18/04/2012 09:51        

Đề cương giới thiệu Luật Đo lường.

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

 

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

 

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU

LUẬT ĐO LƯỜNG

Ngày 11 tháng 11 năm 2011, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Đo lường. Ngày 25 tháng 11 năm 2012, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố Luật Đo lường và luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2012.

 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT ĐO LƯỜNG

1. Vai trò của đo lường

Hoạt động đo lường bao gồm việc thiết lập và sử dụng đơn vị đo; thiết lập và sử dụng chuẩn đo lường; sản xuất, kinh doanh, sử dụng, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo; thực hiện phép đo; định lượng đối với hàng đóng gói sẵn; quản lý về đo lường.

Hoạt động đo lường được thực hiện với phạm vi đo rất rộng (ví dụ: trong đo độ dài, hoạt động đo lường được thực hiện từ kích thước đo cỡ 10-9 m trong công nghệ nano đến kích thước đo theo năm ánh sáng trong thiên văn học), từ độ chính xác tương đối thấp như cân đong để mua bán vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm... phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân đến hoạt động đo và điều khiển các hệ thống thiết bị lớn, phức tạp và có yêu cầu độ chính xác cao (như tổ hợp thiết bị lọc dầu Dung Quất của Việt Nam, tổ hợp máy gia tốc hạt nhân LHC lớn nhất thế giới hiện nay tại châu Âu).

Hoạt động đo lường diễn ra hàng ngày trong tất cả các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ, quốc phòng, an ninh... ở từng quốc gia, trên phạm vi khu vực và toàn thế giới.

Có thể nói, hoạt động đo lường có vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Đo lường thống nhất và chính xác góp phần bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; bảo đảm an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Thực trạng hoạt động đo lường ở Việt Nam

Ngay từ khi mới giành được độc lập, Nhà nước ta đã quan tâm thúc đẩy phát triển hoạt động đo lường phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự. Sau mấy chục năm nỗ lực xây dựng, hệ thống đo lường của nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, đồng thời cũng bộc lộ rõ những bất cập cần khắc phục để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như sau:

a) Những thành tựu đã đạt được

- Để xây dựng và quản lý đo lường, ngay từ năm 1950, Nhà nước ta đã ấn định một hệ đơn vị đo quốc gia trên cơ sở Hệ đơn vị đo quốc tế (tiếng Pháp là Système International dUnités; tiếng Anh là The International System of Units, sau đây viết tắt là SI).

- Hệ thống chuẩn đo lường của từng lĩnh vực đo cũng đã được xác lập gồm chuẩn quốc gia và các chuẩn có độ chính xác thấp hơn là chuẩn chính và chuẩn công tác. Đến nay, chúng ta đã có mười (10) chuẩn quốc gia và dự kiến đến hết năm 2010 hai mươi hai (22) chuẩn quốc gia khác sẽ được phê duyệt. Trên địa bàn các địa phương, gần năm nghìn (5.000) chuẩn chính, chuẩn công tác đã được trang bị, sử dụng tại các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tại các tổ chức kiểm định phương tiện đo. Tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, đã có các chuẩn đo lường đáp ứng yêu cầu kiểm tra, hiệu chuẩn, duy trì độ chính xác các phương tiện đo sử dụng tại cơ sở. Các chuẩn đo lường của địa phương, của cơ sở được liên kết với chuẩn quốc gia thông qua hoạt động kiểm định của các tổ chức kiểm định được chỉ định hoặc hoạt động hiệu chuẩn của các phòng hiệu chuẩn được công nhận.

- Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đo lường từ Trung ương đến địa phương, hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo trên địa bàn cả nước đã được xác lập. Đến nay, cả nước đã có hơn 230 tổ chức được công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo với chuẩn đo lường, trang thiết bị và phương tiện kiểm định khá đầy đủ với trên 2.800 kiểm định viên được đào tạo cơ bản cả về lý thuyết và thực hành kiểm định đối với từng chủng loại phương tiện đo cụ thể.

b) Những bất cập

- Độ chính xác, phạm vi đo của chuẩn quốc gia và thiết bị sao truyền còn hạn chế. Một số trường hợp, chưa đủ khả năng kiểm định, hiệu chuẩn được các chuẩn có độ chính xác cao đang được sử dụng trong các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế, môi trường, khí tượng thuỷ văn, bưu chính viễn thông, hàng không dân dụng, hàng hải, quốc phòng v.v... Một số lĩnh vực đo, chuẩn đo lường quốc gia của ta chưa đủ khả năng tham gia so sánh vòng trên phạm vi khu vực và quốc tế.

- Do được đầu tư rải rác trong nhiều thời kỳ khác nhau, được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau nên chuẩn đo lường, trang thiết bị còn mang tính chắp vá; khả năng đồng bộ giữa độ chính xác, phạm vi đo và thiết bị sao truyền còn hạn chế. Nhiều lĩnh vực đo còn thiếu chuẩn và thiết bị sao truyền như lĩnh vực điện, hoá lý - mẫu chuẩn hoặc gần như hoàn toàn chưa được đầu tư như lĩnh vực điện áp tần số cao, công suất tần số cao, quang, âm.

