06/12/2011 17:28        

Đề cương giới thiệu Luật Thuế bảo vệ môi trường

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

BỘ TÀI CHÍNH

VỤ PHÁP CHẾ

 

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU

 LUẬT THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

 

Ngày 15/11/2010, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật thuế bảo vệ môi trường. Ngày 29/11/2010, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 14/2010/L-CTN về việc công bố Luật thuế bảo vệ môi trường. Sau đây là một số nội dung liên quan đến Luật:

            I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

          1. Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay

Trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế, quá trình công nghiệp hoá và phát triển đô thị tăng nhanh đã tác động xấu đến môi trường sinh thái như sự gia tăng phát thải nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt; gia tăng số lượng chất thải rắn trong sinh hoạt và trong công nghiệp; gia tăng phát thải các chất gây ô nhiễm không khí từ các quy trình sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải; ô nhiễm ngày càng gia tăng cả trên mặt đất, trong lòng đất, sông hồ và trong không khí.

1.1. Ô nhiễm nguồn nước: Tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, nguồn nước ngầm ngày càng gia tăng và trở lên báo động, nước thải sinh hoạt thành phố, đô thị, các khu công nghiệp xả trực tiếp vào kênh, mương, sông, hồ dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước ở một số nơi như: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng,... Theo Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì nhiều con sông có chất độc hại vượt mức cho phép; nước ngầm nhiều nơi đang bị cạn kiệt dần về lượng, bị ô nhiễm và suy giảm về chất.

1.2. Ô nhiễm không khí: Diễn ra ở các khu đô thị, đặc biệt ở các nút giao thông, các khu công trường xây dựng và những nơi sản xuất công nghiệp; ô nhiễm không khí tại các làng nghề cũng đang ngày càng trầm trọng. Tại nhiều nút giao thông lớn, mật độ bụi có lúc cao hơn mức cho phép tới 5 lần và có xu hướng gia tăng. Ở một số khu vực gần các khu công nghiệp, nồng độ khí độc hại đôi khi vượt quá hạn mức cho phép.

          1.3. Ô nhiễm môi trường đất, thoái hoá đất: Thoái hoá đất đang diễn ra trên toàn lãnh thổ, diện tích đất rừng suy giảm mạnh. Tình trạng rửa trôi ngày càng gia tăng do giảm độ che phủ thảm thực vật tự nhiên trên các sườn núi và sườn đồi dốc. Tình trạng thoái hoá đất tăng gây khô cằn ở một số vùng và thậm chí có nơi có nguy cơ dẫn tới tình trạng sa mạc hoá.

Hiện trạng môi trường tiếp tục xuống cấp nêu trên là những thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. Theo tính toán của các chuyên gia nước ngoài nếu GDP tăng gấp đôi và không  kịp thời có các giải pháp giảm dần tình trạng phát thải chất độc hại thì nguy cơ ô nhiễm tăng gấp 3 đến 5 lần.

2.  Các chính sách thu hiện hành liên quan đến bảo vệ môi trường

Các giải pháp tài chính để ngăn ngừa ô nhiễm và khôi phục hậu quả môi trường bao gồm chính sách (i) chi ngân sách cho đầu tư khôi phục môi trường, khắc phục hậu quả môi trường; (ii) thu nhằm huy động thêm nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Liên quan đến chính sách thu cũng phân chia làm hai loại:

+ Thu từ chủ thể xả thải chất thải gây ô nhiễm môi trường để bồi hoàn một phần chi phí khắc phục hậu quả môi trường do chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất và sinh hoạt thải ra dưới hình thức các khoản phí.

+ Thu nhằm hạn chế sản xuất sản phẩm gây ô nhiễm khi sử dụng hoặc hạn chế tiêu dùng các sản phẩm loại này thông qua cơ chế thuế.

Liên quan đến các giải pháp về thu ngân sách, đến nay Chính phủ mới ban hành các Nghị định quy định các khoản phí bảo vệ môi trường như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản và quy định một số ưu đãi về thuế đối với nhà đầu tư vào các dự án trực tiếp xử lý vấn đề về môi trường như: Thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp. Chúng ta vẫn chưa có một sắc thuế thu vào sản phẩm hàng hoá gây ô nhiễm khi sử dụng để hạn chế sản xuất hoặc tiêu dùng. Các chính sách thu hiện hành cụ thể như sau:

2.1. Về các chính sách phí

Các chính sách phí hiện hành đang áp dụng vào các nguồn gây ô nhiễm, (đánh vào các chất gây ô nhiễm thải ra môi trường nước, đất, không khí) nhằm mục đích thúc đẩy các đối tượng gây ô nhiễm phải giảm thiểu khối lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường và đóng góp một phần tài chính vào việc xử lý ô nhiễm môi trường do các chất thải gây ra. Hiện nay, đã có 4 khoản phí bảo vệ môi trường đang được thực hiện như sau:

a) Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải: Được thực hiện từ năm 2003 với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải gây nên, sử dụng nguồn nước sạch một cách tiết kiệm và hiệu quả.

b) Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn: Được thực hiện từ năm 2007, phí thu đối với chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc các hoạt động khác. Ngoài phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, hiện nay còn đang áp dụng thu “phí vệ sinh” là khoản thu nhằm bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại địa phương.

          c) Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản mới được thực hiện từ năm 2006, thu vào các hoạt động khai thác khoáng sản gồm khoáng sản kim loại và khoáng sản phi kim loại.

