BỘ Y TẾ CỤC AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM | BỘ TƯ PHÁP VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT |
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM
Ngày 17 tháng 6 năm 2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã thông qua Luật An toàn thực phẩm. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM
1. Thực trạng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm hiện nay
Trong những năm qua, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:
- Nhận thức của người dân về VSATTP đã được nâng lên rõ rệt (tỷ lệ nhận thức của người sản xuất tăng từ 47,8% năm 2005 lên 55,7% năm 2008, của người kinh doanh tăng từ 38,6% năm 2005 lên 49,4% năm 2008, của người tiêu dùng tăng từ 38,3% năm 2005 lên 48,6% năm 2008).
- Số lượng các cơ sở bảo đảm điều kiện VSATTP trong cả nước ngày càng tăng (từ 1.106 cơ sở năm 2006 đã tăng lên 17.592 cơ sở năm 2008).
- Tình hình ngộ độc thực phẩm, số vụ ngộ độc thực phẩm có chiều hướng giảm (số người mắc ngộ độc thực phẩm năm 2005 giảm 43,34% và số chết cũng giảm 28,17 % so với năm 1994).
- Công tác thanh tra, kiểm tra đã từng bước được đẩy mạnh (trong 5 năm, từ năm 2004- 2008, đã tiến hành được 1.494.411 lượt thanh tra, kiểm tra các cơ sở trên toàn quốc, trung bình mỗi năm tiến hành được 298.882,2 lượt).
- Công tác kiểm nghiệm ngày càng được chú trọng, dựa trên điều kiện cơ sở vật chất và con người sẵn có, hệ thống kiểm nghiệm đang được tích cực xây dựng từ Trung ương đến địa phương, gồm: Viện Kiểm nghiệm VSATTP quốc gia, các Trung tâm Kiểm nghiệm ATVSTP khu vực, các Labo thuộc Trung tâm y tế dự phòng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Các hoạt động liên ngành được thiết lập qua việc thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP do Bộ trưởng Bộ Y tế (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) làm Trưởng ban với sự tham gia của các thành viên là đại diện các bộ, ngành phụ trách lĩnh vực trong chuỗi quản lý ATTP nên công tác quản lý ATTP đã đạt được những kết quả nhất định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn một số yếu kém sau đây:
- Tình hình ngộ độc thực phẩm tuy có giảm so với trước khi Pháp lệnh VSATTP năm 2003 được ban hành nhưng diễn biến vẫn còn khá phức tạp (ngộ độc thực phẩm xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó, do vi sinh vật là 7,8%, do hóa chất là 0,5%, do độc tố tự nhiên là 25,4 % và do các nguyên nhân không xác định được là 66,3%; số người mắc tập trung vào các vụ ngộ độc bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, đám cưới, đám giỗ, số người chết tập trung trong các vụ ngộ độc tại các bếp ăn gia đình).
- Do chưa có hệ thống giám sát đến cơ sở nên các địa phương còn chưa báo cáo hết về tình hình VSATTP (Tổ chức y tế thế giới đánh giá, số người ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm ở nước ta mỗi năm khoảng 8.200.000 người). Đây mới chỉ là các số liệu về ngộ độc thực phẩm cấp tính, vấn đề ngộ độc thực phẩm mãn tính và mối liên quan giữa thực phẩm và phát triển giống nòi ở Việt Nam đến nay vẫn chưa có đủ khả năng để đánh giá.
- Công tác giáo dục, truyền thông về ATTP đã được đẩy mạnh, nhận thức của người dân đã được nâng lên nhưng công tác này vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, chỉ tập trung vào những tháng cao điểm trong năm; nội dung tuyên truyền chưa phong phú; trách nhiệm của một số địa phương, cơ quan, đơn vị trong tuyên truyền chưa cao nên nhận thức của người dân về VSATTP vẫn chưa cao.
- Hoạt động liên ngành tuy đã được thiết lập, nhưng do các thành viên đều là lãnh đạo cấp Bộ, ngành, lại hoạt động kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động chưa cao, việc chỉ đạo chưa sát sao, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa được chặt chẽ và thường xuyên.
- Hệ thống kiểm nghiệm, trang thiết bị kiểm nghiệm tuy đã được tăng cường nhưng hiện nay các cơ sở kiểm nghiệm vẫn còn thiếu các trang thiết bị hiện đại, phân tích nhanh, có độ chính xác cao, năng lực cán bộ kiểm nghiệm còn hạn chế nên ảnh hưởng đến kết quả kiểm nghiệm thực phẩm.
