(Ảnh: Internet)
Ngày 19/4/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tại điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định: “Hỗ trợ tối đa không quá 80% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 70% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khó khăn; không quá 50% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia. Mức hỗ trợ cụ thể thực hiện một (01) dự án theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản chương trình” (theo quy định khoản 3 Điều 3 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, cơ quan chủ quản chương trình là các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia).
Để hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện các nội dung, hoạt động, dự án theo quyết định của cấp có thẩm quyền và quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, ngày 04/3/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 15/2022/TT-BTC quy định: “Mức hỗ trợ tối đa cho 01 dự án/kế hoạch liên kết từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”.
Tiếp đó, ngày 12/8/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 53/2022/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 53/2022/TT-BTC quy định: “Mức hỗ trợ và phương thức hỗ trợ cụ thể thực hiện 1 dự án/kế hoạch liên kết từ nguồn ngân sách trung ương: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương (đối với các dự án/kế hoạch liên kết do trung ương thực hiện), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp (đối với các dự án/kế hoạch liên kết do địa phương thực hiện) quyết định mức hỗ trợ cụ thể, đảm bảo theo quy định khoản 5 Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, quy mô, mục tiêu, nhiệm vụ, tính chất của từng dự án/kế hoạch liên kết trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao”.
Như vậy, cùng về một nội dung thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ thực hiện dự án nhưng các quy định nêu trên lại không thống nhất với nhau (thuộc thẩm quyền của cơ quan chủ quản chương trình là UBND tỉnh hay thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh).
Về cùng nội dung vướng mắc này, ngày 23/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 71/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Tại Phụ lục phân công các bộ, cơ quan xử lý các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (ban hành kèm Công điện số 71/CĐ-TTg), Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao trả lời tỉnh Tuyên Quang nội dung khó khăn, vướng mắc “theo quy định khoản 5 Điều 21 và khoản 5 Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP thì mức hỗ trợ được quy định theo tỷ lệ phần trăm (%) theo từng địa bàn cụ thể và mức hỗ trợ thực hiện một (01) dự án cụ thể theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản chương trình do vậy gây lúng túng cho địa phương khi hướng dẫn mức hỗ trợ cụ thể (mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định hay Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về mức hỗ trợ)”, thời hạn hoàn thành là ngày 01/3/2023. Đến nay các địa phương vẫn đang chờ hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
M.T