10/05/2014 16:50        

Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng

BỘ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

---------------

BỘ NỘI VỤ

BAN THI ĐUA – KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG

------------

 

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU

CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

 

Ngày 16/11/2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng số 39/2013/QH13 (sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung). Chủ tịch nước ký Lệnh số 13/2013/L-CTN ngày 29/11/2013 công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2014 .

 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Luật thi đua, khen thưởng (gọi tắt là luật hiện hành) đã được kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XI, thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2004; sau đó, ngày 14/6/2005 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng có hiệu lực từ 27/6/2005, trong đó, bổ sung Điều 58a danh hiệu vinh dự Nhà nước “Tỉnh anh hùng”, “Thành phố anh hùng”.

Luật thi đua, khen thưởng là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Sau 08 năm thực hiện Luật thi đua, khen thưởng và qua tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến cho thấy: công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội. Qua thực tiễn, từ khi Nhà nước ban hành Luật thi đua, khen thưởng, công tác thi đua, khen thưởng đã có bước chuyển biến tích cực; nhiều phong trào thi đua đã được các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị cơ sở phát động và triển khai sâu rộng, bám sát nhiệm vụ chính trị; công tác khen thưởng ngày càng đi vào nề nếp, chặt chẽ và đạt được những kết quả cơ bản trên các mặt như: khen thưởng thành tích trong 2 cuộc kháng chiến, khen thưởng niên hạn, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng thành tích đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề, khen thưởng thường xuyên và khen thưởng đối ngoại. Công tác khen thưởng đã kịp thời động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác thi đua, khen thưởng và một số nội dung của Luật thi đua, khen thưởng chưa đáp ứng và chưa phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra:

 - Việc tổ chức chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua chưa đồng đều ở các vùng miền và các thành phần kinh tế, trong đó, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn dân cư, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa được quan tâm chỉ đạo tổ chức thường xuyên. Nhiều nơi, phong trào thi đua còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; hiệu quả, tác dụng của các phong trào thi đua còn chưa cao.

- Quá trình thực hiện, công tác khen thưởng còn có biểu hiện tràn lan; ý nghĩa tôn vinh, giáo dục trong khen thưởng còn hạn chế, có trường hợp được khen thưởng nhưng tính tiêu biểu, nêu gương chưa cao; quy trình, hồ sơ, thủ tục khen thưởng còn phức tạp, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

- Một số quy định của Luật thi đua, khen thưởng hiện hành có đối tượng điều chỉnh khá rộng, nhưng khi thực hiện mới chtập trung khen thưởng vào cán bộ, công chức, viên chức khu vực nhà nước và các cấp lãnh đạo, quản lý. Tiêu chuẩn khen thưởng cho từng đối tượng còn mang tính khái quát, chưa cụ thể hóa. Vì vậy, trong tổ chức thực hiện còn lúng túng, vướng mắc, đặc biệt chưa quy định rõ tiêu chuẩn khen thưởng đối với người lao động, công nhân, nông dân.

- Về điều kiện, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng trong quy định của Luật thi đua, khen thưởng còn mang tính chất định tính, chưa rõ ràng. Vì vậy, khi triển khai, thực hiện đã gây ra tình trạng khen thưởng trùng lắp, khen thưởng theo tích lũy thành tích, chưa khuyến khích được những tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất hoặc sáng tạo trong thi đua lao động, sản xuất và công tác, nhất là những người lao động trực tiếp.

 Mối quan hệ về thẩm quyền khen thưởng giữa quản lý theo ngành và lĩnh vực với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ còn chồng chéo, trùng lắp.

- Một số quy định của Luật thi đua, khen thưởng chưa thống nhất với các Luật khác như: Luật khoa học và công nghệ, Luật di sản văn hoá, Luật bình đẳng giới, Luật lao động…

 - Một số nội dung khác phát sinh từ thực tiễn đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Những hạn chế trên đây qua 08 năm thực hiện Luật thi đua, khen thưởng và từ tình hình thực tiễn công tác thi đua, khen thưởng ở các cấp các ngành cần được khắc phục kịp thời. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật thi đua, khen thưởng là rất cần thiết.