- Việc quy hoạch, thiết lập, duy trì, khai thác sử dụng chuẩn đo lường chưa được chú trọng đúng mức. Vì vậy, có nơi chuẩn đo lường có độ chính xác cao chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư, bên cạnh đó lại có những nơi không có đủ chuẩn đo lường để sử dụng.

- Hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo hiện nay hiện mới chỉ đáp ứng từ 60% đến 70% nhu cầu kiểm định (khoảng 28 triệu phương tiện đo các loại). Nghĩa là còn từ 30% đến 40% số phương tiện đo thuộc Danh mục phải kiểm định chưa được kiểm định theo quy định. Mặt khác, hiện còn một số lượng không nhỏ tổ chức kiểm định phương tiện đo (điện năng, nước sạch, xăng dầu) đồng thời là doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ này, đã gây hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

- Công nghiệp sản xuất phương tiện đo còn nhiều hạn chế, trình độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu trong nước. Hầu hết các chủng loại phương tiện đo dùng làm chuẩn và các phương tiện đo chính dùng trong công nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Số lượng các doanh nghiệp sản xuất phương tiện đo mang tính chuyên nghiệp rất ít, sản lượng thấp, manh mún, trình độ công nghệ thấp, chất lượng phương tiện đo không ổn định.

- Việc thực hiện phép đo theo quy định do các tổ chức, cá nhân thực hiện và được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, nhưng hoạt động kiểm tra, thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu. Các hành vi vi phạm quy định về đo lường đối với việc thực hiện phép đo (trong kinh doanh xăng dầu, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh điện năng, nước sạch... và trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông hàng đóng gói sẵn) ngày càng tinh vi, phức tạp. Với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường và hội nhập  quốc tế, đặc biệt là sự tăng trưởng nhanh chóng của hàng hóa xuất nhập khẩu, hoạt động kiểm tra, thanh tra cần phải có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu.

Tóm lại, thực trạng hoạt động đo lường và thực trạng pháp luật về đo lường ở nước ta cho thấy, để giải quyết những bất cập trong hoạt động đo lường hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, việc ban hành Luật Đo lường để điều chỉnh thống nhất và toàn diện hoạt động đo lường ở nước ta là hết sức cần thiết và cấp bách.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT ĐO LƯỜNG

Luật Đo lường được soạn thảo theo tinh thần quán triệt các quan điểm chỉ đạo cơ bản sau đây:

1. Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển hoạt động đo lường, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đo lường, tăng cường hiệu lực hiệu quả của quản lý nhà nước về đo lường góp phần bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân; bảo đảm an toàn; bảo vệ sức khoẻ, môi trường; nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an ninh, quốc phòng; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ.

2. Chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống chuẩn đo lường quốc gia để bảo đảm tính thống nhất và chính xác của đo lường trên phạm vi cả nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy giao lưu thương mại.

3. Kế thừa các quy định hiện hành về đo lường đã được thực tiễn kiểm nghiệm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật của các nước và vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam.

III. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO LUẬT

Luật Đo lường gồm 58 điều, được chia thành 9 chương:

Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Chương này gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7), quy định những vấn đề có tính nguyên tắc chung, chi phối toàn bộ nội dung Luật gồm: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc hoạt động đo lường, chính sách của Nhà nước về đo lường, hợp tác quốc tế về đo lường và những hành vi bị cấm.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Điều này quy định về hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường; trách nhiệm quản lý nhà nước về đo lường.

Với quy định như trên đã điều chỉnh toàn bộ các hoạt động liên quan và trực tiếp đến hoạt động đo lường, gồm: hoạt động thiết lập và sử dụng đơn vị đo; thiết lập, duy trì và sử dụng chuẩn đo lường; sản xuất, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; thực hiện phép đo; định lượng đối với hàng đóng gói sẵn; quản lý về đo lường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan đến đo lường và trách nhiệm của Nhà nước đối với đo lường.

Luật đã xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đồng thời quy định rộng hơn so với Pháp lệnh năm 1999, không chỉ dừng lại với việc điều chỉnh các hoạt động đo lường pháp định mà bao quát tất cả các hoạt động đo lường khác, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tham gia hoạt động đo lường và các hoạt động liên quan đến đo lường tại Việt Nam.