- Đầu tư cho công tác quản lý ATTP cũng còn rất thấp. Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý ATTP giai đoạn 5 năm (từ 2004-2008) là 329 tỷ đồng, tính bình quân đầu người của cả nước chỉ đạt 780 đồng/người/năm - chỉ bằng 1/19 mức đầu tư của Thái Lan và bằng 1/136 so với đầu tư cho công tác VSATTP của một cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc (FDA) của Mỹ.
Như vậy, từ thực trạng bức xúc của việc bảo đảm VSATTP, nâng cao sức khỏe của nhân dân, cũng như công tác quản lý nhà nước về VSATTP hiện nay cho thấy phải có các giải pháp mạnh, đồng bộ của Nhà nước để khắc phục tình trạng trên, trong đó có việc xây dựng văn bản Luật để bảo đảm hiệu lực, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến VSATTP.
2. Thực trạng pháp luật về an toàn thực phẩm
Qua đánh giá 6 năm thực hiện Pháp lệnh VSATTP năm 2003 cho thấy, Pháp lệnh này đã thật sự là một công cụ quan trọng để Nhà nước quản lý công tác VSATTP. Tuy nhiên, Pháp lệnh VSATTP vẫn còn một số bất cập sau:
- Cùng một vấn đề nhưng quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh (134 văn bản của các ngành, các cấp) nên có sự chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp, có vấn đề nảy sinh nhưng chưa có văn bản quy định.
- Các khái niệm như an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn chưa rõ nên đã gây khó khăn trong việc phân định chức năng quản lý giữa các bộ, ngành.
- Các quy định về vấn đề thực phẩm chức năng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ vẫn còn mang tính nguyên tắc nên khi vận dụng trên thực tế còn gặp một số khó khăn, đặc biệt là đối với thực phẩm chức năng.
- Do tính chất phức tạp của quản lý nhà nước đối với ATTP nên việc phân công trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan chưa được rõ ràng (đặc biệt là đối với việc quản lý thực phẩm tươi sống) nên dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai, phối hợp thực hiện, cũng như đùn đẩy trách nhiệm khi sự việc xảy ra.
- Các quy định về hệ thống thanh tra chuyên ngành về VSATTP hiện mới được nêu tại Nghị định số 79/2008/NĐ-CP ngày 18/7/2008 của Chính phủ mà chưa được luật hoá nên hiệu lực pháp lý chưa cao. Mặt khác, các quy định trong Nghị định về hệ thống thanh tra chuyên ngành ATTP cũng chưa đồng nhất với pháp luật về thanh tra hiện hành.
- Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP hiện còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là đối với những thực phẩm truyền thống (các loại mắm, nem chua, tương...) và một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được ban hành cũng đã lạc hậu nhưng chưa được sửa đổi nên rất khó khăn trong công tác quản lý ATTP.
- Hiện nay, phương thức quản lý đối với hàng hóa, trong đó có thực phẩm đã được điều chỉnh theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 nên một số quy định của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm không còn phù hợp, cần phải được sửa đổi cho phù hợp.
- Việc quản lý nguy cơ, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP, truy nguyên nguồn gốc thực phẩm…chưa được pháp luật quy định nên cần phải bổ sung để tạo cơ sở pháp lý trong việc quản lý, bảo đảm ATTP.
Bên cạnh các tồn tại, bất cập của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm nêu trên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau 6 năm thực hiện Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm cần thiết phải được nghiên cứu sâu sắc để sửa đổi, bổ sung và nâng lên thành Luật An toàn toàn thực phẩm.
3. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về an toàn thực phẩm
An toàn thực phẩm là một trong những vấn đề mà Đảng, Nhà nước Việt Nam từ lâu đã đặc biệt quan tâm và coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, về an toàn xã hội, sức khoẻ cộng động, về bảo vệ môi trường và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam. Do vậy, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên chỉ đạo và đưa ra các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 25 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, Kết luận số 43-KL/TW của Bộ Chính trị về 03 năm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ-TW, Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là những văn bản quan trọng, tiêu biểu của Đảng và Nhà nước để chỉ đạo, đưa ra những biện pháp quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác an toàn thực phẩm trong toàn xã hội.
