BỘ TƯ PHÁP
VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT | VỤ BỔ TRỢ TƯ PHÁP |
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU
LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LUẬT SƯ
Thực hiện Nghị quyết số 07/2011/QH13 ngày 06 tháng 8 năm 2011 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, Bộ Tư pháp phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam và các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012. Ngày 03 tháng 12 năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh số 22/2012/L-CTN công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LUẬT SƯ
Ngày 22 tháng 6 năm 2006, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Luật sư. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư ở nước ta.
Sau 05 năm thi hành Luật Luật sư, đội ngũ luật sư đã phát triển nhanh về số lượng, với hơn 7.072 luật sư (tăng 250,8% so với trước khi Luật có hiệu lực) và gần 3.500 người tập sự hành nghề luật sư, hoạt động trong 2.831 tổ chức hành nghề luật sư. Hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư được củng cố một bước rất quan trọng với việc thành lập Liên đoàn luật sư Việt Nam và kiện toàn 62 Đoàn luật sư/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chất lượng của đội ngũ luật sư ở nước ta từng bước được nâng lên, số luật sư đã qua đào tạo nghề luật sư chiếm hơn 75% tổng số luật sư. Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư cho cá nhân, tổ chức tăng cả về số lượng và nâng cao một bước về chất lượng. Theo báo cáo của 59 Đoàn luật sư, trong 5 năm (2007 - 2011) các luật sư đã tham gia 64.173 vụ án hình sự; 48.548 vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình; 5.256 vụ việc kinh tế, thương mại; 3.103 vụ việc lao động, 4.011 vụ việc hành chính; 211.158 vụ việc tư vấn pháp luật; 4.935 vụ, việc đại diện ngoài tố tụng; 22.289 việc dịch vụ pháp lý khác; 63.180 vụ, việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được duy trì tương đối ổn định, hiện có 56 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển thị trường dịch vụ pháp lý, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hoạt động luật sư đã có những đóng góp ngày càng quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, phục vụ tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Qua tổng kết thực tiễn 05 năm thi hành, có thể khẳng định Luật Luật sư đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại nhiều kết quả. Về cơ bản, các quy định của Luật Luật sư là đúng hướng và đa phần vẫn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có nhiều quy định tiếp cận với thông lệ hành nghề luật sư quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Chất lượng của đội ngũ luật sư tuy đã được nâng lên một bước, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; số luật sư có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế chỉ chiếm khoảng 1,2%; một bộ phận luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, thậm chí bị kết án. Đa số các tổ chức hành nghề luật sư có quy mô nhỏ, quản trị, điều hành còn yếu kém, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa thực sự tạo được niềm tin đối với khách hàng, cơ quan, tổ chức. Số lượng luật sư hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và yêu cầu cải cách tư pháp; số luật sư so với dân số còn rất thấp (01 luật sư/12.000 người dân), tỷ lệ vụ án hình sự, dân sự và hôn nhân gia đình có luật sư tham gia còn thấp (hình sự chiếm khoảng 21,4%, dân sự và hôn nhân gia đình chiếm khoảng 6,8%), tại một số địa phương không có đủ luật sư để tham gia các vụ án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư nhiều nơi chưa được phát huy đầy đủ, năng lực tự quản còn hạn chế, tính thống nhất về tổ chức, hoạt động của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư sau khi Liên đoàn luật sư Việt Nam được thành lập chưa được củng cố vững chắc. Công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư ở một số địa phương còn lỏng lẻo, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, có sự trùng dẫm nhất định giữa quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư.v.v. Hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam chưa thu hút được nhiều luật sư giỏi làm việc, số lượng các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài có quy mô lớn, uy tín trên thế giới vào Việt Nam còn hạn chế. Thực tế cũng bộc lộ thời gian qua số lượng Luật sư Việt Nam phát triển quá nhanh nhưng chất lượng của đội ngũ này chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý ngày càng cao của xã hội, đặc biệt là trong cỉa cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến các hạn chế, bất cập nêu trên là do một số quy định của Luật Luật sư đã không còn phù hợp với thực tiễn. Tiêu chuẩn, điều kiện trở thành luật sư chưa chặt chẽ, rõ ràng và có phần còn dễ dãi như quy định về việc miễn đào tạo nghề, miễn, giảm thời gian tập sự, chế độ đào tạo, tập sự hành nghề. Chưa có quy định về chế độ bồi dưỡng bắt buộc đối với luật sư. Còn thiếu chính sách phù hợp khuyến khích đào tạo luật sư hội nhập quốc tế, phát triển luật sư tại các vùng miền... Thủ tục để luật sư tham gia tố tụng còn rườm rà, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hành nghề. Quy định về điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư còn đơn giản, dẫn đến các tổ chức hành nghề luật sư phát triển nhanh về số lượng, nhưng đa phần là manh mún và nhỏ lẻ. Quy định về tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư chưa bảo đảm tính thống nhất và phát huy đầy đủ vai trò tự quản của các tổ chức này. Quy định về quản lý nhà nước đối với nghề luật sư còn sơ hở, chưa rõ ràng đã phần nào hạn chế hiệu quả quản lý nhà nước đối với luật sư và hành nghề luật sư. Một số quy định của Luật Luật sư còn chưa phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), còn thiếu quy định thu hút luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài có kinh nghiệm, uy tín vào Việt Nam.
Trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động luật sư và để tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và hội nhập quốc tế thì việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư là cần thiết.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LUẬT SƯ
1. Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động luật sư theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư theo hướng: chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, chất lượng hành nghề luật sư cả về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường trách nhiệm xã hội của luật sư qua đó nâng cao vị thế, vai trò của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, quy định chặt chẽ hơn một số điều kiện đối với tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
2. Trên cơ sở nâng cao chất lượng đầu vào của luật sư, tăng cường quản lý luật sư và hành nghề luật sư, cả từ phía Nhà nước và Liên đoàn luật sư Việt Nam, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động luật sư, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động hành nghề của luật sư, qua đó thu hút thêm lực lượng, mở rộng đối tượng được hành nghề luật sư, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020.
3. Tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức, tăng cường tính thống nhất của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư từ Trung ương đến địa phương. Nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, đồng thời cũng tăng cường hợp lý trách nhiệm quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, tạo điều kiện đưa nghề luật sư Việt Nam tiếp cận gần hơn với thông lệ hành nghề luật sư quốc tế.
III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LUẬT SƯ
1. Bố cục
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư sửa đổi 33 điều, bổ sung 01 điều và bỏ 03 điều. Cụ thể:
- Chương I: Những quy định chung
Sửa đổi, bổ sung 03 điều gồm Điều 3: Chức năng xã hội của luật sư, Điều 6: Nguyên tắc quản lý luật sư và hành nghề luật sư và Điều 9: Các hành vi bị nghiêm cấm và bãi bỏ Điều 8: Khuyến khích hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí.
- Chương II: Luật sư
Sửa đổi, bổ sung 09 điều bao gồm Điều 12: Đào tạo nghề luật sư, Điều 14: Tập sự hành nghề luật sư, Điều 15: Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, Điều 16: Người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư, Điều 17: Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, Điều 18: Thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, Điều 19: Cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư, Điều 20: Gia nhập Đoàn luật sư và Điều 21: Quyền, nghĩa vụ của luật sư.
- Chương III: Hành nghề luật sư
Sửa đổi, bổ sung 08 điều bao gồm Điều 23: Hình thức hành nghề của luật sư, Điều 27: Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư, Điều 32: Hình thức tổ chức hành nghề luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư, Điều 39: Quyền của tổ chức hành nghề luật sư, Điều 40: Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư, Điều 45: Hợp nhất, sáp nhập và chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề luật sư, Điều 49: Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, Điều 50: Đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân và bãi bỏ Điều 52: Quyền, nghĩa vụ của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng dịch vụ pháp lý.
- Chương V: Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư
Sửa đổi, bổ sung 04 điều bao gồm Điều 60: Đoàn luật sư, Điều 61: Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư, Điều 65: Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Điều 67: Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam và bãi bỏ Điều 63: Điều lệ Đoàn luật sư.