Như vậy, bên cạnh việc chỉ rõ các đối tượng áp dụng, Luật đã thể hiện tinh thần mở rộng hợp tác quốc tế nhằm thu hút cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia hoạt động trong lĩnh vực đo lường trên lãnh thổ của Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Nhằm làm rõ khái niệm, từ đó giúp người đọc có cách hiểu chung thống nhất về các quy phạm được quy định trong Luật, Luật đo lường đã giải thích một số từ ngữ quan trọng thiên về kỹ thuật và có tính nghiệp vụ cao trong đo lường, được sử dụng nhiều lần trong nội dung Luật, đồng thời một mặt phải bảo đảm phù hợp với các văn bản của tổ chức đo lường quốc tế (giải thích từ ngữ trong “Từ vựng đo lường quốc tế - VIM - International Vocabulary of Basic and general terms in Metrology” và “Từ vựng đo lường pháp định quốc tế - VIML- International Vocabulary of Terms in Legal Metrology” của Tổ chức đo lường pháp định quốc tế - OIML - International Organization of Legal Metrology), mặt khác phải thể hiện được việc Việt hoá các khái niệm đó nhưng không thay đổi bản chất của khái niệm.

Đối với khái niệm “đo lường”, theo VIM và VIML, “đo lường - Metrology” có đưa ra khái niệm theo hướng khoa học đó là “đo lường là khoa học của phép đo - metrology is science of measurement” hay “đo lường là khoa học của phép đo và việc ứng dụng – metrology is science of measurement and its application”. Về thực chất có thể hiểu một cách khái quát, đo lường là một lĩnh vực khoa học - kỹ thuật chính xác liên quan đến việc xác định, duy trì giá trị đo của đại lượng cần đo. Nó bao gồm tất cả các khía cạnh cả lý thuyết và thực hành cùng với việc tham chiếu đến các phép đo.

            Từ những định hướng đó Luật đã giải thích những từ ngữ sau:

- Đo lường là việc xác định, duy trì giá trị đo của đại lượng cần đo.

- Hoạt động đo lường là việc thiết lập, sử dụng đơn vị đo, chuẩn đo lường; sản xuất, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; thực hiện phép đo; định lượng đối với hàng đóng gói sẵn; quản lý về đo lường; thông tin, đào tạo, tư vấn, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ về đo lường.

- Hệ đơn vị đo quốc tế (viết tắt theo thông lệ quốc tế là SI) là hệ thống đơn vị đo có tên gọi, ký hiệu và quy tắc thiết lập các đơn vị ước, bội cùng với quy tắc sử dụng chúng được Đại hội cân đo quốc tế chấp thuận.

- Chuẩn đo lường là phương tiện kỹ thuật để thể hiện, duy trì đơn vị đo của đại lượng đo và được dùng làm chuẩn để so sánh với phương tiện đo hoặc chuẩn đo lường khác.

Chất chuẩn là một loại chuẩn đo lường đặc biệt có độ đồng nhất và ổn định nhất định đối với một hoặc một số thuộc tính. Chất chuẩn được sử dụng để hiệu chuẩn, kiểm định thiết bị, phương tiện đo, đánh giá phương pháp đo hoặc để xác định giá trị về thành phần, tính chất của vật liệu hoặc chất khác.

- Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo.    

- Phép đo là tập hợp những thao tác để xác định giá trị đo của đại lượng cần đo.

- Hàng đóng gói sẵn theo định lượng (sau đây gọi là hàng đóng gói sẵn) là hàng hóa được định lượng, đóng gói và ghi định lượng trên nhãn hàng hóa mà không có sự chứng kiến của bên mua.

- Kiểm định là hoạt động đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo yêu cầu kỹ thuật đo lường.

- Hiệu chuẩn là hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo.

- Thử nghiệm là việc xác định một hoặc một số đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, chuẩn đo lường.

- Yêu cầu kỹ thuật đo lường là tập hợp các quy định về đặc tính kỹ thuật đo lường của chuẩn đo lường, phương tiện đo, phép đo hoặc lượng của hàng đóng gói sẵn do tổ chức, cá nhân công bố hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

- Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định là tổ chức đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, được cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền xem xét, đưa vào danh sách để tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

- Dấu định lượng là ký hiệu để công bố lượng của hàng đóng gói sẵn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường.

Cùng với các khái niệm mang tính kỹ thuật trong đo lường, Luật còn đưa ra một số từ ngữ khác được sử dụng trong một số chương của Luật, cụ thể là:

- Phê duyệt mẫu phương tiện đo là việc cơ quan nhà nước quản lý về đo lường tổ chức đánh giá, xác nhận mẫu phương tiện đo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định.

- Kiểm tra nhà nước về đo lường (sau đây viết tắt là kiểm tra đo lường) là việc cơ quan nhà nước quản lý về đo lường xem xét, đánh giá lại chuẩn đo lường, phương tiện đo, phép đo, hàng đóng gói sẵn theo yêu cầu kỹ thuật đo lường.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động đo lường

Điều này thể hiện nguyên tắc hoạt động đo lường phải bảo đảm tính thống nhất, chính xác; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế; góp phần bảo đảm công bằng giữa các bên liên quan trong mua bán, thanh toán hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường; thúc đẩy thương mại; tăng cường hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước về đo lường đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện.