 

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

1. Về quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật:

- Quán triệt chủ trương của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng, kế thừa các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật thi đua, khen thưởng đã được báo cáo tại các kỳ họp của Quốc hội (khóa XI); việc sửa đổi, bổ sung Luật thi đua, khen thưởng lần này tiếp tục khẳng định mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng. Mọi cá nhân, tổ chức tham gia thi đua đều được xem xét, tặng thưởng các danh hiệu thi đua nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định. Cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc, có công trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sẽ được ghi nhận biểu dương, khen thưởng.

- Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật như: nâng cao tiêu chuẩn danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng để tránh khen thưởng theo tích lũy thành tích, trùng lắp, tràn lan, dồn khen thưởng lên cấp trên và để nâng cao giá trị tôn vinh của các hình thức khen thưởng. Quy định thống nhất các hình thức khen thưởng cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Làm rõ về thẩm quyền khen thưởng và đề nghị khen thưởng của cơ quan Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban của Đảng ở Trung ương, Kiểm toán Nhà nước.

- Bảo đảm tính kịp thời, chính xác trong thi đua, khen thưởng nhằm huy động được sức mạnh và sức sáng tạo từ cơ sở và từ quần chúng nhân dân. Luật hoá một số quy định phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật hiện hành vào Luật sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và nâng cao giá trị pháp lý, những quy định về thi đua, khen thưởng.

- Nội dung Luật sửa đổi, bổ sung phải phù hợp với yêu cầu của tiến trình cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo công khai minh bạch trong khen thưởng.

2. Về mục tiêu sửa đổi, bổ sung Luật

- Về các loại hình khen thưởng, Luật sửa đổi, bổ sung đã thay cụm từ “khen thưởng thường xuyên” bằng cụm từ “khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” để làm rõ hơn bản chất, nội dung của loại hình khen thưởng này và nhằm khắc phục tình trạng khen thưởng theo định kỳ, thực hiện việc khen thưởng thông qua việc phát hiện các tập thể, cá nhân có công trạng, thành tích, sáng tạo trong các phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ, trong lao động, sản xuất sẽ được khen thưởng, tôn vinh.

- Về hệ thống tiêu chuẩn của các hình thức khen thưởng, Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng không lấy danh hiệu thi đua làm điều kiện, tiêu chuẩn để xét tặng các hình thức khen thưởng, nhằm khắc phục tình trạng tích lũy, cộng dồn thành tích, trùng lắp trong khen thưởng, nhưng vẫn đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ giữa thi đua và khen thưởng. Thông qua các phong trào thi đua để suy tôn các danh hiệu thi đua đồng thời phát hiện những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu, lập được công trạng để khen thưởng động viên kịp thời.

Dự án Luật quy định thống nhất các hình thức khen thưởng cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, bao gồm tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế thuộc mọi thành phần. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung chỉ quy định những nguyên tắc chung, những nội dung cụ thể sẽ được giao cho Chính phủ quy định.

- Về việc khen thưởng đối với tổ chức chính trị, cơ quan tư pháp, đại biểu dân cử, Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm làm rõ thẩm quyền khen thưởng, tuyến trình khen thưởng đối với tổ chức chính trị, cơ quan tư pháp, đại biểu dân cử. Với nội dung này, Luật sửa đổi, bổ sung chỉ quy định những nguyên tắc chung, cụ thể sẽ được quy định trong nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.

          - Phân cấp công nhận một số danh hiệu thi đua cấp cơ sở; quán triệt nguyên tắc bình đẳng giới trong công tác thi đua, khen thưởng. Quy định về hồ sơ, thủ tục để thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong khen thưởng; sửa đổi hoặc bổ sung các quy định để đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Thi đua, Khen thưởng, Luật Khoa học công nghệ, Luật Di sản văn hoá, Luật Công an nhân dân. 