          Số thu từ phí bảo vệ môi trường được dùng cho mục đích hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường.

d) Phí xăng dầu: Đang thu đối với xăng các loại, dầu diesel, dầu hoả, dầu mazút, dầu mỡ nhờn. Số thu từ phí xăng dầu được phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương

2.2. Về chính sách thuế

a) Thuế tiêu thụ đặc biệt: Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định ưu đãi thuế đối với loại sản phẩm ít gây hại đến môi trường như xe ô tô chạy bằng năng lượng điện, năng lượng mặt trời áp dụng thuế suất chỉ bằng 50% và 70% mức thuế suất của xe ô tô cùng chủng loại nhưng chạy bằng xăng. Qui định ưu đãi này nhằm hạn chế việc đầu tư, sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường.

          b) Thuế thu nhập doanh nghiệp: Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành qui định ưu đãi thuế suất 10% cho suốt đời dự án đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường; miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo đối với các doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

c) Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Qui định ưu đãi miễn, giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật liệu sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

2.3. Kết quả đạt được

Các khoản thu phí bảo vệ môi trường đã tạo thêm nguồn thu, góp một phần chi đầu tư giải quyết các vấn đề về môi trường, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của tổ chức, cá nhân trong việc giữ gìn môi trường, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Việc quy định ưu đãi thuế đối với lĩnh vực môi trường đã làm cho các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc tìm các biện pháp nhằm hạn chế tác động bất lợi do hoạt động sản xuất của mình gây ra cho môi trường; quan tâm áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến để giảm bớt xả thải chất độc hại ra môi trường. Thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu thay thế nguyên liệu hoá thạch để sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, thay thế các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.

2.4. Những mặt hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được như nêu trên, các chính sách thuế, phí hiện hành cũng có một số hạn chế như sau:

- Về chính sách phí: Các loại phí bảo vệ môi trường hiện hành mới dừng lại ở mục tiêu huy động đóng góp một phần của những đối tượng xả thải mà không tự mình xử lý chất thải; hỗ trợ thêm chi phí làm sạch môi trường. Nguồn thu từ phí còn rất hạn chế. Tổng thu các khoản phí bảo vệ môi trường năm 2008 là 1.224 tỷ đồng. Nếu tính cả số thu từ phí xăng dầu 9000 tỷ đồng/năm thì tổng số thu là 10.224 tỷ đồng/năm. Hàng năm, Nhà nước dành 1% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 4.000 tỷ đồng) để chi sự nghiệp bảo vệ môi trường. Trong khi nhu cầu tài chính cho bảo vệ môi trường rất lớn. Tính riêng nhu cầu cho các đề án tổng thể cải tạo môi trường và chương trình xử lý ô nhiễm ở các làng nghề, khu công nghiệp vào khoảng 17.678 tỷ đồng/năm. Nếu tính cả nhu cầu đầu tư xử lý chất thải sinh hoạt tại các khu vực dân cư tập trung, đầu tư phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, trồng rừng và tái trồng rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thì nhu cầu tài chính cho bảo vệ môi trường của Việt Nam hiện nay là rất lớn.

- Về chính sách thuế: Trong các chính sách thuế hiện hành, mục tiêu bảo vệ môi trường chỉ là mục tiêu lồng ghép không phải là mục tiêu chính. Vì vậy, việc khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, khuyến khích đầu tư vào các dự án làm sạch môi trường, không thu thuế nhập khẩu hoặc thu mức thuế suất thấp khi mua các sản phẩm, thiết bị môi trường liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường chỉ góp một phần nào đó vào mục tiêu bảo vệ môi trường chứ chưa tác động trực tiếp đến hành vi tiêu dùng và hoạt động sản xuất các sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường.

Các chính sách thuế và phí hiện hành như nêu trên chưa điều chỉnh các hoạt động sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có tác động xấu đến môi trường sinh thái và sức khoẻ con người, chưa góp phần giảm thiểu các tác nhân sẽ gây tác động xấu đến môi trường tại nguồn gốc phát sinh.

3. Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về chính sách thuế bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường luôn được xác định là một chủ trương, chính sách lớn, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều 29 Hiến pháp năm 1992 qui định “các cơ quan Nhà nước, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, các đoàn thể xã hội và tất cả các cá nhân phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về việc sử dụng hợp lý các tài sản thiên nhiên và bảo vệ môi trường”;  Điều 112 Luật bảo vệ môi trường năm 2005 qui định “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm gây tác động xấu lâu dài đến môi trường và sức khỏe con người thì phải nộp thuế bảo vệ môi trường”.

Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ quan điểm về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiêp hoá, hiện đại hoá đất nước “Bảo vệ môi trường là một trong những vẫn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế- xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế...”.

4. Thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010

Luật thuế bảo vệ môi trường là một trong những sắc thuế cần được xây dựng để hoàn thiện hệ thống chính sách thuế của nước ta đến năm 2010 với mục tiêu đánh thuế vào các đối tượng gây ô nhiễm môi trường nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, nhằm góp phần thay đổi nhận thức của con người đối với môi trường, tạo thêm nguồn lực để khôi phục môi trường sinh thái.

5. Phát triển kinh tế bền vững gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường là xu hướng phát triển của thế giới

Những năm gần đây, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm bộc lộ rõ tính thiếu bền vững của hệ thống kinh tế thế giới cũng như mô hình tăng trưởng của nhiều nước là “tăng trưởng trước, làm sạch sau”. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cấp bách về phát triển kinh tế bền vững bởi: (i) Với mục tiêu tăng trưởng nhanh và phụ thuộc vào tài nguyên, năng lượng hoá thạch đã làm tiêu hao nhiều tài nguyên, năng lượng không tái tạo và gây tổn hại môi trường sinh thái; (ii) Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng với thách thức an ninh năng lượng và tình trạng biến đổi khí hậu có nguy cơ trở thành khủng hoảng xã hội và môi trường; (iii) Khủng hoảng đã thúc đẩy nhiều nước tăng cường đổi mới công nghệ, tái cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần các ngành, công nghệ tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên để nâng cao năng lực cạnh tranh và giành vị thế có lợi trong kinh tế thế giới sau khủng hoảng. Vì vậy, xu hướng phát triển kinh tế bền vững ít gây ô nhiễm ngày càng được quan tâm và trở thành một trong những ưu tiên của nhiều nước.

