30/11/2011 16:51        

Đề cương giới thiệu Luật Quy hoạch đô thị.

 

ĐỀ CƯƠNG

GIỚI THIỆU LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

Trong thời gian qua, với chính sách đổi mới, hội nhập, cùng với sự phát triển nhanh về các mặt kinh tế – xã hội, hệ thống các đô thị ở nước ta đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Tính đến nay cả nước ta đã có 752 đô thị các loại (bao gồm từ đô thị loại 5 đến đô thị loại đặc biệt) trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt (thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), 7 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 38 đô thị loại IV, 646 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hoá đạt gần 30%. Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, là trái tim của cả nước, các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... là những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học, công nghệ, đang đóng vai trò đầu tàu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng và cả nước. Ngoài ra, cả nước hiện đang có trên 160 khu công nghiệp tập trung, 10 đô thị mới, 28 khu kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế đặc thù, góp phần mở rộng mạng lưới đô thị quốc gia, tạo tiền đề cho sự phát triển đô thị tại các vùng ven biển và biên giới. Nhiều khu đô thị mới đã và đang được hình thành với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, góp phần giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của các đô thị hiện nay, nhất là vấn đề nhà ở và các dịch vụ đô thị. Bộ mặt đô thị Việt Nam nói chung đã có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại. Những thành tựu nêu trên có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến các địa phương và sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế trong xã hội. Đặc biệt là 5 năm gần đây, kể từ khi Luật Xây dựng được ban hành, công tác quản lý quy hoạch xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực tế phát triển đô thị ở nước ta vẫn còn một số vấn đề tồn tại làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển các đô thị nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Việc quản lý, sử dụng đất đai trong đô thị còn nhiều lãng phí. Tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị chậm được cải thiện. Các vấn đề về nhà ở, giao thông đô thị đang gây nhiều bức xúc. Kiến trúc đô thị còn chắp vá, thiếu bản sắc. Công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch còn nhiều bất cập.

Việc lập quy hoạch còn chậm, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tế xã hội và yêu cầu quản lý. Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa tập trung các nguồn lực cần thiết cho công tác lập quy hoạch dẫn đến tình trạng quy hoạch chưa đi trước, thiếu cơ sở cho quản lý phát triển đô thị. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành dẫn đến tình trạng không thống nhất giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch chuyên ngành khác, chưa bảo đảm sự kết nối, nhất là sự liên thông, đồng bộ về hạ tầng trong đô thị và giữa đô thị với khu vực lân cận. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ lập quy hoạch chưa cao. Trong quá trình lập quy hoạch chưa thu hút được sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, đặc biệt là của các nhà chuyên môn. Những vấn đề nêu trên dẫn đến chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính khả thi không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, phải điều chỉnh nhiều và chưa thu hút được các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch.

Công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch trên thực tế còn nhiều yếu kém, hiệu quả chưa cao. Việc công bố, công khai quy hoạch được duyệt còn chậm và mang tính hình thức. Việc triển khai đưa các chỉ giới, mốc giới ra ngoài thực địa thực hiện chưa tốt dẫn đến tình trạng vi phạm chỉ giới quy hoạch, lấn chiếm đất công còn phổ biến ở nhiều nơi. Việc cung cấp thông tin quy hoạch, giới thiệu địa điểm, cấp chứng chỉ quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng còn phức tạp về thủ tục, gây phiền hà cho các nhà đầu tư, hệ quả là công trình xây dựng không phép, sai phép còn chiếm tỷ lệ lớn, chính quyền địa phương không kiểm soát được việc tuân thủ quy hoạch trong hoạt động xây dựng tại đô thị. Việc quản lý kiến trúc đô thị còn lúng túng làm cho diện mạo đô thị không có định hướng, chắp vá, lộn xộn và thiếu bản sắc. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ đô thị thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng đòi hỏi thực tế của các đô thị. Nhiều chỉ tiêu quan trọng về hạ tầng đô thị chưa đạt quy chuẩn và chưa theo kịp các nước trong khu vực[1]. Việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thiếu kế hoạch, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, dẫn đến sự lãng phí lớn, gây nhiều bức xúc trong đời sống đô thị. Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác lập quy hoạch cũng như triển khai thực hiện quy hoạch còn thiếu về số lượng và chất lượng chưa cao.