Nguyên tắc hoạt động đo lường nêu trên một mặt phải phù hợp với những nguyên tắc hoạt động đo lường của tổ chức đo lường quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đồng thời mặt khác khẳng định tính tự lực và tự chủ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về đo lường

Nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động đo lường, tạo nền tảng cho phát triển công nghệ, Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, ưu tiên đầu tư xây dựng và duy trì hệ thống chuẩn đo lường quốc gia, phát triển nguồn nhân lực về đo lường. Xây dựng các chính sách đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ về đo lường; khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, phát triển, hợp tác quốc tế trong hoat động đo lường; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thiết lập, duy trì và được công nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế khi thực hiện hoạt động đo lường.

Đồng thời bên cạnh việc thúc đẩy nội lực trong nước về hoạt động đo lường, Nhà nước khẳng định việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đo lường, tăng cường ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực về kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; khuyến khích các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của Việt Nam ký kết thỏa thuận thừa nhận kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm với tổ chức tương ứng của các nước, vùng lãnh thổ nhằm tạo thuận lợi cho phát triển thương mại giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ.

Với chính sách của Nhà nước như quy định trong luật đã khẳng định song song với việc Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật nhằm phục vụ yêu cầu quản lý, Nhà nước cũng công nhận kết quả đo lường của các tổ chức, cá nhân khi đáp ứng điều kiện quy định để phục vụ yêu cầu quản lý của Nhà nước. Đây là một trong các vấn đề xã hội hoá hoạt động đo lường thuộc đo lường pháp định mà Pháp lệnh Đo lường không quy định.

Điều 6. Hợp tác quốc tế về đo lường

Hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa về đo lường đang diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi các nền kinh tế phải thúc đẩy hơn nữa các hoạt động quốc tế về đo lường như ký kết điều ước quốc tế về đo lường; gia nhập tổ chức quốc tế về đo lường; ký kết thỏa thuận, thừa nhận kết quả phép đo, kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm giữa tổ chức của Việt Nam với tổ chức tương ứng của các quốc gia, chủ thể khác của pháp luật quốc tế; thực hiện chương trình, dự án hợp tác quốc tế; trao đổi chuyên gia, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đo lường với các quốc gia  khác, các tổ chức quốc tế; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; phối hợp giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, việc hợp tác quốc tế về đo lường cũng như hợp tác quốc tế về lĩnh vực khác cần phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi.

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

 Trước yêu cầu đỏi hỏi sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, ngày càng có những hành vi vi phạm pháp luật về đo lường tinh vi, đa dạng, phức tạp. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, góp phần đảm bảo công bằng, hoạt động đo lường cần phải bảo đảm thống nhất, chính xác, kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, với yêu cầu đó Luật đã quy định một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo lường nói chung và hoạt động khác liên quan đến đo lường như sản xuất, kinh doanh. Cụ thể: Lợi dụng hoạt động đo lường để gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Cố ý làm sai lệch phương tiện đo, kết quả đo; Cố ý cung cấp sai, giả mạo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Giả mạo, tẩy xóa, sửa chữa nội dung trên dấu định lượng, dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định.

Chương II. ĐƠN VỊ ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG

Chương này gồm 2 mục.

 Mục 1 gồm 2 điều (Điều 8 và Điều 9), quy định về: đơn vị đo; sử dụng đơn vị đo bao gồm đơn vị đo pháp định và đơn vị đo khác.

Để hiểu rõ về đơn vị đo pháp định, trước hết hiểu khái quát về đơn vị đo lường. Theo giải thích từ ngữ trong “Từ vựng đo lường quốc tế - VIM - International Vocabulary of Basic and general terms in Metrology thì có thể hiểu một cách khái quát "một đơn vị đo lường" là một đại lượng xác định của một số lượng vật lý, được thiết lập và đặt cho nó một cái tên cùng với ký hiệu tương ứng thông qua quy ước và/hoặc của pháp luật, để từ đó một đơn vị đo lường được sử dụng như là một tiêu chuẩn làm mốc cho phép đo số lượng vật lý theo một đại lượng xác định được làm mốc này.

Ví dụ 07 đơn vị đo lường cơ bản sau:

Đại lượng cơ bản (Base quantity)

Đơn vị cơ bản (Base unit)

Tên

(Name)

Tên

(Name)

Ký hiệu (Symbol)

Độ dài (length)

mét (metre)

m

Khối lượng (mass)

kilogram

kg

Thời gian (time)

giây (second)

s

Cường độ dòng điện (electric current )

ampe (ampere )

A

Nhiệt độ nhiệt động học (thermodynamic temperature)

kelvin

K

Lượng vật chất (amount of substance )

mole  

mol

Cường độ sáng (luminous intensity)

candela

cd

 

Từ các đơn vị đo lường cơ bản sẽ thiết lập các đơn vị dẫn xuất và các bội, ước thập phân của chúng.

