08/10/2012 18:44        

Đề cương giới thiệu Luật Biển Việt Nam.

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

---------------------------

BỘ NGOẠI GIAO

ỦY BAN BIÊN GIỚI QUỐC GIA

---------------------------

 

ĐỀ CƯƠNG

GIỚI THIỆU LUẬT BIỂN VIỆT NAM

 

 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT BIỂN VIỆT NAM

1. Căn cứ xây dựng Luật biển Việt Nam

Luật biển Việt Nam được xây dựng dựa trên các căn cứ sau đây:

- Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982; Nghị quyết Đại hội lần thứ X, Đại hội lần thứ XI của Đảng; các Nghị quyết của Đảng, Chỉ thị của Nhà nước về phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng, Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 30-5-2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

- Các Tuyên bố của Chính phủ về chế độ và phạm vi các vùng biển Việt Nam bao gồm: Tuyên bố của Chính phủ năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia năm 2003; và các văn bản pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực chuyên ngành về biển.

- Tổng kết kinh nghiệm quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo và quá trình đổi mới việc quản lý, bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia trong thời gian qua.

- Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, các điều ước song phương về phân định ranh giới các vùng biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng như Hiệp định năm 1997 về phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan, Hiệp định năm 2000 phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định năm 2003 phân định thềm lục địa với In-đô-nê-xia.

- Tham khảo kinh nghiệm quản lý, bảo vệ vùng biển và luật pháp về biển của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Úc, Ca-na-đa, Ấn Độ…

 

2. Sự cần thiết ban hành Luật biển Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.200 km, kinh tế biển và các ngành liên quan đến biển đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước. Năm 1994, nước ta đã phê chuẩn và chính thức trở thành thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982, chúng ta đã khẳng định sẽ thực hiện đầy đủ các quy định của công ước và từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật của ta để phù hợp với các quy định của Công ước. Điều đó có nghĩa nước ta có quyền hưởng và thực hiện các quyền hợp pháp của một quốc gia ven biển đồng thời chấp nhận thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo các quy định của Công ước. Trên thực tế, các nước ven biển đều có các luật về biển, luật về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa… Trong khi đó Việt Nam mới chỉ có một số văn bản pháp luật đề cập đến một số khía cạnh cụ thể có liên quan đến biển. Mặt khác, để vận dụng hiệu quả những nguyên tắc, quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, chúng ta cần xây dựng một bộ luật tổng quát về biển. Mục đích của việc xây dựng và ban hành Luật biển Việt Nam là để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, tạo cơ sở pháp lý để xác định các vùng biển Việt Nam và quy chế pháp lý của các vùng biển đó; góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích của Việt Nam.

Việc ban hành Luật biển Việt Nam là nhu cầu tất yếu nhằm phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, Luật biển Việt Nam có ý nghĩa quan trọng về cả đối nội và đối ngoại. Việc Quốc hội thông qua Luật biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo của đất nước. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản Luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của Việt Nam. Sau khi ban hành Luật biển Việt Nam, chúng ta đã đạt kết quả là làm cho các quy định pháp luật quốc gia hài hoà với các quy định của luật biển quốc tế, cụ thể là Công ước Luật Biển năm 1982. Việc này cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hoà bình đã chuyển một thông điệp: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982, thể hiện quyết tâm của nhà nước ta phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

 

 

II. CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA VIỆC XÂY DỰNG LUẬT BIỂN VIỆT NAM

Luật biển Việt Nam được xây dựng trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

1. Tạo cơ sở, khuôn khổ pháp lý cơ bản, có hiệu lực cao trong việc xác định phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển Việt Nam, nhằm bảo vệ và thực hiện chủ quyền và các quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự, phát triển kinh tế xã hội, mở rộng quan hệ quốc tế trên các vùng biển Việt Nam, tạo môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực.

2. Bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và pháp luật quốc tế về biển.

3. Thể chế hóa và cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong việc quản lý và phát triển các vùng biển, trong tình hình mới.

4. Thực hiện nội luật hóa các quy định cơ bản của Công ước Luật Biển năm 1982.

 

III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT BIỂN VIỆT NAM

Luật biển Việt Nam bao quát các vấn đề quy chế pháp lý các vùng biển Việt Nam và điều chỉnh các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam, bao gồm 7 chương và 55 điều, cụ thể:

Chương I: Những quy định chung

Chương II: Vùng biển Việt Nam

Chương III: Hoạt động trong vùng biển Việt Nam

Chương IV: Phát triển kinh tế biển

Chương V: Tuần tra, kiểm soát trên biển

Chương VI: Xử lý vi phạm

Chương VII: Điều khoản thi hành

1. Chương I: Những quy định chung

Chương này gồm 7 Điều quy định về phạm vi điều chỉnh, việc áp dụng pháp luật, giải thích từ ngữ, nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển, chính sách quản lý và bảo vệ biển, hợp tác quốc tế về biển, quản lý nhà nước về biển.