Với những lý do nêu trên, việc nghiên cứu và ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường với mục tiêu nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội. Từ đó, góp phần làm thay đổi hành vi của tổ chức, cá nhân; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong đầu tư, sản xuất và tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm bớt các tác động tiêu cực của sản xuất, tiêu dùng đến môi trường; giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái về môi trường và tạo thêm nguồn thu cho hoạt động khôi phục môi trường là rất cần thiết và phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại của Việt Nam và xu hướng phát triển kinh tế của thế giới.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Việc ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm các mục tiêu, yêu cầu sau:

1. Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay và những năm tới.

2. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn.

3. Tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với các qui định của Hiến pháp, tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan khác; thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế.

4. Các quy định trong Luật không quá phức tạp, phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ quản lý.

5. Động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo thêm nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường, đồng thời phải đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế, của các sản phẩm chủ yếu của Việt Nam.

III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT

1. Bố cục của Luật

Luật thuế bảo vệ môi trường gồm 4 Chương, 13 Điều, cụ thể:

Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5).Chương này xác định phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, đối tượng chịu thuế, đối tượng không thuộc diện chịu thuế, người nộp thuế bảo vệ môi trường.

Chương II: Căn cứ tính thuế (từ Điều 6 đến Điều 8). Chương này quy định các căn cứ tính thuế, xác định thuế, Biểu khung thuế bảo vệ môi trường.

Chương III: Kê khai, tính, nộp và hoàn thuế bảo vệ môi trường (từ Điều 9 đến Điều 11). Chương này quy định thời điểm tính thuế; khai thuế, tính thuế, nộp thuế; hoàn thuế.

Chương IV: Điều khoản thi hành (2 điều Điều 12 và Điều 13).

2.     Nội dung cơ bản của Luật

Chương I: Những quy định chung

1. Đối tượng chịu thuế

Luật bảo vệ môi trường năm 2005 qui định: “Bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế và bảo đảm tiến bộ xã hội để phát triển bền vững đất nước…” (Điều 4); “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm gây tác động xấu lâu dài đến môi trường và sức khỏe con người thì phải nộp Thuế môi trường” (Điều 112); “Tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc có hoạt động làm phát sinh nguồn tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường” (Điều 113).

   Căn cứ quy định nêu trên, thì chính sách tài chính môi trường luôn tồn tại hai khoản thu là thuế bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường. Hai  khoản thu này tính chất hoàn toàn khác nhau:

 - Thuế môi trường mang tính chủ quan, thể hiện ý chí của Nhà nước áp đặt một mức thu cố định trên một đơn vị sản phẩm gây ô nhiễm mà người tiêu dùng phải trả khi sử dụng sản phẩm đó nhằm hạn chế việc sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm. Trong khi, phí bảo vệ môi trường là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ xử lý ô nhiễm môi trường gây ra bởi các chất thải, thải ra trong quá trình sản xuất của tổ chức, cá nhân đó, nhằm bảo đảm bù đắp chi phí xử lý.

 - Thuế môi trường thu vào các sản phẩm mà khi sử dụng sẽ gây ô nhiễm môi trường. Người tiêu dùng là người chịu thuế nhưng người sản xuất, nhập khẩu là người nộp thay. Mức thuế môi trường có tính ổn định cao.

- Phí bảo vệ môi trường thu vào hành vi xả chất thải ra môi trường (thu vào chủ  thể  xả chất thải gây ô nhiễm môi trường từ quá trình sản xuất). Người chịu phí và người nộp phí bảo vệ môi trường là người xả thải ra môi trường (cùng một chủ thể). Mức phí bảo vệ môi trường được xác định theo nguyên tắc bù đắp chi phí xử lý ô nhiễm môi trường nên không có tính ổn định cao.

   Từ những khác biệt nêu trên, việc đưa các sản phẩm, hàng hoá (sau đây gọi chung là hàng hoá) vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường theo các nguyên tắc:

Thứ nhất, phải là những hàng hoá được sản xuất, nhập khẩu mà khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Thứ hai, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và với thông lệ quốc tế.

Thứ ba, đây là loại thuế mới và phức tạp, do đó cần bảo đảm tính khả thi, xác định rõ loại hàng hoá để quản lý thu thuế được hiệu quả; phải tính đến sự hài hoà với phát triển kinh tế, không tác động đến năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng hoá xuất khẩu.

Trên thực tế, có nhiều hàng hóa mà khi sử dụng gây ô nhiễm với các mức độ tác động khác nhau đến môi trường. Do đó sẽ có rất nhiều loại hàng hoá có thể phải đưa vào diện chịu thuế môi trường. Trong bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại chưa nên đưa tất cả các hàng hóa gây ô nhiễm vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường mà chỉ nên chọn lựa một số hàng hóa gây ô nhiễm đáp ứng các nguyên tắc nêu trên. Các nước trên thế giới chỉ thu thuế môi trường với một số ít sản phẩm như Châu Âu thu thuế môi trường đối với xăng, dầu diesel, than, điện. Mỹ thu thuế đối với xăng, dầu diesel, nhiên liệu...;

Từ những phân tích trên, Luật thuế bảo vệ môi trường quy định 08 nhóm hàng hoá sau đây vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường (đây là 08 nhóm hàng hóa lớn mà khi sử dụng gây ô nhiễm trên diện rộng), cụ thể như sau:

a) Xăng dầu (Xăng các loại, nhiên liệu bay, diesel, dầu hoả, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn)

Đây là các sản phẩm có chứa một số chất hoá học như chì, lưu huỳnh,...  ngay cả khi chưa sử dụng các chất chứa trong các loại xăng dầu đã phát thải ra môi trường và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Xăng dầu có phạm vi sử dụng rộng rãi, với lượng lớn đến 15 triệu tấn/năm, nên nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng diễn ra trên diện rộng.

