Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số tuân thủ pháp luật (chỉ số B1); trong 06 tháng đầu năm 2021, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được một số kết quả như sau:
Về xây dựng, hoàn thiện thể chế để giảm chi phí tuân thủ pháp luật
UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật không rõ ràng, không khả thi, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc kiến nghị các Bộ, ngành bãi bỏ các quy định tạo ra chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Ngày 13/5/2021, Quyết định số 1261/QĐ-UBND ngày 13/5/2021 phê duyệt Đề án phát triển, nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, thủy sản giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Về tổ chức thi hành pháp luật
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hỗ trợ các doanh nghiệp.
Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp và kéo dài của dịch bệnh Covid-19, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến trực tiếp các quy định của các văn bản pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp bị hạn chế, nhưng UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo thực hiện công bố kịp thời, đầy đủ, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các quy định đã được đơn giản hóa, các nội dung sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, việc phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện thông qua công tác giải quyết thủ tục hành chính; trên đài truyền thanh; phát hành các tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật; gửi thông tin qua hộp thư điện tử của doanh nghiệp.
- Về cải cách thủ tục hành chính
Ảnh: Tọa đàm trực tuyến về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật ngày 22/6/2021
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phải thực hiện công khai, cập nhật thường xuyên các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính về điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin điện tử, tại trụ sở cơ quan nhà nước, hiệp hội, địa điểm sinh hoạt cộng đồng doanh nghiệp bảo đảm thuận tiện cho việc tìm hiểu, tra cứu, cập nhật thông tin đối với doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương công bố kịp thời, đầy đủ, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, các nội dung sửa đổi, bổ sung, các quy định mới trong các lĩnh vực kinh doanh dễ làm phát sinh các chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật.
UBND tỉnh tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến thông qua Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh (hanhchinhcong.khanhhoa.gov.vn) và Cổng dịch vụ công quốc gia. UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục rà soát, củng cố, bổ sung chức năng, tiện ích cho Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh; phát triển, tích hợp thêm các phần mềm ứng dụng, mở rộng loại hình dịch vụ công cung cấp qua Trung tâm; mở rộng danh mục thủ tục hành chính cho phép thanh toán phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính trực tuyến; đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, kết nối đa dạng các công cụ thanh toán trực tuyến phục vụ cho nhiều loại dịch vụ công khác nhau; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ bưu chính trong thực hiện tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.
Ngày 12/4/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 904/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 cho các sở, ngành, địa phương năm 2021; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thuận tiện, hài lòng cho các cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1, tỉnh Khánh Hòa cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Các quy định pháp luật và thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai thường xuyên thay đổi, công bố mới, dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính trrong lĩnh vực đất đai phải cập nhật, thay đổi cho phù hợp quy định, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp; đồng thời, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật còn hạn chế; các cấp chưa thống nhất và đồng bộ hóa trong việc triển khai thực hiện và ứng dụng các hệ thống phần mềm quản lý, gây thêm việc, mất thời gian và khó khăn cho người thực hiện; một số cá nhân, tổ chức chưa có thói quen sử dụng tiện ích công nghệ thông tin đã được hỗ trợ; các doanh nghiệp nhỏ hạn chế về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, mức độ đầu tư thiết bị công nghệ hạn chế.
Để giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân và doanh nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa có đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo không có các quy định mới chứa đựng các yêu cầu không cần thiết, bất hợp lý, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1; các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định không rõ ràng, cụ thể, không khả thi, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Lệ Phượng