- Về phạm vi điều chỉnh của Luật Biển Việt Nam (Điều 1):

Phạm vi điều chỉnh của Luật biển Việt Nam bao gồm: đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Luật biển Việt Nam đưa hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào phạm vi điều chỉnh đã khẳng định lại lập trường nhất quán của Nhà nước ta về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Đây không phải là một quy định mới mà là sự tiếp nối của các quy định đã có trước đây. Nội dung liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được đề cập trong các văn bản pháp luật của Việt Nam trước đây như Tuyên bố của Chính phủ năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; Tuyên bố của Chính phủ năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; Nghị quyết năm 1994 của Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982 và Luật biên giới quốc gia năm 2003.

- Về nguyên tắc và chính sách quản lý và bảo vệ biển (Điều 4, Điều 5):

Luật biển Việt Nam nêu rõ quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế khác mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế biển. Mọi cơ quan, tổ chức và công dân có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Nhà nước khuyến khích và bảo hộ hoạt động của ngư dân trên các vùng biển; đầu tư bảo đảm hoạt động của các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển…

- Về đối ngoại (Điều 2, Điều 4, Điều 6):

Luật biển Việt Nam khẳng định chính sách đối ngoại hoà bình của Nhà nước ta và chủ trương nhất quán của ta là giải quyết các tranh chấp liên quan biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Trên thực tế chúng ta đang kiên trì thực hiện chủ trương này và cho đến nay đã giải quyết được một số tranh chấp với các nước láng giềng. Ví dụ, năm 1997 ta cùng Thái Lan phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Thái Lan, năm 2000 cùng Trung Quốc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ và năm 2003 cùng In-đô-nê-xi-a phân định thềm lục địa ở Nam Biển Đông.

Luật biển Việt Nam quy định nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định khác so với các quy định của Luật biển Việt Nam thì áp dụng các quy định của các điều ước quốc tế đó.

Nhà nước ta đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó nêu nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể về biển và đại dương như điều tra, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; bảo vệ đa dạng sinh học biển và hệ sinh thái biển; tìm kiếm, cứu nạn trên biển; phòng chống tội phạm trên biển; phát triển du lịch biển...

- Quản lý Nhà nước về biển (Điều 7):

Quản lý biển là một công việc lớn và phức tạp, có liên quan đến nhiều bộ, ngành và địa phương trong cả nước. Để đảm bảo nguyên tắc quản lý biển thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, Luật biển Việt Nam quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biển trong phạm vi cả nước; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về biển.

2. Chương II: Vùng biển Việt Nam

Chương này bao gồm 14 Điều quy định về việc xác định đường cơ sở, chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (nội thủy, lãnh hải) và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của ta (vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa), đảo, quần đảo và chế độ pháp lý của đảo.

- Về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam (Điều 8):

Luật biển Việt Nam quy định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố.

Năm 1982, Chính phủ đã ra Tuyên bố xác định đường cơ sở từ đảo Thổ Chu đến đảo Cồn Cỏ, gồm 10 đoạn thẳng gãy khúc nối giữa các điểm nhô ra xa nhất của các đảo ven bờ và bờ biển Việt Nam được xác định theo phương pháp “đường cơ sở thẳng” quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và phù hợp với thực tiễn quốc tế. Thực tế là Công ước Luật Biển năm 1982 không quy định tiêu chí cụ thể cho việc vạch đường cơ sở mà chỉ nêu các nguyên tắc chung cho phương pháp xác định đường cơ sở mà thôi.

Căn cứ đường cơ sở năm 1982, chúng ta đã xác định các vùng biển (nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế) và thềm lục địa Việt Nam; lấy đó làm cơ sở để xây dựng Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam trình Liên hợp quốc tháng 5/2009.

 Các vùng biển và điểm cơ sở của Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân Việt Nam và từ lâu đã gắn mật thiết, không thể tách rời với các hoạt động trên đất liền. Do đó, đường cơ sở của Việt Nam phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 7 Công ước Luật Biển năm 1982: “…khi ấn định một số đoạn cơ sở có thể tính đến những lợi ích kinh tế riêng biệt của khu vực đó (khu vực biển liên quan) mà thực tế và tầm quan trọng của vùng biển này đã được một quá trình sử dụng lâu dài chứng minh rõ ràng”. Trong 30 năm qua, ta đã triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, đánh bắt thủy hải sản, nghiên cứu khoa học biển, tiến hành các hoạt động tuần tra, bảo vệ môi trường biển, thực hiện quản lý nhà nước khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển này. Như vậy, đường cơ sở của ta đã được thừa nhận trên thực tế.

