp lệnh chưa phù hợp hoặc còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong thời kỳ mới cụ thể:

- Các quy định về phòng, trừ sinh vật gây hại tại Chương II của Pháp lệnh:

    + Chưa có các quy định cụ thể về điều kiện công bố dịch sinh vật gây hại thực vật, điều kiện công bố hết dịch. Mặc dù Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ cũng đã quy định điều kiện công bố dịch tại Điều 9 của Điều lệ bảo vệ thực vật “Nếu sinh vật gây hại tài nguyên thực vật phát triển nhanh trên diện rộng và có nguy cơ gây hại nghiêm trọng trên 60% diện tích gieo trồng bị nhiễm và trên 30% diện tích gieo trồng bị nhiễm nặng” nhưng quy định này chỉ phù hợp với sinh vật gây hại thông thường; đối với sinh vật gây hại lạ đặc biệt là các bệnh về vi rút, vi khuẩn thì điều kiện công bố dịch cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Thực tế trong những năm vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải ra quyết định công bố dịch không đủ điều kiện theo quy định nêu trên đối với các bệnh rầy nâu hại lúa năm 2006 tại các tỉnh phía Nam, bệnh vàng lùn, lùn sọc đen hại lúa tại các tỉnh phía Bắc năm 2009, 2010.

     + Thẩm quyền công bố dịch đối với sinh vật gây hại kiểm dịch thực vật và sinh vật gây hại lạ chưa được quy định.

- Các quy định về kiểm dịch thực vật tại Chương III của Pháp lệnh:

     + Một số khái niệm về kiểm dịch thực vật chưa phù hợp và thiếu so với các quy định của quốc tế như: sinh vật gây hại kiểm dịch thực vật, phân tích nguy cơ dịch hại, vùng không nhiễm dịch sinh vật gây hại,…

     + Mức độ bảo vệ thích hợp của các biện pháp kiểm dịch thực vật thấp hơn so với các tiêu chuẩn và quy định trong các văn bản quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết như: Các hình thức xử lý trong kiểm dịch thực vật (tạm ngừng, cấm xuất nhập khẩu vật thể có nguy cơ cao nhiễm sinh vật gây hại kiểm dịch thực vật), biện pháp kỹ thuật (phân tích nguy cơ dịch hại),… Các quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật tại Chương IV của Pháp lệnh:

     + Các khái niệm về thuốc bảo vệ thực vật chưa phù hợp so với các quy định của quốc tế, cần bổ sung thêm một số khái niệm về thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kỹ thuật, thuốc thành phẩm,…

     + Quy định về điều kiện đăng ký, sản xuất, buôn bán, sử dụng, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật còn thiếu và chưa cụ thể; đặc biệt thiếu quy định về việc loại bỏ các thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi danh mục được phép sử dụng.

     + Vấn đề tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật và nhất là vấn đề thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng chưa được quy định cụ thể. Đây là một khó khăn trong thực tế những năm qua ở địa phương.

Thứ hai, chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính; xã hội hóa trong công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

- Quy định về điều kiện xử lý vật thể kiểm dịch thực vật, về sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật chưa cụ thể, rõ ràng.

- Quy định về các thủ tục hành chính chưa cụ thể và chặt chẽ nên việc thực hiện các hoạt động này chưa rõ ràng, minh bạch.

- Pháp lệnh chưa quy định việc xã hội hóa để huy động các nguồn lực trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Thứ ba, nhằm đáp ứng yêu cầu “thể chế kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối của Đảng, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp...” đồng thời phù hợp với chủ trương “Giảm dần pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và nghị định của Chính phủ quy định những vấn đề chưa có luật. Những pháp lệnh, nghị định này sau một thời gian thực hiện, được kiểm nghiệm là đúng thì hoàn chỉnh để chuyển thành luật” đã được xác định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII.

Bên cạnh đó, một số luật mới liên quan đến lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật được ban hành như: Luật hóa chất, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật bảo vệ môi trường, Luật tiêu chuẩn quy chuẩn, Luật an toàn thực phẩm,... Trong đó, một số Luật giao cho ngành nông nghiệp quy định cụ thể vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Do đó một số quy định trong Pháp lệnh đến nay không còn phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ với các luật này.

