Nhận thức được tầm quan trọng của Công ước La Hay số 33, Luật Nuôi con nuôi, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 20/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao nhận thức pháp luật về nuôi con nuôi và tăng cường các biện pháp bảo đảm thực thi Công ước La Hay số 33, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới. Trên cơ sở chỉ đạo từ UBND tỉnh, UBND huyện Diên Khánh đã xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn huyện, đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch để triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi hiệu quả.
Các đơn vị như Phòng Tư pháp, Văn phòng HĐND, UBND huyện, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện, UBND các xã, thị trấn phối hợp tốt việc phổ biến nội dung các văn bản pháp luật trên hệ thống đài truyền thanh; Trang Thông tin điện tử, giúp người dân kịp thời cập nhật thông tin.
Hàng tháng trong cuộc họp giao ban, Phòng Tư pháp huyện đã chủ động quán triệt các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp; kịp thời triển khai đến toàn thể công chức Tư pháp - Hộ tịch; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, chấn chỉnh trong việc thực hiện nghiệp vụ, hướng dẫn chu đáo đến người dân, đảm bảo Luật Nuôi con nuôi được thực hiện có hiệu quả.
UBND các xã, thị trấn niêm yết công khai các thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu đăng ký nuôi con nuôi và lệ phí đăng ký tại trụ sở, tạo điều kiện thuận tiện để người dân tiếp cận.
Ảnh minh họa
Từ ngày 01/01/2011 cho đến 31/12/2020, tổng số trẻ được nhận nuôi là 63. Trong đó: dưới 01 tuổi: 44 trẻ (14 nam, 30 nữ). Từ 01 tuổi đến dưới 05 tuổi: 14 trẻ (07 nam, 07 nữ). Từ 05 tuổi trở lên: 05 trẻ (01 nam, 04 nữ).
Các trẻ sống tại gia đình trước khi được nhận làm con nuôi: 34 trẻ. Tại bệnh viện, nhà hộ sinh,…: 29 trẻ.
Qua thống kê, phần lớn trẻ em được nhận làm con nuôi nằm trong độ tuổi từ sơ sinh đến dưới 5 tuổi, sức khỏe bình thường, thuộc trường hợp trẻ bị bỏ rơi hoặc trẻ được người thân, họ hàng nhận làm con nuôi. Một số ít trường hợp cha mẹ đẻ cho người khác nhận làm con nuôi.
Mục đích chính của nhận con nuôi là nhân đạo, nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Đồng thời, việc nhận con nuôi cũng tạo điều kiện cho những gia đình hiếm muộn được làm cha, mẹ.
Qua 10 năm, việc thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 trên địa bàn huyện Diên Khánh đã góp phần giúp nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt.
Nguyễn Bích Thủy