28/12/2012 09:38        

Đề cương giới thiệu Luật Phòng, chống rửa tiền.

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

-------------------------

 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

VỤ PHÁP CHẾ

--------------------------

 

ĐỀ CƯƠNG

GIỚI THIỆU LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN

 

Ngày 18 tháng 6 năm 2012 Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ ba đã thông qua Luật phòng, chống rửa tiền và ngày 02 tháng 7 năm 2012 Chủ tịch nước ký Lệnh số 05/2012/L-CTN công bố Luật. Luật phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN

1. Thực trạng pháp luật về phòng, chống rửa tiền trước khi Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền

Nghị định số 74/2005/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 07/6/2005 về phòng, chống rửa tiền có hiệu lực từ ngày 01/8/2005. Nghị định 74/2005/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên đưa ra khái niệm rửa tiền và các biện pháp phòng, chống rửa tiền và là cơ sở để Việt Nam thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Theo quy định tại Nghị định 74/2005/NĐ-CP, Trung tâm Thông tin phòng, chống rửa tiền là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (nay là Cục phòng, chống rửa tiền) được thành lập thực hiện chức năng thu thập, xử lý, chuyển giao thông tin liên quan đến hoạt động rửa tiền. Qua 6 năm thực hiện, Nghị định 74/2005/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đã tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam; đáp ứng được yêu cầu quản lý về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam đã cho thấy một số kết quả như sau:

Thứ nhất, đối với việc hoàn thiện thể chế: Trên cơ sở các quy định của Nghị định 74/2005/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 22/2009/TT-NHNN ngày 17/11/2009 hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 148/2010/TT-BTC ngày 24/9/2010 hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng; Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 12/2011/TT-BXD ngày 01/9/2011 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Thứ hai, về quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống rửa tiền: Nghị định 74/2005/NĐ-CP quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phòng, chống rửa tiền. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có vai trò chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan hữu quan xây dựng, thực hiện chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống rửa tiền trên lãnh thổ Việt Nam; nghiên cứu và có giải pháp để hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trên lãnh thổ Việt Nam. Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm có liên quan đến rửa tiền. Các bộ, ngành khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc phát hiện, xử lý tội phạm rửa tiền.

Cùng với Bộ luật Hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng Nghị định 74/2005/NĐ-CP góp phần làm minh bạch hóa nền tài chính quốc gia.

Thứ ba, về thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Các tổ chức tín dụng nói riêng và các định chế tài chính nói chung đã thực hiện việc xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền. Các quy định nội bộ này là cơ sở quan trọng để các định chế tài chính thực hiện việc phòng ngừa hoạt động rửa tiền một cách có hiệu quả, đảm bảo phát hiện và báo cáo kịp thời giao dịch đáng ngờ cho Cục Phòng, chống rửa tiền. Ngoài việc báo cáo giao dịch đáng ngờ, các định chế tài chính cũng đã thực hiện nghiêm túc việc báo cáo các giao dịch tiền mặt phải báo cáo và giao dịch chuyển tiền ra, vào Việt Nam cho Cục Phòng, chống rửa tiền.

Đồng thời, các định chế tài chính đã bố trí nguồn lực triển khai thực hiện quy định, biện pháp phòng, chống rửa tiền tại từng định chế tài chính. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nhân viên giao dịch với khách hàng và cán bộ phụ trách công tác phòng, chống rửa tiền, các định chế tài chính triển khai đồng bộ công tác đào tạo về phòng, chống rửa tiền.

 Việc xây dựng quy định nội bộ và đào tạo nhân viên và cán bộ phụ trách, công tác phòng, chống rửa tiền đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các định chế tài chính, cá nhân, tổ chức trong việc phòng, chống rửa tiền.

Thứ tư, về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền. Nghị định 74/2005/NĐ-CP tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế về trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với các đơn vị tình báo tài chính của một số quốc gia trong khu vực. Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên của Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) và là quan sát viên của Nhóm các đơn vị tình báo tài chính (Nhóm Egmont).

Tuy nhiên, quá trình 06 năm triển khai thực hiện Nghị định 74/2005/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, bên cạnh kết quả nêu trên, một số tồn tại, vướng mắc đã nảy sinh ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động phòng, chống rửa tiền, cụ thể:

Một là, Nghị định 74/2005/NĐ-CP chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất nên chưa giải quyết được một số quy định không đồng bộ giữa Nghị định 74/2005/NĐ-CP với các văn bản luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành chưa đáp ứng được yêu cầu thời gian ban hành và tổ chức thực hiện.

Hai là, quy định trong Nghị định 74/2005/NĐ-CP chưa đáp ứng được đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền (như Công ước của Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp ma túy và các chất hướng thần, Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước của Liên hợp quốc về chống tài trợ khủng bố, các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền).

Ba là, vấn đề chống rửa tiền là vấn đề nhạy cảm, phức tạp với nhiều quy trình và cách thức, biện pháp đặc biệt, với các khái niệm, thuật ngữ chưa được phổ biến trong đại bộ phận dân chúng, thậm chí ở một số cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam dẫn tới nhận thức về công tác phòng, chống rửa tiền còn có những hạn chế nhất định.

Bốn là, đối tượng có trách nhiệm phòng, chống rửa tiền chưa được mở rộng đến các công ty tín thác, công chứng, kế toán viên…; chưa có những quy định về vấn đề ngân hàng vỏ bọc, tài khoản nặc danh, cá nhân có ảnh hưởng chính trị…

Năm là, hệ thống công nghệ thông tin của phần lớn các tổ chức báo cáo chưa đáp ứng, hỗ trợ cho công tác phòng, chống rửa tiền. Việc rà soát khách hàng của nhiều tổ chức tín dụng còn thủ công, chưa tự động hóa làm giảm hiệu quả của công tác phòng ngừa hoạt động rửa tiền qua hệ thống tài chính.