 

III. NHỮNG NỘI DUNG CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng đã quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn khen thưởng để phù hợp với yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay. Theo tinh thần Thông báo Kết luận số 120-TB/TW ngày 18/01/2013 của Bộ Chính trị.

Trong tổng số 103 điều của Luật thi đua, khen thưởng hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung từ Chương I đến Chương VI, gồm 47 điều và bổ sung Điều 91a, sửa đổi tên Chương IV, Chương V để bao hàm đầy đủ các nội dung đã được điều chỉnh trong các chương này; trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, đảm bảo chặt chẽ hơn, không lấy danh hiệu thi đua để làm căn cứ xét khen thưởng nhằm tránh việc tích lũy thành tích trong khen thưởng; đặc biệt xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể đối với các hình thức khen thưởng huân chương, bằng khen, giấy khen cho nông dân, công nhân, người lao động trực tiếp; bổ sung thêm Điều 91a về Hội đồng Thi đua – Khen thưởng trung ương và Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định chung, nguyên tắc khen thưởng, thẩm quyền ban hành danh hiệu thi đua, khen thưởng và thủ tục hồ sơ xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

Sau đây là những nội dung cụ thể của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng:

1. Sửa đổi Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Chương I: Những quy định chung

 Các Khoản 1, 2 và Khoản 3 của Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 4, 5 và Điều 6 của Luật hiện hành, quy định cụ thể 4 loại hình khen thưởng, gồm: khen thưởng qua tổng kết thành tích các giai đoạn cách mạng, khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng đối ngoại; quy định việc bình đẳng giới trong khen thưởng.

 - Sửa đổi, bổ sung Điều 4 “khen thưởng thường xuyên” bằng “khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khen thưởng quá trình cống hiến”.

- Khoản 2 của Luật sửa đổi Điều 5, thay cụm từ “dân chủ” lên trước cụm từ “công bằng” để phù hợp với các văn bản quy phạm hiện hành.

- Bổ sung nguyên tắc bình đẳng giới vào Điều 6 của Luật thi đua, khen thưởng hiện hành.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 21,23,24,25 và Điều 31 Chương II: Tổ chức thi đua, danh hiệu thi đua và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua

Các Khoản 4, 5, 6, 7 và Khoản 8 của Luật sửa đổi, bổ sung sửa đổi, bổ sung 05 điều gồm Điều 21, 23, 24,25 và Điều 31 của Luật thi đua, khen thưởng hiện hành:

- Để đảm bảo giá trị của danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” đã bổ sung tiêu chuẩn lựa chọn những cá nhân xuất sắc nhất trong số những cá nhân có hai lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.

- Để bảo đảm việc công nhận “Chiến sỹ thi đua cơ sở” được chính xác, tiêu biểu, đã bổ sung Điều 23 quy định về sáng kiến giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để xét danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 25 quy định về “Cờ thi đua của Chính phủ” được xét tặng cho tập thể tiêu biểu xuất sắc nhất trong phong trào thi đua của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 31 quy định các hình thức khen thưởng Cờ thi đua cấp tổng cục, quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, để phân cấp thẩm quyền tặng Cờ thi đua cấp tổng cục, quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; để khen thưởng động viên trực tiếp, kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện phong trào thi đua.

 3. Sửa đổi, bổ sung 35 điều (từ Điều 32 đến Điều 76) Chương III: Hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng

 Từ Khoản 9 đến Khoản 43 của Luật sửa đổi, bổ sung sửa đổi, bổ sung 35 điều, từ Điều 32 đến Điều 76 của Luật thi đua, khen thưởng hiện hành.