Ví dụ: đơn vị dẫn xuất, vận tốc: m/s (mét trên giây); đơn vị ước thập phân: 1m (mét) = 10­­­­-1 d (decimeter); v.v...

Tập hợp các đơn vị đo lường cơ bản, các đơn vị dẫn xuất và các bội, ước thập phân của chúng được gọi là hệ đơn vị SI. Hệ đơn vị SI là hệ đơn vị đo lường quốc tế (tiếng Pháp là Système International dUnités; tiếng Anh là The International System of Units). Tuy nhiên, song song với việc tồn tại hệ đơn vị SI thì trên thế giới hiện nay còn có các đơn vị khác mà trong giao lưu thương mại quốc tế hiện đang được sử dụng như là một thông lệ quốc tế hoặc mang tính đặc thù chuyên ngành được sử dụng theo thói quen trong ngành, lĩnh vực đó (ví dụ đo huyết áp trong y tế là mmHg khi chuyển đổi 1 mmHg sang áp suất thuộc hệ đơn vị SI thì 1 mmHg = 133,332 Pa; Pa là đơn vị dẫn xuất thuộc hệ đơn vị SI, 1 Pa = 1 m-1.kg.s-2) và được các quốc gia chấp nhận. Trên cơ sở đó tuỳ thuộc vào mỗi quốc gia, bên cạnh việc chấp thuận hệ đơn vị SI là đơn vị đo lường thống nhất của quốc gia mình thì một số các đơn vị đo theo thông lệ quốc tế và các đơn vị đo lường đặc thù chuyên ngành cũng được chấp nhận là những đơn vị đo lường của quốc gia hay gọi là đơn vị đo lường pháp định

Đơn vị đo pháp định - legal units of meassurement là đơn vị đo được pháp luật quy định được sử dụng thống nhất đối với tất cả các hoạt động kinh tế-xã hội.

Đồng thời bên cạnh đơn vị đo pháp định, các đơn vị đo thông dụng khác (đơn vị đo dân gian như: tạ, yến, v.v...) hiện đang tồn tại trong thực tiễn và sử dụng trong quan hệ dân sự, Luật không quy định cấm sử dụng mà chỉ hạn chế sử dụng trong các hoạt động nhất định và chúng không bị coi là bất hợp pháp, việc sử dụng đơn vị đo thông dụng này khi liên quan đến các hoạt động bị hạn chế sử dụng thì phải chuyển đổi sang đơn vị đo pháp định theo văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khác với Pháp lệnh Đo lường, quy định tại Chương này của Luật đổi tên đơn vị đo hợp pháp thành đơn vị đo pháp định cho chính xác; quy định rõ phạm vi áp dụng đơn vị đo pháp định; quy định về sử dụng, chuyển đổi đơn vị đo khác sang đơn vị đo pháp định.

Mục 2 gồm 6 Điều (từ Điều 10 đến Điều 15) quy định yêu cầu chung đối với chuẩn đo lường; hệ thống chuẩn đo lường; quản lý về đo lường đối với chuẩn quốc gia; quản lý về đo lường đối với chuẩn chính, chuẩn công tác.

Chuẩn đo lường có vai trò quyết định trong việc duy trì tính thống nhất và độ chính xác trong đo lường. Để đo lường được thống nhất và chính xác, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo tính liên kết đo lường (metrological tracebility), Tính liên kết đo lường” là khả năng mọi kết quả đo đều có thể nối trở về tới cội nguồn (truy nguyên), thông qua một chuỗi so sánh không đứt đoạn. Vì vậy để quản lý chuẩn đo lường, đặc biệt là những lĩnh vực bắt buộc, cần có biện pháp hành chính, có những quy định pháp luật về quản lý chuẩn đo lường.

Việc quy định rõ hệ thống chuẩn đo lường gồm: chuẩn quốc gia, chuẩn chính, chuẩn công tác nhằm phân định cụ thể các mục đích cũng như yêu cầu quản lý đối với từng loại, đồng thời tăng cường khả năng xã hội hoá trong hoạt động đo lường. Cụ thể:

- Chuẩn quốc gia là chuẩn đo lường cao nhất của quốc gia được thiết lập theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn này phải được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt mới có giá trị là chuẩn quốc gia. Việc duy trì, bảo quản, sử dụng được thực hiện tại tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia theo quy định và phải được định kỳ hiệu chuẩn, so sánh với chuẩn quốc tế hoặc với chuẩn quốc gia của nước ngoài đã được liên kết với chuẩn quốc tế. Việc hiệu chuẩn, so sánh chuẩn quốc gia do tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia chịu trách nhiệm thực hiện.