Thứ tư, Pháp lệnh được ban hành từ năm 2001 trong bối cảnh nước ta chưa gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và chưa hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và tham gia các điều ước quốc tế. Do đó, một số quy định về kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật còn thiếu và chưa phù hợp với quy định của Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật (IPPC), Công ước Rotterdam, Công ước Stockholm, Nghị định thư Montreal về loại trừ các chất làm suy giam tầng ô zôn như: Các quy định về phân tích nguy cơ dịch hại, vùng an toàn dịch hại, đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, điều kiện đưa các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được đăng ký ra khỏi danh mục thuốc,… chưa được nội luật hóa trong các văn bản pháp luật của Việt Nam.

Thứ năm, thực tế việc thực hiện pháp luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật hiện hành đã phát sinh khó khăn, vướng mắc có nguy cơ ảnh hưởng bất lợi đến khả năng cạnh tranh và thị trường của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

- Chưa có quy định chặt chẽ về kiểm dịch thực vật hàng hóa nông sản xuất khẩu để đảm bảo uy tín hàng xuất khẩu của Việt Nam.

- Một số điều trong Pháp lệnh không có tính khả thi khi thực hiện như việc thu gom xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng gần như chưa thực hiện được. Quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng có nhiều khó khăn do không có quy định về loại bỏ các thuốc đã lạc hậu, giảm hiệu lực, độc hại ra khỏi danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.

Để khắc phục được các bất cập nêu trên, cần thiết phải xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

 

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, CÁC CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN CẦN THỂ CHẾ HOÁ TRONG LUẬT BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

1. Quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo xây dựng Luật

- Thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần phát triển một nền sản xuất nông nghiệp an toàn và thúc đẩy xúc tiến thương mại hàng nông lâm sản; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật và yêu cầu về cải cách hành chính.

- Kế thừa và pháp điển hóa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật nhằm tăng giá trị pháp lý của các quy định này.

- Phù hợp với những thông lệ và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.

- Dựa trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn của hoạt động phòng chống sinh vật gây hại, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật giai đoạn trước.

2. Chủ trương, chính sách lớn cần được thể chế hóa trong Luật

- Phòng chống sinh vật gây hại thực vật là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân; đề cao tính chủ động của chủ thực vật, địa phương trong việc phòng chống sinh vật gây hại thực vật.

- Công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật thực hiện theo phương châm phòng là chính, sử dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống sinh vật gây hại trong đó ưu tiên các biện pháp sinh học; bảo đảm thuận lợi hóa thương mại và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

- Đảm bảo hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từng bước loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật độc hại cao cho con người và môi trường; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, môi trường và an toàn thực phẩm.

- Công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải phát huy và kế thừa kinh nghiệm truyền thống, kết hợp với kiến thức, công nghệ hiện đại và tăng cường hợp tác quốc tế.

 

III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

1. Bố cục của Luật

Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật gồm có 5 chương, 77 điều được bố cục như sau:

- Chương I. Những quy định chung

Chương này gồm 13 điều (từ Điều 1 đến Điều 13): Quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật; chính sách của Nhà nước về hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực; thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực, trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật; vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hôi, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; hợp tác quốc tế về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; phí và lệ phí về bảo vệ và kiểm dịch thực vật và hành vi bị cấm.

- Chương II. Phòng, chống sinh vật gây hại thực vật

Chương này gồm 11 điều (từ Điều 14 đến Điều 24): Yêu cầu phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; quyền và nghĩa vụ của chủ thực vật; trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật; công bố dịch hại thực vật; tổ chức chống dịch hại thực vật; công bố hết dich hại thực vật; dự trữ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia; kinh phí chống dịch hại thực vật; nội dung hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật; điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật và quyền nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật.

- Chương III. Kiểm dịch thực vật

Chương này gồm 23 điều (từ Điều 25 đến Điều 47): Quy định về kiểm dịch thực vật; yêu cầu đối với vật thể kiểm dịch nhập khẩu; phân tích nguy cơ dịch hại; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu; kiểm dịch thực vật nhập khẩu; kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu; kiểm dịch thực vật xuất khẩu; kiểm dịch thực vật quá cảnh; trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh; tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; cấm xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; điều kiện cấp giấy chứng nhận xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể kiểm dịch thực vật; hiệu lực của Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; kiểm dịch thực vật nội địa; trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật  trong hoạt động kiểm dịch thực vật; nhiệm vụ và quyền hạn của công chức kiểm dịch thực vật; quy định trang phục đối với công chức kiểm dịch thực vật; quyền và nghĩa vụ của chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

-  Chương IV. Quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)

Chương này gồm 04 mục, 28 điều (từ Điều 48 đến Điều 75):