Đánh giá đúng đắn về vai trò quan trọng của công tác bảo đảm ATTP đối với sức khoẻ nhân dân, một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao tầm vóc và thể chất của con người Việt Nam, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân (BV, CS & NCSKND), Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chỉ đạo và đầu tư các nguồn lực cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP vẫn còn nhiều yếu kém, trong đó có "công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi sức khoẻ đã có đổi mới bước đầu, song chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn thực phẩm"[1]. Nguyên nhân chính của các yếu kém đó là do "Quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế còn nhiều bất cập, một số chính sách về y tế không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi hoặc bổ sung. Một bộ phận nhân dân chưa hình thành được ý thức và thói quen tự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ. Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ"[2]. Từ nhận định trên, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp để phát triển sự nghiệp BV, CS & NCSKND nói chung và lĩnh vực ATTP nói riêng, một trong những nhiệm vụ đó là "Triển khai mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm"[3] và "Tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm"[4].
Như vậy, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định rõ sự cần thiết phải tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hơn về ATTP và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATTP mà trước mắt là "Sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật An toàn thực phẩm"[5] để thay thế Pháp lệnh VSATTP hiện đã không còn phù hợp với thực tiễn.
4. Yêu cầu hội nhập quốc tế trong quản lý ATTP
Từ ngày 01/01/2007, Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên phải từng bước tuân thủ các hiệp định của Tổ chức này, trong đó có các dịch vụ về y tế. Các hiệp định chính của WTO bao gồm: Hiệp định về các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), Hiệp định về áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS), Hiệp định về các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) và Hiệp định về thương mại dịch vụ (GATS). Theo đó, các quy định về SPS như ghi thời hạn sử dụng ghi trên nhãn sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, áp dụng các biện pháp ATTP và kiểm dịch động, thực vật, đặc biệt là nguyên tắc đánh giá nguy cơ hay các quy định về TBT như áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn Codex, các tiêu chuẩn quốc tế do WHO và FAO phối hợp soạn thảo... mà Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên đều phải tuân thủ.
Bên cạnh đó, trong điều kiện hội nhập, cần thiết phải có cơ chế pháp lý về việc thừa nhận tiêu chuẩn lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, cũng như thế giới, đặc biệt là việc áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến trong quản lý an toàn thực phẩm.
Như vậy, các yêu cầu trên cho thấy, Việt Nam cần phải nội luật hóa các quy định của WTO, WHO, FAO, CODEX…về ATTP để có cơ sở pháp lý thực hiện tại Việt Nam.
Từ thực trạng vệ sinh ATTP, công tác quản lý nhà nước về ATTP, thực trạng pháp luật về ATTP, các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế trong kiểm soát ATTP trên đây, việc ban hành Luật An toàn thực phẩm để thay thế Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 là hết sức cần thiết, góp phần bảo vệ tốt hơn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, thực hiện thành công sự nghiệp BV, CS & NCSKND. Chính vì vậy, ngày 17 tháng 6 năm 2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật An toàn thực phẩm.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM
1. Thể chế hoá quan điểm của Đảng về phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung và trong lĩnh vực ATTP nói riêng.
2. Tổng kết kinh nghiệm, kế thừa có chọn lọc các quy định hiện hành của pháp luật về ATTP.
3. Nâng cao trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, mọi tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm ATTP, trong đó ngành y tế giữ vai trò đầu mối, phối hợp liên ngành và huy động sự tham gia của cộng đồng.
4. Đổi mới phương thức quản lý đối với sản phẩm thực phẩm, chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu dùng thực phẩm phù hợp với pháp luật quốc tế về ATTP và đáp ứng yêu cầu hội nhập.
5. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi trong thực tế và bảo đảm yếu tố về bình đẳng giới.
III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT
Luật gồm 11 chương và 72 điều, gồm các nội dung cơ bản sau:
1. Chương I. Những quy định chung gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6) quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm; chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm; những hành vi bị cấm; xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật tập trung vào việc giải quyết những vấn đề liên quan nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với những sản phẩm đã là thực phẩm chứ không điều chỉnh đối với quá trình sản xuất nông, lâm sản, giống cây trồng, giống vật nuôi.
Nhằm làm rõ khái niệm, từ đó giúp người đọc có cách hiểu chung thống nhất về các quy phạm được quy định trong Luật, các thuật ngữ quan trọng được sử dụng nhiều lần đã được giải thích trên cơ sở cập nhật các thuật ngữ mới theo quy định của Codex và Quốc tế; đưa ra nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm xuyên suốt chuỗi thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn và dựa trên phân tích nguy cơ. Đối với xử phạt vi phạm hành chính thì ngoài việc áp dụng mức phạt theo hành vi vi phạm còn áp dụng theo giá trị thực phẩm trong trường hợp mức quy định xử phạt hành vi còn thấp hơn giá trị của thực phẩm vi phạm.