Luật sửa đổi, bổ sung đã nâng cao tiêu chuẩn Huân chương, Huy chương, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”...; bổ sung tiêu chuẩn được khen thưởng “Huân chương Độc lập”, “Huân chương Quân công”, “Huân chương Lao động”, “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” các hạng và Bằng khen; quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn các tiêu chí đối với khen thưởng theo công trạng, thành tích và rà soát, sửa đổi các quy định để hạn chế những trùng lặp về tiêu chuẩn giữa các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng...; quy định tiêu chuẩn cụ thể hơn các hình thức khen thưởng đối với công nhân, nông dân và người lao động trực tiếp; luật hóa một số quy định của Nghị định. Tuy nhiên, do đối tượng áp dụng của Luật là cá nhân, tập thể, các nhóm đối tượng có tính chất, vị trí pháp lý, chức năng nhiệm vụ, đặc điểm hoạt động với tiêu chuẩn, điều kiện khác nhau nên không thể quy định đầy đủ tiêu chuẩn cho từng nhóm đối tượng cụ thể trong Luật. Vì vậy, trên cơ sở quy định của Luật, các văn bản hướng dẫn sẽ quy định cụ thể hơn điều kiện, tiêu chuẩn của các nhóm đối tượng, lĩnh vực để đảm bảo tính khả thi và bao quát được thực tiễn đời sống xã hội.

3.1. Huân chương

 - Bổ sung vào Điều 34 quy định Huân chương Sao vàng là Huân chương cao quý nhất tặng cho nguyên thủ quốc gia nước ngoài để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay và phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

- Bổ sung quy định xét tặng “Huân chương Hồ Chí Minh” lần 2 cho tập thể có quá trình phấn đấu lâu dài, liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 15 năm tiếp theo sau khi được tặng thưởng lần thứ nhất. Với tiêu chuẩn chặt chẽ như vậy thì việc xét tặng lần 2 “Huân chương Hồ Chí Minh” vẫn bảo đảm tính tôn vinh của danh hiệu cao quý này.

- Sửa đổi, bổ sung nâng cao tiêu chuẩn của các hình thức khen thưởng Huân chương (từ Điều 34 đến Điều 48) theo hướng, nâng cao tiêu chuẩn, không lấy danh hiệu thi đua làm điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể để xét các hình thức khen thưởng mà căn cứ vào thành tích đạt được và phạm vi ảnh hưởng để xét các hình thức khen thưởng cao hơn, khen thưởng tương xứng với thành tích đạt được, đồng thời quy định tiêu chuẩn để những người trực tiếp là công nhân, nông dân, người lao động, nếu có thành tích sẽ được khen thưởng.

- Quy định thời gian xét khen thưởng từ Huân chương Lao động lên Huân chương Độc lập là 10 năm thay cho 5 năm như hiện nay; quy định thời gian xét khen thưởng từ Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng là 25 năm thay cho 10 năm như hiện nay nhằm thể hiện tính tôn vinh, cao quý của các hình thức khen thưởng này.

3.2. Huy chương:

- Sửa đổi, bổ sung các Điều 52, 54, 55 và Điều 56 quy định các cá nhân trong lực lượng vũ trang được truy tặng các hình thức huy chương và bổ sung đối tượng là công chức, viên chức, công nhân làm việc trong lực lượng vũ trang và các đối tượng có thời gian làm nhiệm vụ ở vùng biển, đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

   - Về “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” Luật đã sửa đổi quy định chung đối với “chiến sĩ có thời gian làm nhiệm vụ ở vùng biển, đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” để bao quát được hết các đối tượng và giao Chính phủ quy định cụ thể địa bàn được ưu tiên; đây là quy định đối với chiến sĩ làm nghĩa vụ, có thời gian công tác không dài và chỉ áp dụng đối với Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba. Bên cạnh đó, việc nâng thời gian xét tặng “Huy chương chiến sĩ vẻ vang” các hạng là để đảm bảo phù hợp thực tiễn quá trình cống hiến của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị khen thưởng, khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan.