Việc đưa các sản phẩm xăng dầu vào đối tượng chịu thuế nhằm mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với  xăng, dầu. Các nước trong Liên minh Châu Âu đang đánh thuế đối với nhiên liệu (Xăng 0,42 Euro/lít, dầu Diesel 0,30 Euro/lít); Singapore: 0,4 đôla Singapo/lít xăng; Nhật Bản: 32,1 Yên Nhật/lít xăng.

b) Than đá

Khi than được sử dụng cho mục đích đốt cháy sẽ thải ra môi trường các loại khí như CO2, SO2 đều là các khí gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người. Phạm vi sử dụng than cũng rộng khắp và với khối lượng gần 30 triệu tấn/năm. Việc đưa than vào đối tượng chịu thuế cũng nhằm mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm sự phụ thuộc vào năng lượng có nguồn gốc hoá thạch, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. Nhiều nước như Trung Quốc thu từ 8 đến 37 Nhân dân Tệ/tấn tùy theo hàm lượng lưu huỳnh trong than; Philipine thu ở mức 10 Pê sô/1 tấn.

c) Dung dịch hydrro-chloro-fluoro-carbon (Dung dịch HCFC)

Chất HCFC được sử dụng trong một số lĩnh vực công nghiệp như: làm lạnh, điều hoà không khí Sự phát thải chất HCFC vào khí quyển, làm ô nhiễm bầu không khí, là nguyên nhân chính làm suy giảm tầng ôzôn và gây hiệu ứng nhà kính. Nước ta đã tham gia ký kết Nghị định thư Montreal về hạn chế sử dụng các chất làm suy giảm tầng ôzôn. Theo đó, các nước đang phát triển (trong đó có nước ta) sẽ phải loại trừ hoàn toàn việc sử dụng HCFC vào năm 2030. Mức tăng trưởng của ngành công nghiệp làm lạnh và điều hoà không khí với lượng tiêu thụ các chất HCFC tăng nhanh liên tục sẽ đặt ra nhiều thách thức cho tiến trình loại trừ HCFC ở nước ta. Việc đưa chất HCFC vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần vào việc thực hiện cam kết Nghị định thư Montreal ở Việt nam, khuyến khích doanh nghiệp giảm dần sử dụng HCFC bằng việc chuyển đổi công nghệ sản xuất. 

d) Túi ni lông thuộc diện chịu thuế

Túi nhựa xốp phải trải qua thời gian rất lâu để phân hủy, có thể tới hàng trăm năm hoặc không thể tự phân hủy được. Túi nhựa xốp thải bỏ sau khi sử dụng sẽ tích tụ trong đất, suy thoái môi trường đất. Khi bị phân hủy thì còn sinh ra các chất làm đất bị trơ, không giữ được độ ẩm và dinh dưỡng cho cây trồng. Việc sử dụng và xả thải túi nhựa xốp sau khi sử dụng diễn ra khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn và gây ô nhiễm môi trường lớn, trên diện rộng.

Việc đưa túi nhựa xốp vào đối tượng chịu thuế nhằm mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc sử dụng túi nhựa xốp, khuyến khích sản xuất các sản phẩm thay thế thân thiện hơn với môi trường.

Hiện nay, có nhiều nước trên thế giới đã thu thuế đối với các sản phẩm nhựa (túi nhựa xốp, bát nhựa, chai nhựa,…) như: Anh, Ailen, Đài Loan,... Một số nước khác cấm sử dụng sản phẩm túi nhựa trong các thành phố lớn như Bắc Kinh (Trung Quốc).

e) Thuốc diệt cỏ, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng

Đây là những hợp chất độc có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc tổng hợp từ các chất hóa học được dùng để phòng trừ dịch hại trên cây trồng và bảo quản nông sản. Hiện nay, việc sử dụng đúng cách, đúng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật chưa được quan tâm do giá của nhiều loại còn tượng đối rẻ so với giá nông sản. Những hành vi sử dụng không đúng cách, không đúng liều lượng hóa chất bảo vệ thực vật có thể ảnh hưởng tới môi trường theo rất nhiều cách, ví dụ như các hoá chất lơ lửng trong không khí khi phun thuốc hay tồn tại trong các loại thực phẩm, trong nước, đất... Việc đưa hoá chất bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng vào đối tượng chịu thuế nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng, khuyến khích họ thay đổi thói quen sử dụng lạm dụng, giảm thiểu những tác hại xấu của hoá chất bảo vệ thực vật đối với môi trường. Hiện nay, một số nước như Đan Mạch, Bỉ cũng áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm hoá chất bảo vệ thực vật.