Một số khu vực hiện chưa có đường cơ sở như Vịnh Bắc Bộ và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì Chính phủ sẽ xác định và công bố sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

- Về phạm vi và chế độ pháp lý của nội thuỷ (Điều 9, Điều 10):

Nội thuỷ của nước ta là vùng nước nằm giữa bờ biển và đường cơ sở. Nhà nước ta thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy.

- Về phạm vi và chế độ pháp lý của lãnh hải (Điều 11, Điều 12):

Lãnh hải của nước ta rộng 12 hải lý (mỗi hải lý bằng 1852m) kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Nhà nước ta thực hiện chủ quyền đối với lãnh hải Việt Nam, tuy nhiên tàu thuyền nước ngoài có quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải.  

Về việc đi qua không gây hại trong lãnh hải của tàu thuyền nước ngoài: Phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, Luật biển Việt Nam quy định tàu thuyền nước ngoài được quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải nước ta. Tàu quân sự nước ngoài thông báo trước khi đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam.

Luật biển Việt Nam đã nội luật hóa các điều khoản thuộc Mục 3, Phần II trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định về đi qua không gây hại trong lãnh hải. Việc Luật quy định tàu quân sự nước ngoài thông báo trước khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam là phù hợp với thực tiễn quốc tế và không trái với quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Cụ thể, quy định trên của Luật biển Việt Nam hoàn toàn phù hợp với khoản 1 (a) Điều 24 trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, theo đó đã quy định các quốc gia ven biển không được “áp đặt cho tàu thuyền nước ngoài những nghĩa vụ dẫn đến việc cản trở hay hạn chế việc thực hiện quyền đi qua không gây hại của các tàu thuyền này”. Luật biển Việt Nam chỉ quy định thông báo trước các thông tin liên quan, không yêu cầu phải xin phép như quy định của một số nước, do đó không phải là sự cản trở hay hạn chế việc thực hiện quyền đi qua không gây hại của tàu quân sự nước ngoài. Trước đây, quy định của pháp luật Việt Nam yêu cầu tàu quân sự nước ngoài phải xin phép trước (Nghị định số 30/CP của Chính phủ năm 1980), nay Luật biển Việt Nam đã bỏ yêu cầu này và chỉ quy định cần thông báo để các cơ quan quản l‎ý biết, điều phối cho việc qua lại được thuận lợi.

- Về phạm vi và chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải (Điều 13, Điều 14):

Vùng tiếp giáp lãnh hải nằm ngoài lãnh hải và có chiều rộng 12 hải lý. Nhà nước ta có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các quyền khác như đối với vùng đặc quyền kinh tế. Ngoài ra, ta có thêm một số quyền, cụ thể: tiến hành kiểm soát để ngăn ngừa và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

- Về phạm vi và chế độ pháp lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (Điều 15, Điều 16, Điều 17 và Điều 18):

Nhà nước ta thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vùng đặc quyền kinh tế của nước ta rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Thềm lục địa của nước ta được xác định căn cứ vào phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài cùng của rìa lục địa. Trong trường hợp mép ngoài cùng của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Ở những khu vực mép ngoài cùng của lục địa rộng hơn 200 hải lý, ta có quyền mở rộng thềm lục địa Việt Nam đến 350 hải lý theo các điều kiện và thủ tục Công ước Luật Biển năm 1982 quy định. Nhà nước ta đã căn cứ vào quy định của Công ước tiến hành khảo sát thực tế đáy biển, xác định giới hạn thềm lục địa ở những khu vực rộng ra ngoài 200 hải lý. Năm 2009, Nhà nước ta đã gửi báo cáo về ranh giới thềm lục địa mở rộng của Việt Nam ở hai khu vực tới Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc xem xét.

Việc thực hiện các quyền và các hoạt động như: quyền tự do hàng hải, quyền tự do đặt dây cáp, ống dẫn ngầm, tự do hàng không và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam; quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm trên thềm lục địa Việt Nam... phải phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên và luật pháp của Việt Nam về biển. Luật biển Việt Nam cũng quy định vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển cũng thuộc chủ quyền của nước ta.