- Chương VI: Hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam
Sửa đổi, bổ sung 07 điều bao gồm Điều 68: Điều kiện hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, Điều 69: Hình thức hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, Điều 70: Phạm vi hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, Điều 72: Công ty luật nước ngoài, Điều 74: Điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài, Điều 76: Phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài, Điều 82: Cấp, gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài.
- Chương VIII: Quản lý hành nghề luật sư
Sửa đổi, bổ sung Điều 83: Trách nhiệm quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.
- Chương VIII: Xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp
Sửa đổi Điều 89: Xử lý vi phạm đối với luật sư và bổ sung Điều 92a: Điều khoản chuyển tiếp.
2. Nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư
2.1. Về những quy định chung
Trong chương Những quy định chung, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã tập trung sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định tăng cường trách nhiệm xã hội của luật sư qua đó nâng cao vị thế, vai trò của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
- Chức năng xã hội của luật sư (Điều 3):
Được sửa đổi, bổ sung theo hướng làm rõ chức năng xã hội và nâng cao vị thế của luật sư, theo đó hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư thể hiện sự phù hợp với đặc thù của hoạt động luật sư, làm rõ chức năng xã hội của luật sư, nâng cao vai trò, vị thế của luật sư, đặc biệt trong bối cảnh cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế.
- Nguyên tắc quản lý luật sư và hành nghề luật sư (Điều 6):
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư làm rõ nguyên tắc quản lý luật sư và hành nghề luật sư là sự kết hợp “giữa quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư”, nhằm phát huy, nâng cao chức năng, vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, phù hợp với đặc thù của hoạt động luật sư.
- Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9):
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm đối với luật sư để nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý của luật sư. Các hành vi được bổ sung cụ thể như sau: hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; từ chối vụ, việc đã đảm nhận theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, của các cơ quan tiến hành tố tụng, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc theo quy định của pháp luật; có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng; tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi trái pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác.
2.2. Về luật sư
Trên cơ sở chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư được thể hiện rõ trong quan điểm chỉ đạo xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã tập trung vào các quy định nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của luật sư. Những quy định này bao gồm đào tạo nghề luật sư, tập sự hành nghề luật sư, đối tượng được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư, quyền, nghĩa vụ của người tập sự cũng như điều kiện của luật sư hướng dẫn tập sự. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã tiếp tục tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động luật sư, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề của luật sư.
- Đào tạo nghề luật sư (Điều 12):
Luật Luật sư năm 2006 quy định thời gian đào tạo nghề luật sư là 06 tháng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã điều chỉnh thời gian đào tạo này lên 12 tháng. Bên cạnh đó, thời gian tập sự hành nghề luật sư được rút ngắn từ 18 tháng xuống còn 12 tháng nhằm đảm bảo tổng thời gian đào tạo nghề luật sư và thời gian tập sự hành nghề vẫn là 24 tháng. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng luật sư và phát triển hợp lý số lượng luật sư. Ngoài ra, việc thay đổi thời gian đào tạo nghề luật sư nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương đào tạo chung ba chức danh Thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư trong thời gian tới theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại Thông báo số 03-TB/CCTP ngày 29/12/2011 về việc cần thiết phải đào tạo chung ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư để tạo mặt bằng kiến thức chung cho những đối tượng này, góp phần thực hiện yêu cầu nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà; tạo điều kiện mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên và việc chuyển đổi các chức danh này theo định hướng của Đảng về cải cách tư pháp.
- Tập sự hành nghề luật sư (Điều 14):
Hiên nay người tập sự hành nghề luật sư ít được cọ sát với vụ việc thực tế. Để tạo điều kiện cho người tập sự được rèn luyện về kỹ năng hành nghề của luật sư, khắc phục bất cập của Luật hiện hành về chế định người tập sự, quy định về tập sự hành nghề luật sư Điều 14 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép người tập sự hành nghề luật sư được thực hiện một số công việc giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp như được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý; giúp luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ việc và các hoạt động nghề nghiệp khác; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn; nhưng không được đại diện, bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật. Để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và chất lượng của hoạt động luật sư, quá trình thực hiện những công việc này của người tập sự hành nghề luật sư được đặt dưới sự giám sát của luật sư hướng dẫn, do luật sư hướng dẫn chịu trách nhiệm và phải được khách hàng đồng ý. Bên cạnh đó, điều luật cũng bổ sung các điều kiện của luật sư hướng dẫn như điều kiện về số năm kinh nghiệm hành nghề luật sư, không trong thời gian bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Luật sư. Đồng thời, điểm mới trong quy định về tập sự hành nghề luật sư là tại cùng một thời điểm, một luật sư không được hướng dẫn quá ba người tập sư. Điều này tạo điều kiện cho người tập sự được quan tâm, hướng dẫn, từ đó được rèn luyện về kỹ năng hành nghề của luật sư, bảo đảm chất lượng tập sự hành nghề luật sư, qua đó nâng cao chất lượng luật sư.
- Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư (Điều 15):
Nhằm nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư quy định về việc chuyển giao việc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư từ Bộ Tư pháp sang Liên đoàn luật sư Việt Nam. Thành phần Hội đồng kiểm tra bao gồm Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam làm Chủ tịch, đại diện Ban chủ nhiệm một số Đoàn luật sư và một số luật sư là thành viên. Bộ Tư pháp có trách nhiệm giám sát và hướng dẫn việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư cũng quy định Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
- Người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư (Điều 16):
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã có sự điều chỉnh về đối tượng được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư. Theo quy định của Luật Luật sư năm 2006, người đã là điều tra viên được miễn tập sự hành nghề luật sư. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đầu vào của đội ngũ luật sư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã phân định rõ, người đã là điều tra viên cao cấp và điều tra viên trung cấp mới được miễn tập sự hành nghề, còn lại, người đã là điều tra viên sơ cấp chỉ được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.
- Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư (Điều 17):
Để đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính, tại khoản 1, khoản 2, Điều 17 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã bỏ “Sơ yếu lý lịch” trong thành phần hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Những thông tin cá nhân về người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư sẽ được thể hiện tại Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư cũng không nộp “Bản sao Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư” trong hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư như theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 17 Luật Luật sư năm 2006. Ngoài ra, quy định mới về cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư đã giảm thời gian xem xét, cấp Chứng chỉ hành nghề từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư quy định hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư của người đạt kết quả kiểm tra tập sự hành nghề luật sư sau khi gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư và hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư của người được miễn tập sự hành nghề luật sư sẽ được gửi về Sở Tư pháp trước khi gửi Bộ Tư pháp. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh tính hợp pháp của hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ gửi về Bộ Tư pháp. Quy định mới này nhằm nâng cao trách nhiệm của Sở Tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước.
- Thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư (Điều 18) và Cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư (Điều 19) :
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã bổ sung các quy định chặt chẽ và có tính dự liệu cao hơn về các trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư. Theo đó, những trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ được bổ sung gồm có người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư mà không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân trong thời hạn ba năm kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư; thôi hành nghề theo nguyện vọng; mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Cùng với đó, các quy định của Điều 19 về việc cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư cũng được điều chỉnh phù hợp với Điều 18. Ngoài ra, căn cứ vào yếu tố lỗi, quy định mới của Điều 19 đã mở rộng những trường hợp được xem xét cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư. Theo đó chỉ những người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do bị kết án về “tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý” thì không được cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư.
- Gia nhập Đoàn luật sư (Điều 20):
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã sửa đổi theo hướng đơn giản hóa hồ sơ và thủ tục gia nhập Đoàn luật sư. Theo đó, luật sư chỉ phải nộp Giấy đề nghị gia nhập Đoàn luật sư theo mẫu do Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành, bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư và Phiếu lý lịch tư pháp đối với trường hợp nộp hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư quá 06 tháng kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư (để đảm bảo thời hạn của Phiếu lý lịch tư pháp). Đồng thời, các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư cũng đảm bảo cho luật sư được lựa chọn Đoàn luật sư để gia nhập, người đã gia nhập Đoàn luật sư phải làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động với cơ quan, tổ chức hoặc thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư. Trường hợp, trong thời hạn ba năm kể từ ngày được cấp Thẻ luật sư, luật sư không làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc không thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở hoặc không hành nghề luật sư trong năm năm liên tục sau khi được cấp Thẻ luật sư thì Ban chủ nhiệm sẽ xóa tên luật sư đó khỏi danh sách luật sư và đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam thu hồi Thẻ luật sư. Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư còn bổ sung quy định về thủ tục chuyển Đoàn luật sư nhằm tạo điều kiện cho luật sư chuyển từ Đoàn luật sư này sang Đoàn luật sư khác.