Pháp luật hiện hành của nước ta đã có nhiều quy định về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Tuy nhiên, các quy định này còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, hiệu lực pháp lý thấp, nhiều quy định lạc hậu so với thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý phát triển đô thị và hội nhập quốc tế. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị ở nước ta hiện nay. Luật Xây dựng hiện hành đã có 1 chương quy định về quy hoạch xây dựng, tuy nhiên một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định cụ thể về quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch cũng như các quy định về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ đô thị. Quy trình, thủ tục về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Các quy định về lấy ý kiến cộng đồng khi lập quy hoạch cũng như việc công khai, cung cấp thông tin quy hoạch chưa đầy đủ và chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Sự phân công, phân cấp trong quản lý đô thị còn chưa thật phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương. Trách nhiệm của chính quyền đô thị trong quản lý các vấn đề đặc thù của đô thị nhất là quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị chưa được thiết lập đầy đủ, rõ ràng dẫn đến lúng túng, trùng lắp và kém hiệu quả trong thực hiện. Một số vấn đề quan trọng khác như quy hoạch và quản lý không gian ngầm, kinh phí, nhân lực cho công tác lập và triển khai quy hoạch cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch... còn thiếu quy định cụ thể, chưa tạo ra được một hệ thống cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Tình hình thực tế phát triển đô thị, thực trạng công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị ở nước ta như phân tích trên đây đòi hỏi phải sớm ban hành Luật quy hoạch đô thị. Đây cũng là bước pháp điển hoá quan trọng, nhằm mục đích tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị ở nước ta hiện nay. Luật quy hoạch đô thị được ban hành sẽ là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị; bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị và từng đô thị bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại; đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới (như Anh, Pháp, Nga, Ai-len, Phần Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc...) cho thấy các nước đều coi quy hoạch đô thị là công cụ quan trọng để quản lý và phát triển đô thị. Nhiều nước có đạo luật riêng về quy hoạch đô thị. Trong số đó, Luật Quy hoạch đô thị của Trung Quốc được ban hành từ năm 1989 và được sửa đổi, bổ sung năm 2008 có nhiều quy định phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay.

Hầu hết luật các nước đều xác định nguyên tắc quản lý quy hoạch đô thị phải đi từ tổng quát đến cụ thể, thông qua quy trình từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết. Trong quy hoạch của từng đô thị, phải định rõ các khu chức năng, trong đó Nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc quản lý và thực hiện quy hoạch các khu chính trị - hành chính; đối với các khu chức năng khác, Nhà nước định hướng, tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp được tham gia lập quy hoạch và đầu tư phát triển các dự án theo quy hoạch.Quy hoạch phải bảo đảm cho việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đô thị đồng bộ và phải đi trước, tạo tiền đề cho việc xây dựng và thực hiện các dự án.

Luật pháp các nước đề cao tính công cộng, là đặc điểm quan trọng của đô thị, đưa ra các nguyên tắc quản lý và sử dụng không gian đô thị, kể cả không gian ngầm; thông qua kiến trúc sư trưởng nhằm quản lý hiệu quả cảnh quan, kiến trúc đô thị, bảo đảm bản sắc đô thị phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc. Hầu hết các nước đều quản lý thực hiện quy hoạch thông qua việc cấp giấy phép quy hoạch. Bên cạnh đó, luật pháp các nước đều đưa ra các nguyên tắc để cộng đồng tham gia có hiệu quả vào việc xây dựng và thực hiện quy hoạch.