- Quy định về đảo, quần đảo và chế độ pháp lý của đảo, quần đảo (Điều 19, Điều 20 và Điều 21):

Luật biển Việt Nam khẳng định các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và Nhà nước thực hiện chủ quyền trên các đảo, quần đảo này. Luật biển Việt Nam quy định đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; còn đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Quy định này tương tự như Điều 121 của Công ước Luật Biển năm 1982 và áp dụng chung cho tất cả các đảo, trong đó có các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đối với các bãi đá san hô ở hai quần đảo này không có điều kiện duy trì cuộc sống con người hoặc không có đời sống kinh tế riêng thì chỉ có lãnh hải 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982).

3. Chương III: Hoạt động trong vùng biển Việt Nam

Chương này bao gồm 20 Điều quy định về nội hàm của việc đi qua không gây hại trong lãnh hải; nghĩa vụ khi thực hiện quyền này; hoạt động của các loại tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển của ta (tàu quân sự, tàu thuyền công vụ, tàu ngầm); quyền tài phán quân sự và dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài; quy định tuyến hàng hải và phân luồng giao thông; về gìn giữ, bảo vệ tài nguyên môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; các hoạt động bị cấm trong vùng biển của ta...

- Quy định chung (Điều 22):

Luật biển Việt Nam nêu rõ trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam là phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia của Việt Nam, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan. Đồng thời, phù hợp với nghĩa vụ của Nhà nước ta theo Công ước Luật Biển năm 1982, Luật biển Việt Nam cũng khẳng định Nhà nước ta tôn trọng và bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của tàu thuyền, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Đi qua không gây hại trong lãnh hải (Điều 23):

Phù hợp với quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 (các Điều 17, 18 và 19), Luật biển Việt Nam quy định tàu thuyền nước ngoài được quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam (tức là đi từ vùng biển nước khác hoặc vùng biển quốc tế qua lãnh hải nước ta để sang vùng biển nước khác hoặc ra vùng biển quốc tế).

Luật quy định rõ những hành vi mà tàu thuyền nước ngoài không được làm khi đi qua lãnh hải nước ta. Cụ thể là không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc; luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào; thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam; tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam; phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay lên tàu thuyền; phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện quân sự lên tàu thuyền; bốc, dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu thuyền trái với quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế, y tế, hoặc xuất nhập cảnh; cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển; đánh bắt hải sản trái phép; nghiên cứu, điều tra, thăm dò trái phép; làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc hoặc của thiết bị hay công trình khác của Việt nam; Tiến hành hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc đi qua.

- Nghĩa vụ khi thực hiện quyền đi qua không gây hại (Điều 24):

Luật biển Việt Nam quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến an toàn hàng hải, bảo vệ thiết bị và hệ thống bảo đảm hàng hải, đường dây cáp ngầm, bảo tồn tài nguyên biển, giữ gìn môi trường biển...

Do tính chất đặc biệt và độ nguy hiểm cao của tàu thuyền chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chở các chất phóng xạ, chất độc hại, nguy hiểm nên luật pháp quốc tế đòi hỏi các tàu thuyền nước ngoài như trên cần phải tuân thủ một số yêu cầu nghiêm ngặt hơn so với các tàu khác. Do vậy, Luật biển Việt Nam quy định nghĩa vụ của thuyền trưởng tàu thuyền nước ngoài chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại hoặc nguy hiểm, khi đi trong lãnh hải Việt Nam, phải mang đầy đủ tài liệu kỹ thuật liên quan tới tàu thuyền và hàng hóa trên tàu thuyền, tài liệu về bảo hiểm dân sự bắt buộc; sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam mọi tài liệu liên quan đến thông số kỹ thuật của tàu thuyền cũng như của hàng hóa trên tàu thuyền; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đặc biệt đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên áp dụng đối với loại tàu thuyền này; tuân thủ quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc áp dụng biện pháp phòng ngừa đặc biệt, kể cả cấm không được đi qua lãnh hải Việt Nam hoặc buộc phải rời ngay khỏi lãnh hải Việt Nam trong trường hợp có dấu hiệu hoặc bằng chứng rõ ràng về khả năng gây rò rỉ hoặc làm ô nhiễm môi trường.

- Tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải phục vụ cho việc đi qua không gây hại (Điều 25)

Luật biển Việt Nam nêu rõ Chính phủ quy định công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải. Đối với tàu thuyền nước ngoài chở dầu hoặc chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chỏ chất phóng xạ, chất độc hại hay nguy hiểm có thể bị buộc phải đi theo tuyền hàng hải riêng cho từng trường hợp.

- Vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải (Điều 26)

Phù hợp quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, Luật biển Việt Nam quy định Chính phủ có thể thiết lập các vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải nước ta khi cần thiết để bảo vệ chủ quyền, quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, thảm hoạ môi trường biển, phòng chống lây lan dịch bệnh v..v..

- Đối với tàu quân sự, tàu thuyền công vụ, tàu ngầm và phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài (Điều 27, Điều 28 và Điều 29):

Tàu chiến và tàu thuyền công vụ của nước ngoài là đối tượng đặc biệt nên các tàu này chỉ được vào nội thuỷ, các công trình cảng, bến hay nơi trú đậu của ta ở bên ngoài nội thuỷ của ta theo lời mời của Chính phủ ta hoặc theo thoả thuận giữa các cơ quan có thẩm quyền của nước ta và quốc gia mà tàu mang cờ.

Khi ở trong nội thuỷ, cảng của ta, các tàu này phải hoạt động phù hợp với lời mời hoặc thoả thuận và phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan. Nếu các tàu này vi phạm pháp luật Việt Nam thì phải tuân thủ các yêu cầu, mệnh lệnh của lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của Việt Nam bao gồm cả việc phải rời khỏi lãnh hải Việt Nam ngay lập tức nếu đang ở trong lãnh hải Việt Nam và quốc gia mà tàu mang cờ phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại do tàu thuyền đó gây ra cho Việt Nam.

Luật biển Việt Nam cũng quy định tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác khi ở trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam phải nổi trên mặt nước, phải treo cờ quốc tịch (trừ trường hợp được Chính phủ Việt Nam cho phép hoặc có thoả thuận với chính phủ của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ).

- Quyền tài phán hình sự và dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài (Điều 30, Điều 31):

Quyền tài phán hình sự này không áp dụng đối với tàu chiến và tàu thuyền công vụ nước ngoài. Khi tàu thuyền nước ngoài rời khỏi nội thủy Việt Nam và đang đi trong lãnh hải nước ta, các cơ quan và lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của ta có quyền tiến hành bắt giữ người hay điều tra đối với vụ tội phạm hình sự xảy ra trên tàu thuyền đó.

Khi tàu thuyền nước ngoài đang đi trong lãnh hải nước ta nhưng không phải ngay sau khi rời khỏi nội thuỷ của ta thì trên tàu xảy ra tội phạm hình sự, cơ quan tuần tra, kiểm soát trên biển của ta chỉ được bắt giữ người hay điều tra liên quan vụ tội phạm hình sự đó nếu như hậu quả của vụ đó mở rộng đến ta, hoặc vụ đó có tính chất phá hoại hoà bình hoặc trật tự trong lãnh hải của ta, hoặc có yêu cầu giúp đỡ từ phía thuyền trưởng hoặc viên chức ngoại giao, lãnh sự của nước mà tàu mang cờ hoặc là các biện pháp đó là cần tiết để chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý.

Trong trường hợp tàu thuyền nước ngoài từ cảng nước ngoài đang đi qua lãnh hải nước ta để đi sang vùng biển nước khác và tội phạm hình sự xảy ra trên tàu trước khi tàu đó vào lãnh hải nước ta, các cơ quan tuần tra, kiểm soát trên biển của ta không có quyền bắt giữ người và điều tra đối với vụ phạm tội hình sự đó.

Quyền tài phán dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải nước ta bị hạn chế hơn nhiều so với quyền tài phán hình sự. Cụ thể là cơ quan tuần tra, kiểm soát của ta chỉ được bắt giữ hay xử lý tàu thuyền nước ngoài để thực hiện quyền tài phán dân sự nếu tàu thuyền đó đang đậu trong lãnh hải hoặc đi qua lãnh hải sau khi rời khỏi nội thuỷ của ta.

- Thông tin liên lạc trong cảng, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam (Điều 32):

Luật biển Việt Nam quy định việc thông tin liên lạc trong cảng, bến hay nơi trú đậu ở trong hoặc bên ngoài nội thuỷ Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan.

- Tìm kiếm, cứu hộ và cứu nạn (Điều 33)

Luật biển Việt Nam quy định nguyên tắc mọi cá nhân, tàu thuyền tiến hành cứu giúp người, tàu thuyền gặp nạn nếu điều kiện thực tế cho phép và không gây nguy hiểm đến tàu thuyền và người đang ở trên tàu thuyền của mình; cơ quan có thẩm quyền có quyền huy động tàu thuyền Việt Nam và yêu cầu tàu thuyền nước ngoài đang hoạt động trong vùng biển nước ta tham gia tìm kiếm, cứu nạn nếu điều kiện cho phép và không gây nguy hiểm cho cá nhân và tàu thuyền được huy động, yêu cầu.

- Đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển (Điều 34)

Phù hợp với quy định của Điều 60 Công ước Luật Biển năm 1982, Luật biển Việt Nam quy định trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta, Việt Nam có quyền xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình trên biển. Nhà nước ta cũng thực hiện quyền tài phán đối với các đảo nhân tạo và thiết bị, công trình trên biển. Đảo nhân tạo và các thiết bị, công trình trên biển chỉ có vành đai an toàn 500 mét nhưng không có lãnh hải và các vùng biển riêng.

- Gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển (Điều 35)

Luật biển Việt Nam khẳng định nguyên tắc là khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế liên quan đến gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Đồng thời phù hợp với quy định của Luật bảo vệ môi trường, Luật biển Việt Nam quy định cấm nhận chìm, thải hay chôn lấp các loại chất thải công nghiệp, chất thải hạt nhân, và các loại chất thải độc hại khác trong vùng biển Việt Nam, cũng như trách nhiệm làm sạch, khôi phục lại môi trường và bồi thường theo quy định của Chính phủ ta phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan.

- Nghiên cứu khoa học biển (Điều 36)

Phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982 và thực tiễn của ta, Luật biển Việt Nam tập trung nêu các nguyên tắc tiến hành nghiên cứu khoa học biển trong vùng biển Việt Nam, cụ thể là vì mục đích hoà bình, phương thức và phương tiện thích hợp, không được gây cản trở đối với các hoạt động hợp pháp tuân thủ theo quy định của pháp luật nước ta và pháp luật quốc tế có liên quan. Nhà nước ta có quyền tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học của nước ngoài trong vùng biển nước ta và được chia sẻ các tài liệu và mẫu vật giá, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển nước ta phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, chịu sự giám sát của ta.

- Những quy định cấm hoạt động trong vùng biển Việt Nam (Điều 37, Điều 38, Điều 39 và Điều 40):

Điều 37 Luật biển Việt Nam quy định rõ khi thực hiện các quyền tự do hàng hải và tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, các tổ chức, cá nhân nước ngoài không được khai thác trái phép tài nguyên (sinh vật và phi sinh vật), xây dựng lắp đặt trái phép các thiết bị, công trình nhân tạo, nghiên cứu khoa học trái phép, gây ô nhiễm môi trường biển, đe doạ chủ quyền, an ninh, quốc phòng của Việt Nam... và các hoạt động bất hợp pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

Về việc cấm tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, chất nổ, chất độc hại (Điều 38): Trong thời gian vừa qua đã xảy ra hiện tượng một số ngư dân khi hành nghề đánh cá trên biển đã không tuân thủ đúng các quy định pháp luật liên quan trong khai thác hải sản như dùng mìn, chất nổ, xung điện để đánh cá, ảnh hưởng lớn đến nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển nước ta, gây tác hại đối với môi trường biển và sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế biển. Do đó, việc đưa quy định cấm tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí hoặc chất nổ, chất độc hại cũng như các loại phương tiện, thiết bị khác có khả năng gây hại, gây ô nhiễm đối với người, tài nguyên và môi trường biển là cần thiết. Quy định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trong các vùng biển nước ta.

Điều 39 Luật biển Việt Nam quy định cấm mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam mua bán người, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý. Khi có căn cứ về hành vi này, các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền khám xét, bắt giữ, dẫn giải về cảng, bến Việt Nam hoặc dẫn giải, chuyển giao đến cảng, bến nước ngoài để xử lý.

Điều 40 Luật biển Việt Nam quy định cấm phát sóng trái phép hoặc  tuyên truyền, gây phương hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam khi tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

- Quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài  (Điều 41):

Luật biển Việt Nam đã nội luật hóa quy định của Điều 111 Công ước Luật Biển năm 1982 nhằm thực thi quyền tài phán đối với vùng biển của mình, theo đó các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của Việt Nam có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm quy định pháp luật của Việt Nam, kể cả các vi phạm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc truy đuổi được bắt đầu sau khi đã phát tín hiệu yêu cầu tàu dừng lại và phải tiến hành một cách liên tục đến khi tàu thuyền vi phạm đi vào lãnh hải của quốc gia mà tàu mang cờ hoặc quốc gia thứ ba.

