30/11/2011 17:00        

Đề cương giới thiệu Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU

LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC

 

Ngày 18 tháng 6 năm 2009, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XII, đã thông qua Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Ngày 29 tháng 6 năm 2009, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Luật này ( Lệnh số 11/2009/L - CTN) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA  NHÀ NƯỚC

Trước khi ban hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Nhà nước ta đã ban hành một hệ thống pháp luật, bước đầu đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của quản lý nhà nước đối với mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có pháp luật về trách nhiệm bồi thường của cơ quan nhà nước đối với các thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước gây ra trong khi thi hành công vụ. Hiến pháp năm 1992 quy định: “Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, bị xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự” (Điều 72); “Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi về danh dự” (Điều 74). Bộ luật Dân sự năm 1995 đã dành hai điều 623 và 624 để quy định trách nhiệm bồi thường của các cơ quan nhà nước và các quy định này tiếp tục được ghi nhận trong Bộ luật dân sự năm 2005 (Điều 619 và Điều 620). Để cụ thể hóa các quy định nêu trên, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành như: Nghị định số 47/CP ngày 03 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra (sau đây gọi tắt là Nghị định số 47); Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 388). Các bộ, ngành có liên quan cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước và người tiến hành tố tụng (sau đây gọi chung là người thi hành công vụ) gây ra.

Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra còn có nhiều hạn chế, bất cập như: hình thức văn bản quy phạm pháp luật quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra có hiệu lực pháp lý không cao; pháp luật hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra chưa được xây dựng trên quan điểm coi đây là trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nói chung mà chỉ coi là trách nhiệm bồi thường của từng cơ quan nhà nước cụ thể (cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại); cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong nhiều trường hợp chưa được xác định rõ và đặc biệt là chưa quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp của các cơ quan nhà nước khác có liên quan, nên việc giải quyết bồi thường không đạt được kết quả như mong muốn; các loại thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường và nhiều vấn đề liên quan khác được pháp luật quy định không thống nhất, chưa hợp lý, gây bất lợi cho cả cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước lẫn người bị thiệt hại; trách nhiệm hoàn trả của công chức chưa được quy định rõ ràng. Tổng kết thực tiễn cho thấy, Nghị định số 47 hầu như không phát huy tác dụng, chưa được áp dụng để giải quyết bồi thường thiệt hại trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự và hành chính. Trong hoạt động quản lý hành chính, kết quả thi hành Nghị định này cũng rất hạn chế. Tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành và địa phương cũng chỉ ra rằng: việc giải quyết bồi thường của các cơ quan hành chính nhà nước chủ yếu được thực hiện gắn với thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính mà không trực tiếp áp dụng Nghị định số 47; số lượng vụ việc được giải quyết bồi thường không tương xứng so với yêu cầu thực tế, cụ thể trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2007 mới có khoảng 170 vụ việc được giải quyết, với số tiền bồi thường là hơn 16 tỷ đồng; ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có trường hợp nào áp dụng Nghị định số 47 để giải quyết yêu cầu bồi thường. Đối với bồi thường thiệt hại cho các trường hợp bị oan trong tố tụng hình sự theo quy định của Nghị quyết số 388, tính đến hết năm 2007 (sau 04 năm thi hành), các cơ quan tiến hành tố tụng đã giải quyết được gần 200 vụ, với số tiền phải bồi thường là gần 15 tỷ đồng. Việc ban hành Nghị quyết này đã được dư luận nhân dân ủng hộ và đồng tình cao. Tuy nhiên, do phạm vi điều chỉnh hẹp (chỉ bồi thường cho các trường hợp bị oan trong tố tụng hình sự), cho nên tác động của Nghị quyết này còn hạn chế.

Việc ban hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng là nhằm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Một trong các nội dung quan trọng về định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được quy định trong Nghị quyết này là xây dựng và hoàn thiện chế độ bảo hộ của Nhà nước đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó có quyền được bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước gây ra khi thi hành công vụ.