Chính vì vậy, việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị hiệu lực, hiệu quả. Sau một thời gian xây dựng, ngày 17 tháng 6 năm 2009 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị.Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO SOẠN THẢO LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

Luật Quy hoạch đô thị được xây dựng trên các quan điểm chỉ đạo sau đây:

1. Luật Quy hoạch đô thị phải thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước về quản lý và phát triển đô thị. Quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng: “Phát triển mạng lưới đô thị phân bố hợp lý trên các vùng. Hiện đại hoá dần các thành phố lớn, thúc đẩy quá trình đô thị hoá nông thôn. Không tập trung quá nhiều cơ sở công nghiệp và dân cư vào các đô thị lớn... Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý đô thị, nâng cao thẩm mỹ kiến trúc... Xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, điện lực, thông tin, thuỷ lợi, cấp thoát nước...”.

2. Luật Quy hoạch đô thị phải bảo đảm điều chỉnh các vấn đề liên quan đến những hoạt động lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị; tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan tới các hoạt động quy hoạch đô thị.

3. Luật Quy hoạch đô thị phải kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại và là bước pháp điển hoá hệ thống pháp luật về quy hoạch xây dựng phát triển đô thị hiện hành; đồng thời bổ sung các quy định để điều chỉnh kịp thời các mối quan hệ mới phát sinh, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong hiện tại và xu thế phát triển trong tương lai.

4. Luật Quy hoạch đô thị phải bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, của tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động quy hoạch đô thị; phân định quản lý nhà nước và quản lý của nhà đầu tư; góp phần thúc đẩy cải cách hành chính trong quản lý quy hoạch đô thị phù hợp với tiến trình cải cách hành chính của Nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

III.  NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT

Luật Quy hoạch đô thị gồm 6 chương, 76 điều, cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung quy định về các vấn đề chung nhất, có tính nguyên tắc của vấn đề quy hoạch đô thị, cụ thể là:

1. Về phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về hoạt động quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị, bao gồm việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.

Chương này cũng quy định rõ về các từ ngữ được hiểu trong Luật về đô thị, đô thị mới, khu đô thị mới, quy hoạch đô thị, nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thời hạn quy hoạch đô thị, thời gian hiệu lực của quy hoạch đô thị, kiến trúc đô thị, không gian đô thị, cảnh quan đô thị, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, chứng chỉ quy hoạch, giấy phép quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật khung, không gian ngầm.

Theo quy định tại Chương này,quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.

2. Về tính pháp lý của quy hoạch đô thị: Đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt phải bảo đảm sự thống nhất và khớp nối với các quy hoạch ngành trong khu vực đô thị. Do đó, Luật đã quy định nguyên tắc tuân thủ quy hoạch đô thị là tổ chức, cá nhân khi thực hiện các chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng phát triển đô thị, quy hoạch chuyên ngành trong phạm vi đô thị, kế hoạch sử dụng đất đô thị, quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị, thực hiện quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị hoặc thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến quy hoạch đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được phê duyệt và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị.

3. Về yêu cầu đối với quy hoạch đô thị:

Để bảo đảm quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; có tính khả thi, bền vững và phù hợp với yêu cầu thực tế của xã hội. Luật đã quy định các yêu cầu cụ thể đối với quy hoạch đô thị. Theo đó, quy hoạch đô thị phải bảo đảm:

- Cụ thể hoá Định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia và các quy hoạch vùng liên quan; phù hợp với mục tiêu của chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo đảm tính thống nhất với quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi đô thị; bảo đảm công khai, minh bạch và kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân.

- Dự báo khoa học, đáp ứng được yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế phát triển của đô thị; tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị và quy chuẩn khác có liên quan.

- Bảo vệ môi trường, phòng ngừa hiểm hoạ ảnh hưởng đến cộng đồng, cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử và nét đặc trưng địa phương thông qua việc đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập quy hoạch đô thị.

- Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đô thị nhằm tạo ra nguồn lực phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.

- Bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm; phát triển hài hoà giữa các khu vực trong đô thị.

- Đáp ứng nhu cầu sử dụng nhà ở, công trình y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, thương mại, công viên, cây xanh, mặt nước và công trình hạ tầng xã hội khác.

- Đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật gồm hệ thống giao thông, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác; bảo đảm sự kết nối, thống nhất giữa các hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị và sự liên thông với các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, quốc gia và quốc tế.

4. Về quản lý nhà nước: Luật quy định về nội dung và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền đô thị trong hoạt động quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch; phân công, phân cấp quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị.

5. Về kinh phí cho việc lập quy hoạch, Luật quy định rõ kinh phí cho công tác lập và quản lý quy hoạch được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động khác. Luật cũng có quy định nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia lập quy hoạch đối với các khu vực phát triển các dự án đô thị.

6. Về tư vấn lập quy hoạch đô thị: Để bảo đảm đồ án quy hoạch có chất lượng, Luật đã quy định rõ điều kiện, năng lực của các tổ chức tư vấn, cá nhân tham gia lập quy hoạch đô thị. Cụ thể: Đối với tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị phải có tư cách pháp nhân; đủ điều kiện về số lượng, năng lực chuyên môn của cá nhân tham gia lập quy hoạch đô thị, năng lực quản lý và các điều kiện kỹ thuật phù hợp với công việc đảm nhận. Đối với cá nhân tham gia lập quy hoạch đô thị phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp và có năng lực phù hợp với công việc được đảm nhận. Đối với tổ chức tư vấn, cá nhân nước ngoài tham gia lập quy hoạch đô thị tại Việt Nam ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện quy định đối với tổ chức tư vấn, cá nhân trong nước còn phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận.

Ngoài ra, Luật cũng quy định tổ chức lập quy hoạch đô thị được lựa chọn thông qua hình thức chỉ định hoặc thi tuyển.

7. Luật cũng quy định rõ các hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch đô thị. Theo đó, những hành vị như: không thực hiện trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị; chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị không đủ điều kiện năng lực; lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị không đúng quy định; can thiệp trái pháp luật vào hoạt động quy hoạch đô thị; cấp giấy phép quy hoạch trái với quy định; cấp chứng chỉ quy hoạch tại các khu vực chưa có quy hoạch đô thị được phê duyệt; từ chối cung cấp thông tin, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cung cấp sai thông tin về quy hoạch đô thị; cố ý vi phạm quy hoạch đô thị đã được phê duyệt; phá hoại không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; cắm mốc giới sai lệch; phá hoại, làm sai lệch mốc giới quy hoạch đô thị; cản trở, gây khó khăn cho việc lập và thực hiện quy hoạch đô thị.

Chương II. Lập quy hoạch đô thị

Nội dung chủ yếu của Chương này quy định về việc tổ chức lập quy hoạch và nội dung của từng loại quy hoạch.

1. Về các loại quy hoạch đô thị:

Để tạo ra đủ cơ sở và công cụ quản lý phát triển đô thị, Luật đã quy định Quy hoạch đô thị gồm 3 loại quy hoạch. Quy hoạch chung được lập cho toàn bộ đô thị. Quy hoạch phân khu được lập cho các khu vực đô thị, nhằm cụ thể hoá nội dung quy hoạch chung, là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết. Quy hoạch chi tiết được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng, là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng.

Luật cũng quy định rõ nội dung của từng loại đồ án quy hoạch đối với thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn. Chương này cũng quy định về nội dung quy hoạch các khu đô thị mới, quy hoạch cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Đối với đô thị trực thuộc trung ương thì yêu cầu phải lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

2. Trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị

Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị theo hướng phân cấp cho chính quyền địa phương nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động cho các địa phương trong việc quản lý phát triển đô thị của mình; có quy định khuyến khích các nhà đầu tư tổ chức lập quy hoạch chi tiết trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Xây dựng chỉ tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên và quy hoạch khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

3. Về lấy ý kiến đối với quy hoạch đô thị:

Để bảo đảm đồ án quy hoạch đô thị có tính khả thi, phù hợp với thực tế và yêu cầu của người dân. Việc lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập quy hoạch đô thị là cần thiết. Luật đã quy định rõ hình thức, thời gian lấy ý kiến, cụ thể là:

- Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.

- Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung được thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết được thực hiện bằng phiếu góp ý thông qua hình thức trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Thời gian lấy ý kiến ít nhất là 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Luật cũng quy định các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định phê duyệt.

Chương III. Thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị

Chương nàyquy định về thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và các đồ án quy hoạch đô thị.

Về trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị: Luật đưa ra các quy định mới nhằm cải tiến theo hướng đơn giản hoá, cải cách thủ tục hành chính, phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm quản lý của từng cơ quan nhà nước đối với từng loại quy hoạch đô thị.

Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, Luật quy định theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương. Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung các đô thị trực thuộc Trung ương, đô thị loại I và các đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên; quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của đô thị loại đặc biệt; các quy hoạch đô thị khác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, văn hoá, lịch sử, kinh tế, xã hội của quốc gia.

Nhằm bảo đảm quy hoạch đáp ứng được các yêu cầu, nguyên tắc đã được quy định tại Chương I, Luật quy định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch được thẩm định bởi một hội đồng gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, Hội đồng kiến trúc quy hoạch và đại diện các hội nghề nghiệp liên quan. Đối với đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Xây dựng quyết định thành lập Hội đồng; đối với các đồ án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Uỷ ban nhân dân các cấp thì người có thẩm quyền phê duyệt đồ án có quyền quyết định thành lập Hội đồng thẩm định.

Nội dung thẩm định cũng được quy định rõ đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị, cụ thể: việc thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đô thị bao gồm: Sự phù hợp của nhiệm vụ quy hoạch đô thị với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và quy hoạch đô thị cấp trên; Yêu cầu về nội dung đối với từng loại nhiệm vụ quy hoạch đô thị. Đối với thẩm định đồ án quy hoạch đô thị bao gồm: Việc đáp ứng các điều kiện của tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị theo quy định; căn cứ lập đồ án quy hoạch đô thị theo quy định; Sự phù hợp của đồ án quy hoạch đô thị với nhiệm vụ và yêu cầu quy hoạch đô thị quy định và các yêu cầu về nội dung đối với từng loại đồ án.

Chương IV. Điều chỉnh quy hoạch đô thị

Trên thực tế, trong quá trình lập, triển khai thực hiện quy hoạch đô thị cũng cần có sự thay đổi, điều chỉnh. Tuy nhiên, để tránh việc điều chỉnh tuỳ tiện, gây ảnh hưởng xấu đến không gian, kiến trúc, cảnh quan và cộng đồng, Luật đã quy định chặt chẽ các điều kiện được tiến hành điều chỉnh quy hoạch đô thị, cụ thể như sau: khi có sự điều chỉnh về chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị cấp trên và địa giới hành chính làm ảnh hưởng lớn đến tính chất, chức năng, quy mô của đô thị hoặc khu vực lập quy hoạch; khi hình thành các dự án trọng điểm có ý nghĩa quốc gia làm ảnh hưởng lớn đến sử dụng đất, môi trường, bố cục không gian kiến trúc đô thị; khi quy hoạch đô thị không thực hiện được hoặc việc triển khai thực hiện gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và môi trường sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa được xác định thông qua việc rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch đô thị và ý kiến cộng đồng; khi có sự biến động về điều kiện khí hậu, địa chất, thủy văn; để phục vụ lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng.

Việc điều chỉnh quy hoạch phải dựa trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá quy hoạch hiện hành và làm rõ nguyên nhân phát sinh những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Việc điều chỉnh có thể ở mức độ điều chỉnh tổng thể hoặc điều chỉnh cục bộ.

Đối với điều chỉnh tổng thể quy hoạch đô thị được tiến hành khi tính chất, chức năng, quy mô của đô thị, của khu vực lập quy hoạch chi tiết thay đổi hoặc nội dung dự kiến điều chỉnh làm thay đổi cơ cấu, định hướng phát triển chung của đô thị; tính chất, chức năng, quy mô và các giải pháp quy hoạch chính của khu vực lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.