- Quyền, nghĩa vụ của luật sư (Điều 21):
Nhằm giúp luật sư có cơ sở pháp lý để thực hiện tốt hơn quyền của mình, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã bổ sung quy định: luật sư có quyền được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề, đại diện cho khách hàng theo quy định của pháp luật.
Về nghĩa vụ của luật sư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư bổ sung nghĩa vụ nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, tôn trọng những người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề; tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu; thực hiện trợ giúp pháp lý... Đặc biệt, quy định mới đã bổ sung nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc của luật sư để thường xuyên cập nhật kiến thức, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, qua đó nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ luật sư, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế đối với đội ngũ luật sư.
2.3. Về hành nghề luật sư
- Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư (Điều 27):
Luật Luật sư năm 2006 (Điều 27) quy định khi tham gia tố tụng hình sự, dân sự, hành chính luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng. Quy định này được sửa đổi theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính như sau:
Khi tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, luật sư xuất trình Thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng.
Khi tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa, luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bào chữa. Mặc dù vẫn giữ lại quy định về cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư nhưng quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã có những điểm mới như sau:
- Thứ nhất, việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư chỉ áp dụng đối với trường hợp luật sư tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa;
- Thứ hai, quy định rõ những người có quyền yêu cầu luật sư theo đó không chỉ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà bất kỳ người nào cũng có quyền yêu cầu luật sư;
- Thứ ba, thời hạn cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư cũng được quy định theo hướng rõ ràng hơn. Cụ thể là trong thời hạn ba ngày làm việc hoặc 24 giờ đối với trường hợp tạm giữ, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư;
- Thứ tư, quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Luật sư có quyền khiếu nại, khiếu kiện trong trường hợp bị từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa;
- Thứ năm, nhằm đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính trong việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa để tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư trong việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư quy định hai loại giấy tờ (Thẻ luật sư, giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc của người khác hoặc văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân trong trường hợp tham gia tố tụng vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc trong trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý) thay vì ba loại giấy tờ như quy định của Luật Luật sư năm 2006. Quy định này phù hợp với các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và tố tụng hình sự. Ngoài ra, để người tập sự hành nghề luật sư có cơ hội cọ xát thực tiễn, Luật bổ sung quy định về việc tham gia tố tụng của người tập sự hành nghề luật sư trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính và vụ án hình sự.
- Hình thức tổ chức hành nghề luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư (Điều 32):
Về điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư, theo quy định hiện hành, bất kỳ luật sư nào có Chứng chỉ hành nghề luật sư và có Thẻ luật sư đều có thể thành lập tổ chức hành nghề luật sư. Việc thiếu các quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư trong đó có yêu cầu về kinh nghiệm hành nghề và trụ sở của các tổ chức hành nghề luật sư đã dẫn đến tình trạng nhiều tổ chức hành nghề hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, không bảo đảm chất lượng dịch vụ khi cung cấp cho khách hàng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và tính chuyên nghiệp của nghề luật sư. Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã quy định về điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư, cụ thể quy định về số năm kinh nghiệm hành nghề là 02 năm đối với người thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư và điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất của tổ chức hành nghề (trụ sở làm việc) nhằm nâng cao chất lượng hành nghề luật sư.
- Quyền của tổ chức hành nghề luật sư (Điều 39):
Bổ sung quy định về quyền của tổ chức hành nghề luật sư trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tư vấn, giải quyết các vụ việc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi được yêu cầu. Quy định này nhằm huy động một cách sâu rộng vai trò và sự đóng góp quan trọng của luật sư đối với công cuộc cải cách tư pháp, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, đồng thời tạo điều kiện để nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức hành nghề luật sư.
- Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư (Điều 40):
Nhằm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của tổ chức hành nghề luật sư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã quy định tổ chức hành nghề có nghĩa vụ thực hiện việc quản lý, bảo đảm cho luật sư của tổ chức mình tuân thủ pháp luật, Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam, tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tổ chức và hoạt động của tổ chức mình theo quy định của pháp luật. Từ trước đến nay, việc quản lý, giám sát luật sư và hành nghề luật sư được hiểu là chức năng của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, điều này không phù hợp với tính chất của nghề luật sư và thông lệ hành nghề quốc tế. Do đó, quy định mới này sẽ nâng cao vai trò tự quản của tổ chức hành nghề luật sư và phù hợp với quy định tại Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Ngoài ra, quy định mới còn bổ sung nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư trong việc tạo điều kiện cho luật sư của tổ chức mình tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cho luật sư; nhận người tập sự hành nghề luật sư và cử luật sư có đủ điều kiện hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người tập sự được tập sự, giám sát quá trình tập sự của người tập sự hành nghề luật sư; thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tổ chức và hoạt động của tổ chức mình theo quy định của pháp luật...
- Hợp nhất, sáp nhập và chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề luật sư (Điều 45):
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư bổ sung theo hướng làm rõ nguyên tắc chuyển đổi giữa các loại hình thức tổ chức hành nghề luật sư và giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể về thủ tục hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề luật sư nhằm tạo điều kiện cho tổ chức hành nghề luật sư hoạt động ổn định.
- Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và Điều 50. Đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân (Điều 49):
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã quy định chặt chẽ hơn về phạm vi hành nghề, thủ tục đăng ký của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân theo hướng luật sư hành nghề với tư cách cá nhân chỉ đuợc làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức không phải là tổ chức hành nghề luật sư; không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho cá nhân, cơ quan, tổ chức ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư đó là thành viên. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư cũng bổ sung quy định về thời hạn xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân của Sở Tư pháp, việc đăng ký hành nghề khi chuyển Đoàn luật sư và thu hồi Giấy đăng ký hành nghề khi luật sư đó chấm dứt hoạt động...
2.4. Về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư
Các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã tập trung vào việc tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức, tăng cường tính thống nhất của tổ chức xã hội – nghề nghiêp của luật sư từ Trung ương đến địa phương, nâng cao trách nhiệm tự quản của tô chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, đồng thời cũng tăng cường hợp lý trách nhiệm quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.
- Đoàn luật sư (Điều 60):
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư quy định Đoàn luật sư hoạt động theo Điều lệ chung, thống nhất do Liên đoàn luật sư ban hành, bỏ quy định về Điều lệ Đoàn luật sư; các nghị quyết, quyết định, nội quy, quy định về phí, khoản thu và các quy định khác của Đoàn luật sư không được trái với quy định của pháp luật và Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Điều này có ý nghĩa trong việc tăng cường tính thống nhất trong tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, phát huy vai trò của Liên đoàn luật sư Việt Nam.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư và Điều 65. Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn luật sư Việt Nam (Điều 61):
Để nâng cao vai trò tự quản của các Đoàn luật sư và đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã bổ sung quy định các Đoàn luật sư có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư, lập danh sách những người đủ điều kiện tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam; trách nhiệm bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản trị, điều hành tổ chức hành nghề luật sư; giám sát việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư; quy định về mức phí gia nhập Đoàn luật sư, phí thành viên trên cơ sở khung phí do Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành; tổ chức để các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý; gửi Liên đoàn luật sư nghị quyết, quyết định và các quy định của Đoàn luật sư theo quy định của Điều lệ Liên đoàn luật sư hoặc khi có yêu cầu; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tổ chức và hoạt động, kết quả Đại hội v.v. Ngoài ra, nhằm phù hợp với các quy định của pháp luật về hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư còn quy định Đoàn luật sư phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Liên đoàn luật sư về đề án tổ chức đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng nhân sự Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật.
