Một số quy định mới đối với công chức
Ngày 25/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức số 52/2019/QH14 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV (gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Dưới đây là một số nội dung mới liên quan đến công chức:
Thứ nhất, thu hẹp đối tượng là công chức
Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung quy định: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.
Với khái niệm trên thì những trường hợp công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập không còn là công chức kể từ ngày 01/7/2020.
Thứ hai, thêm hình thức tuyển dụng công chức
Điều 37 Luật cán bộ, công chức năm 2008 chỉ quy định một phương thức tuyển dụng công chức là thông qua thi tuyển (ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 37).
Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung quy định “Việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này”. Như vậy, từ ngày 01/7/2020, ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển thì công chức còn được tuyển dụng thông qua việc xét tuyển.
Bên cạnh bổ sung hình thức tuyển dụng công chức, Luật sửa đổi, bổ sung thêm cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức, cụ thể là Tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ ba, nâng ngạch công chức
Điều 44 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định hình thức nâng ngạch công chức là thông qua thi tuyển. Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung thì từ ngày 01/7/2020, việc nâng ngạch công chức được thực hiện thông qua thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch.
Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện chung (1) được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật này; (2) có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn; (3) đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của ngạch công chức đăng ký dự thi, thì công chức được xét nâng ngạch phải thuộc các trường hợp sau:
- Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận;
- Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.
Thứ tư, về đánh giá chất lượng công chức
Luật sửa đổi, bổ sung đã thay thế cụm từ “phân loại đánh giá công chức” bằng “xếp loại chất lượng công chức”; đồng thời, bỏ mức xếp loại “Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực” và thay bằng “Hoàn thành nhiệm vụ”. Một điểm mới khác trong đánh giá chất lượng công chức là kết quả đánh giá chất lượng công chức sẽ “được thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác" (khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung).
Thứ năm, về xử lý kỷ luật đối với công chức
Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung quy định:
“1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Giáng chức;
đ) Cách chức;
e) Buộc thôi việc.
2. Hình thức giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
3. Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.
...”
So với luật hiện hành thì Luật sửa đổi, bổ sung vẫn quy định 5 hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức, nhưng bổ sung nội dung: hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Luật sửa đổi, bổ sung mở rộng những trường hợp công chức đương nhiên bị buộc thôi việc, cụ thể: ngoài trường hợp công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì công chức bị kết án về tội phạm tham nhũng (không phân biệt có được hưởng án treo hay không được hưởng án treo) sẽ đương nhiên bị buộc thôi việc.
Thứ sáu, về thời hiệu xử lý kỷ luật
Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định chung một thời hiệu xử lý kỷ luật cho các hành vi vi phạm của công chức: “thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm”. Luật sửa đổi, bổ sung đã phân loại thời hiệu xử lý kỷ luật theo mức độ của hành vi vi phạm, cụ thể: (i) đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 02 năm tính từ thời điểm có hành vi vi phạm; (ii) đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp tại (i) thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 05 năm tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Bên cạnh quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật theo mức độ của hành vi vi phạm, thì có 04 trường hợp không áp dụng thời hiệu nêu trên:
- Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
- Có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Trên đây là một số nội dung mới áp dụng đối với công chức kể từ ngày 01/7/2020.
Ái Nhân