Trong quá trình lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương, các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, các luật gia..., có ý kiến đề nghị đánh thuế đối với tất cả các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, các hoạt động gây ô nhiễm môi trường là rất nhiều, khó có thể đánh thuế được tất cả các hoạt động gây ô nhiễm được, đặc biệt là lượng hoá được các hoạt động đó để đưa vào diện chịu thuế. Hơn nữa, việc đánh thuế còn phải tính đến khả năng chịu đựng của người sản xuất và tiêu dùng, tính đến lợi ích trong lựa chọn giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Thực tế, các quốc gia phát triển cũng phải cân nhắc rất nhiều về vấn đề phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Không thể có sự phát triển kinh tế cao cùng với bảo vệ môi trường tốt khi điều kiện có hạn. Do đó, nên có bước đi cẩn trọng trong việc lựa chọn sản phẩm đánh thuế bảo vệ môi trường. Trong điều kiện nước ta hiện nay, chỉ nên lựa chọn những sản phẩm có ảnh hưởng tới môi trường trên diện rộng và xác định mức thuế hợp lý, đảm bảo khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như khả năng tiêu dùng của người dân.

Có một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm nhiều đối tượng chịu thuế như các sản phẩm gây ô nhiễm khác (Máy tính, điện thoại di động, lốp xe, ắc quy, các loại hoá chất tẩy rửa, a xít, phân bón, thuốc lá), sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất xi măng...

Tuy nhiên, Luật thuế bảo vệ môi trường đã không đưa các đối tương nêu trên vào đối tượng chịu thuế vì các lý do sau:

Giải pháp thu tài chính để giải quyết vấn đề môi trường gồm hai nhóm: thứ nhất là  thu trực tiếp từ tổ chức, cá nhân xả thải dưới hình thức phí bảo vệ môi trường để bù đắp một phần chi phí khôi phục môi trường, thứ hai là thu thuế bảo vệ môi trường vào một số sản phẩm gây ô nhiễm khi sử dụng để giảm bớt sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm này. Hiện tại các doanh nghiệp, hộ gia đình khi sản xuất, sinh hoạt phát thải chất gây ô nhiễm môi trường gồm: Chất thải rắn, nước thải và khí thải; các chủ thể nêu trên đã phải chịu các khoản phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, phí bảo vệ môi trường nước thải. Doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn phải nộp thêm phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Vì vậy, Luật này chỉ quy định đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường là một số hàng hoá gây tác động xấu đến môi trường (như quy định tại Điều 4 Luật thuế bảo vệ môi trường) - không thu thuế vào quá trình sản xuất sản phẩm (đã chịu phí bảo vệ môi trường).

Về sản phẩm phân bón hoá học: Phân bón hoá học là sản phẩm đầu vào thiết yếu của ngành sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, để đảm bảo được năng suất cây trồng cao, người nông dân vẫn phải sử dụng các loại phân bón hoá học, chưa có nhiều sản phẩm thay thế (phân vi sinh sản xuất được rất ít). Vì vậy, dù phải trả giá cao (phải chịu thuế bảo vệ môi trường), người nông dân vẫn phải sử dụng phân bón hoá học, không có lựa chọn khác thay thế. Hiện nay, nước ta có khoảng 60% dân số sống bằng nghề nông. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ đời sống cho người nông dân (miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, hỗ trợ khoa học công nghệ, hỗ trợ giống, ưu đãi tín dụng, thu mua,...). Việc thu thuế bảo vệ môi trường vào phân hóa học sẽ làm tăng chi phí sản xuất, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Cũng có một số ít nước Châu Âu cũng dự kiến đưa sản phẩm phân bón hoá học vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường nhưng hiện nay vẫn chưa thể chính thức áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm phân bón hoá học. Vì vậy, đề nghị chưa nên đưa phân bón hoá học vào đối tượng chịu thuế.

- Về sản phẩm thuốc lá: Thuốc lá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với lý do hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ của con người. Nếu thuốc lá chịu thuế bảo vệ môi trường cũng với lý do trên sẽ không hợp lý. Khi sản xuất thuốc lá gây ô nhiễm môi trường thông qua rác thải, nước thải,.., doanh nghiệp phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, đối với chất thải rắn. Khi hút thuốc, mức độ tác động đến môi trường không lớn, tác động trực tiếp đến người hút hoặc người ở gần người hút. Vì vậy, chưa nên đưa sản phẩm này vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.

- Đối với sản phẩm: Máy tính, ắc quy và các sản phẩm khác, sau khi sử dụng thải bỏ cũng gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nếu quy trình thu hồi tốt sẽ không gây ô nhiễm môi trường. Trong các giải pháp tài chính góp phần giảm ô nhiễm, ngoài chính sách thuế, phí còn có cơ chế “đặt cọc - thu hồi”, yêu cầu nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm gây ô nhiễm bị thải bỏ sau khi sử dụng theo quy định tại Điều 67 Luật bảo vệ môi trường. Người tiêu dùng phải trả thêm khoản tiền nhất định, cộng vào giá bán hàng hoá. Khi thải bỏ hàng hoá đó, nếu người mua giao hàng hoá đó cho người bán, người bán sẽ trả lại khoản tiền đặt cọc, nếu không người bán sẽ nộp khoản tiền đó cho Nhà nước (coi như khoản thuế). Do đó, một số loại sản phẩm thực hiện giải pháp theo cơ chế “đặt cọc - thu hồi” như nêu trên thì không đưa vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường. Mặt khác, việc đưa vào diện chịu thuế một loại sản phẩm còn cân nhắc đến khả năng thực hiện được của nhà sản xuất, của cơ quan quản lý và tính khả thi của Luật.

- Về hóa chất tẩy rửa, sản xuất giấy, chế biến thực phẩm: Các hoạt động này gây ảnh hưởng tới môi trường thông qua: Nước thải, chất thải rắn,.. Người sản xuất phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn. Mức phí phải nộp phụ thuộc vào nồng độ, mức độ độc hại của chất thải. Nếu người sản xuất đầu tư công nghệ hiện đại, xử lý chất thải không gây ô nhiễm sẽ không phải nộp phí.