Mục 1. Quản lý thuốc và đăng ký thuốc BVTV gồm 07 điều (từ Điều 48 đến Điều 54): quy định chung về quản lý thuốc BVTV; thuốc BVTV không được đăng ký hoặc bị loại khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân được đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; hồ sơ, trình tự, thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

Mục 2. Khảo nghiệm thuốc BVTV, gồm 06 điều (từ Điều 55 đến Điều 60): khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; thu hồi Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; điều kiện đối với tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; quyền và nghĩa vụ tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

Mục 3. Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, bảo quản, quảng cáo, bao gói, ghi nhãn và sử dụng thuốc BVTV, gồm 12 (từ Điều 61 đến Điều 72): điều kiện đối với cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật; quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật; điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; quyền và nghĩa vụ của của tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; hồ sơ, trình tự, thủ tục, thủ tục cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc BVTV, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc BVTV, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; nhập khẩu, xuất khẩu thuốc bảo vệ thực vật; vận chuyển thuốc BVTV; bảo quản thuốc bảo vệ thực vật; quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật; bao gói, nhãn thuốc bảo vệ thực vật; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật;

Mục 4. Thu hồi, tiêu hủy, thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau xử dụng, gồm 03 điều (từ Điều 73 đến Điều 75): thu hồi thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường, xử lý thuốc BVTV bị thu hồi; tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật; thu gom và và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

- Chương V. Điều khoản thi hành.

Gồm 2 điều (Điều 76, Điều 77): Quy định về hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành.

2. Một số nội dung cơ bản trong Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật

2.1 Về quy định chung

- Về phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật bao gồm phòng chống dịch hại tài nguyên thực vật; kiểm dịch thực vật; thuốc bảo vệ thực vật và quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật…

- Về đối tượng điều chỉnh: Do hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật có thể liên quan đến hợp tác quốc tế, vì vậy, dự thảo luật quy định áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại Việt Nam.

- Điều 3 của Luật đã giải thích các thuật ngữ sinh vật gây hại, đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ, phân tích nguy cơ dịch hại, vùng không nhiễm dịch hại, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.

- Điều 4 của Luật đã bổ sung một số nguyên tắc mới trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật đó là nguyên tắc về phòng, chống sinh vật gây hại thực hiện theo phương châm phòng là chính; áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên biện pháp sinh học, sử dụng giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, biện pháp kỹ thuật canh tác, thực hành nông nghiệp tốt; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng để bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái..

- Điều 5 của Luật cũng đã quy định cụ thể một số chính sách của Nhà nước như các chính sách đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại để để tạo ra thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại, giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại và các biện pháp quản lý sinh vật gây hại theo hướng bền vững; hỗ trợ xây dựng các vùng không nhiễm sinh vật gây hại; xây dựng và phát triển các loại hình tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật gắn với dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; khuyến khích xây dựng khu công nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống thu gom, xử lý thuốc bảo vệ thực vật và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; sản xuất, sử dụng bao gói thuốc bảo vệ thực vật từ vật liệu dễ tái chế.

- Điều 7 của Luật đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và trách nhiệm cụ thể của các  bộ có liên quan.

- Điều 8 trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp về BV & KDTV trong đó quy định ró Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí kinh phí, chỉ đạo UBND cấp huyện tổ chức thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, tiêu hủy thuốc BVTV vô chủ tại địa phương.

- Về hệ thống cơ quan chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật được tổ chức từ trung ương đến cấp huyện.

- Điều 13 của Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nhấn mạnh các hành vi nghiêm cấm đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại vào Việt Nam, nhân nuôi sinh vật gây hại; sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, thải bỏ, thu gom, xử lý thuốc và bao gói thuốc bảo vệ thực vật trái quy định. Các hành vi này sẽ được quy định chi tiết đồng thời có chế tài xử lý vi phạm tại Nghị định hướng dẫn về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Việc đưa quy định về các hành vi bị cấm vào quy định của Luật đồng thời quy định các biện pháp chế tài tại Nghị định hướng dẫn vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao tính thực thi của các quy định pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, vừa phù hợp với thực tiễn xây dựng pháp luật.

