27/05/2024 15:35        

Thu phí công chứng bản dịch như thế nào mới đúng?

 

Phí công chứng bản dịch là khoản tiền mà người yêu cầu dịch thuật văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài có công chứng (khách hàng) phải trả cho các tổ chức hành nghề công chứng (bên cung cấp dịch vụ công) khi yêu cầu công chứng bản dịch. Hiện nay, mức thu phí công chứng được điều chỉnh bởi Thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng mức thu phí công chứng thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sớm được hướng dẫn thực hiện thống nhất.

Tại khoản 2 Điều 61 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Công chứng viên tiếp nhận bản chính giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình thực hiện. Người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch.

Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải; bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai.

Quy định trên được hiểu, khi dịch văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại, người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch. Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải. Như vậy, bản dịch không bao gồm lời chứng của công chứng viên.

Ảnh: người dân làm thủ tục công chứng tại Văn phòng công chứng (tp.Nha Trang)

Tuy nhiên cũng có quan điểm khác cho rằng bản dịch được công chứng là bao gồm cả lời chứng của công chứng viên. Bởi tại khoản 1 Điều 24 Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng quy định “Lời chứng của công chứng viên là bộ phận cấu thành của văn bản công chứng”. Và theo hướng dẫn cách ghi mẫu lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch (mẫu TP-CC-26) ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BTP quy định: “Số tờ, số trang bao gồm cả phần lời chứng của công chứng viên”. Như vậy, bản dịch gồm các trang dịch và trang lời chứng của công chứng viên. Từ những quan điểm này đã đưa đến việc thu phí công chứng bản dịch khác nhau.

Tại khoản 6 Điều 4 Thông tư số 257/2016/TT-BTC quy định “Phí công chứng bản dịch: 10 nghìn đồng/trang với bản dịch thứ nhất. Trường hợp người yêu cầu công chứng cần nhiều bản dịch thì từ bản dịch thứ 2 trở lên thu 05 nghìn đồng/trang đối với trang thứ nhất, trang thứ 2; từ trang thứ 3 trở lên thu 03 nghìn đồng/trang nhưng mức thu tối đa không quá 200 nghìn đồng/bản.”

Nếu theo quan điểm số trang bản dịch bao gồm cả lời chứng công chứng viên thì khách hàng phải trả phí công chứng nhiều hơn (nhất là khi khách hàng yêu cầu công chứng nhiều bản dịch) và ngược lại. Với quan điểm thứ nhất cho rằng Luật Công chứng đã quy định cụ thể, rõ ràng về bản dịch; đồng thời, tại khoản 5 Điều 61 Luật Công chứng quy định “Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết mẫu lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch”. Do vậy, việc quy định như Thông tư số 01/2021/TT-BTP, tuy có tăng thu cho ngân sách nhà nước nhưng sẽ gây thiệt hại cho người có yêu cầu công chứng bản dịch.

Luật và Thông tư hướng dẫn thi hành luật có quy định còn cách hiểu chưa thống nhất, dẫn đến việc thu phí công chứng bản dịch mỗi nơi một khác tùy vào nhận thức của tổ chức hành nghề công chứng. Vì thế, để quy định pháp luật chỉ có một cách hiểu; đồng thời, hạn chế thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước thông qua khoản thu phí công chứng, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần sớm có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn nữa để tạo đồng thuận trong thực hiện, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng, thực hiện theo cách hiểu riêng.

H.T

 

 

 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 1644187