- Mở rộng đối tượng được tặng thưởng “Huy chương Hữu nghị” là người nước ngoài có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

3.3. Danh hiệu vinh dự Nhà nước:

- Sửa đổi các Điều 60 và Điều 61 nâng cao tiêu chuẩn và quy định về thời điểm xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động) 5 năm xét 01 lần vào dịp Đại hội thi đua yêu nước các cấp thay cho xét tặng hằng năm như hiện nay để phù hợp với việc tổng kết, đánh giá thực hiện kế hoạch kinh tế, xã hội 5 năm của đất nước (trừ những trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất).

- Nâng cao tiêu chuẩn xét danh hiệu “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nghệ sỹ ưu tú”; danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” và quy định thời điểm xét tặng các danh hiệu vinh dự nhà nước như “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nghệ sỹ ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân” và “Nhà giáo ưu” có sự thay đổi, cụ thể là 03 năm xét tặng 01 lần, thay cho 02 năm như hiện nay.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 65 để đảm bảo sự thống nhất giữa Luật thi đua, khen thưởng hiện hành với Luật Di sản văn hóa về đối tượng phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú”, cụ thể đã quy định danh hiệu này để tặng cho cá nhân “Có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa” nghĩa là bao gồm cả di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể (Điều 1, Luật di sản văn hóa).

- Sửa đổi Điều 68 quy định về thời điểm xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” là 5 năm xét một lần thay cho 02 năm xét một lần như hiện nay, để thống nhất với việc xét “Giải thưởng Hồ Chí Minh” 05 năm xét tặng một lần.

3.4. Kỷ niệm chương, Huy hiệu:

Bổ sung Điều 69 về thẩm quyền ban hành Huy hiệu cho tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tặng cho cá nhân, tập thể có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ, lao động, sản xuất, vì vậy cần bổ sung hình thức Huy hiệu để ghi nhận những cá nhân có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3.5. Bằng khen:

- Sửa đổi, bổ sung Điều 71 để nâng cao tiêu chuẩn hình thức Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 72 để nâng cao tiêu chuẩn hình thức Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương.

- Sửa đổi Điều 73 quy định về việc phân cấp thẩm quyền ban hành hình thức Bằng khen của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội đặc thù để đảm bảo sự thống nhất chung trong quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng, cụ thể Điều 73 được bổ như sau:

 + Bổ sung quy định về thẩm quyền ban hành hình thức Bằng khen cấp tổng cục, quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

+ Bổ sung hình thức Bằng khen của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.

+ Bổ sung Khoản 3 vào Điều 73 quy định khen thưởng bằng hình thức Bằng khen đối với gia đình có thành tích.

3.6. Giấy khen:

- Sửa đổi Điểm b Khoản 2 Điều 74 về phân cấp thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua và tặng Giấy khen của Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp, hợp tác xã để đảm bảo thống nhất việc khen thưởng đối với các thành phần kinh tế.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 75 để nâng cao tiêu chuẩn của hình thức Giấy khen.

- Bổ sung Khoản 4 vào Điều 76 quy định việc áp dụng khen thưởng bằng hình thức Giấy khen đối với gia đình.

4. Sửa đổi, bổ sung 05 điều (từ Điều 77, 79, 80, 83 và Điều 84) Chương IV: về thẩm quyền quyết định, trao tặng, thủ tục, hồ sơ đề nghị danh hiệu thi đua

Khoản 44 Luật sửa đổi, bổ sung tên Chương IV về thẩm quyền quyết định, trao tặng, thủ tục, hồ sơ đề nghị danh hiệu thi đua và khen thưởng

Khoản 45, 46, 47 và Khoản 48 của Luật sửa đổi, bổ sung sửa đổi, bổ sung 04 điều, từ Điều 79, 80, 83, và Điều 84 của Luật thi đua, khen thưởng hiện hành.