2.2. Về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật

- Điều 14 đã quy định cụ thể các yêu cầu của phòng chống sinh vật gây hại trong đó yêu cầu trước hết phải thực hiện các biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại bao gồm sử dụng giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, vệ sinh đồng ruộng, bố trí thời vụ, sử dụng phân bón, mật độ hợp lý và các biện pháp khác thân thiện với môi trường và chỉ được sử dụng biện pháp hóa học khi đã áp dụng các biện pháp nói trên nhưng mật độ sinh vật gây hại vẫn gia tăng có nguy cơ gây thiệt hại đến năng suất, chất lượng cây trồng.

- Điều 15 quy định cụ thể quyền lợi và trách nhiệm của chủ thực vật nhằm nâng cao vai trò chủ động của chủ thực vật trong việc phòng, chống sinh vật gây hại. Trong đó nhấn mạnh nghĩa vụ của chủ thực vật phải chủ động theo dõi, phát hiện kịp thời sinh vật gây hại và áp dụng biện pháp phù hợp nhưng phải đảm bảo các yêu cầu được quy định tại Điều 14 để phòng, chống sinh vật gây hại nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

- Điều 17 quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền công bố dịch tại địa phương trong trường hợp sinh vật gây hại thực vật bùng phát, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công bố dịch khi có dịch từ hai tỉnh trở lên và khi phát hiện có đối tượng kiểm dịch thực vật, sinh vật gây hại lạ, đối tượng phải kiểm soát. Về điều kiện và nội dung công bố dịch giao Chính phủ quy định cụ thể.

- Điều 18 quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôin, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức chống dịch.

- Điều 21 quy định về nguồn kinh phí chống dịch và giao cho Chính phủ quy định việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí chống dịch hại thực vật.

- Từ Điều 22 đến Điều 24 quy định về hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật, trong đó quy định cụ thể các điều kiện hoạt động để nhằm khuyến khích phát triển các dịch vụ này trong thời gian tới.

2.3 Về kiểm dịch thực vật

Để đảm bảo công tác kiểm dịch thực vật là một biện pháp quản lý                     kỹ thuật trong hoạt động thương mại, Luật đã có các quy định như sau:

- Điều 26 đã quy định về yêu cầu đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam được phép nhập khẩu theo; việc phân tích nguy cơ dịch hại  thực hiện theo quy định (Điều 27). Căn cứ vào kết quả phân tích nguy cơ dịch hại mới quyết định cho phép hoặc không cho phép nhập khẩu.

- Điều 31 quy định “Vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu phải được kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật” ,quy định này phù hợp với các quy định quốc tế và tình hình thực tế hiện nay, hơn nữa quy định này sẽ góp phần bảo đảm uy tín hàng hóa của nước ta trên trường quốc tế.

- Điều 35 quy định trường hợp bị tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; cấm xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và giao Chính phủ quy định chi tiết các biện pháp này. Các biện pháp này là phù hợp với quy định của quốc tế và đáp ứng yêu cầu công việc thực tế trong tình hình hiện nay.

2.4. Về quản lý thuốc bảo vệ thực vật

- Điều 48 của Luật đã quy định rõ “Thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được quản lý theo danh mục”

- Điều 49 của Luật đã quy định các loại thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký hoặc bị loại khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, đây là nội dung mới nhằm đảm bảo loại bỏ dần các thuốc bảo vệ thực vật độc hại và gây ảnh hưởng đến môi trường.

- Điều 50 của Luật đã quy định về Tổ chức, cá nhân được đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam trong đó đã quy định “Tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc sản xuất thuốc thành phẩm từ thuốc kỹ thuật.”, đây là một trong những nội dung mới của luật nhằm phát triển sản xuất thuốc BVTV trong nước, hạn chế nhập khẩu thuốc của nước ngoài

- Mục 2 của Chương này (từ Điều 55 đến Điều 60) đã quy định cụ thể về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật.

- Điều 72 của Luật đã có các quy định chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó đã quy định các nghĩa vụ: Chỉ được sử dụng thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; phải bảo quản thuốc, thu gom bao gói thuốc sau khi sử dụng để đúng nơi quy định; người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong xông hơi khử trùng phải có giấy chứng nhận tập huấn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Điều 73 của Luật đã quy định cụ thể việc thu hồi thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường, xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi, trong đó quy định  rõ “Khi phát hiện thuốc bảo vệ thực vật thuộc diện bị thu hồi thì cơ sở sản xuất,  nhập khẩu phải có trách nhiệm thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về lô thuốc phải thu hồi và có trách nhiệm thu hồi ngay toàn bộ thuốc đó. Trong trường hợp cơ sở sản xuất, nhập khẩu không tự nguyện thu hồi thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc thu hồi”; quy định cụ thể thẩm quyền xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi.