Ngoài ra, còn có một số ý kiến đề nghị chuyển phí bảo vệ môi trường (nước thải, chất thải rắn, khai thác khoáng sản,...) vào Luật này. Tuy nhiên,  thuế bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường là hai khoản thu khác nhau, với mục đích khác nhau, do đó không chuyển phí bảo vệ môi trường vào Luật thuế bảo vệ môi trường. Cụ thể:

Thuế đánh vào sản phẩm khi sử dụng gây ô nhiễm (thuế đánh trên sản phẩm). Người tiêu dùng là người chịu thuế. Người sản xuất nộp thay cho người tiêu dùng. Thuế không mang tính hoàn trả trực tiếp.

Phí đánh vào chủ thể phát thải chất thải gây ô nhiễm môi trường (người sản suất). Người sản xuất vừa là người chịu phí vừa là người nộp phí (trực tiếp). Mức phí phải nộp phụ thuộc vào mức độ gây ô nhiễm của chất thải (mang tính khách quan). Phí mang tính hoàn trả trực tiếp, về nguyên tắc mức phí phải nộp phải đủ bù đắp chi phí xử lý ô nhiễm (hiện tại, mức thu chưa đảm bảo chi phí xử lý do khả năng chịu dựng của người nộp phí).

Phí thu vào khâu sản xuất, thuế thu vào sản phẩm. Luật bảo vệ môi trường năm 2005 đã quy định rõ: Chủ thể gây ô nhiễm môi trường vừa phải nộp phí bảo vệ môi trường vừa phải nộp thuế bảo vệ môi trường.

2. Đối tượng không chịu thuế

Theo Điều 112 Luật bảo vệ môi trường năm 2005 thì “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm gây tác động xấu lâu dài đến môi trường và sức khỏe con người thì phải nộp Thuế môi trường”. Vì vậy, các sản phẩm được lựa chọn đưa vào đối tượng chịu thuế phải là những sản phẩm được sản xuất, nhập khẩu mà khi sử dụng mới gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người. Do đó, đối với các hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế môi trường nhưng không được sử dụng ở Việt Nam thì sẽ được đưa vào đối tượng không chịu thuế. Cụ thể:

- Hàng hoá vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển qua cửa khẩu biên giới Việt Nam;

- Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu trong thời hạn theo qui định của pháp luật;

- Hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua hàng hoá thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường để xuất khẩu.

Đối với các loại hàng hoá này mặc dù được sản xuất ở Việt Nam nhưng không sử dụng ở Việt Nam. Mặt khác, trong quá trình sản xuất các sản phẩm này, nếu doanh nghiệp xả thải ra môi trường các chất gây ô nhiễm môi trường như nước thải, chất thải, khí thải,... đều sẽ phải nộp phí bảo vệ môi trường. Do vậy, không đánh thuế bảo vệ môi trường cũng là phù hợp để không làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu.

Trong quá trình soạn thảo cũng có ý kiến đề nghị đưa hàng hoá do tổ chức, cá nhân mua để xuất khẩu vào đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường vì hàng hoá xuất khẩu không được sử dụng ở Việt Nam nên không gây tác động xấu đến môi trường khi sử dụng. Tuy nhiên, Luật quy định rõ chỉ hàng hoá của tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu (hoặc uỷ thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu đế xuất khẩu) thuộc đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường. Đối với hàng hoá mà các tổ chức, cá nhân thu mua để xuất khẩu (không trực tiếp sản xuất) vẫn phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Qui định này tương tự như qui định của thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời qui định rõ về việc không thực hiện hoàn thuế bảo vệ môi trường đối với các trường hợp thu mua hàng hoá để xuất khẩu đã nộp thuế bảo vệ môi trường tại khâu sản xuất trước đó, tránh việc lợi dụng lập chứng từ giả để rút tiền hoàn thuế (tương tự như việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng thu mua xuất khẩu).

3. Người nộp thuế: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường là người nộp thuế môi trường.

Đồng thời, qui định cụ thể đối với một số trường hợp đặc thù để tránh phát sinh vướng mắc khi triển khai luật, như sau:

- Trường hợp ủy thác nhập khẩu hàng hóa thì người nhận ủy thác nhập khẩu là người nộp thuế;

- Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ, lẻ mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp thuế bảo vệ môi trường thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.

          Chương II: Căn cứ tính thuế

1. Căn cứ tính thuế:

Căn cứ tính thuế là số lượng hàng hoá tính thuế và mức thuế tuyệt đối.

2. Số lượng hàng hoá tính thuế: Được qui định cụ thể đối với từng loại hàng hoá (hàng hoá sản xuất trong nước, nhập khẩu) để phù hợp với đặc thù của sản xuất hàng hoá, tạo thuận lợi và hạn chế việc phát sinh chi phí trong quản lý thu thuế bảo vệ môi trường. Cụ thể:

- Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho;

- Đối với hàng hóa nhập khẩu, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu.

