Thực tiễn thi hành pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại tỉnh Khánh Hòa đã triển khai áp dụng kịp thời, đầy đủ các quy định liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm và đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:
- Hành lang pháp lý về thực hành kinh doanh có trách nhiệm và các chính sách tương đối rõ ràng, cụ thể. Các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới của Việt Nam bao hàm nhiều giá trị hướng tới sự bền vững, công bằng.
- Tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định liên quan như Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động, Luật An toàn thực phẩm, Luật Hải quan, Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… Đồng thời, thực hiện lồng ghép tuyên truyền các quy định liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
- Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu dừng lại ở mức tuân thủ các quy định về đảm bảo điều kiện làm việc (vệ sinh an toàn lao động, bình đẳng giới, bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân, …) và cơ chế đãi ngộ đối với người lao động (như chế độ bảo hiểm xã hội, thưởng, phúc lợi, …), chưa quan tâm nhiều đến khía cạnh quản trị và môi trường. Nhiều doanh nghiệp còn chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, còn để xảy ra nhiều sự cố môi trường.
Những bất cập, vướng mắc trong áp dụng, thi hành pháp luật
- Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay còn nhầm lẫn giữa kinh doanh có trách nhiệm và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. (Theo Liên Hợp Quốc thì kinh doanh có trách nhiệm có nghĩa là doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền con người, bảo vệ môi trường, thực hiện các trách nhiệm về quan hệ lao động cũng như trách nhiệm giải trình về mặt kinh tế, tài chính với nhà nước như thuế, báo cáo tài chính, …) Ngoài ra, trong trường hợp pháp luật của các quốc gia chưa đảm bảo đủ cho các điều kiện này thì lúc đó các doanh nghiệp cần phải chủ động điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế.
- Trong 3 nhóm thực hành kinh doanh có trách nhiệm về lao động, môi trường và quản trị thì khía cạnh lao động được các doanh nghiệp nhận thức rõ và hưởng ứng tích cực nhất, trong khi các khía cạnh còn lại chưa được quan tâm nhiều. Lĩnh vực lao động được ưu tiên hơn môi trường và quản trị do liên quan trực tiếp tới phúc lợi của con người và thu hút mối quan tâm lớn của cả cơ quan quản lý và công chúng nói chung. Các vấn đề môi trường có những điểm chưa rõ ràng và chế tài tương đối yếu nên chưa được ưu tiên bằng vấn đề lao động.
- Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi hơn, trong khi lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, thiếu về số lượng, kinh phí, phương tiện, nghiệp vụ nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hiện nay, Luật Thương mại yêu cầu thực hiện đầy đủ nguyên tắc bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng về tính chính xác, chất lượng, tính hợp pháp của hàng hóa và dịch vụ do mình kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp.
- Mặc dù khung pháp lý của Việt Nam hiện nay về thực hành kinh doanh có trách nhiệm là khá đầy đủ và hoàn toàn phù hợp với khuôn khổ "bảo vệ, tôn trọng và khắc phục" đặt ra trong Nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Kinh doanh và quyền con người. Tuy nhiên, cơ chế giám sát, kiểm tra và chế tài xử lý cần chặt chẽ và nghiêm khắc hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường.
Từ những bất cập, vướng mắc trên, tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất các khuyến nghị và giải pháp nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam như: Tăng cường bổ sung các quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về thực hành kinh doanh có trách nhiệm để hội nhập sâu hơn; xây dựng Chương trình hành động quốc gia về kinh doanh có trách nhiệm. Kế hoạch hành động quốc gia để tạo ra thông điệp mạnh mẽ từ Chính phủ tới cộng đồng doanh nghiệp, tạo sức ép khiến doanh nghiệp thực hiện kinh doanh có trách nhiệm một cách nghiêm túc, hiệu quả; đề nghị Bộ Công thương sớm tham mưu ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và xem xét, điều chỉnh các quy định liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành công thương.
Lệ Phượng