- Điều 75 của Luật cũng đã quy định về việc xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng đây là quy định mới nhằm điều chỉnh vấn đề nổi cộm, gây nhiều bức xúc trong thực tế hiện nay. Trong đó quy định rõ ‘Kinh phí thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí từ ngân sách địa phương” Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônphối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường  sẽ hướng dẫn việc thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Ngoài ra, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã quy định cụ thể các điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật, hành nghề xử lý vật thể kiểm dịch thực vật, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật để các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện đều có thể tham gia các hoạt động này; cụ thể trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại và thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động BV & KDTV. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện, mẫu đơn, mẫu tờ khai.

2.5. Về điều khoản thi hành.

Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Theo đó, Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 08/8/2001 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Các loại giấy phép, giấy chứng nhận về bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã được cấp trước ngày Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật có hiệu lực mà chưa hết thời hạn được ghi trong giấy thì vẫn có giá trị sử dụng cho đến khi hết thời hạn.

Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật này.

 

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật

- Trong năm 2014, Chính phủ sẽ  ban hành 02 nghị định là:

+ Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật

+ Nghị định sửa đổi Nghị định số 114/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành các thông tư để quy định chi tiết các nội dung đã được quy định trong luật như:

+  Thông tư ban hành Danh mục vật thể thuộc diện KDTV, Danh mục vật thể thuộc diện KDTV phải phân tích nguy cơ dịch hại.

+ Thông tư quy định nội dung thông tin cần cung cấp để phân tích nguy cơ dịch hại, quy trình phân tích nguy cơ dịch hại.

+ Thông tư về quản lý thuốc BVTV.

+ Thông tư quy định trình tự, thủ tục KDTV nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và cấp Giấy chứng nhận KDTV, xử lý vật thể thuộc diện KDTV nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể KDTV.

+ Thông tư liên tịch với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.

+ Thông tư quy định về KDTV nội địa, số lượng mẫu giống cây trồng, sinh vật có ích; điều kiện khu vực cách ly, trình tự, thủ tục và nội dung KDTV tại khu cách ly.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật

-  Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Uỷ ban nhân dân (UBND) các tỉnh tổ chức triển khai Luật ở các tỉnh trọng điểm cho các ban ngành chủ chốt của tỉnh, thành phố như Văn phòng UBND tỉnh, Chi cục quản lý thị trường, Công an, Chi cục đo lường chất lượng, các đồng chí Phó chủ tịch huyện và lãnh đạo các ban ngành chủ chốt ở các huyện, thị. Tại các  cuộc triển khai Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật này ngoài việc nêu bật tầm quan trọng của công tác bảo vệ & kiểm dịch thực vật trong sản xuất nông nghiệp các báo cáo viên còn quán triệt những nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ xung trong Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật so với Pháp lệnh.

-  Thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, các đài, báo ở Trung ương và địa phương là những phương tiện rất hữu hiệu trong việc quảng bá, tuyên truyền Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

- Tham gia các chương trình giải đáp thắc mắc của nông dân qua chương trình ” Nhịp cầu Nhà Nông “, Chương trình “Nông nghiệp và Nông thôn” của đài truyền hình Trung ương và các đài địa phương. Thông qua các chương trình truyền hình này giúp bà con nông dân những hiểu biết cơ bản về Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, về sử dụng an toàn, có hiệu quả các loại thuốc BVTV.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chi cục BVTV các địa phương với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước đã tích cực triển khai Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật đến các cơ quan ban ngành và bà con nông dân trong trên địa bàn  quản lý của mình.

- Để Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật có thể đi vào đời sống nông nghiệp và nông thôn bằng các hình thức tuyên truyền lồng ghép. Một số địa phương sẽ lồng ghép các nội dung của Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật vào trong các nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện nông dân, thông qua các chương trình hội thảo đầu bờ, huấn luyện IPM...

 

 

HÌnh ảnh
  • Giống
    08/03/2024
    Một ông nói với bạn trong nhà dưỡng lão: - Tôi cảm thấy mình giờ cứ như hồi 18 ấy.
  • Sợ
    08/03/2024
    Hai bà nội trợ bàn luận chuyện đời: - Ngày xưa cũng khổ như nhau, vậy mà vui. Chứ bây giờ sợ lắm!
  • Tập thể dục?!
    08/03/2024
    Một người hỏi bạn: - Cậu có chạy thể dục buổi sáng không?
Liên kết web
Số lượt truy cập
Số lượt truy cập: 362058