3. Mức thuế: Thuế bảo vệ môi trường được qui định theo thuế tuyệt đối để đơn giản, minh bạch trong thực hiện, bảo đảm ổn định số thu ngân sách nhà nước (số thu ổn định không phụ thuộc vào sự biến động của giá hàng hoá). Áp dụng mức thuế tuyệt đối cũng có nhược điểm là khi giá sản phẩm chịu thuế tăng cao thì thuế không điều chỉnh kịp theo giá. Tuy nhiên, mục tiêu chủ yếu của thuế môi trường là nhằm thay đổi hành vi đầu tư, sản xuất và tiêu dùng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường (mục tiêu thu ngân sách nhà nước là thứ yếu) nên thuế bảo vệ môi trường được xác định không phụ thuộc vào giá của sản phẩm chịu thuế mà cân nhắc trên mức độ gây ô nhiễm môi trường của sản phẩm chịu thuế. Vì vậy, Luật thuế bảo vệ môi trường quy định áp dụng thuế tuyệt đối đối với thuế bảo vệ môi trường (là một khoản thu cộng thêm vào giá của sản phẩm đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt tương tự như cách thu phí xăng dầu hiện nay).

4.  Biểu khung thuế bảo vệ môi trường:

Thuế bảo vệ môi trường là sắc thuế lần đầu tiên được xây dựng, việc qui định một mức thuế cụ thể đối với từng đối tượng chịu thuế có thể dẫn đến phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành và thực thi chính sách thuế mới, Luật qui định Biểu khung thuế bảo vệ môi trường với mức thuế tuyệt đối tối thiểu và mức thuế tuyệt đối tối đa.

Các mức thuế tuyệt đối tối thiểu và tối đa được xây dựng theo nguyên tắc phân biệt theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường hoặc chi phí khắc phục hậu quả do sử dụng hàng hoá gây ra và có tính đến việc kế thừa chính sách thu hiện hành (phí xăng dầu, phí bảo vệ môi trường) để không tác động lớn đến sản xuất, tiêu dùng, không xáo trộn việc quản lý thu, cụ thể như sau:

- Đối với xăng dầu: Xăng dầu hiện đang thuộc đối tượng chịu phí xăng dầu. Khi đưa xăng dầu vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường dự kiến sẽ bỏ thu phí xăng dầu. Vì vậy, mức thuế tối thiểu được qui định bằng với mức phí xăng dầu hiện hành để không gây tác động lớn đến sản xuất, tiêu dùng.

Mức thuế tối đa trong khung qui định là 4.000 đồng/lít xăng, 2.000 đồng/lít dầu (tương đương khoảng 25% giá bán hiện hành). Do xăng dầu là mặt hàng có tính chất đặc thù, việc qui định mức thuế bảo vệ môi trường ngoài mục tiêu nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, còn cần đảm bảo mục tiêu điều tiết tiêu dùng, thay thế thuế nhập khẩu phải giảm dần theo cam kết quốc tế. Vì vậy, đối với nhóm hàng hóa này, cần qui định mức khung rộng để việc điều hành được linh hoạt với sự biến động của giá xăng dầu trên thế giới, phù hợp chính sách phát triển kinh tế, xã hội của từng thời kỳ và quá trình hội nhập.

- Đối với than: Mức thuế đối với than nâu từ 10.000đ đến 30.000đ/tấn, đối với than an-tra-xit từ 20.000đ-50.000đ/tấn; than mỡ từ 10.000đ đến 30.000đ/tấn còn đối với các loại than đá khác từ 10.000đ đến 30.000đ/tấn..

- Đối với túi nilông, đây là hàng hóa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện nay, tại các siêu thị, chợ, người bán hàng phát miễn phí túi nilông cho người mua do giá bán của hàng hóa này rẻ nhiều so với giá các hàng hóa khác. Để tác động mạnh đến hành vi của người sử dụng, Luật quy định khung thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilông từ 30.000đ đến 50.000đ/kg. Việc đánh thuế cao nhằm làm tăng giá bán để người bán hàng sẽ không tiếp tục phát miễn phí túi nilông, giảm dần dần việc sử dụng túi nilông.

- Đối với nhóm thuốc trừ cỏ, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng: Theo Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật, hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam. Ngày 03/3/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư số 09/2009/TT-BNN về danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam, theo đó, Danh mục thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng ở Việt Nam gồm:

-  Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng:

   

- Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng: 2 hoạt chất với 2 tên thương phẩm.

- Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng: 4 hoạt chất với 4 tên thương phẩm.

- Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng: 3 hoạt chất với 9 tên thương phẩm.

Do sản phẩm đưa vào danh mục hành năm có thể khác nhau, giá bán sản phẩm khác nhau (giao động từ 11.000 đ/kg đến 640.000đ/kg). Hơn nữa, thuốc bảo vệ thực vật là sản phẩm đầu vào của ngành nông nghiệp, nếu sử dụng đúng quy trình và thời gian thì sẽ không gây hại tới môi trường. Vì vậy, Luật quy định mức thuế bảo vệ môi trường từ 500 - 2.000 đồng/kg hoặc lít thuốc cho thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng và mức 1.000 – 3.000 đồng/kg cho toàn bộ 03 nhóm thuốc hạn chế sử dụng còn lại có trong danh mục. Khi qui định mức thuế cụ thể, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ qui định mức thuế khác nhau tuỳ theo mức độ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người của mỗi nhóm thuốc để  nhằm nâng cao ý thức của người nông dân, hướng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn.

- Đối với dung dịch HCFC: mức thuế tối thiểu được qui định là 1.000 đồng/kg (tương đương khoảng 3% giá bán) và tối đa là 5.000 đồng/kg (tương ứng khoảng 12% giá bán. Giá nhập khẩu hiện nay là 40.000 đồng/1kg).