2. Yêu cầu của thời kỳ mới khi Việt Nam hội nhập quốc tế

Thứ nhất, khi gia nhập WTO, luồng vốn đầu tư nước ngoài (trực tiếp và gián tiếp) vào Việt Nam ngày càng nhiều. Đồng thời, Việt Nam đã tự do hóa giao dịch vãng lai và từng bước tự do hóa các giao dịch vốn nên mức độ kiểm soát đối với các giao dịch chuyển tiền quốc tế đã được nới lỏng hơn. Do đó, nếu hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền của Việt Nam chưa hoàn thiện thì có thể dẫn tới Việt Nam trở thành nơi tội phạm rửa tiền quốc tế lựa chọn để rửa tiền thông qua hệ thống tài chính.

Thứ hai, Việt Nam đã ban hành Luật phòng, chống tham nhũng. Theo quy định của Luật này, một số đối tượng cán bộ, công chức buộc phải kê khai tài sản, thu nhập. Do vậy, yêu cầu minh bạch hóa thu nhập, tài sản cá nhân có thể dẫn tới phát sinh nhu cầu hợp pháp hóa tiền, tài sản bất hợp pháp.

Thứ ba, việc xây dựng, ban hành Luật phòng, chống rửa tiền nhằm khắc phục bất cập của các quy định pháp luật hiện hành, cụ thể: Nghị định 74/2005/NĐ-CP chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Nghị định 74/2005/NĐ-CP còn thiếu quy định về nhiều lĩnh vực trong công tác phòng, chống rửa tiền như quy định về vấn đề ngân hàng vỏ bọc, tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả, áp dụng biện pháp nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng trên cơ sở rủi ro như áp dụng các biện pháp tăng cường đối với khách hàng là người nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, chủ sở hữu hưởng lợi…

Thứ tư, Luật phòng, chống rửa tiền nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập và tuân thủ các cam kết quốc tế: hiện tại, các quy định tại Nghị định 74/2005/NĐ-CP chưa đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực và cam kết quốc tế, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, tạo tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy, từ thực trạng thời gian qua và đứng trước những yêu cầu của  hội nhập quốc tế, việc xây dựng và ban hành Luật phòng, chống rửa tiền là yêu cầu vô cùng cấp thiết.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, ĐỊNH HƯỚNG ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN

1. Định hướng của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền

 Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 về ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 nêu rõ: “Hoàn thiện pháp luật về tài chính, ngân hàng, về thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động; nghiên cứu hoàn thiện quy định về thuế tài sản và việc bắt buộc đăng ký bất động sản; thực hiện việc đăng ký thuế thu nhập cá nhân và thanh toán qua tài khoản; xây dựng Luật Chống rửa tiền”.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1451/QĐ-TTg ngày 12/8/2010 và Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 sửa đổi Quyết định số 1451/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan khẩn trương phối hợp xây dựng dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền đúng thời hạn đặt ra.

Như vậy, việc xây dựng và ban hành Luật phòng, chống rửa tiền là phù hợp với định hướng và nhằm thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống.

2. Quan điểm chỉ đạo đối với việc xây dựng Luật phòng, chống rửa tiền

a) Luật phòng, chống rửa tiền cần phải xây dựng đồng bộ với các Luật khác có liên quan (nhất là Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật các tổ chức tín dụng, Luật tương trợ tư pháp...) và phải tham khảo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, các cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế (Công ước của Liên hợp quốc năm 1988 về chống vận chuyển trái phép ma túy và các chất hướng thần, Công ước của Liên hợp quốc về ngăn chặn tài trợ cho khủng bố năm 1999 và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước Palermo)).

b) Luật phòng, chống rửa tiền cần có quy định về các cơ chế, biện pháp phòng, chống rửa tiền áp dụng đối với tất cả các tổ chức tài chính; cá nhân tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... để bảo đảm cơ chế đồng bộ, có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi rửa tiền.

c) Luật phòng, chống rửa tiền cần thể hiện được nội dung các khuyến nghị của FATF, khuyến nghị của APG đánh giá về cơ chế phòng, chống rửa tiền của Việt Nam, nhưng phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, không gây cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

d) Luật phòng, chống rửa tiền cần quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng về các biện pháp phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là các biện pháp về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, báo cáo giao dịch đáng ngờ, lưu giữ thông tin...

đ) Luật phòng, chống rửa tiền cần khắc phục các bất cập, vướng mắc của Nghị định 74/2005/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 74/2005/NĐ-CP.

III. KẾT CẤU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN

Luật Phòng, chống rửa tiền có 05 chương, bao gồm 50 điều, cụ thể như sau

Chương I: Những quy định chung 

            Chương này gồm 7 điều, từ điều 1 đến điều 7 quy định những nội dung cơ bản về: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Áp dụng Luật phòng, chống rửa tiền, các luật có liên quan và điều ước quốc tế; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền Chính sách của Nhà nước về phòng, chống rửa tiền; Các hành vi bị cấm

Chương II: Biện pháp phòng, chống rửa tiền gồm:

Mục 1: Nhận biết khách hàng và cập nhật thông tin được quy định gồm 13 điều, từ điều 8 đến điều 20 cụ thể: Nhận biết khách hàng; Thông tin nhận biết khách hàng;  Cập nhật thông tin nhận biết khách hàng; Biện pháp xác minh thông tin nhận biết khách hàng; Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro; Khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị; Quan hệ ngân hàng đại lý; Các giao dịch liên quan tới công nghệ mới; Giám sát đặc biệt một số giao dịch; Hoạt động kinh doanh qua giới thiệu; Bảo đảm tính minh bạch của pháp nhân và thỏa thuận ủy quyền; Bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận; Xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền

Mục 2: Trách nhiệm báo cáo, cung cấp và lưu giữ thông tin được quy định 10 điều, từ điều 21 đến điều 30 cụ thể: Báo cáo giao dịch có giá trị lớn; Báo cáo giao dịch đáng ngờ; Báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử; Khai báo, cung cấp thông tin về việc vận chuyển tiền mặt, kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới; Hình thức báo cáo; Thời hạn báo cáo; Thời hạn lưu giữ hồ sơ, báo cáo; Trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin; Bảo đảm bí mật thông tin, tài liệu báo cáo; Thông tin, chứng từ và tài liệu khác liên quan đến các; Báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố

Mục 3: Thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền: Thu thập, xử lý thông tin; Chuyển giao, trao đổi thông tin

Mục 4: Áp dụng các biện pháp tạm thời và xử lý vi phạm: Trì hoãn giao dịch;  Phong tỏa tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản; Xử lý vi phạm

Chương III: Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền:

Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền; Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Trách nhiệm của Bộ Công an; Trách nhiệm của Bộ Tài chính; Trách nhiệm của Bộ Xây dựng; Trách nhiệm của Bộ Tư pháp; Trách nhiệm của các cơ quan khác của Chính phủ; Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; Bảo mật thông tin

Chương IV: Hợp tác quốc về phòng, chống rửa tiền :

Nguyên tắc chung về hợp tác quốc tế; Nội dung hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền; Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền

Chương V: Điều khoản thi hành:

Hiệu lực thi hành; Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

IV. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN

Luật phòng, chống rửa tiền 2012 được ban hành nhằm tạo lập khung pháp lý cho hoạt động phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam. Cơ chế phòng, chống rửa tiền theo Luật phòng, chống rửa tiền 2012 được thực hiện chủ yếu thông qua việc thiết lập một cơ chế thu thập, xử lý các thông tin về nhận dạng khách hàng, thông tin về giao dịch bất thường, giao dịch có giá trị lớn để xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất, sàng lọc, xác định các giao dịch có nguy cơ liên quan đến hành vi rửa tiền được thực hiện thông qua các giao dịch tại các tổ chức tài chính, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.

1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

- Về phạm vi điều chỉnh, Luật phòng, chống rửa tiền quy định về (i) Các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; (ii) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; và (iii) Hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.[1]

Khắc phục bất cập trước đây về khái niệm rửa tiền trong Nghị định 7474/2005/NĐ-CP chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế, trên cơ sở các quy định của các Công ước quốc tế có liên quan, Luật phòng, chống rửa tiền cũng định nghĩa rõ ”rửa tiền” được hiểu là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm: (i) Hành vi được quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự; (ii) Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; (iii) Chiếm hữu tài sản mà tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.[2]

Các quy định của Luật cũng áp dụng đối với việc phòng chống hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố.  

- Về đối tượng áp dụng,[3] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định rõ đối tượng áp dụng bao gồm: (i) Tổ chức tài chính; (ii) Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan; (iii) Tổ chức, cá nhân Việt Nam; người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có giao dịch tài chính, tài sản khác với tổ chức tài chính, cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan; và (iv) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.

So với các quy định tại Nghị định 74/2005/NĐ-CP, Luật phòng chống rửa tiền đã bổ sung thêm một số đối tượng áp dụng là “tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan”. Cụ thể, theo quy định của Luật phòng, chống rửa tiền, “tổ chức tài chính” được hiểu là các tổ chức được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động: (i) Nhận tiền gửi; (ii) Cho vay; (iii) Cho thuê tài chính; (iv) Dịch vụ thanh toán; (v) Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, lệnh chuyển tiền, tiền điện tử; (vi) Bảo lãnh ngân hàng và cam kết tài chính; (vii) Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; (viii) Tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán, đại lý phân phối chứng khoán; (ix) Quản lý danh mục vốn đầu tư; (x) Quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác; (xi) Cung ứng dịch vụ bảo hiểm; hoạt động đầu tư có liên quan đến bảo hiểm nhân thọ; và (xii) Đổi tiền.[4]

Còn khái niệm “Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan” được hiểu là tổ chức, cá nhân thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây: (i) Kinh doanh trò chơi có thưởng, casino; (ii) Kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản; sàn giao dịch bất động sản; (iii) Kinh doanh kim loại quý và đá quý; (iv) Cung ứng dịch vụ công chứng, kế toán; dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; (v) Dịch vụ ủy thác đầu tư; dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; dịch vụ cung cấp giám đốc, thư ký của doanh nghiệp cho bên thứ ba.[5]

 2. Về các biện pháp phòng, chống rửa tiền:

Các biện pháp phòng, chống rửa tiền được quy định tại Chương II gồm 4 mục, 28 điều. Cụ thể như sau:

2.1. Về biện pháp nhận biết khách hàng và cập nhật thông tin khách hàng

Kế thừa quy định tại Nghị định 74/2005/NĐ-CP, Luật Phòng, chống rửa tiền quy định về các trường hợp phải thực hiện nhận biết khách hàng, nội dung thông tin nhận biết khách hàng, các biện pháp xác minh thông tin nhận biết khách hàng, lưu giữ, cập nhật thông tin nhận biết khách hàng, các biện pháp nhận biết khách hàng tăng cường… 

- Về nhận biết khách hàng,[6] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 yêu cầu các tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong bốn trường hợp sau đây: Một là, khi khách hàng mở tài khoản hoặc thiết lập giao dịch với tổ chức tài chính; Hai là, khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn hoặc thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử mà thiếu thông tin về tên, địa chỉ, số tài khoản của người khởi tạo; Ba là, khi có nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; Bốn là, khi có nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.