Điều chỉnh tổng thể quy hoạch đô thị phải bảo đảm đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai.

Đối với điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị được tiến hành khi nội dung dự kiến điều chỉnh không ảnh hưởng lớn đến tính chất, ranh giới, định hướng phát triển chung của đô thị; tính chất, chức năng, quy mô và các giải pháp quy hoạch chính của khu vực lập quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết.

Điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị phải xác định rõ phạm vi, mức độ, nội dung điều chỉnh; bảo đảm tính liên tục, đồng bộ của quy hoạch chung đô thị hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết hiện có trên cơ sở phân tích, làm rõ các nguyên nhân dẫn đến việc phải điều chỉnh; hiệu quả kinh tế - xã hội của việc điều chỉnh; các giải pháp khắc phục những phát sinh do điều chỉnh quy hoạch.

Chương V. Tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch

1. Về tổ chức thực hiện quy hoạch: Luật quy định cụ thể trách nhiệm, hình thức công bố, công khai và cung cấp thông tin về quy hoạch, cấp chứng chỉ quy hoạch, cắm mốc giới theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Nhằm bảo đảm tính dân chủ, công khai trong quy hoạch đô thị và để các tổ chức, cá nhân có cơ sở giám sát và thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Luật đã quy định cụ thể việc công bố công khái đối với đồ án quy hoạch đô thị. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phê duyệt, đồ án quy hoạch đô thị phải được công bố công khai bằng các hình thức: trưng bày thường xuyên, liên tục bản vẽ, mô hình tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước các cấp có liên quan về quy hoạch đô thị, trung tâm triển lãm và thông tin về quy hoạch đô thị và tại khu vực được lập quy hoạch; Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; In thành ấn phẩm để phát hành rộng rãi. Nội dung công bố công khai gồm các nội dung cơ bản của đồ án và Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị đã được ban hành, trừ những nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia.

Luật cũng quy định cơ quan quản lý quy hoạch đô thị có trách nhiệm cập nhật đầy đủ tình hình triển khai thực hiện đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt để cơ quan có thẩm quyền công bố công khai kịp thời cho các tổ chức, cá nhân biết và giám sát thực hiện.

Ngoài ra, Luật cũng quy định cơ quan quản lý quy hoạch có trách nhiệm cung cấp thông tin quy hoạch, chứng chỉ quy hoạch cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Người có trách nhiệm cung cấp thông tin quy hoạch phải chịu trách nhiệm về thông tin mà mình cung cấp.

Đối với việc cắm mốc giới, Luật quy định: sau khiđồ án quy hoạch đô thị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm: Tổ chức lập và phê duyệt hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Thời gian lập và phê duyệt hồ sơ cắm mốc giới không quá 30 ngày, kể từ ngày đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt; Tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa theo hồ sơ cắm mốc giới đã được phê duyệt. Việc cắm mốc giới ngoài thực địa phải được hoàn thành trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày hồ sơ cắm mốc giới được phê duyệt.

2. Về quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị:

Để bảo đảm không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị được quản lý thống nhất, Luật đã quy định cụ thể về nguyên tắc quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, như sau là:

- Chủ sở hữu các vật thể kiến trúc có ảnh hưởng đến không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị phải có trách nhiệm bảo vệ, duy trì trong quá trình khai thác, sử dụng bảo đảm mỹ quan, an toàn, hài hoà với không gian xung quanh.

- Việc xây mới, cải tạo, chỉnh trang, sửa chữa và phá bỏ vật thể kiến trúc, cây xanh trong khu vực công cộng, khuôn viên công trình và nhà ở có ảnh hưởng đến không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị phải xin phép cơ quan quản lý có thẩm quyền.

- Trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình có quy mô lớn, có ý nghĩa và vị trí quan trọng trong đô thị phải thi tuyển thiết kế kiến trúc.

Luật cũng quy định trách nhiệm của chính quyền đô thị và cơ quan quản lý quy hoạch đô thị trong việc quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị.

