01/05/2023 16:58        

Hiểu như thế nào về hành vi vi phạm hành chính trong việc không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe, lệnh gọi nhập ngũ?

 

Từ thực tiễn thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016), việc xử lý các hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe NVQS, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ có nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng pháp luật.  

 Ảnh minh họa: Thanh niên Khánh Hòa hăng hái lên đường nhập ngũ năm 2023 (nguồn: Báo Khánh Hòa điện tử)

Trước hết, xét về nguyên tắc xác định xử lý vi phạm hành chính (VPHC), Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định như sau:

Khoản 1 Điều 2 Luật XLVPHC quy định: “VPHC là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt VPHC”.

Căn cứ quy định trên, hành vi VPHC có bốn dấu hiệu cơ bản: Thứ nhất, gây nguy hiểm cho xã hội. Thứ hai, trái pháp luật hành chính. Thứ ba, có lỗi vô ý hoặc cố ý của chủ thể VPHC. Thứ tư, chủ thể VPHC là cá nhân, tổ chức có năng lực trách nhiệm hành chính theo quy định pháp luật.

Điểm a khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC về nguyên tắc xử lý VPHC quy định “Mọi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”.

Theo quy định trên, khi xác định có hành vi VPHC được quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước, người có thẩm quyền phải kịp thời tiến hành xử lý.

Bên cạnh đó, Luật NVQS quy định việc thực hiện lệnh gọi nhập ngũ và lệnh gọi khám sức khỏe như sau:

 Khoản 6 Điều 34 Luật NVQS về thẩm quyền quyết định việc gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân quy định:  “Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi từng công dân nhập ngũ; Trưởng Công an cấp huyện ra lệnh gọi từng công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Lệnh gọi nhập ngũ, gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phải được giao cho công dân trước thời gian ghi trong lệnh 15 ngày.”

Khoản 2 Điều 40 Luật NVQS về khám sức khỏe cho công dân gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân quy định: “ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi khám sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ; Trưởng Công an cấp huyện ra lệnh gọi khám sức khỏe cho công dân trong diện gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Lệnh gọi khám sức khỏe phải được giao cho công dân trước thời điểm khám sức khỏe 15 ngày.”

Như vậy, lệnh gọi nhập ngũ và lệnh gọi khám sức khỏe đều được quy định “phải được giao cho công dân. Tuy Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định rõ việc “giao” phải thực hiện như thế nào, nhưng có thể hiểu là giao trực tiếp cho thanh niên hoặc giao qua đường bưu điện, giao về nơi thường trú của công dân…để thanh niên đó biết mình có nghĩa vụ phải thực hiện việc nhập ngũ hoặc khám sức khỏe.  

Trong thực tế, khi Hội đồng NVQS cấp xã tiến hành giao lệnh gọi nhập ngũ hoặc/và lệnh gọi khám sức khỏe cho thanh niên, trường hợp thanh niên không có mặt tại địa phương, thông thường lệnh gọi nhập ngũ hoặc/và lệnh gọi khám sức khỏe sẽ được giao cho gia đình (qua ông, bà, cha, mẹ…) với mục đích để gia đình thông báo cho thanh niên biết, chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe hoặc/và lệnh gọi nhập ngũ. Tuy nhiên, trường hợp thanh niên không chấp hành thì có bị xem là vi phạm và bị xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng hay không? Đây là vấn đề còn có nhiều quan điểm khác biệt, tựa chung có 2 quan điểm nổi bật sau:

Quan điểm thứ nhất, quy định lệnh gọi khám sức khỏe hoặc/và lệnh gọi nhập ngũ “phải được giao cho công dân” được hiểu là phải giao trực tiếp hoặc giao cho người khác nhưng thanh niên đó phải biết. Khi đó, việc không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe hoặc/và lệnh gọi nhập ngũ là cơ sở để tiến hành xử phạt VPHC. 