Biểu khung thuế bảo vệ môi trường như sau:

STT

Hàng hoá

Đơn vị tính

Mức thuế

(đồng/1 đơn vị hàng hoá)

I

Xăng dầu

 

 

1

Xăng các loại

Lít

1.000 – 4.000

2

Nhiên liệu bay

t

1.000 – 3.000

3

Dầu diesel

Lít

500 – 2.000

4

Dầu hoả

Lít

300 – 2.000

5

Dầu mazut

Lít

300 – 2.000

6

Dầu nhờn

Lít

300 – 2.000

7

Mỡ nhờn

Kg

300 – 2.000

II

Than

Tấn

6.000 – 30.000

1

Than nâu

tấn

10.000 – 30.000

2

Than an-tra-xit

tấn

20.000 – 50.000

3

Than mỡ

tấn

10.000 – 30.000

4

Than đá khác

tán

10.000 – 30.000

III

Dung dịch HCFC

Kg

1.000 – 5.000

IV

Túi nilông thuộc diện chịu thuế

Kg

30.000 – 50.000

V

Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng

kg

500 – 2.000

VI

Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng

Kg

1.000 – 3.000

VII

Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng

Kg

1.000 – 3.000

VIII

Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng

Kg

1.000 – 3.000

Căn cứ Biểu khung, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ quy định chi tiết danh mục các hàng hoá và các mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hoá theo nguyên tắc:

- Mức thuế đối với các hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

- Mức thuế đối với hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường được xây dựng phân biệt theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường.

Với khung thuế nêu trên, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường thu được theo mức thuế tối thiểu khung khoảng 14.300 tỷ đồng/năm, với mức thu tối đa khung khoảng 57.000 tỷ đồng/năm (Năm 2009, số thu phí bảo vệ môi trường và phí xăng dầu khoảng 11.000 tỷ đồng).

Chương III:  Kê khai, xác định, nộp và hoàn thuế

Do thuế bảo vệ môi trường là sắc thuế mới nên trong Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn đều chưa có qui định cụ thể đối với một số nội dung liên quan đến quản lý thuế môi trường. Vì vậy, để tránh phát sinh vướng mắc trong thực thi Luật, cần thiết phải qui định một số nội dung liên quan đến quản lý thuế vào dự thảo Luật như: Thời điểm tính thuế, kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường. Cụ thể như sau:

1. Thời điểm xác định thuế: : Để phù hợp với đặc thù riêng của mỗi loại hàng hoá và thuận lợi cho quản lý thu thuế bảo vệ môi trường, Luật qui định thời điểm xác định thuế phù hợp với từng nhóm hàng hoá, cụ thể như sau:

- Đối với hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tặng cho, thời điểm tính thuế là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa.

- Đối với hàng hóa sản xuất đưa vào tiêu dùng nội bộ, thời điểm tính thuế là thời điểm đưa hàng hóa vào sử dụng.

- Đối với hàng hóa nhập khẩu, thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

- Đối với xăng, dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán, thời điểm tính thuế là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng, dầu bán ra.

2. Khai thuế: Để thuận tiện trong thực hiện, không làm tăng chi phí trong tổ chức thực hiện chính sách mới, Luật thuế bảo vệ môi trường qui định việc khai thuế, tính thuế, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho được thực hiện theo tháng và theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Việc khai thuế, tính thuế, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện cùng thời điểm với khai thuế và nộp thuế nhập khẩu. Thuế bảo vệ môi trường chỉ nộp một lần đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu.

3. Hoàn thuế: Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu. Vì vậy, Luật thuế bảo vệ môi trường qui định một số nội dung về hoàn thuế tương tự như các thuế gián thu khác (thuế tiêu thụ đặc biệt) để tránh phát sinh vướng mắc trong thực hiện. Cụ thể:

Người nộp thuế bảo vệ môi trường được hoàn thuế đã nộp trong các trường hợp sau:

- Hàng hóa nhập khẩu còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan được tái xuất khẩu ra nước ngoài;

- Hàng hóa nhập khẩu để giao, bán cho nước ngoài thông qua đại lý tại Việt Nam; xăng, dầu bán cho phương tiện vận tải của hãng nước ngoài trên tuyến đường qua cảng Việt Nam hoặc phương tiện vận tải của Việt Nam trên tuyến đường vận tải quốc tế theo quy định của pháp luật;

- Hàng hóa tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất;

- Hàng hóa nhập khẩu do người nhập khẩu tái xuất khẩu ra nước ngoài;

- Hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm theo quy định của pháp luật khi tái xuất khẩu ra nước ngoài.

Chương IV:  Điều khoản thi hành

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 ngày 01 năm 2012.

Hiện nay đang thu phí xăng dầu, loại phí này cũng thu vào sản phẩm xăng dầu, không phân biệt mục đích sử dụng và số thu phí được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, để không trùng lặp trong chính sách thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, Luật thuế bảo vệ môi trường quy định:  Các quy định về thu phí xăng, dầu tại Pháp lệnh về phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực thi hành từ ngày Luật này có hiệu lực”.

 

 

 

 

 
Đề cương giới thiệu Luật Lưu trữ
Đề cương giới thiệu Luật Khiếu nại
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự
Đề cương giới thiệu Luật An toàn thực phẩm
Đề cương giới thiệu Luật cán bộ công chức
Đề cương giới thiệu Luật Bảo hiểm xã hội
Đề cương giới thiệu Luật Người khuyết tật
Đề cương giới thiệu Luật Viên chức
Đề cương giới thiệu Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp
Đề cương giới thiệu Luật Tố tụng hành chính
Đề cương giới thiệu Luật Khoáng sản năm 2010
Đề cương giới thiệu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Đề cương giới thiệu Luật Phòng, chống mua bán người
Đề cương giới thiệu Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Đề cương giới thiệu Luật Quy hoạch đô thị.
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa.
* Đề cương giới thiệu Luật khám bệnh, chữa bệnh
* Đề cương giới thiệu luật tố tụng hành chính
* Đề cương giới thiệu luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 1788436