Để tăng cường hơn nữa vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư quy định chuyển giao một số nhiệm vụ quản lý của Nhà nước sang tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư như giao cho Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư thay vì Bộ Tư pháp tổ chức như quy định của Luật hiện hành; giao cho Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng quản trị, điều hành tổ chức hành nghề luật sư; hướng dẫn và giám sát việc thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư; cho ý kiến về đề án tổ chức đại hội, phương án xây dựng nhân sự Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư; chỉ đạo đại hội của Đoàn luật sư; phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị và báo cáo cơ quan có thẩm quyền về đề án tổ chức đại hội, phương án nhân sự bầu các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn luật sư Việt Nam; tổ chức bình chọn, vinh danh luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có uy tín, có nhiều cống hiến trong hoạt động nghề nghiệp...
- Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam (Điều 67):
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã quy định cụ thể những nội dung chính của Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam như mối quan hệ giữa Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư Việt Nam; cơ cấu, số lượng đại biểu, nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu luật sư của Đoàn luật sư, trình tự và thủ tục tiến hành đại hội của Đoàn luật sư; tài chính của Liên đoàn và Đoàn luật sư; việc ban hành nội quy của Đoàn luật sư; nghĩa vụ báo cáo về tổ chức và hoạt động của Liên đoàn luật sư, Đoàn luật sư.v.v. Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam được áp dụng thống nhất đối với Liên đoàn và các Đoàn luật sư (bỏ Điều 63 về Điều lệ Đoàn luật sư).
2.5. Về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã quy định chặt chẽ hơn một số điều kiện đối với tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam để phù hợp với các cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
- Điều kiện hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài (Điều 68):
Bổ sung quy định về điều kiện của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài theo hướng tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài phải cam kết và bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cam kết và bảo đảm có ít nhất 02 luật sư nước ngoài, kể cả Trường chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài có mặt và hành nghề tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong khoảng thời gian liên tục 12 tháng; Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài phải có ít nhất 02 năm liên tục hành nghề luật sư. Những điều kiện này nhằm đảm bảo các luật sư nước ngoài vào hành nghề tại Việt Nam là những luật sư thực sự có trình độ và kinh nghiệm.
- Hình thức hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài (Điều 69) và Công ty luật nước ngoài (Điều 72):
Bổ sung một hình thức hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài là công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam nhằm phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội số 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh đó, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định việc hợp nhất, sáp nhập các công ty luật nước ngoài cùng loại, chuyển đổi chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài; chuyển đổi công ty luật nước ngoài thành công ty luật Việt Nam; tạm ngừng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định về luật sư Việt Nam và luật sư nước ngoài, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi hình thức hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, phù hợp với pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư.
- Phạm vi hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài (Điều 70):
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã bỏ quy định cho phép luật sư Việt Nam làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được “tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước Toà án Việt Nam đối với các vụ, việc mà chi nhánh, công ty luật nước ngoài thực hiện tư vấn pháp luật, trừ vụ án hình sự”. Đồng thời, bổ sung quy định chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được thực hiện các dịch vụ pháp lý và công chứng liên quan đến pháp luật Việt Nam; được phép cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề luật sư của mình tư vấn pháp luật Việt Nam nhằm phù hợp với Nghị quyết 71/2006/QH11.
- Điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài (Điều 74):
Bổ sung điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài là "có kinh nghiệm tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế" và "cam kết tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam” nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam, tăng cường chất lượng của việc cung cấp các dịch vụ pháp lý.
- Phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài (Điều 76):
Được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài nhằm phù hợp với Nghị quyết 71/2006/QH11 và đảm bảo tính tương thích giữa phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài và phạm vi hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Theo đó, luật sư nước ngàoi hành nghề tại Việt Nam được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có Bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một luật sư Việt Nam, không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam.
- Cấp, gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài (Điều 82):
Được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ thành phần hồ sơ đề nghị, trình tự, thủ tục gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
2.6. Về quản lý hành nghề luật sư
Trách nhiệm quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư (Điều 83):
Được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, phù hợp với các nội dung sửa đổi của Luật, đồng thời bổ sung quy định về vai trò quản lý nhà nước của Sở Tư pháp trong việc giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương.