Đồng thời Luật phòng, chống rửa tiền 2012 cũng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau: (i) Tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng, casino phải tiến hành các biện pháp nhận biết khách hàng đối với các khách hàng có giao dịch có giá trị lớn; (ii) Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng khi cung cấp dịch vụ môi giới mua, bán và quản lý bất động sản cho khách hàng; (iii) Tổ chức, cá nhân kinh doanh kim loại quý, đá quý có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong trường hợp khách hàng có giao dịch mua, bán kim loại quý, đá quý có giá trị lớn bằng tiền mặt; (iv) Tổ chức, cá nhân kinh doanh cung ứng dịch vụ công chứng, kế toán, dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng khi thay mặt khách hàng chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giao dịch hoặc thay mặt khách hàng thực hiện giao dịch chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; quản lý tiền, chứng khoán hoặc các tài sản khác của khách hàng; quản lý tài khoản của khách hàng tại ngân hàng, công ty chứng khoán; điều hành, quản lý hoạt động công ty của khách hàng; tham gia vào hoạt động mua, bán các tổ chức kinh doanh; (v) Các tổ chức cung cấp dịch vụ ủy thác đầu tư, dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, dịch vụ cung cấp giám đốc, thư ký của doanh nghiệp cho bên thứ ba có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng khi cung ứng các dịch vụ thành lập công ty; cung cấp giám đốc, thư ký của doanh nghiệp; cung cấp văn phòng đăng ký, địa chỉ hoặc địa điểm kinh doanh; cung cấp dịch vụ đại diện cho công ty; dịch vụ ủy thác đầu tư; dịch vụ cung cấp người đại diện cho cổ đông.

- Về thông tin nhận biết khách hàng,[7] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định thông tin nhận biết khách hàng phải bao gồm 03 nhóm thông tin sau:

Thứ nhất, thông tin nhận dạng khách hàng.

Đối với khách hàng cá nhân là người Việt Nam, thông tin nhận dạng khách hàng gồm: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại liên lạc, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ nơi đăng ký thường trú và nơi ở hiện tại.

Đối với khách hàng cá nhân là người nước ngoài, thông tin nhận dạng gồm: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh; địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và địa chỉ đăng ký cư trú ở Việt Nam;

Đối với khách hàng là tổ chức, thông tin nhận dạng khách hàng gồm: tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở chính; số điện thoại, số fax; lĩnh vực hoạt động, kinh doanh; thông tin về người thành lập, đại diện cho tổ chức bao gồm các thông tin quy định.

Thứ hai, thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi gồm: (i) Thông tin xác định chủ sở hữu hưởng lợi và áp dụng các biện pháp để nhận biết và cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi; (ii) Đối với khách hàng là pháp nhân hoặc khi cung ứng dịch vụ thỏa thuận ủy quyền, thông tin phải thu thập là thông tin về quyền sở hữu và cơ cấu kiểm soát để xác định được cá nhân có lợi ích kiểm soát và chi phối hoạt động của pháp nhân hoặc thỏa thuận ủy quyền đó.

Thứ ba, thông tin về mục đích của khách hàng trong mối quan hệ với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.

Đồng thời, Luật phòng, chống rửa tiền 2012 cũng quy định tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan có trách nhiệm cập nhật thông tin nhận biết khách hàng trong suốt thời gian thiết lập quan hệ với khách hàng, bảo đảm các giao dịch khách hàng thực hiện phù hợp với thông tin đã biết về khách hàng, về hoạt động kinh doanh, rủi ro, nguồn gốc tài sản của khách hàng.[8]

- Về biện pháp xác minh thông tin khách hàng,[9] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan có trách nhiệm xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua việc sử dụng các tài liệu, dữ liệu sau: (i) Đối với khách hàng là cá nhân: chứng minh nhân dân, hộ chiếu còn thời hạn sử dụng và các giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền cấp; (ii) Đối với khách hàng là tổ chức: Giấy phép hoặc quyết định thành lập; quyết định đổi tên gọi, chia tách, sáp nhập; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng thuê Tổng giám đốc (Giám đốc), Kế toán trưởng (iii) Thông qua tổ chức, cá nhân khác đã hoặc đang có quan hệ với khách hàng; hoặc thông qua cơ quan quản lý hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác để thu thập thông tin và đối chiếu với thông tin khách hàng cung cấp; (iii) Thuê các tổ chức khác để xác minh thông tin nhận biết khách hàng với điều kiện phải bảo đảm tổ chức được thuê thực hiện đúng các quy định về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng.

- Về phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro,[10] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 yêu cầu tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải xây dựng quy định về phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro theo loại khách hàng, loại sản phẩm, dịch vụ, nơi cư trú, đặt trụ sở chính của khách hàng. Trên cơ sở phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro, tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan có thể áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng ở mức độ thấp hơn đối với khách hàng có mức độ rủi ro thấp, nhưng phải đảm bảo thu thập được đầy đủ thông tin về khách hàng thông thường; đối với khách hàng có mức độ rủi ro cao, ngoài việc thực hiện các biện pháp đánh giá thông thường, thì phải áp dụng các biện pháp đánh giá tăng cường.

- Về việc áp dụng các biện pháp đánh giá tăng cường đối với khách hàng có mức độ rủi ro cao, Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định trách nhiệm áp dụng các biện pháp đánh giá tăng cường đối với một số nhóm khách hàng có mức độ rủi ro cao hơn, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị[11] (là người giữ chức vụ cao cấp trong cơ quan, tổ chức hữu quan của nước ngoài theo danh sách thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải có hệ thống quản lý rủi ro để xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị và áp dụng các biện pháp đánh giá tăng cường sau đây: (i) Xây dựng quy chế kiểm soát nội bộ đối với việc mở tài khoản hoặc thiết lập giao dịch khi khách hàng hoặc chủ sở hữu hưởng lợi được xác địnhcá nhân có ảnh hưởng chính trị; (ii) Thực hiện các biện pháp nhằm nhận biết nguồn gốc tài sản của khách hàng; (iii) Tăng cường giám sát khách hàng và quan hệ kinh doanh với khách hàng.