- Chuẩn chính là chuẩn đo lường để hiệu chuẩn các chuẩn đo lường khác của một tổ chức hoặc địa phương; chuẩn công tác là chuẩn đo lường dùng để kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo. Chuẩn chính, chuẩn công tác do địa phương, tổ chức tự thiết lập. Việc duy trì, bảo quản và sử dụng chuẩn chính, chuẩn công tác được thực hiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, người đứng đầu tổ chức giữ chuẩn đo lường này. Chuẩn chính, chuẩn công tác được định kỳ hiệu chuẩn so với chuẩn quốc gia hoặc với chuẩn đo lường có độ chính xác cao hơn đã được liên kết với chuẩn quốc gia hoặc chuẩn quốc tế.

Khác với Pháp lệnh Đo lường, nội dung của Mục này bổ sung quy định yêu cầu chung đối với chuẩn đo lường; sửa đổi, bổ sung quy định chuẩn chính, chuẩn công tác; quy định rõ biện pháp quản lý về đo lường đối với chuẩn chính, chuẩn công tác.

Chương III. PHƯƠNG TIỆN ĐO

Chương này gồm 4 Điều (từ Điều 16 đến Điều 19) quy định việc phân loại phương tiện đo, yêu cầu cơ bản đối với phương tiện đo; yêu cầu về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 1; yêu cầu về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2;

Việc phân định giữa phương tiện đo nhóm 1 với các phương tiện đo nhóm 2 dựa trên mục đích sử dụng chúng nhằm bảo đảm tính chính xác của đo lường và bảo đảm công bằng khi chúng được sử dụng để thiết lập mối quan hệ giữa các bên liên quan trong mua bán, thanh toán hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và các hoạt động công vụ khác theo quy định của pháp luật. Đây cũng là một trong những vấn đề được tổ chức đo lường pháp quyền quốc tế (OIML) cũng như các tổ chức bảo về quyền lợi người tiêu dùng và nhiều tổ chức khác quan tâm.

Với yêu cầu nêu trên, tại Điều 18 và Điều 19 của Luật quy định rõ việc quản lý về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 1 và quản lý về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Cụ thể:

* Về quản lý về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 1

Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, sở hữu, sử dụng phương tiện đo khác được lựa chọn, quyết định thực hiện một hoặc các biện pháp quản lý về đo lường sau đây: thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo; thoả thuận thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo tại tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đáp ứng nguyên tắc hoạt động quy định tại Điều 18 của Luật này; thừa nhận kết quả kiểm định, hiệu chuẩn hoặc thử nghiệm của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm nước ngoài đã cấp cho phương tiện đo.

* Về quản lý đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2

- Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, sở hữu, sử dụng phương tiện đo pháp định phải thực hiện các biện pháp quản lý về đo lường sau đây: phê duyệt mẫu khi sản xuất, nhập khẩu; kiểm định ban đầu trước khi đưa vào sử dụng; kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng; kiểm định bất thường sau sửa chữa.

- Thử nghiệm mẫu phương tiện đo để phê duyệt theo quy định phải được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm được chỉ định đáp ứng yêu cầu của Luật này.

- Kiểm định phương tiện đo phải được thực hiện tại tổ chức được chỉ định kiểm định phương tiện đo đáp ứng yêu cầu quy định của Luật này.

Nội dung mới của chương phương tiện đo quy định trong Luật so với quy định của Pháp lệnh Đo lường năm 1999 thể hiện như sau:

- Quy định tất cả các phương tiện đo đều phải bảo đảm các yêu cầu chung.

- Phân định các phương tiện đo thành 2 loại: phương tiện đo nhóm 1 và phương tiện đo nhóm 2;

- Quy định các biện pháp quản lý về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 làm căn cứ bảo đảm nguyên tắc tuân thủ pháp luật;

- Bổ sung các biện pháp quản lý về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 để bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định;

- Bổ sung nguyên tắc chung đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo;

- Sửa đổi, bổ sung quy định về tên gọi và điều kiện hoạt động của tổ chức được chỉ định kiểm định, thử nghiệm phương tiện đo.

Chương IV.  PHÊ DUYỆT MẪU, KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM PHƯƠNG TIỆN ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG

Chương này gồm 7 Điều (từ Điều 20 đến Điều 26) quy định về phê duyệt mẫu, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; nguyên tắc hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; điều kiện hoạt động của tổ chức được chỉ định kiểm định, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Nội dung mới tại chương này so với quy định của Pháp lệnh Đo lường năm 1999 thể hiện như sau:

- Quy định rõ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm là hoạt động dịch vụ kỹ thuật;

- Phân định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm bắt buộc để phục vụ quản lý nhà nước về đo lường với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tự nguyện phục vụ yêu cầu về đo lường của tổ chức, cá nhân;

- Bổ sung nguyên tắc hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường;

- Sửa đổi, bổ sung quy định về tên gọi và điều kiện hoạt động của tổ chức được chỉ định kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường;

- Quy định về biện pháp kiểm định đối chứng nhằm nâng cao chất lượng kiểm định và hạn chế việc ‘bắt tay” giữa người sử dụng phương tiện đo và tổ chức kiểm định.