2. Chương II. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm ATTP gồm 3 điều (từ Điều 7 đến Điều 9).
Chương này quy định về quyền và nghĩa vụ đối với an toàn thực phẩm của 3 nhóm đối tượng chính, đó là: tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm; tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm.
3. Chương III. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm gồm 9 điều (từ Điều 10 đến Điều 18): Đây là một chương hoàn toàn mới so với Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003.
Để quản lý đối với sản phẩm, dù là sản phẩm ở dạng nào cũng phải bảo đảm các điều kiện chung nhất. Chính vì vậy, để tránh quy định trùng lắp trong Luật, Điều 10 đã đưa ra một số điều kiện mà sản phẩm phải đáp ứng nhằm bảo đảm an toàn cho sản phẩm.
Ngoài các điều kiện chung ở Điều 10, đối với các nhóm thực phẩm cụ thể, đặc thù như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; thực phẩm chức năng; thực phẩm biến đổi gen; thực phẩm đã qua chiếu xạ; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; bao gói, chứa đựng thực phẩm cần phải bảo đảm thêm một số điều kiện riêng khác nữa.
4. Chương IV. Điều kiện bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm gồm 15 điều (từ Điều 19 đến Điều 33)
Tương tự như Chương III, đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng có những điều kiện chung, ngoài ra còn có thêm những điều kiện riêng đối với từng sản phẩm và từng quá trình như: sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, điều kiện trong sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến, điều kiện trong kinh doanh dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, do thức ăn đường phố là một loại hình kinh doanh đặc biệt và hiện là đối tượng gây ngộ độc thực phẩm cao nhất, chính vì vậy Chương IV đưa ra một mục riêng quy định về điều kiện bảo đảm an toàn trong kinh doanh thức ăn đường phố.
Một điểm khác biệt của Chương này so với Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 là quy định riêng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và giao Bộ chuyên ngành quy định điều kiện cho từng loại hình cho phù hợp và khả thi.
5. Chương V. Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm gồm 4 điều (từ Điều 34 đến Điều 37) bao gồm các quy định về đối tượng, điều kiện, thủ tục, hồ sơ, trình tự, thẩm quyền và thời hạn Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Thời hạn của Giấy chứng nhận là 03 năm (theo Pháp lệnh VSATTP năm 2003 thì giấy này không có thời hạn).
6. Chương VI. Xuất khẩu và Nhập khẩu thực phẩm gồm 5 điều (từ Điều 38 đến Điều 42)
Để kiểm soát chặt chẽ đối với thực phẩm nhập khẩu, bao gồm cả phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến và bao bì, vật liệu chứa đựng thực phẩm, Chương này đưa ra các điều kiện đối với các đối tượng này, đặc biệt là đối với thực phẩm lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam mà Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Đối với thực phẩm xuất khẩu, mặc dù đã có rào cản chặt chẽ từ nước nhập khẩu, nhưng để bảo đảm giữ gìn uy tín cho quốc gia trên thị trường các nước, Luật vẫn đưa ra các quy định về điều kiện an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu cũng như những yêu cầu trong trường hợp có yêu cầu từ phía nước nhập khẩu.
7. Chương VII. Quảng cáo và Ghi nhãn thực phẩm gồm 2 điều (Điều 43 và Điều 44)
Về cơ bản, việc quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm phải tuân thủ pháp luật về quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm, Luật đưa ra các quy định về nội dung quảng cáo thực phẩm, đồng thời phải thông báo nội dung quảng cáo trước khi được quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế kiểm tra và xác nhận. Ngoài ra, Chương này còn quy định cả trách nhiệm của người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
Về ghi nhãn thực phẩm, quy định các yêu cầu đối với việc ghi nhãn thực phẩm nói chung và quy định riêng đối với các loại thực phẩm đặc biệt như thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm chức năng, thực phẩm đã qua chiếu xạ.
8. Chương VIII. Kiểm nghiệm thực phẩm, phân tích nguy cơ đối với ATTP, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP gồm 11 điều (từ Điều 45 đến Điều 55) và chia thành 4 mục.