Quan điểm thứ hai, khi thanh niên vắng mặt tại địa phương, Hội đồng NVQS cấp xã giao lệnh gọi khám sức khỏe hoặc lệnh gọi nhập ngũ cho gia đình theo quy định “phải được giao cho công dân” để gia đình thông báo và chuyển cho thanh niên. Trường hợp gia đình cho rằng không có thông tin về nơi cư trú, công tác hoặc không thể liên lạc được với thanh niên (có trường hợp gia đình biết thanh niên đang ở đâu nhưng không muốn cho con em mình thực hiện NVQS). Và Hội đồng NVQS cấp xã không có cơ sở để chứng minh thanh niên đó biết mình đã có lệnh gọi khám sức khỏe hoặc/và lệnh gọi nhập ngũ mà không chấp hành. Vì vậy, sẽ không có cơ sở để xử phạt VPHC.

Theo quan điểm người viết, việc xác định có hành vi VPHC xảy ra hay không cần phải làm rõ nội dung: Hội đồng NVQS cấp xã đã thực hiện đầy đủ, đúng trình tự thủ tục quy định về phổ biến pháp luật về NVQS và gọi công dân đăng ký NVQS, về quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS, về giao lệnh gọi nhập ngũ hoặc/và lệnh gọi khám sức khỏe…hay chưa? Thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS đã đăng ký NVQS tại UBND cấp xã hoặc cơ quan, đơn vị theo quy định? Đã được phổ biến quy định pháp luật về thực hiện NVQS, về nghĩa vụ phải chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe hoặc/và lệnh gọi nhập ngũ hay không..?

Trường hợp Hội đồng NVQS cấp xã đã thực hiện đúng, đầy đủ các thủ tục theo quy định thì đủ cơ sở để thực hiện việc xử phạt VPHC, không cần thiết phải chứng minh thanh niên đó có biết rõ mình đã có lệnh gọi khám sức khỏe hoặc/và lệnh gọi nhập ngũ hay chưa.

Sau khi xác định có hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe hoặc/và lệnh gọi nhập ngũ, vi phạm quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực có liên quan, người có thẩm quyền phải kịp thời tiến hành xử lý. Đồng thời, căn cứ vào các Nghị định chuyên ngành để xác định hành vi vi phạm cụ thể và ban hành quyết định xử phạt VPHC.

Trên đây là quan điểm của người viết về xử lý các hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Rất mong sự trao đổi, góp ý của bạn đọc về nội dung trên.

Hải Dương

 

 
Bàn về vấn đề hoàn thiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017
Một số vướng mắc khi kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Cần hướng dẫn xác định thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
Làm thế nào để xác định đúng giá trị tang vật, phương tiện trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản?
Cần hướng dẫn trong việc quy định thủ tục hành chính
Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Sửa đổi, bổ sung quy định về giải trình
Kết quả 03 năm triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh
Thực tiễn thi hành pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại tỉnh Khánh Hòa
Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 06 tháng đầu năm 2021
Huyện Diên Khánh: Đa dạng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao.
Vướng mắc trong thực hiện quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Một số bất cập khi thực hiện phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức diện tích sử dụng công trình sự nghiệp; tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị
Thực trạng thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế trên địa bàn huyện Diên Khánh

  • Tiếc
    16/04/2024
    Một ông nổi tiếng keo kiệt phải cấp cứu vì ăn nhầm nấm độc. Sau khi được bác sỹ rửa ruột, tiêm thuốc, ông ta hồi tỉnh lại. Trước khi cho xuất viện, báo sỹ hỏi:
  • Giải đáp
    16/04/2024
    Bà vợ hỏi ông chồng: - Tại sao người ta chọn Giờ Trái đất vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm ông nhỉ?
  • Món ngon
    16/04/2024
    Hai bợp nhậu ngồi tám chuyện: - Đố ông, trong các món mồi nhậu, con gì ngon nhất?
Số lượt truy cập: 494414