Chương V. PHÉP ĐO, LƯỢNG CỦA HÀNG ĐÓNG GÓI SẴN

Chương này gồm 2 mục, 7 Điều (từ Điều 27 đến Điều 34).

1. Mục 1 về phép đo, gồm 4 Điều (từ Điều 27 đến Điều 30) quy định về yêu cầu cơ bản đối với phép đo; các loại phép đo; yêu cầu về đo lường đối với phép đo nhóm 1; yêu cầu về đo lường đối với phép đo nhóm 2.

Tương tự như việc phân định phương tiện đo, phép đo cũng dựa trên mục đích định lượng hàng hoá, dịch vụ trong mua bán, thanh toán; bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường; thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và các hoạt động công vụ khác theo quy định của pháp luật để phân định thành phép đo nhóm 1 và phép đo nhóm 2. Từ việc phân định như vậy, tại Luật Đo lường đã quy định rõ nội dung cần quản lý đối với phép đo nhóm 1 và phép đo nhóm 2.

Nội dung mới của Mục này so với quy định của Pháp lệnh Đo lường năm 1999 thể hiện như sau:

- Quy định tất cả các phép đo đều phải đảm bảo các yêu cầu chung;

- Phân định phép đo thành 2 loại: Phép đo nhóm 1 và phép đo nhóm 2;

- Quy định quản lý về đo lường đối với phép đo nhóm 2 làm căn cứ bảo đảm nguyên tắc tuân thủ pháp luật;

- Bổ sung các biện pháp quản lý về đo lường đối với phép đo nhóm 1 để bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định.

2. Mục 2 về lượng của hàng đóng gói sẵn, gồm 4 Điều (Điều 31 đến Điều 34), quy định về phân loại hàng đóng gói sẵn; yêu cầu cơ bản đối với lượng của hàng đóng gói sẵn; yêu cầu về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 1; yêu cầu về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 2.

Nội dung mới của Mục này so với Pháp lệnh Đo lường năm 1999 thể hiện như sau:

- Phân hàng đóng gói sẵn thành 2 nhóm (nhóm 1 và nhóm 2).

- Quy định tất cả hàng đóng gói sẵn đều phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản về lượng của hàng đóng gói sẵn;

- Bổ sung yêu cầu về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 1 để bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định;

- Quy định yêu cầu về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn nhóm 2 làm căn cứ bảo đảm  yêu cầu quản lý theo quy định của pháp luật;

- Quy định về dấu định lượng; điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn.

Chương VI. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG  ĐO LƯỜNG

Chương này gồm 7 điều (từ Điều 35 đến Điều 41), quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phuơng tiện đo, chuẩn đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được chỉ định; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn; quyền của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về đo lường.

Khác với Pháp lệnh Đo lường năm 1999, Luật này quy định rõ và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân thành một Chương riêng.

Chương VII. KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐO LƯỜNG

Chương này gồm 2 mục.

Mục 1 Kiểm tra nhà nước về đo lường gồm 8 điều (từ Điều 42 đến Điều 49) quy định về kiểm tra nhà nước về đo lường: đối tượng kiểm tra nhà nước về đo lường; nội dung kiểm tra nhà nước về đo lường; trình tự, thủ tục kiểm tra; hình thức kiểm tra; cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường; quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường; xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra nhà nước về đo lường; kinh phí lấy mẫu kiểm tra nhà nước về đo lường.

Tiến bộ khoa học và công nghệ trên toàn cầu đang phát triển nhanh, cùng với quá trình hội nhập, đa dạng hóa nền kinh tế - xã hội trong quá trình đổi mới ở nước ta dẫn đến nhu cầu sử dụng phương tiện đo ngày càng cao với phép đo ngày càng chính xác, thực hiện bằng phương pháp đo ngày càng hiện đại, nhu cầu về sử dụng hàng hóa đóng gói sẵn của người tiêu dùng ngày càng cao dẫn đến những bất cập trong quản lý đo lường. Đòi hỏi phải tăng cường kiểm tra đo lường để đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm công bằng xã hội.

Trước yêu cầu đỏi hỏi sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước về đo lường có hiệu lực, hiệu quả cần có cơ chế, chính sách cho hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường. Hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường nhằm bảo đảm phương tiện đo đang sử dụng, phép đo và phương pháp đo bảo đảm đúng quy định về đo lường để kết quả đo nằm trong giới hạn thiếu cho phép, hàng đóng gói sẵn theo định lượng bảo đảm định lượng phù hợp quy định về đo lường. Do đó cần phải có lực lượng kiểm tra đo lường hoạt động thường xuyên, liên tục nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về đo lường.

Lực lượng này chủ yếu bao gồm các cán bộ, công chức của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, luật pháp về đo lường theo quy định.

Các quy định trong Mục này chưa có trong Pháp lệnh Đo lường hiện hành.