Việc xây dựng Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là nhằm:

a) Nhất thể hoá pháp luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, khắc phục tình trạng tồn tại hai mặt bằng pháp lý về bồi thường thiệt hại trong hoạt động hành chính và tố tụng hình sự hiện nay.

b) Tạo cơ chế pháp lý mới, đồng bộ, hiệu quả để người bị thiệt hại thực hiện tốt hơn quyền được bồi thường của mình đối với những thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra; Nhà nước thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình trước công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

c) Xác định rõ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại để một mặt, tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình, mặt khác, góp phần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của công chức trong quá trình thực thi công vụ.

 

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO  XÂY DỰNG LUẬT

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được xây dựng trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo sau đây:

1. Thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền công dân, quyền con người, trong đó có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước gây ra khi thi hành công vụ đã được quy định tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X.

2. Phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước cần phải được quy định phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy Hiến pháp năm 1992 và Bộ luật dân sự năm 2005 đã ghi nhận nguyên tắc Nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với mọi thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra cho tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ, nhưng trong điều kiện hiện nay, để đảm bảo tính khả thi của Luật này thì phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần được xác định phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước; năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức; điều kiện làm việc, thực thi công vụ còn nhiều hạn chế như hiện nay.

3. Bảo đảm sự kết hợp hài hoà giữa mục tiêu bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và lợi ích của Nhà nước. Bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức bị người thi hành công vụ gây thiệt hại, đồng thời cũng phải bảo đảm sự hoạt động ổn định, có hiệu quả của các cơ quan công quyền.

4. Kế thừa các quy định pháp luật còn phù hợp và từng bước pháp điển hoá các quy định pháp luật hiện hành về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong khi thi hành công vụ, đồng thời tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có thể vận dụng được phù hợp với điều kiện của nước ta.

 

III. BỐ CỤC

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước gồm có 8 Chương và 67 Điều, cụ thể là:

Chương I. Những quy định chung ( từ Điều 1 đến Điều 12)

Quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng được bồi thường; giải thích từ ngữ; quyền yêu cầu bồi thường; thời hiệu yêu cầu bồi thường; căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường; nguyên tắc giải quyết bồi thường; quyền và nghĩa vụ của cơ quan có trách nhiệm bồi thường, của người bị thiệt hại và của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại; trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường và các hành vi bị cấm.

Chương II. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính (từ Điều 13 đến Điều 25)

 Quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính; cơ quan có trách nhiệm bồi thường; thủ tục giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính; giải quyết yêu cầu bồi thường tại Toà án; giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

Chương III. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng (từ Điều 26 đến Điều 37)

Quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính; các trường hợp không được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự; cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính; thủ tục giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính.

Chương IV.Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án (từ Điều 38 đến Điều 44)

Quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hình sự; cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án; thủ tục giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án.

Chương V. Thiệt hại được bồi thường (từ Điều 45 đến Điều 51)

Quy định về các loại thiệt hại mà người thiệt hại được bồi thường bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại do tổn thất về tinh thần; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ; trả lại tài sản; khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chương VI. Kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả (từ Điều 52 đến Điều 55)

Quy định về nguồn kinh phí chi trả tiền bồi thường; trình tự, thủ tục lập dự toán, quyết toán kinh phí bồi thường; trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường.

Chương VII. Trách nhiệm hoàn trả (từ Điều 56 đến Điều 63)

 Quy định về các trường hợp mà người thi hành công vụ phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả; căn cứ xác định mức hoàn trả; thẩm quyền quyết định việc hoàn trả; trình tự, thủ tục quyết định việc hoàn trả; thực hiện việc hoàn trả; hiệu lực của quyết định hoàn trả; khiếu nại, khởi kiện quyết định hoàn trả; sử dụng, quản lý tiền hoàn trả.