 - Bổ sung cụ thể qui định về thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền đề nghị khen thưởng Huân chương, Huy chương, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; “Cờ thi đua của Chính phủ”, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” và danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” đối với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các Ban của Đảng và tương đương ở trung ương, Tổng Kiểm toán nhà nước, lãnh đạo cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.

 - Bổ sung phân cấp thẩm quyền công nhận danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, “Tập thể lao động xuất sắc” trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Quy định cụ thể về việc khen thưởng của các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 84 về hồ sơ khi đề nghị phong tặng danh hiệu thi đua phải có văn bản của cấp đề nghị; trong hồ sơ đề nghị khen thưởng phải có biên bản xét khen thưởng, nhằm đảm bảo tính chặt chẽ trong xét, phong tặng danh hiệu thi đua và đề nghị khen thưởng.

5. Sửa đổi, bổ sung tên Chương V về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được khen thưởng

Khoản 49 Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi, bổ sung tên Chương V về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng.

6. Về quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng

Khoản 50 Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi, bổ sung thêm 01 Điều 91a về Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp nhằm nêu cao vai trò, vị trí Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương và Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp.

7. Về hiệu lực thi hành của Luật

Chương VIII: Điều khoản thi hành quy định Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2014.

 Trước ngày 01/6/2014, các cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về niên hạn để xét khen thưởng theo quy định của Luật thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11 mà chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn về niên hạn theo quy định của Luật này sẽ được xem xét, quyết định khen thưởng theo quy định của Luật thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11. Việc xem xét, quyết định khen thưởng cho các đối tượng này được thực hiện trước ngày 31/12/2014. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

 

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

   Hiện nay Bộ Nội vụ đã và đang triển khai thực hiện chương trình cụ thể về xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng như tuyên truyền, phổ biến triển khai Luật, bảo đảm khi Luật có hiệu lực thi hành các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật cũng được Chính phủ ban hành, cụ thể:

1. Xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013;

2. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2005/NĐ-CP ngày 04/10/2005 của Chính phủ quy định tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng;

3. Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung (hoặc thay thế) Nghị định số 50/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ Quy định mẫu Huân chương, Huy chương, Huy hiệu, Bằng Huân chương, Bằng Huy chương, Cờ Thi đua, Bằng khen, Giấy khen;

4. Phối hợp với các Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và đào tạo; Bộ Công thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng quy định về danh hiệu Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sỹ, Nghệ nhân, nhân dân và ưu tú; Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.

                                



 
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2018
Đề cương Luật Xây dựng năm 2014
Đề cương giới thiệu Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Đề cương giới thiệu Luật Công chứng năm 2014
Đề cương giới thiệu Luật Hải quan năm 2014
Đề cương giới thiệu Luật đấu thầu
Đề cương giới thiệu Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Đề cương giới thiệu Luật Đất đai
Đề cương giới thiệu Luật Tiếp công dân
Đề cương giới thiệu việc làm
Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối
Đề cương giới thiệu Luật phòng, chống thiên tai
Đề cương giới thiệu Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 07/2013/UBTVQH13
Giới thiệu Luật Hòa giải cơ sở
Đề cương giới thiệu Luật Khoa học và công nghệ năm 2013.
Đề cương giới thiệu Luật giáo dục quốc phòng và an ninh
Đề cương giới thiệu Luật Công đoàn năm 2012.
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư.

  • Tiếc
    16/04/2024
    Một ông nổi tiếng keo kiệt phải cấp cứu vì ăn nhầm nấm độc. Sau khi được bác sỹ rửa ruột, tiêm thuốc, ông ta hồi tỉnh lại. Trước khi cho xuất viện, báo sỹ hỏi:
  • Giải đáp
    16/04/2024
    Bà vợ hỏi ông chồng: - Tại sao người ta chọn Giờ Trái đất vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm ông nhỉ?
  • Món ngon
    16/04/2024
    Hai bợp nhậu ngồi tám chuyện: - Đố ông, trong các món mồi nhậu, con gì ngon nhất?
Số lượt truy cập: 473742