Ngoài ra, các biện pháp đánh giá tăng cường cũng được áp dụng đối với khách hàng là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột của khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị.

Thứ hai, đối với quan hệ ngân hàng đại lý.[12] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định các tổ chức tín dụng khi thiết lập quan hệ ngân hàng đại lý với ngân hàng đối tác nước ngoài phải áp dụng các biện pháp đánh giá tăng cường sau đây: (i) Thu thập thông tin về ngân hàng đối tác để biết đầy đủ về bản chất kinh doanh, uy tín của ngân hàng đối tác và bảo đảm ngân hàng đối tác phải chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan quản lý có thẩm quyền nước ngoài; (ii) Đánh giá việc thực hiện các biện pháp về phòng, chống rửa tiền của ngân hàng đối tác; (iii) Phải được sự chấp thuận của Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc người được ủy quyền ‎của tổ chức tín dụng trước khi thiết lập quan hệ ngân hàng đại lý; (iv) Trong trường hợp khách hàng của ngân hàng đối tác có thể thanh toán thông qua tài khoản của ngân hàng đối tác mở tại ngân hàng, thì ngân hàng phải bảo đảm ngân hàng đối tác đã thực hiện đầy đủ việc nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng và có khả năng cung cấp thông tin nhận biết khách hàng theo yêu cầu của ngân hàng.

Thứ ba, đối với các giao dịch liên quan đến công nghệ mới.[13] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải ban hành quy trình nhằm mục đích: (i) Phát hiện, ngăn chặn việc sử dụng công nghệ mới vào việc rửa tiền; (ii) Quản lý rủi ro về rửa tiền khi thiết lập giao dịch với khách hàng sử dụng công nghệ mới và không gặp mặt trực tiếp. Quy trình này phải bảo đảm việc cập nhật thông tin khách hàng có hiệu quả như việc cập nhật thông tin khách hàng gặp mặt trực tiếp.

Thứ tư, đối với một giao dịch đặc biệt.[14] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải giám sát đặc biệt đối với các giao dịch sau: (i) Giao dịch với giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; (ii) Giao dịch với tổ chức, cá nhân tại quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách do Lực lượng đặc nhiệm tài chính công bố nhằm chống rửa tiền hoặc danh sách cảnh báo.

Đồng thời Luật phòng, chống rửa tiền 2012 cũng yêu cầu tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải kiểm tra cơ sở pháp lý và mục đích của giao dịch; trường hợp có nghi ngờ về tính trung thực, mục đích của giao dịch, thì phải lập báo cáo về giao dịch đáng ngờ gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và có thể từ chối giao dịch đó.

Thứ năm, đối với hoạt động kinh doanh qua giới thiệu.[15] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định khi thực hiện hoạt động kinh doanh qua giới thiệu, tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan có thể thực hiện nhận biết khách hàng qua bên trung gian, nhưng phải bảo đảm các yêu cầu sau: (i) Bên trung gian phải thu thập, lưu giữ và cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin nhận biết khách hàng cho đối tượng báo cáo khi được yêu cầu; (ii) Bên trung gian tuân thủ các yêu cầu về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng theo quy định của Luật phòng, chống rửa tiền 2012 hoặc khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính trong trường hợp bên trung gian là tổ chức nước ngoài;  (iii) Bên trung gian phải là đối tượng chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền.

 Đồng thời, Luật phòng, chống rửa tiền cũng quy định rõ tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải chịu trách nhiệm về việc nhận biết khách hàng, cập nhận thông tin nhận biết khách hàng thông qua bên trung gian.

Thứ sáu, về bảo đảm tính minh bạch của pháp nhân và thỏa thuận ủy quyền.[16] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo đảm tính minh bạch của pháp nhân, thỏa thuận ủy quyền như sau: (i) Sở giao dịch chứng khoán phải lưu giữ và cập nhật thông tin cơ bản về cơ cấu tổ chức, người sáng lập, chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp niêm yết; (ii) Cơ quan đăng ký kinh doanh phải lưu giữ và cập nhật thông tin cơ bản về cơ cấu tổ chức, người sáng lập, chủ sở hữu hưởng lợi của các doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán; (iii) Tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ pháp lý về soạn thảo thỏa thuận ủy quyền cho khách hàng phải lưu giữ, duy trì và cập nhật thông tin về thỏa thuận ủy quyền và chủ sở hữu hưởng lợi theo thỏa thuận đó.

Thứ bảy, về bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận.[17] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định các tổ chức phi lợi nhuận được thành lập hoặc hoạt động tại Việt Nam phải duy trì, cập nhật hồ sơ, lưu trữ đầy đủ, cung cấp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu các thông tin về tổ chức, cá nhân tài trợ; tổ chức, cá nhân tiếp nhận tài trợ; số tiền tài trợ và mục đích sử dụng tiền tài trợ.

2.2. Về việc xây dựng, ban hành các quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền[18]

Để bảo đảm hiệu quả trong hoạt động phòng, chống rửa tiền, Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền với những nội dung chính sau đây: Chính sách chấp nhận khách hàng; Quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng, xác minh và cập nhật thông tin khách hàng; Giao dịch phải báo cáo; Quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ; cách thức giao tiếp với khách hàng thực hiện giao dịch đáng ngờ; Lưu giữ và bảo mật thông tin; Áp dụng biện pháp tạm thời, nguyên tắc xử lý trong các trường hợp trì hoãn thực hiện giao dịch; Chế độ báo cáo, cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền; Kiểm soát và kiểm toán nội bộ việc tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình và thủ tục liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền; trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền.