Chương VIII. Điều khoản thi hành  (từ Điều 64 đến Điều 67)

Quy định về việc không áp dụng án phí, lệ phí, các loại phí khác và thuế trong quá trình giải quyết bồi thường; thời điểm có hiệu lực của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực kể từ thời điểm luật có hiệu lực thi hành; áp dụng pháp luật đối với các trường hợp yêu cầu bồi thường trước và sau khi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã có hiệu lực thi hành; trách nhiệm của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật hoặc các điều, khoản cần thiết khác để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

 

IV. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT

1. Phạm vi điều chỉnh

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước điều chỉnh những vấn đề sau đây: phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.

2. Đối tượng được bồi thường

Đối tượng được bồi thường là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần mà thuộc các trường hợp đã được quy định trong Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì được Nhà nước bồi thường.  

Cá nhân, tổ chức được hiểu bao gồm cá nhân, tổ chức Việt Nam và cá nhân, tổ chức nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

3. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường cho 2 lĩnh vực hoạt động khác nhau, cụ thể là:

- Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và thi hành án (khoản 1 Điều 6) bao gồm:

+ Có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

+ Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại.

 - Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự (khoản 2 Điều 6) bao gồm:

+ Có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 26 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

+ Có thiệt hại thực tế đối với người bị thiệt hại do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra trong trường hợp quy định tại Điều 26 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Một điểm đáng lưu ý là mặc dù không quy định trực tiếp lỗi là một trong các căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tuy nhiên, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã gián tiếp quy định về căn cứ này thông qua việc quy định một số trường hợp không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cụ thể là theo khoản 3 Điều 6 thì Nhà nước không có trách nhiệm bồi thường đối với các thiệt hại xảy ra trong các trường hợp sau đây:

+ Do lỗi của người bị thiệt hại.

+ Người bị thiệt hại che dấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc.

+ Do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết.

4. Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Như vậy, các thiệt hại do hoạt động xây dựng pháp luật gây ra chưa được Nhà nước bồi thường.

4.1. Phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính

Điều 13 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định cụ thể các nhóm hành vi mà nếu gây ra thiệt hại thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, bao gồm:

1. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính.

4. Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào trường giáo dưỡng, đưa người vào cơ sở giáo dục hoặc đưa người vào cơ sở chữa bệnh.

5. Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép.

6. Áp dụng thuế, phí, lệ phí; thu thuế, phí, lệ phí; truy thu thuế; thu tiền sử dụng đất.  

7. Áp dụng thủ tục hải quan.

8. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

9. Ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

10. Cấp văn bằng bảo hộ cho người không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng sở hữu công nghiệp không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; ra quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ.   

11. Không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép, văn bằng bảo hộ cho đối tượng có đủ điều kiện.

12. Các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định.

Đây là những nhóm hành vi có ảnh hưởng lớn đến các quyền cơ bản của công dân như quyền tự do thân thể, quyền tự do kinh doanh, quyền tự do sở hữu...do đó cần được Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, bằng cách cam kết sẽ bồi thường nếu các hành vi này gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân. Như vậy, thiệt hại do các hành vi khác (không được quy định trong Điều 13 của Luật) gây ra thì không được Nhà nước bồi thường. Ngoài ra, để thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tại Điều 13 của  Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định thêm khoản 12, theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại gây ra trong các trường hợp khác nếu được pháp luật quy định.

         4.2. Phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự

Điều 26 của Luật đã quy định cụ thể các trường hợp mà Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, bao gồm:

1. Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

2. Người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội.

3. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù có thời hạn mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội.

4. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành.

5. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm tội bị kết án tử hình và tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam vượt quá so với mức hình phạt chung của những tội mà người đó phải chấp hành.

6. Người bị xét xử bằng nhiều bản án, Toà án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó, mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành.

7. Tổ chức, cá nhân có tài sản bị thiệt hại do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý có liên quan đến các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì được bồi thường.

