Thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (được ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ), trong đó, có triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số tuân thủ pháp luật (chỉ số B1); trong năm 2020, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được một số kết quả như sau:
Về xây dựng, hoàn thiện thể chế để giảm chi phí tuân thủ pháp luật
UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật không rõ ràng, không khả thi, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc kiến nghị các Bộ, ngành bãi bỏ các quy định tạo ra chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Ngày 29/4/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 983/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2026.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo Sở Tài chính rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, từ đó tham mưu UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh các phương án giảm phí, lệ phí phù hợp với quy định của pháp luật.
Về tổ chức thi hành pháp luật
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp
Trong kỳ báo cáo, vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh hạn chế tổ chức tuyên truyền, phổ biến trực tiếp các quy định của các văn bản pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, UBND tỉnh vẫn chỉ đạo thực hiện công bố kịp thời, đầy đủ, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các quy định đã được đơn giản hóa, các nội dung sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, việc phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện thông qua công tác giải quyết thủ tục hành chính; trên đài truyền thanh; phát hành các tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật; gửi thông tin qua hộp thư điện tử của doanh nghiệp.
- Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hỗ trợ các doanh nghiệp
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Khánh Hòa ưu tiên quan tâm, hỗ trợ, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, ..; .kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung thêm các nguyên nhân bất khả kháng (ngoài những nguyên nhân được quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 114/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) để tạo điều kiện cho ngư dân được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo quy định, như: ngư trường thu hẹp, nguồn lợi thủy sản giảm sút, công ty đóng tàu giao tàu chậm tiến độ,...
- Về cải cách thủ tục hành chính
Nguồn: khanhhoa.gov.vn
Trong năm 2020, tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận, xử lý 19 phản ánh, kiến nghị trên Hệ thống Phản ánh kiến nghị Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, 18 phản ánh, kiến nghị đã xử lý và công khái kết quả xử lý và 01 phản ánh, kiến nghị đang xử lý. UBND tỉnh đã ban hành 84 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính, trong đó 324 thủ tục hành chính ban hành mới, 200 thủ tục sửa đổi, bổ sung, 388 thủ tục bãi bỏ; UBND tỉnh ban hành 51 Quyết định phê duyệt 564 quy trình giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ; theo đó, 1.771 thủ tục hành chính đã được tích hợp và công khai trên Cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng quy định (221 thủ tục hành chính cấp huyện; 1.218 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 99 thủ tục hành chính cấp xã, 233 thủ tục hành chính áp dụng cho nhiều cấp); từ đó, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết, tăng mức độ trả kết quả đúng hạn, giảm chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp.
Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1, tỉnh Khánh Hòa cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Việc tham mưu công bố danh mục thủ tục hành chính, quy định trình tự thực hiện các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn chậm so với các văn bản quy phạm pháp luật khi có hiệu lực thi hành, gây khó khăn trong công tác áp dụng và thực hiện tại địa phương (thủ tục hành chính trong lĩnh vực cho thuê lại lao động, lĩnh vực người có công). Một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố cho cả 03 cấp (huyện, sở, tỉnh) giải quyết nhưng không có mã số riêng, gây khó khăn trong công tác tham mưu công bố tại địa phương và dễ gây nhầm lẫn cho tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện thủ tục hành chính; các quy định liên quan đến các lĩnh vực tài nguyên môi trường như: xây dựng, đầu tư, kinh doanh bất động sản, đấu thầu, …còn mâu thuẫn, chồng chéo, làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số vướng mắc về đất đai, môi trường chưa được Bộ chuyên ngành hướng dẫn cụ thể, kịp thời; hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại Trung tâm Công nghệ thông tin và Dịch vụ hành chính công trực tuyến tuy thường xuyên được nâng cấp định kỳ hàng năm nhưng tại một số thời gian trong ngày, việc xử lý thường bị log out, gây khó khăn trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho công dân; một số cá nhân, tổ chức chưa có thói quen sử dụng tiện ích công nghệ thông tin đã được hỗ trợ.
Để giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân và doanh nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất, kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định không rõ ràng, cụ thể, không khả thi, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kịp thời công bố danh mục thủ tục hành chính sau khi văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính có hiệu lực thi hành để địa phương kịp thời công bố, công khai; Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao nâng cao chất lượng thẩm định trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo không có các quy định mới chứa đựng các yêu cầu không cần thiết, bất hợp lý, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kịp thời công bố danh mục thủ tục hành chính sau khi văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính có hiệu lực thi hành để địa phương kịp thời công bố, công khai.
Lệ Phượng