Đồng thời, Luật cũng yêu cầu nội dung quy định nội bộ phải bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hoạt động có nghi ngờ liên quan tới rửa tiền; phù hợp cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động và mức độ rủi ro về rửa tiền trong hoạt động của tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan và phải được phổ biến đến từng cá nhân, bộ phận có liên quan.

2.3. Về trách nhiệm báo cáo, loại giao dịch phải báo cáo

- Về trách nhiệm báo cáo, Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định cụ thể về trách nhiệm báo cáo của tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan (đối tượng báo cáo) khi thực hiện các loại giao dịch có giá trị lớn, giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử có giá trị lớn.

- Về mức giá trị giao dịch có giá trị lớn,[19] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn. Mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn do Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Hiện tại, theo quy định tại Nghị định 74/2005/NĐ-CP, mức giá trị giao dịch phải báo cáo là giao dịch gửi tiết kiệm có giá trị 500 triệu đồng bằng tiền mặt, ngoại tệ hoặc vàng có giá trị tương đương hoặc giao dịch khác có giá trị từ 200 triệu đồng.

- Về giao dịch chuyển tiền điện tử,[20] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền điện tử vượt quá mức giá trị theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Về giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ,[21] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 đã quy định chi tiết các dấu hiệu đáng ngờ theo nhóm dấu hiệu đáng ngờ cơ bản, dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, trò chơi có thưởng, casino, bất động sản. Khi thực hiện giao dịch mà đối tượng báo cáo có nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc phạm tội mà có hoặc có liên quan đến rửa tiền, thì đối tượng báo cáo phải có trách nhiệm báo cáo về giao dịch này cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo mẫu báo cáo do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

- Về dấu hiệu đáng ngờ cơ bản,[22] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định 8 dấu hiệu đáng ngờ cơ bản gồm: (i) Khách hàng cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán; (ii) Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (iii) Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; (iv) Số điện thoại cá nhân hoặc cơ quan do khách hàng cung cấp không thể liên lạc được hoặc không có số này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch; (v) Các giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo uỷ quyền của tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo; (vi) Các giao dịch mà qua thông tin nhận biết khách hàng hoặc qua xem xét về cơ sở kinh tế và pháp lý của giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội hoặc có liên quan tới tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo; (vii) Các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với thu nhập, hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân này; (viii) Giao dịch của khách hàng thực hiện thông qua đối tượng báo cáo không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

- Về dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng,[23] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm 12 nhóm dấu hiệu sau đây: (i) Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không; (ii) Các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều tài khoản; các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo; (iii) Sử dụng thư tín dụng và các phương thức tài trợ thương mại khác có giá trị lớn, tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường; (iv) Khách hàng mở nhiều tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở khu vực địa lý khác nơi khách hàng cư trú, làm việc hoặc có hoạt động kinh doanh; (v) Tài khoản của khách hàng không giao dịch trên một năm, giao dịch trở lại mà không có lý do hợp lý; tài khoản của khách hàng không giao dịch đột nhiên nhận được một khoản tiền gửi hoặc chuyển tiền có giá trị lớn; (vi) Chuyển số tiền lớn từ tài khoản của doanh nghiệp ra nước ngoài sau khi nhận được nhiều khoản tiền nhỏ được chuyển vào bằng chuyển tiền điện tử, séc, hối phiếu; (vii) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được vốn đầu tư hoặc chuyển tiền ra nước ngoài không phù hợp với hoạt động kinh doanh; doanh nghiệp nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được tiền từ nước ngoài chuyển vào tài khoản mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; (viii) Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn; (ix) Giao dịch gửi tiền, rút tiền hay chuyển tiền được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến tội phạm tạo ra tài sản bất hợp pháp đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng; (x) Khách hàng yêu cầu vay số tiền tối đa được phép trên cơ sở bảo đảm bằng hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần ngay sau khi thanh toán phí bảo hiểm, trừ trường hợp tổ chức tín dụng yêu cầu; (xi) Thông tin về nguồn gốc tài sản sử dụng để tài trợ, đầu tư, cho vay, cho thuê tài chính hoặc uỷ thác đầu tư của khách hàng không rõ ràng, minh bạch; (xii) Thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không rõ ràng, minh bạch.

- Về dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm,[24] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm bao gồm: (i) Khách hàng yêu cầu mua một hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn hoặc yêu cầu thanh toán trọn gói phí bảo hiểm một lần đối với các sản phẩm bảo hiểm không áp dụng hình thức thanh toán trọn gói, trong khi những hợp đồng bảo hiểm hiện tại của khách hàng chỉ có giá trị nhỏ và thanh toán định kỳ; (ii) Khách hàng yêu cầu ký kết hợp đồng bảo hiểm với khoản phí bảo hiểm định kỳ không phù hợp với thu nhập hiện tại của khách hàng hoặc yêu cầu mua hợp đồng bảo hiểm liên quan đến công việc kinh doanh nằm ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng; (iii) Người mua hợp đồng bảo hiểm và thanh toán từ tài khoản không phải là tài khoản của mình hoặc bằng các công cụ chuyển nhượng không ghi tên; (iv) Khách hàng yêu cầu thay đổi người thụ hưởng đã chỉ định hoặc bằng người không có mối quan hệ rõ ràng với người mua hợp đồng bảo hiểm; (v) Khách hàng chấp nhận tất cả các điều kiện bất lợi không liên quan đến tuổi tác, sức khỏe của mình; khách hàng đề nghị mua bảo hiểm với mục đích không rõ ràng và miễn cưỡng cung cấp lý do tham gia bảo hiểm; điều kiện và giá trị hợp đồng bảo hiểm mâu thuẫn với nhu cầu của khách hàng; (vi) Khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm ngay sau khi mua và yêu cầu chuyển tiền cho bên thứ ba; khách hàng thường xuyên tham gia bảo hiểm và nhượng lại hợp đồng bảo hiểm cho bên thứ ba; (vii) Khách hàng là doanh nghiệp có số lượng hợp đồng bảo hiểm cho nhân viên hoặc mức phí bảo hiểm của hợp đồng đóng phí một lần tăng bất thường; (viii) Doanh nghiệp bảo hiểm thường xuyên chi trả bảo hiểm với số tiền lớn cho cùng một khách hàng.