2.7. Về xử lý kỷ luật đối với luật sư, giải quyết tranh chấp
- Xử lý vi phạm đối với luật sư (Điều 89):
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã bổ sung quy định luật sư nước ngoài vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam thì Bộ Tư pháp thông báo cho tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài nơi cử luật sư nước ngoài vào hành nghề tại Việt Nam hoặc tổ chức hành nghề luật sư đã tuyển dụng luật sư đó. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ, luật sư nước ngoài vi phạm có thể bị thu hồi hoặc xem xét không gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam.
- Điều khoản chuyển tiếp (Điều 92a):
Bổ sung quy định về việc chuyển tiếp đối với việc gia nhập Đoàn luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân và hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài để đảm bảo các quyền của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư không bị ảnh hưởng do các quy định mới của Luật.
Cụ thể, nhằm tạo điều kiện cho luật sư hành nghề với tư cách cá nhân có thời gian chuyển đổi sang hoạt động theo quy định mới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư quy định trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày Luật có hiệu lực, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân theo quy định của Luật Luật sư năm 2006 phải chuyển đổi sang hành nghề dưới hình thức thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư hoặc làm việc theo hợp đồng cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức và thực hiện đăng ký hoạt động.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư cũng quy định, trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, luật sư là thành viên của Đoàn luật sư khác với Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư hoặc chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư mà mình thành lập hoặc tham gia thành lập hoặc nơi có tổ chức hành nghề luật sư hoặc cơ quan, tổ chức mà mình ký kết hợp đồng lao động phải chuyển về gia nhập Đoàn luật sư theo quy định tại Điều 20 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư có hiệu lực, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đã được phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải đáp ứng đủ các điều kiện của Luật mới, trường hợp không đủ điều kiện thì phải chấm dứt hoạt động.
Để đảm bảo quyền lợi của luật sư Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư cũng quy định các luật sư chuyển Đoàn luật sư và đăng ký hoạt động theo quy định của Điều khoản chuyển tiếp không phải nộp phí gia nhập Đoàn luật sư hoặc lệ phí đăng ký hoạt động.
Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư là một đạo luật quan trọng, liên quan đến tổ chức và hoạt động luật sư. Luật sửa đổi lần này tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư nhằm tháo gỡ nhưng khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động luật sư nhằm nâng cao chất lượng luật sư, chất lượng hành nghề luật sư, tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hành nghề và bổ sung một số quy định nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trước những yêu cầu mới của cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, bảo đảm cho hoạt động luật sư tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư , các cấp các ngành hữu quan đều cùng và sẽ thực hiện các nội dung sau:
1. Xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư
2. Tuyên truyền, phổ biến về các nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư
- Tổ chức phổ biến, quán triệt, tập huấn các nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
-Tổ chức giới thiệu, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn: Biên soạn, phát hành các tài liệu phổ biến, giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật, lập danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức rà soát, lập danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ do mình chủ trì soạn thảo để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư và gửi kết quả thực hiện về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức rà soát, lập danh mục các văn bản về tố tụng hình sự cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ do mình chủ trì soạn thảo để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư và gửi kết quả thực hiện về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tổ chức rà soát, lập danh mục các văn bản về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ do mình chủ trì soạn thảo để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư và gửi kết quả thực hiện về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Liên đoàn luật sư Việt Nam rà soát các văn bản, quy chế,… sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
4. Xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư
- Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
- Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Luật sư và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
- Thông tư thay thế Thông tư số 21/2010/TT-BTP ngày 01/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế tập sự hành nghề luật sư.
- Thông tư quy định chế độ bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư.
- Sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí trong lĩnh vực luật sư.
- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về cơ chế tài chính hỗ trợ cho việc bồi dưỡng luật sư, đào tạo nghề luật sư và hoạt động của Đoàn luật sư các tỉnh đặc biệt khó khăn.
- Thông tư liên tịch giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn về việc tham gia tố tụng của luật sư
- Xây dựng Thông tư hướng dẫn về việc thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư.
- Xây dựng Chương trình khung đào tạo nghề luật sư.
5. Nâng cao tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, tăng cường quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.
- Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng tập sự hành nghề luật sư, chất lượng hành nghề luật sư.
- Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Liên đoàn luật Việt Nam.
- Xây dựng và thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra về tập sự hành nghề luật sư, tổ chức và hoạt động luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư theo yêu cầu quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.