Các trường hợp này đã từng được quy định trong Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH ngày 17 tháng 3 năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Quá trình thực hiện cho thấy các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 388 và các văn bản hướng dẫn thi hành (trong đó có nội dung về phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự) đang vận hành tốt và phát huy tác dụng, được thực tiễn chấp nhận, do đó, đã được tiếp tục ghi nhận trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự có các đặc điểm sau đây:

- Nhà nước chỉ có trách nhiệm bồi thường khi người bị thiệt hại bị oan, tức là không thực hiện hành vi phạm tội mà bị điều tra, truy tố, xét xử.

- Không đặt vấn đề lỗi của người thi hành công vụ, tức là, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường nếu người bị thiệt hại được coi là bị oan, bất luận công chức có lỗi hay không có lỗi trong việc gây ra tình trạng oan này.

4.3. Phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính

Vấn đề bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đã được ghi nhận trong Bộ luật dân sự và pháp luật về tố tụng, nhưng khác so với bồi thường trong tố tụng hình sự, vấn đề bồi thường trong 2 lĩnh vực tố tụng này chưa có pháp luật quy định cụ thể. Để khắc phục tình trạng này, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định cụ thể 4 trường hợp được Nhà nước bồi thường (Điều 28), bao gồm:

-  Tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

-  Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.

-  Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

-  Ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.

4.4. Phạm vi trách nhiệm bồi thường trong lĩnh vực thi hành án

a. Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự

Điều 38 của Luật đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, bao gồm:

-  Ra hoặc cố ý không ra quyết định:

+  Thi hành án.

+  Thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án.

+  Áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án.

+  Cưỡng chế thi hành án.

+  Thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án. 

+  Hoãn thi hành án.

+  Tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án.

+  Tiếp tục thi hành án.

2. Tổ chức thi hành hoặc cố ý không tổ chức thi hành các quyết định nêu trên.

b. Đối với lĩnh vực thi hành án hình sự

Điều 39 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định cụ thể các trường hợp mà Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, bao gồm:

-  Ra quyết định thi hành án tử hình đối với người có đủ điều kiện quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự. 

-  Giam người quá thời hạn phải thi hành án phạt tù theo bản án, quyết định của Toà án.

-  Không thực hiện quyết định hoãn thi hành án đối với người bị kết án, quyết định tạm đình chỉ thi hành án phạt tù.

-  Không thực hiện quyết định giảm án tù, quyết định đặc xá, quyết định đại xá.

 

5. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường

Trước khi ban hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, việc thực hiện các quy định về bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra trong khi thi hành công vụ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước. Ngay cả đối với việc bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, mặc dù Nghị quyết số 388 đã quy định rất cụ thể là trường hợp nào thì cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường nhưng thực tiễn thi hành Nghị quyết này cho thấy, nhiều vụ việc đã phải yêu cầu đến Ủy ban thường vụ Quốc hội để xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Chính vì vậy, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định rất cụ thể, chi tiết việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

- Về nguyên tắc, cơ quan có trách nhiệm bồi thường được xác định là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại (Điều 14).

- Về cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, về cơ bản, các quy định của Nghị quyết số 388 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều được Luật hoá. Riêng đối với một số trường hợp như: cơ quan trực tiếp quản lý người tiến hành tố tụng hình sự đã được chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc người tiến hành tố tụng hình sự không còn làm việc tại cơ quan quản lý người đó tại thời điểm thụ lý đơn yêu cầu bồi thường hoặc có sự uỷ quyền, uỷ thác thực hiện công vụ  thì việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường được thực hiện theo quy định chung tại Điều 14 của Luật này.

- Về cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính,  Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định tương ứng với các trường hợp được bồi thường theo quy định tại Điều 28 về phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, hành chính (Điều 33).

Đối với một số trường hợp như Toà án quy định có trách nhiệm bồi thường đã được chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc người tiến hành tố tụng dân sự, tố tụng hành chính không còn làm việc tại Toà án tại thời điểm thụ lý đơn yêu cầu bồi thường thì việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường được thực hiện theo quy định chung tại Điều 14 của Luật này.

 - Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án được Luật quy định tại Điều 40.

6. Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường

6.1. Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường

 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người bị thiệt hại phải thực hiện việc yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại giải quyết bồi thường trước khi khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết bồi thường. Quy định này không chỉ giúp cho người bị thiệt hại và cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể hiểu nhau hơn, không chỉ tránh được sự lãng phí thời gian và tiền bạc mà còn tránh được tình trạng quá tải đối với hoạt động của hệ thống Toà án. Quy định này còn được xây dựng trên cơ sở thực tiễn là nhiều người bị thiệt hại không muốn khởi kiện ra Toà án để yêu cầu giải quyết bồi thường mà muốn giải quyết bồi thường tại chính cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại cho mình.

Về cơ bản, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường diễn ra như sau: sau khi nhận được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi  hành công vụ, người bị thiệt hại sẽ gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Cơ quan đã nhận đơn yêu cầu bồi thường và hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ yêu cầu bồi thường để thụ lý, trường hợp thấy không thuộc thẩm quyền của mình thì có trách nhiệm hướng dẫn người bị thiệt hại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền. Kể từ khi thụ lý hồ sơ, trong thời hạn luật định, cơ quan đã thụ lý đơn có trách nhiệm tiến hành xác minh thiệt hại. Kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tiến hành việc thương lượng với người bị thiệt hại. Kết quả thương lượng sẽ là căn cứ để cơ quan này ra quyết định giải quyết bồi thường. Một điểm cần lưu ý là trong bất cứ trường hợp nào (có thương lượng thành được hoặc không) thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường vẫn phải ra quyết định giải quyết bồi thường. Trường hợp người bị thiệt hại đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường và không khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết bồi thường thì quyết định giải quyết bồi thường sẽ có hiệu lực pháp luật và là căn cứ để cơ quan có trách nhiệm bồi thường tiến hành các thủ tục cần thiết để bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường thì trong thời hạn luật định, họ có quyền khởi kiện ra Toà án yêu cầu giải quyết bồi thường.

Trong trường hợp quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật thì người bị thiệt hại không có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết bồi thường.

           6.2. Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Toà án

 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết bồi thường nếu hết thời hạn luật định mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc khi họ đã nhận được quyết định nhưng không đồng ý với nội dung của quyết định đó. Về cơ bản, Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm là Toà án cấp huyện nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc, nơi tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở nơi thiệt hại xảy ra theo sự lựa chọn của người bị thiệt hại hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Do xác định quan hệ trách nhiệm bồi thường nhà nước, xét về bản chất là quan hệ dân sự, nên Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Toà án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự (Điều 22 và 23).

6.3. Các thiệt hại được bồi thường và mức bồi thường

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định cụ thể từng loại thiệt hại được bồi thường, bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm ( Điều 45); thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút ( Điều 46); thiệt hại do tổn thất về tinh thần ( Điều 47); thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết ( Điều 48); thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ ( Điều 49); trả lại tài sản ( Điều 50); khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự ( Điều 51).

Đối với quy định về thiệt hại thực tế do thu nhập bị mất hoặc giảm sút, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định cụ thể các căn cứ để xác định thu nhập của người bị thiệt hại, riêng đối với trường hợp không thể xác định được căn cứ để tính thu nhập bình quân của lao động cùng loại tại địa phương thì sẽ lấy mức lương tối thiểu chung đối với các cơ quan nhà nước làm căn cứ để tính thu nhập của người bị thiệt hại.

Đối với các quy định về thiệt hại do tổn thất về tinh thần, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phân biệt rõ đối với các trường hợp sau đây:   

- Trường hợp bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh thì thiệt hại do tổn thất về tinh thần được bồi thường được xác định là hai ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.

- Trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì thiệt hại do tổn thất về tinh thần được bồi thường được xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày  bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù. 

- Trường hợp bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà không bị giam giữ, tạm giam thì thiệt hại do tổn thất về tinh thần được bồi thường được xác định là một ngày lương tối thiểu cho một ngày  bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà không bị giam giữ, tạm giam.

- Trường hợp người bị thiệt hại chết thì mức bồi thường do tổn thất về tinh thần tối đa là 360 tháng lương tối thiểu.   