Đồng thời, Luật cũng quy định, căn cứ đồ án quy hoạch được duyệt, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương. Các loại đất trong đô thị phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, chức năng đã được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị được duyệt.

3. Về quản lý không gian ngầm và công trình xây dựng ngầm

Trong quá trình phát triển đô thị theo hướng hiện đại, việc khai thác, sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm là cần thiết. Do đó, Luật đã quy định việc quản lý không gian ngầm và xây dựng các công trình ngầm phải tuân thủ quy hoạch đô thị được duyệt; quy chuẩn về xây dựng công trình ngầm, giấy phép quy hoạch và giấy phép xây dựng. Đồng thời, việc quản lý xây dựng các công trình trên mặt đất phải bảo đảm không ảnh hưởng đến không gian ngầm được xác định trong quy hoạch đô thị được duyệt.  

Luật cũng quy định việc xây dựng công trình ngầm không được làm ảnh hưởng đến các công trình trên mặt đất, công trình ngầm và không gian ngầm đã có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị. Việc xây dựng tuyến giao thông và hệ thống công trình công cộng ngầm phải bảo đảm an toàn, phù hợp với việc tổ chức, khai thác sử dụng không gian ngầm và trên mặt đất; bảo đảm kết nối thuận tiện với các công trình giao thông ngầm và trên mặt đất. Việc xây dựng tuy nen, hào kỹ thuật cũng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc sử dụng không gian trên mặt đất; an toàn trong khai thác, vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng.

4. Về quản lý xây dựng theo quy hoạch đô thị:

Một nội dung quan trọng của Luật trong công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch đô thị là quy định về vấn đề cấp giấy phép quy hoạch.

Trên thực tế, do nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch còn hạn chế, nhiều khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị được duyệt. Để có cơ sở cho các chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết hoặc dự án đầu tư xây dựng công trình trong khu vực chưa có quy hoạch, chính quyền đô thị có trách nhiệm cấp giấy phép quy hoạch đô thị.

Mặt khác, đối với khu vực đã có quy hoạch được duyệt nhưng trong trường hợp cần phải điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cũng thực hiện việc cấp giấy phép quy hoạch.

Việc cấp giấy phép quy hoạch phải căn cứ vào yêu cầu quản lý, kiểm soát phát triển thực tế của đô thị, Quy chuẩn về quy hoạch đô thị, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Nội dung giấy phép quy hoạch bao gồm phạm vi, quy mô khu vực lập quy hoạch đô thị, chỉ tiêu sử dụng đất cho phép, các yêu cầu về khai thác sử dụng đất, tổ chức không gian kiến trúc, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị trên mặt đất, dưới mặt đất, bảo vệ cảnh quan, môi trường đối với khu vực chủ đầu tư được giao đầu tư, thời hạn của Giấy phép quy hoạch.

Đây là một biện pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước với nhà đầu tư, tránh cho nhà đầu tư phải làm nhiều thủ tục, nhất là việc thoả thuận về quy hoạch như hiện nay đang gây phiền hà cho các nhà đầu tư, đồng thời dễ phát sinh tuỳ tiện, tiêu cực trong quản lý quy hoạch đô thị.

Chương VI. Điều khoản thi hành

Chương này quy định về thời điểm Luật bắt đầu hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp và trách nhiệm hướng dẫn thi hành Luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để các địa phương có cơ sở thực hiện ngay sau khi Luật này có hiệu lực thi hành, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo các Nghị định hướng dẫn thị hành Luật, gồm:

- Nghị định quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

- Nghị định quy định về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị;

- Nghị định quy định về quản lý không gian ngầm.

          Dự kiến các Nghị định trên sẽ được trình Chính phủ vào đầu tháng 11 năm 2009.

Ngoài ra, theo quy định của Luật, Bộ Xây dựng sẽ trực tiếp ban hành các Thông tư quy định và hướng dẫn nội dung và hồ sơ quy hoạch đô thị; Thông tư quy định và hướng dẫn việc cắm mốc và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị.

 

 

 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 1788416