LẠI …KHÓ
- Sao thấy ông có vẻ bơ phờ, mệt mỏi quá vậy?
- À… có lẻ do phải chở thằng nhỏ đi học thêm.
- Ủa? Mọi khi tôi thấy vẫn vậy mà, có căng thẳng gì lắm đâu?
- Kỳ này thì khác, thằng nhỏ chuyển chỗ học nên phải đi xa hơn. Đã vậy còn phải đi qua nhiều hóc hẻm nữa nên tìm ra chỗ mệt bở hơi tai luôn.
- Sao phải chuyển? Cô giáo mua nhà mới hả?
- Nếu được vậy thì đã mừng, đằng này…
- À thì ra …! Hiểu rồi! Chạy “nạn” chứ gì? Vừa rồi có thông báo không dạy thêm, học thêm nên cô phải tìm chỗ “núp” phải không? Thấy vậy mà khó hén!
- Khó ai - Ai khó? Theo ông thì khó cho ngành giáo dục, cô giáo hay là học trò?
- Cả ba!
- Là sao?
- Là không khả thi chứ sao? Ông thử nghĩ xem: việc dạy thêm của giáo viên là một việc làm lương thiện, trong sạch. Vì nhu cầu học của chính bản thân mỗi người là khác nhau mà. Có em muốn giỏi hơn thì tìm cô dạy kèm; Còn em yếu muốn vươn lên bằng các bạn khác cũng phải tìm đến thầy cô. Theo qui luật tự nhiên thì nơi nào có cầu ắt sẽ có cung.
- Nhưng ông cũng thấy rồi đó! Có người cho rằng dạy thêm là một tệ nạn!
- À, điều đó chỉ đúng với những thầy cô giáo lợi dụng việc truyền đạt kiến thức để chuyển hóa và kiếm lợi ích vật chất cho mình, bất chấp cả việc gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh.
- Nói như ông thì không lẻ ở trên… khắt khe quá?
- Đó là ông nói đó nghen? Con ông lớn cả rồi chứ tụi nó còn nhỏ như con tui coi. Ở đó mà không chạy đôn chạy đáo …cần gì con yếu kém mới tìm chỗ cho nó học? Nếu cả cha và mẹ đều đi làm về muộn, không đón con ở trường được, gửi cô chở con về nhà dạy kèm đến 19h. Tối về nhà, con mình chỉ nghỉ ngơi, bố mẹ khỏi phải kèm. Tiện cả đôi bên. Đúng không?
- ….?
- Đó là tui chưa nói, cỡ anh em mình làm công chức mà muốn kèm con học cũng bở hơi tai vì chương trình tụi nhỏ học giờ cao quá. Cứ thử nghĩ những phụ huynh là công nhân phải làm tăng ca, người làm nghề tự do phải tối ngày lo kiếm ăn thì thời gian đâu mà kèm con học. Rồi người có trình độ học vấn chưa cao mà đọc sách của tụi nhỏ cũng không thể hiểu thì lấy gì mà không nhờ thầy cô hả ông?
- Nói vậy thôi, chứ tui đâu có phủ nhận lợi ích mà dạy thêm - học thêm mang lại cho giáo viên và học sinh. Có điều việc này phải được tổ chức đúng mục đích và quản lý chặt chẽ thì sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho cả người dạy lẫn người học.
- Tôi cũng nghĩ như ông vậy! Theo tôi cần nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan, toàn diện và có những biện pháp cần thiết để dạy thêm - học thêm đi đúng hướng. Nếu việc dạy thêm không chỉ nhằm tăng thêm thu nhập cho người làm nghề giáo (dạy thêm không thu phí), lúc đó người làm nghề chỉ dạy thêm khi họ thấy việc dạy thêm làm cho nghề nghiệp của họ thăng tiến hoặc là giúp họ cống hiến nhiều hơn cho xã hội, tương xứng hơn với chế độ đãi ngộ mà xã hội đã dành cho họ.
- Đúng đó! Nghề giáo là một nghề cao quí, hãy tạo điều kiện để những người làm nghề giáo tu dưỡng bản thân mình cho xứng đáng với sự cao quý ấy.
Gia Bảo