7. Kinh phí bồi thường

7.1. Về kinh phí bồi thường

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định, trường hợp cơ quan trung ương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương; trường hợp cơ quan địa phương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách địa phương (Điều 52).

Việc lập dự toán kinh phí bồi thường do cơ quan tài chính các cấp phối hợp với cơ quan, đơn vị cùng cấp thực hiện trên cơ sở căn cứ vào thực tế bồi thường của năm trước để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và được phân bổ cho các cơ quan, đơn vị khi có yêu cầu chi trả tiền bồi thường (Điều 53). 

Kết thúc năm ngân sách, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bồi thường lập quyết toán kinh phí đã chi trả bồi thường, tổng hợp chung trong quyết toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà  nước (Điều 55).  

7.2. Trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không quy định việc lấy kinh phí bồi thường trực tiếp từ kinh phí riêng của cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Về nguyên tắc, kinh phí sẽ được lấy từ cơ quan tài chính cùng cấp, trong trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường hưởng kinh phí từ ngân sách trung ương thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị bồi thường lên cơ quan quản lý cấp trên để cơ quan này gửi hồ sơ lên cơ quan tài chính cùng cấp để đề nghị cấp kinh phí (Điều 54).

8. Trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ

 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định một cách toàn diện về trách nhiệm hoàn trả, bao gồm: nghĩa vụ hoàn trả và xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ (Điều 56); căn cứ xác định mức hoàn trả (Điều 57); trình tự, thủ tục quyết định việc hoàn trả (Điều 58); thẩm quyền ra quyết định hoàn trả (Điều 59); khiếu nại, khởi kiện quyết định hoàn trả (Điều 60); hiệu lực của quyết định hoàn trả (Điều 61); thực hiện việc hoàn trả (Điều 62); quản lý, sử dụng tiền hoàn trả (Điều 63).

Đối với việc bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, do đặc thù của hoạt động tố tụng hình sự, do yêu cầu của việc đấu tranh phòng và chống tội phạm, đã đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải đưa ra các quyết định một cách nhanh chóng, chính vì vậy, khó có thể tránh khỏi việc gây ra thiệt hại cho người khác. Vì vậy, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định trong trường hợp gây ra thiệt hại mà do lỗi vô ý thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự không phải chịu trách nhiệm hoàn trả (khoản 2 Điều 56).

Trường hợp người thi hành công vụ có trách nhiệm hoàn trả không đồng ý với quyết định hoàn trả thì Luật cũng quy định họ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (Điều 60). Trường hợp người thi hành công vụ không có khiếu nại, khởi kiện quyết định hoàn trả thì sau 15 ngày, quyết định hoàn trả có hiệu lực pháp luật và cơ quan đã ra quyết định có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định này (Điều 61).

9. Áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010, tuy nhiên, trên thực tiễn, có các trường hợp như: người bị thiệt hại đã yêu cầu bồi thường theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra nhưng yêu cầu chưa được thụ lý, hoặc đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết, hoặc chưa yêu cầu bồi thường... Để bảo đảm sự rõ ràng trong áp dụng pháp luật, Điều 66 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định rõ việc áp dụng pháp luật trong từng trường hợp, cụ thể là:

Thứ nhất, đối với các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thụ lý nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết theo Nghị quyết số 388/2003/NQ - UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra hoặc Nghị định số 47/CP ngày 03 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trước ngày Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật đó để giải quyết.

Thứ hai, đối với các trường hợp được bồi thường theo Nghị quyết số 388/2003/NQ - UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và Nghị định số 47/CP ngày 03 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra đến thời điểm Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực mà còn thời hiệu theo quy định của các văn bản này nhưng chưa yêu cầu Nhà nước bồi thường hoặc đã yêu cầu nhưng chưa được thụ lý thì áp dụng các quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để giải quyết. 

 

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN  

Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. 

Bộ Tư pháp sẽ ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Việc Quốc hội ban hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc trong việc khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay.

 

 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 1788323