Mục 2 Thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường gồm 3 Điều (Từ Điều 50 đến Điều 52) quy định thanh tra về đo lường; đối tượng và nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đo lường; xử lý vi phạm pháp luật về đo lường.

Tại Mục này, bên cạnh việc khẳng định hoạt động thanh tra về đo lường là trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành về đo lường thực hiện việc thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời để hoạt động thanh tra chuyên ngành về đo lường hoạt động có hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong khi các hành vi gian lận về đo lường diễn ra hàng ngày đòi hỏi phải ngăn chặn, xử lý kịp thời, để giải quyết vấn đề này cần có cơ chế mạnh hơn khi xử lý vi phạm pháp luật về đo lường, cũng như quy định rõ về thẩm quyền xử phạt khi vượt khung tiền phạt theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và mức phạt tiền trong xử lý vi phạm nhằm khắc phục bất cập của quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Cụ thể:

- Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đo lường thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

- Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật này hoặc các quy định về đo lường của luật khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp vi phạm hành chính về đo lường có số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm lớn hơn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng hình thức phạt tiền với mức bằng từ 01 đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính đó. Số tiền thu lợi bất chính phải bị tịch thu. Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và thực hiện các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản này.

- Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về đo lường quy định tại Điều này.

Các quy định trong Mục này chưa có trong Pháp lệnh Đo lường hiện hành.

Chương VIII. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐO LƯỜNG

Chương này gồm 4 điều (từ Điều 53 đến Điều 56) quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về đo lường: trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ; trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ; trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp.

Các quy định mới so với Pháp lệnh Đo lường năm 1999 thể hiện như sau:

- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước và thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về đo lường; quản lý hệ thống chuẩn đo lường; tổ chức thực hiện việc thiết lập, duy trì, bảo quản và sử dụng chuẩn quốc gia; tổ chức và quản lý việc phê duyệt mẫu phương tiện đo; quản lý hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; tổ chức nghiên cứu ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ về đo lường; hợp tác quốc tế về đo lường; tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đo lường; tổ chức, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực hoạt động đo lường; kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đo lường.

- Các Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện việc quản lý nhà nước về đo lường bao gồm các nhiệm vụ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về đo lường; đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Danh mục phương tiện đo pháp định, Danh mục hàng đóng gói sẵn theo định lượng và quy định về phép đo pháp định; tổ chức việc phối hợp và liên kết khả năng về đo lường của các cơ sở nhằm phục vụ thiết thực và có hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu khoa học của ngành, của cơ sở; phối hợp thực hiện việc kiểm tra nhà nước về đo lường trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được phân công; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đo lường theo quy định của pháp luật.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc thực hiện quản lý nhà nước về đo lường đối với các hoạt động đo lường đặc thù thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định về đo lường của Nhà nước tại địa phương; trên cơ sở các quy định của Nhà nước, ban hành các văn bản cần thiết cho công tác quản lý đo lường; quy hoạch, kế hoạch và dành kinh phí thích hợp để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị cần thiết cho công tác quản lý đo lường; tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật về đo lường cho tổ chức, cá nhân; tổ chức thực hiện việc kiểm tra nhà nước về đo lường trên địa bàn địa phương; thanh tra việc chấp hành pháp luật về đo lường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường theo phân cấp.

Chương IX. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Chương này gồm 2 điều (Điều 57 và Điều 58).

Điều 57 quy định Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2012.. Pháp lệnh Đo lường số 16/1999/PL-UBTVQH10 ngày 06 tháng 10 năm 1999 quy định về phí kiểm định phương tiện đo lường tại Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh về phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 58 quy định Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN LUẬT ĐO LƯỜNG

Để thi hành Luật Đo lường thì cần triển khai các hoạt động sau đây:

1. Các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đo lường.

2. Tuyên truyền, phổ biến Luật Đo lường cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng có liên quan về nội dung được quy định trong Luật bằng hình thức tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật; xuất bản ấn phẩm các văn bản pháp luật về đo lường; giới thiệu nội dung của Luật trên các chuyên trang, chuyên mục của các phương tiện thông tin đại chúng…

3.Tổ chức; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực hoạt động đo lường; kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đo lường.

 

 

 

 

 

  • Tiếc
    16/04/2024
    Một ông nổi tiếng keo kiệt phải cấp cứu vì ăn nhầm nấm độc. Sau khi được bác sỹ rửa ruột, tiêm thuốc, ông ta hồi tỉnh lại. Trước khi cho xuất viện, báo sỹ hỏi:
  • Giải đáp
    16/04/2024
    Bà vợ hỏi ông chồng: - Tại sao người ta chọn Giờ Trái đất vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm ông nhỉ?
  • Món ngon
    16/04/2024
    Hai bợp nhậu ngồi tám chuyện: - Đố ông, trong các món mồi nhậu, con gì ngon nhất?
Số lượt truy cập: 513273