- Về dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán,[25] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định 8 dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm: (i) Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện; (ii) Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý; (iii) Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán; (iv) Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam; (v) Khách hàng thường xuyên bán danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán thanh toán bằng tiền mặt hoặc séc; (vi) Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán bằng tiền mặt hoặc séc trong khoảng thời gian ngắn hoặc sẵn sàng đầu tư vào các danh mục chứng khoán không có lợi; (vii) Tài khoản chứng khoán của khách hàng không hoạt động trong một thời gian dài nhưng đột nhiên được đầu tư lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng; (viii) Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ các quỹ đầu tư được mở ở các vùng lãnh thổ được các tổ chức quốc tế xếp loại là có nguy cơ rửa tiền cao;

- Về dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực trò chơi có thưởng, casino,[26] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định 8 dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực trò chơi có thưởng, casino bao gồm: (i) Khách hàng có dấu hiệu liên tục cố tình thua tại casino; (ii) Khách hàng đổi số lượng đồng tiền quy ước có giá trị lớn tại casino, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng nhưng không tham gia chơi hoặc chơi với số lượng rất nhỏ sau đó đổi lại thành tiền mặt hoặc séc, hối phiếu ngân hàng hoặc chuyển tiền đến tài khoản khác; (iii) Khách hàng yêu cầu chuyển tiền thắng cược, trúng thưởng cho bên thứ ba không có mối quan hệ rõ ràng với khách hàng hoặc khi bên thứ ba không có nơi thường trú cùng với khách hàng; (iv) Khách hàng bổ sung tiền mặt hoặc séc vào số tiền thắng cược, trúng thưởng và yêu cầu casino, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng chuyển thành séc có giá trị lớn; (v) Khách hàng nhiều lần trong một ngày yêu cầu casino, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng đổi số lượng đồng tiền quy ước thành tiền mặt; (vi) Khách hàng nhiều lần trong một ngày yêu cầu bên thứ ba đổi hộ số lượng đồng tiền quy ước có giá trị lớn và nhờ bên thứ ba chơi cá cược hộ; (vii) Khách hàng nhiều lần trong một ngày mua vé xổ số, vé đặt cược, đổi đồng tiền quy ước ở gần mức giới hạn giao dịch có giá trị lớn; (viii) Khách hàng mua lại vé số trúng thưởng có giá trị lớn từ người khác.

- Về dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản,[27] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định 4 dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản bao gồm: (i) Các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý; (ii) Khách hàng không quan tâm đến giá cả bất động sản, phí giao dịch phải trả; (iii) Khách hàng không cung cấp được các thông tin liên quan tới bất động sản hoặc không muốn cung cấp bổ sung thông tin về nhân thân; (iv) Giá thỏa thuận giữa các bên giao dịch không phù hợp giá thị trường.

Ngoài ra, Luật phòng, chống rửa tiền 2012 cũng giao Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung về các dấu hiệu đáng ngờ theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống rửa tiền.[28]

2.4. Về hình thức báo cáo, thời hạn báo cáo, thời hạn lưu giữ hồ sơ, báo cáo

- Về hình thức báo cáo,[29] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định đối tượng báo cáo phải thực hiện báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dưới các hình thức sau: (i) Gửi tệp dữ liệu điện tử hoặc báo cáo bằng văn bản khi chưa thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin tương thích phục vụ cho yêu cầu gửi tệp dữ liệu điện tử đối với các báo cáo về giao dịch giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử; (ii) Trong trường hợp cần thiết, đối tượng báo cáo có thể báo cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử, nhưng phải bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu thông tin báo cáo và phải xác nhận lại bằng một trong hai hình thức (gửi tệp dữ liệu điện tử hoặc báo cáo bằng văn bản); (iii) Đối với báo cáo giao dịch đáng ngờ, đối tượng báo cáo phải gửi kèm hồ sơ mở tài khoản đối với các giao dịch thực hiện thông qua tài khoản, thông tin nhận biết khách hàng, các chứng từ và tài liệu khác liên quan đến giao dịch đáng ngờ, các biện pháp phòng ngừa đã thực hiện.

- Về thời hạn báo cáo,[30] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định đối tượng báo cáo phải thực hiện báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời hạn sau đây: (i) Đối với giao dịch có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điện tử, đối tượng báo cáo phải báo cáo hàng ngày đối với hình thức báo cáo gửi tệp dữ liệu điện tử; hoặc Báo cáo trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch đối với hình thức báo cáo bằng văn bản hoặc các hình thức báo cáo khác; (ii) Đối với báo cáo giao dịch đáng ngờ, đối tượng báo cáo phải báo cáo trong thời gian tối đa là 48 giờ, kể từ thời điểm phát sinh giao dịch; trường hợp phát hiện giao dịch do khách hàng yêu cầu có dấu hiệu liên quan đến tội phạm thì phải báo cáo ngay cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Về lưu giữ hồ sơ, báo cáo,[31] Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định đối tượng báo cáo có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ giao dịch của khách hàng ít nhất 5 năm kể từ ngày phát sinh giao dịch; hồ sơ về nhận biết khách hàng, chứng từ kế toán và các báo cáo về giao dịch giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử kèm chứng từ, tài liệu liên quan ít nhất 5 năm kể từ ngày kết thúc giao dịch hoặc ngày đóng tài khoản hoặc ngày báo cáo.  