4. Chương IV: Phát triển kinh tế biển  

Chương này gồm 5 Điều quy định về các nguyên tắc phát triển biển, các ngành kinh tế biển ưu tiên phát triển, vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế biển trên các đảo và hoạt động trên biển. Luật biển Việt Nam là luật cơ bản về biển của nước ta. Ngoài Luật biển Việt Nam, chúng ta đã có các luật chuyên ngành như Luật dầu khí, Luật thủy sản… Những nội dung cụ thể của các ngành kinh tế biển được điều chỉnh trong các luật chuyên ngành.

- Nguyên tắc phát triển kinh tế biến (Điều 42)

Các nguyên tắc phát triển kinh tế biển là phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển; phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; gắn với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển và hải đảo.

- Phát triển các ngành kinh tế biển (Điều 43)

Luật biển Việt Nam quy định Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; du lịch biển và kinh tế đảo; khai thác, nuôi trồng, chế biển hải sản; phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển.

- Quy hoạch phát triển kinh tế biển (Điều 44)

Trước hết việc lập quy hoạch phát triển kinh tế biển phải căn cứ vào chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, định hướng chiến lược phát triển bền vững và chiến lược biển của ta; đặc điểm, vị trí địa lý, quy luật tự nhiên của các vùng biển, vùng ven biển, hải đảo; kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển, nguồn lực để thực hiện.

Luật biển Việt Nam xác định những nội dung chính của quy hoạch phát triển kinh tế biển như phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, xác định phương hướng mục tiêu và định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên; phân vùng sử dụng biển v.v...

Chính phủ sẽ triển khai xây dựng phương án tổng thể phát triển các ngành kinh tế biển và tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển trình Quốc hội xem xét, quyết định.

- Xây dựng và phát triển kinh tế biển (Điều 45)

Trên cơ sở Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Luật biển Việt Nam quy định việc xây dựng và phát triển kinh tế biển dựa trên nguyên tắc Nhà nước đầu tư xây dựng, phát triển các khu kinh tế tổng hợp, cụm công nghiệp ven biển, kinh tế huyện đảo theo quy hoạch, đảm bảo hiệu quả, phát triển bền vững và việc sử dụng biển của các cá nhân, tổ chức phải được thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ.

- Khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế biển trên các đảo và hoạt động trên biển (Điều 46)

Những hoạt động của nhân dân trên các đảo, quần đảo và trên các vùng biển của nước ta có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thể hiện chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo và thực hiện phát triển kinh tế biển. Do đó, Luật biển Việt Nam quy định Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới hậu cần, phát triển kinh tế biển, có chính sách ưu đãi để nâng cao đời sống của dân cư sinh sống trên các đảo; đồng thời, khuyến khích, ưu đãi về thuế, vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư trên các đảo và hoạt động của ngư dân trên biển.

5. Chương V: Tuần tra, kiểm soát trên biển

Chương này gồm 3 Điều quy định về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển; nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển.

- Các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển (Điều 47)

Để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình, các quốc gia ven biển tổ chức nhiều lực lượng khác nhau. Đối với nước ta, Luật biển Việt Nam nêu các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển gồm: các lực lượng có thẩm quyền thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành khác. Khi cần thiết, các cơ quan có thẩm quyền sẽ huy động sự tham gia của các lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng bảo vệ của các cơ quan.

- Nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển (Điều 48)

Nhiệm vụ của các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trong vùng biển, đảo của nước ta; bảo đảm việc tuân thủ các quy định pháp luật cũng như các điều ước quốc tế mà nước ta tham gia; bảo vệ tài sản Nhà nước, tài nguyên và môi trường biển; bảo vệ, giúp đỡ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đối với người, tàu thuyền hoạt động trong vùng biển, đảo của ta; và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong vùng biển nước ta.

- Cờ, sắc phục và phù hiệu (Điều 49)

Theo Nghị định số 30/CP ngày 29 tháng 01 năm 1980, tàu thuyền của các lực lượng kiểm soát trên biển của ta phải mang quốc kỳ Việt Nam cùng với cờ hiệu ngành chuyên môn, nhân viên phải mang huy hiệu, phù hiệu theo quy định. Quy định này cần thiết để thực thi thẩm quyền công vụ của mình. Do đó, quy định của Điều 49 là sự kế thừa các quy định hiện hành.

6. Chương VI: Xử lý vi phạm

Chương này gồm 4 Điều quy định về dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm; biện pháp bảo đảm tố tụng, xử lý vi phạm, biện pháp đối với đối tượng là người nước ngoài nhằm đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, đúng pháp luật giữa các cơ quan có trách nhiệm xử lý vi phạm Luật biển Việt Nam.

- Dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm (Điều 50) 

Trong quá trình xử lý vi phạm trên biển, do mức độ vi phạm không nghiêm trọng hoặc xuất phát từ chính sách nhân đạo, bộ đội biên phòng và các lực lượng tuần tra kiểm soát khác của ta ra các quyết định xử lý tại chỗ, ví dụ như đối với việc ngư dân nước ngoài vào đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta. Đối với những trường hợp khác, người và tàu thuyền vi phạm được các lực lượng tuần tra kiểm soát dẫn giải về cảng, bến gần nhất để xử lý.

Đối với những trường hợp tàu thuyền vi phạm bị các lực lượng tuần tra của ta truy đuổi và chạy vào lãnh hải của quốc gia mà tàu đó mang cờ hoặc lãnh hải của quốc gia thứ ba, thì các lực lượng tuần tra, kiểm soát yêu cầu cơ quan liên quan của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ hoặc quốc gia mà tàu thuyền đó đến xử lý vi phạm.

- Biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm (Điều 51 và Điều 53)

Để ngăn chặn việc vi phạm pháp luật và bảo đảm việc xử lý các vi phạm, các lực lượng tuần tra, kiểm soát có thể bắt giữ, tạm giam người và tàu thuyền vi phạm. Các biện pháp này cũng như hoạt động khởi tố, điều tra, xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền sau đó cần phải theo đúng trình tự do pháp luật quy định.

- Thông báo cho Bộ Ngoại giao (Điều 52)

Theo quy định của Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự cũng như các Hiệp định lãnh sự ký kết giữa nước ta với các nước khác, khi bắt giữ công dân của các nước khác, ta có nghĩa vụ thông báo cho đại diện ngoại giao, lãnh sự của quốc gia đó biết để quốc gia đó thực hiện bảo hộ đối với công dân của mình. Do đó, quy định ở trong Luật biển Việt Nam về việc thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao việc bắt giữ, tạm giam người và tàu thuyền nước ngoài vi phạm pháp luật là cần thiết.

7. Chương VII: Điều khoản thi hành

Chương này gồm 2 Điều quy định về hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

 

IV. NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT BIỂN VIỆT NAM SO VỚI CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ BIỂN TRƯỚC ĐÂY

Trước đây, chúng ta đã có một số văn bản pháp luật quy định về một số khía cạnh liên quan đến biển như: Tuyên bố của Chính phủ năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; Tuyên bố của Chính phủ năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; Nghị định số 30/CP của Chính phủ năm 1980 về quy chế cho các tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển Việt Nam; Luật biên giới quốc gia năm 2003; Luật thủy sản năm 2003; Bộ luật Hàng hải năm 2005…

Với việc ban hành Luật biển Việt Nam, lần đầu tiên chúng ta có một văn bản pháp lý tổng hợp có hiệu lực cao quy định một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến biển. Bên cạnh một số nội dung là sự kế thừa, tiếp nối các quy định đã có trước đây (như khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, phạm vi các vùng biển Việt Nam…), Luật Biển Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung cho phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như yêu cầu phát triển của đất nước.

So với các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến biển nêu trên, Luật Biển Việt Nam có một số điểm mới quan trọng sau:

1. Luật biển Việt Nam quy định một cách đầy đủ hơn về phạm vi, chế độ pháp lý của các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với quy định tương ứng trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

2. Luật biển Việt Nam quy định rõ về quyền tự do hàng hải, hàng không trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

3. Luật biển Việt Nam quy định chi tiết về việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam. Với quy định này của Luật biển Việt Nam, ta đã bỏ quy định trước đây yêu cầu tàu quân sự nước ngoài phải xin phép trước khi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam.

4. Luật biển Việt Nam quy định các nguyên tắc lớn về giải quyết tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước, hợp tác quốc tế về biển, quản lý và bảo vệ biển, phát triển kinh tế biển, tuần tra kiểm soát trên biển. Các quy định này một mặt khẳng định lại chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp về biển, đảo, đồng thời tạo khung pháp lý quan trọng để triển khai các công tác quản lý, bảo vệ biển và phát triển kinh tế biển, góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

 

 

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Theo Điều 55 Luật biển Việt Nam, Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật. Để triển khai nội dung này, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật biển Việt Nam.

2. Về tuyên truyền, phổ biến Luật biển Việt Nam: Bộ Ngoại giao sẽ hướng dẫn, phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức phổ biến, quán triệt, tập huấn sâu rộng nội dung Luật, trước hết là các địa phương ven biển. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức giới thiệu, phổ biến Luật bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, góp phần vào việc triển khai thực hiện có hiệu quả Luật biển Việt Nam./.

 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 1644366