27/12/2021 16:05
|
Sửa đổi, bổ sung quy định về giải trình
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 13/11/2020 (sau đây viết tắt là Luật sửa đổi Luật XLVPHC), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Theo đó, Luật sửa đổi Luật XLVPHC sửa đổi, bổ sung quy định về giải trình (khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Điều 61 Luật XLVPHC năm 2012), cụ thể như sau:
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
- Luật XLVPHC năm 2012 quy định trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có quyền giải trình đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức. Quy định như trên dẫn đến 02 cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho quá trình thi hành và áp dụng pháp luật trong thực tiễn. Theo cách hiểu thứ nhất, chỉ khi áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính mới có quyền giải trình. Cách hiểu thứ hai là khi pháp luật quy định mức tối đa của khung hình phạt đối với hành vi vi phạm hành chính từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có quyền giải trình. Để khắc phục bất cập trên, bảo đảm việc thực hiện pháp luật được thống nhất trong thực tiễn, Luật sửa đổi Luật XLVPHC sửa đổi theo hướng đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
- Luật sửa đổi Luật XLVPHC bổ sung quy định trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không yêu cầu giải trình nhưng trước khi hết thời hạn quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này lại có yêu cầu giải trình thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm.
Lệ Phượng
|
|
|
|
|
|