2.5. Về chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền[32]

Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định rõ sau khi thu thập, xử lý thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chuyển giao thông tin về phòng chống rửa tiền theo quy định sau: (i) Khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ giao dịch được nêu trong thông tin, báo cáo liên quan đến rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra có thẩm quyền; (ii) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền; (iii) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm trao đổi thông tin với các bộ, ngành liên quan nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền.

2.6. Về áp dụng các biện pháp tạm thời

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định cho phép đối tượng báo cáo áp dụng biện pháp tạm thời gồm: (i) Trì hoãn giao dịch trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc khi các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội. Trong trường hợp này, đối tượng báo cáo phải báo cáo ngay bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (ii) Đối tượng báo cáo phải thực hiện phong tỏa tài khoản hoặc áp dụng biện pháp niêm phong hoặc tạm giữ tài sản của các cá nhân, tổ chức khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và báo cáo việc thực hiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.[33]

2.7. Về hành vi bị cấm

Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định các hành vi bị cấm bao gồm:[34] (i) Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền (ii) Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả (iii) Thiết lập và duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng được thành lập tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhưng không có sự hiện diện hữu hình tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó và không chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền; (iv) Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác; (v) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; (vi) Cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền; (vii) Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.

Bên cạnh đó, Luật phòng, chống rửa tiền 2012 cũng quy định các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Luật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Về trách nhiệm bảo mật thông tin

Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định trách nhiệm bảo mật thông tin của của cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan như sau:[35] (i) Thông tin, chứng từ và tài liệu khác liên quan đến các giao dịch phải báo cáo được bảo quản theo chế độ mật và chỉ được cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (ii) Đối tượng báo cáo không được tiết lộ thông tin về việc đã báo cáo giao dịch đáng ngờ hoặc các thông tin có liên quan cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, Luật phòng, chống rửa tiền 2012 cũng quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ báo cáo hoặc cung cấp thông tin theo quy định của Luật phòng, chống rửa tiền 2012 không bị coi là vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm bí mật tiền gửi, tài sản gửi, thông tin về tài khoản, thông tin về giao dịch của khách hàng.[36]

4. Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước

Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định rõ Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền; Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền; các bộ Công an, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và các bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước, các hoạt động khác theo quy định của pháp luật trong hoạt động phòng, chống rửa tiền. Các quy định của Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải phối hợp, trao đổi các thông tin liên quan đến phòng, chống rửa tiền, nhằm đảm bảo việc phòng, chống rửa tiền hiệu quả, ngăn chặn kịp thời các hành vi rửa tiền; Ngân hàng Nhà nước là đơn vị đầu mối thu thập, phân tích, lưu giữ các báo cáo giao dịch đáng ngờ, báo cáo giao dịch có giá trị lớn.[37]

5. Về trách nhiệm hợp tác quốc tế

Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định rõ nguyên tắc chung, nội dung, hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền; trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành khác trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.[38]

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 Để thi hành Luật phòng, chống rửa tiền 2012, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần triển khai các hoạt động sau đây:

1. Các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền 2012.

2. Các cơ quan, tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Luật phòng, chống rửa tiền 2012 trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân nhằm đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống, nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các quy định của Luật, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng của Luật trong việc bảo vệ trật tự quản lý hành chính nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

 

Việc ban hành Luật phòng, chống rửa tiền là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng, chống rửa tiền ở nước ta. Đồng thời, đây cũng là hành động thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc đấu tranh chống lại hoạt động rửa tiền. Để Luật phòng, chống rửa tiền 2012 đi vào cuộc sống, việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và việc triển khai thực hiện Luật của các bộ, ngành liên quan, tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có vai trò rất quan trọng./.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

 



[1] Điều 1 Luật Phòng, chống rửa tiền

[2] Khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[3] Điều 2 Luật Phòng, chống rửa tiền

[4] Khoản 3 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[5] Khoản 4 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[6] Điều 8 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[7] Điều 9 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[8] Điều 10 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[9] Điều 11 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[10] Điều 12 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[11] Điều 13 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[12] Điều 14 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[13] Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[14] Điều 16 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[15] Điều 17 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[16] Điều 18 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[17] Điều 19 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[18] Điều 20 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[19] Điều 21Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[20] Điều 23 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[21] Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[22] Khoản 2, Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[23] Khoản 3, Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[24] Khoản 4, Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[25] Khoản 5, Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[26] Khoản 6, Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[27] Khoản 7, Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[28] Khoản 8, Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[29] Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[30] Điều 26 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[31] Điều 27 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[32] Điều 31, 32 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[33] Điều 33, 34 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[34] Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[35] Điều 29 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[36] Khoản 2 Điều 28 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[37] Điều 36 - 44 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

[38] Điều 46 - 48 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

 

  • Tiếc
    16/04/2024
    Một ông nổi tiếng keo kiệt phải cấp cứu vì ăn nhầm nấm độc. Sau khi được bác sỹ rửa ruột, tiêm thuốc, ông ta hồi tỉnh lại. Trước khi cho xuất viện, báo sỹ hỏi:
  • Giải đáp
    16/04/2024
    Bà vợ hỏi ông chồng: - Tại sao người ta chọn Giờ Trái đất vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm ông nhỉ?
  • Món ngon
    16/04/2024
    Hai bợp nhậu ngồi tám chuyện: - Đố ông, trong các món mồi nhậu, con gì ngon nhất?
Số lượt truy cập: 514082