Trước yêu cầu từ thực tiễn công tác kiểm nghiệm và sự khác biệt giữa từ ngữ kiểm nghiệm được sử dụng trong Luật An toàn thực phẩm và các thuật ngữ được sử dụng trong Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa, Chương này đưa các quy định về yêu cầu đối với cơ sở kiểm nghiệm, kiểm nghiệm phục vụ giải quyết tranh chấp về ATTP và chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm. Theo tinh thần của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, chỉ những cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định mới được tham gia kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước.
Về phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm, đây là nội dung hoàn toàn mới so với Pháp lệnh năm 2003. Để quản lý tốt về an toàn thực phẩm trong thời kỳ mới và đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, cần phải tiến hành các hoạt động phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm bao gồm: đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và truyền thông về nguy cơ.
Với khái niệm sự cố về an toàn thực phẩm đã được nêu tại Điều 2 về giải thích từ ngữ, Chương này đưa ra các quy định về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện việc phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm.
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn là những hoạt động mà tất các các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện khi có yêu cầu và khi tự phát hiện sự cố. Chương này quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.
9. Chương IX. Thông tin, giáo dục truyền thông về ATTP gồm 5 điều (từ Điều 56 đến Điều 60) quy định về mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng tiếp cận, hình thức và trách nhiệm trong thông tin giáo dục truyền thông về ATTP.
Công tác truyền thông có vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của người dân để dẫn đến việc thay đổi hành vi. Chính vì vậy Luật đã quy định:
Thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi, phong tục, tập quán sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, ăn uống lạc hậu, gây mất an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người; đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Việc cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: chính xác, kịp thời, rõ ràng, đơn giản, thiết thực; phù hợp với truyền thống, văn hoá, bản sắc dân tộc, tôn giáo, đạo đức xã hội, tín ngưỡng và phong tục tập quán; phù hợp với từng loại đối tượng được tuyên truyền.
10. Chương X. Quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm gồm 10 điều (từ Điều 61 đến Điều 70) được chia thành 3 mục: Mục 1. Trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; Mục 2. Thanh tra ATTP; Mục 3. Kiểm tra ATTP
Để giải quyết chồng chéo và giảm bớt gánh nặng cho các Bộ trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Luật đã phân công trách nhiệm quản lý nhà nước theo nguyên tắc từ A đến Z theo các nhóm thực phẩm/ngành hàng cho 3 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương. Đồng thời quy định cụ thể hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP cho UBND các cấp. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi cần thiết.
11. Chương XI. Điều khoản thi hành gồm 2 điều (Điều 71 và Điều 72) quy định hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành Luật.
Luật An toàn thực phẩm đã được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010 là một sự kiện quan trọng thể hiện được quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác bảo đảm ATTP trong giai đoạn tới, góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành
Để hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật An toàn thực phẩm năm 2010 có hiệu quả, cần xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành sau:
1.1. Nghị định quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
1.2. Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
1.3. Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra an toàn thực phẩm.
1.4. Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
1.5. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về quản lý an toàn thực phẩm.
1.6. Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm theo đúng lộ trình yêu cầu của Tổ chức Thương mại thế giới.
1.7. Xây dựng, ban hành chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm:
a) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt chiến lược quốc gia bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020.
b) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2015.
c) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
d) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và muối từ Trung ương đến địa phương.
đ) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm.
e) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển vùng sản xuất nông lâm thủy sản tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm (khuyến khích hình thức trang trại, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, gắn với phát triển thị trường hàng hóa nông sản an toàn).
g) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phòng chống thực phẩm giả, thực phẩm có nguồn gốc nhập lậu, gian dối thương mại, trong kinh doanh, lưu thông thực phẩm.
h) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án triển khai áp dụng mô hình điểm về thức ăn đường phố tại tất cả các quận, thị xã của Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015.
i) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng mô hình điểm và triển khai thực hiện phương án quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011- 2015.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm
Bên cạnh công tác xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm, cần quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể là:
2.1. Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm một cách thường xuyên với các hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền; nâng cao ý thức của người tiêu dùng thực phẩm, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng.
2.2. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
|
[1] Kết luận số 43-KL/TW của Bộ Chính trị về 3 năm thực hiện Nghị quyết số 46- NQ/TW ngày 25/02/2005 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
[2] Nghị quyết số 46 - NQ/TW ngày 25/02/2005 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
[3] Nghị quyết số 46 - NQ/TW ngày 25/02/2005 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
[4] Kết luận số 43-KL/TW của Bộ Chính trị về 3 năm thực hiện Nghị quyết số 46- NQ/TW ngày 25/02/2005 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
[5] Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.