Một số nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 Quý I năm 2020 trên địa bàn tỉnh
Thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (được ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ), trong đó, có triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số tuân thủ pháp luật (chỉ số B1); trong Quý I năm 2020, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được một số kết quả như sau:
Về xây dựng, hoàn thiện thể chế để giảm chi phí tuân thủ pháp luật
UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật không rõ ràng, cụ thể, không khả thi, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc kiến nghị các Bộ, ngành bãi bỏ các quy định tạo ra chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tư pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo Sở Tài chính rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, từ đó tham mưu UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh các phương án giảm phí, lệ phí phù hợp với quy định của pháp luật.
Về tổ chức thi hành pháp luật
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp.
UBND tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, làm rõ quy định của các văn bản pháp luật mới được ban hành đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp, để cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh; các doanh nghiệp nắm được các quy định mới của các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, quyền và nghĩa của cơ quan nhà nước và của doanh nghiệp để doanh nghiệp biết, tự bảo vệ mình trước các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu. Đồng thời, thực hiện công bố kịp thời đầy đủ, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, các nội dung sửa đổi, bổ sung, các quy định mới trong lĩnh vực kinh doanh dễ làm phát sinh các chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật (tập trung vào các lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng dịch vụ công cộng (ví dụ: điện thoại, điện năng,…), nộp thuế, … để được nhận các hợp đồng, giấy phép trong lĩnh vực công …); chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tổ chức hướng dẫn sử dụng các tài liệu về tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn.