BỘ TƯ PHÁP VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT | BỘ TÀI CHÍNH VỤ PHÁP CHẾ |
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU
NGHỊ QUYẾT SỐ 55/2010/QH12 CỦA QUỐC HỘI VỀ
MIỄN, GIẢM THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Ngày 24/11/2010 Quốc hội khoá XII kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ngày 06/12/2010 Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 18/2010/L-CTN về việc công bố Nghị quyết. Sau đây là một số nội dung Nghị quyết:
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH
1. Chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp trước khi ban hành Nghị quyết
Chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993, Pháp lệnh thuế bổ sung đối với hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức diện tích năm 1994. Theo quy định của Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp thì tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, Luật cũng quy định: (i) miễn thuế đối với đất đồi, núi trọc dùng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, đất trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; đối với các hộ nông dân là người tàn tật, già yếu không nơi nương tựa; đối với hộ nộp thuế có thương binh hạng 1/4 và 2/4, bệnh binh hạng 1/3 và 2/3; (ii) miễn thuế có thời hạn đối với đất khai hoang dùng vào sản xuất; đất trồng cây lâu năm chuyển sang trồng lại mới và đất trồng cây hàng năm chuyển sang trồng cây lâu năm, cây ăn quả; hộ di chuyển đến vùng kinh tế mới khai hoang để sản xuất nông nghiệp; (iii) giảm thuế trong trường hợp thiên tai, địch họa làm thiệt hại mùa màng; đối với hộ nộp thuế có thương binh, bệnh binh không thuộc diện miễn thuế mà đời sống có nhiều khó khăn; (iv) miễn thuế hoặc giảm thuế đối với các hộ nông dân sản xuất ở vùng cao, miền núi, biên giới và hải đảo và đối với các hộ nông dân là dân tộc thiểu số mà sản xuất và đời sống còn nhiều khó khăn; đối với hộ nộp thuế là gia đình liệt sỹ.
Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng và Nhà nước đã có các quyết định mở rộng ưu đãi miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ nông dân và các đối tượng sản xuất nông nghiệp khác qua các năm như sau:
Năm 2001, thực hiện Nghị quyết số 24/1999/QH10 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2000, Chính phủ đã có Nghị quyết số 05/2001/NQ-CP ngày 24/5/2001 thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các hộ nghèo trong cả nước và các hộ ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và giảm 50% thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với đất trồng lúa và cà phê.
Năm 2002, thực hiện Nghị quyết số 50/2001/QH10 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 199/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa và các hộ nghèo trong cả nước, đồng thời giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp đối với các hộ sản xuất nông nghiệp khác còn lại chưa được miễn thuế (hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác).
Năm 2003, Quốc hội có Nghị quyết số 15/2003/QH11 ngày 17/6/2003 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như các năm trước đến hết năm 2010, đồng thời mở rộng đối tượng miễn, giảm thuế đối với hộ nông dân, hộ nông trường viên, xã viên hợp tác xã, cụ thể:
"1. Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức theo quy định của pháp luật cho từng vùng đối với hộ nông dân, hộ nông trường viên, xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nhận đất giao khoán của doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất nông nghiệp.
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ xã viên góp ruộng đất để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất của hộ nghèo, hộ sản xuất nông nghiệp ở xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.
2. Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp của đối tượng không thuộc diện được miễn thuế quy định tại khoản 1 Điều này và diện tích đất sản xuất nông nghiệp vượt hạn mức theo quy định của pháp luật đối với hộ nông dân, hộ nông trường viên và hộ sản xuất nông nghiệp khác.
Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện từ năm thuế 2003 đến năm thuế 2010".
Sau hơn 7 năm thực hiện, Nghị quyết số 15/2003/QH11 ngày 17/6/2003 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra khi ban hành, tuy nhiên cũng đã phát sinh một số hạn chế cần được sửa đổi cho phù hợp.
2. Kết quả đạt được và một số hạn chế qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2003/QH11
2.1. Kết quả đạt được
a) Góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống, hỗ trợ nông dân có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết số 15/2003/QH11 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, từ năm 2003 đến năm 2010, bình quân mỗi năm đã miễn, giảm đối với 11.249.076 hộ với diện tích miễn, giảm khoảng 5.462.278 ha; tổng số thuế miễn, giảm 1.851.577 tấn quy thóc, thành tiền là 2.837 tỷ đồng.
b) Bảo đảm bình đẳng trong việc điều tiết thu nhập
Theo quy định tại Nghị quyết số 15/2003/QH11 thì hộ nông dân, hộ nông trường viên, xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong hạn mức; diện tích đất sản xuất nông nghiệp vượt hạn mức phải nộp 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp. Quy định này huy động đóng góp của đối tượng có điều kiện kinh tế vào ngân sách nhà nước; đồng thời góp phần bảo đảm bình đẳng trong điều tiết thu nhập.
c) Góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với việc sử dụng đất nông nghiệp
2.2. Một số hạn chế
a) Về hạn mức đất nông nghiệp được miễn thuế
- Luật đất đai năm 1993 chỉ quy định 01 loại hạn mức đất nông nghiệp (Điều 44), cụ thể là:
+ Hạn mức đất nông nghiệp trồng cây hàng năm của mỗi hộ gia đình là không quá 3 ha do Chính phủ quy định cụ thể đối với từng địa phương.
+ Hạn mức đất nông nghiệp trồng cây lâu năm và hạn mức đất trống, đồi núi trọc, đất khai hoang, lấn biển của mỗi hộ gia đình khai thác để sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản do Chính phủ quy định.
- Luật đất đai năm 2003 có quy định 02 loại hạn mức đối với đất nông nghiệp là hạn mức giao đất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân:
+ Hạn mức giao đất nông nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 70 của Luật đất đai năm 2003.
+ Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân do Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật đất đai năm 2003. Hiện nay, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 1126/2007/NQ-UBTVQH11 ngày 21/6/2007 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Trên thực tế có hộ gia đình, cá nhân với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức lớn nhưng đều được giảm 50% thuế là chưa thực sự hợp lý, nhất là năm 2007 khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1126/2007/NQ-UBTVQH11 về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân nhằm quản lý việc tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc thực hiện miễn, giảm thuế cần xem xét phân biệt giữa các đối tượng để đảm bảo điều tiết thu nhập đối với các đối tượng có điều kiện kinh tế vào ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội.
b) Đối với đất làm muối, đất trồng lúa
- Đối với đất làm muối: Luật đất đai năm 1993 phân loại đất làm muối vào nhóm đất chuyên dùng là đất được xác định sử dụng vào mục đích không phải là nông nghiệp, lâm nghiệp (Điều 62) và theo quy định của Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 thì đất làm muối (thuộc nhóm đất chuyên dùng) không thuộc diện chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp (Điều 3).
Luật đất đai năm 2003 phân loại đất làm muối vào nhóm đất nông nghiệp. Người làm muối còn nhiều khó khăn nhưng mới chỉ được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích trong hạn mức, giảm 50% đối với diện tích vượt hạn mức.
- Đối với đất trồng lúa: Luật đất đai năm 2003 phân loại nhóm đất nông nghiệp bao gồm 8 loại (Điều 13) là đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa, đất đồng cỏ dùng vào chăn nuôi, đất trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất rừng sản xuất; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất nuôi trồng thuỷ sản; đất làm muối; đất nông nghiệp khác theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, đất trồng lúa thuộc loại đất trồng cây hàng năm. Trên thực tế đất trồng lúa còn có thể xen canh gối vụ trong năm (ngoài trồng lúa còn có thể trồng đậu, ngô, khoai... và một số loại cây hàng năm khác). Người trồng lúa còn nhiều khó khăn nhưng theo quy định hiện hành chỉ được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích trong hạn mức và giảm 50% đối với diện tích vượt hạn mức chưa khuyến khích người trồng lúa.
c) Đối với đất nông nghiệp phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm
Thực tế hiện nay đã xuất hiện và phát triển một số loại hình đầu tư nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhất là các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật về nghiên cứu giống mới, nghiên cứu công nghệ sản xuất nông nghiệp mới... Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì những trường hợp này chỉ được giảm 50% thuế sử dụng đất nông nghiệp là chưa thực sự khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, sản xuất thử nghiệm.
d) Đối với đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác
Thực tế thực hiện phát sinh một số diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác nhưng các tổ chức không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì cần thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai năm 2003. Trong thời gian nhà nước chưa thu hồi đất thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế của chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện hành; quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nông dân; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp; phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tế và xu hướng phát triển.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT
1. Chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Nghị quyết số 26/NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 là "Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thuỷ sản đạt 3,5-4%/năm; sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm và hiệu quả; duy trì diện tích lúa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài. Phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay".
2. Góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nông dân
Trong những năm qua nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta đã có bước phát triển khá toàn diện và to lớn. Nhưng hiện nay, sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập của nông dân từ sản xuất nông nghiệp còn thấp, đời sống của nông dân nhìn chung vẫn còn khó khăn. Hơn 90% số hộ nghèo của cả nước hiện đang sống ở các vùng nông thôn khó khăn.
3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp
Đối với doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của Luật đất đai năm 2003, Nhà nước thực hiện giao đất hoặc cho thuê đất; đồng thời để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, căn cứ quy định của Luật đất đai năm 2003, Luật đầu tư năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh trong khu vực sản xuất nông nghiệp cũng cần phải tiếp tục có chính sách ưu đãi miễn, giảm về thuế sử dụng đất nông nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cho giai đoạn 2011-2020. Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân cùng với chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hợp lý đối với doanh nghiệp sẽ tạo ra chính sách ưu đãi thống nhất, hợp lý để khuyến khích đầu tư của xã hội vào khu vực nông nghiệp.
d) Trong 10 năm tới đời sống người nông dân sẽ được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn so với mặt bằng chung của xã hội, việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các đối tượng sản xuất nông nghiệp là cần thiết và phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NGHỊ QUYẾT
1. Kết cấu của Nghị quyết:
Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội gồm 5 Điều, cụ thể:
Điều 1. Đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Điều 2. Đối tượng được giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp
Điều 3. Hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp
Điều 4. Thời hạn miễn thuế, giảm thuế
Điều 5. Điều khoản thi hành
2. Về các nội dung chủ yếu, nội dung mới của Nghị quyết
2.1. Đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (Điều 1 Nghị quyết)
- Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.
- Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo.
Chuẩn hộ nghèo trong phạm vi cả nước thực hiện theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các đối tượng sau đây:
+ Hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất;
+ Hộ gia đình, cá nhân là xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật;
+ Hộ gia đình, cá nhân là nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật;
+ Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp đất của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.
2.2. Đối tượng được giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (Điều 2 Nghị quyết)
- Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp nhưng không quá hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết này.
Đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.
- Đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác được quy định như sau:
+ Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp;
+ Đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai; trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.
- Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho đơn vị vũ trang nhân dân quản lý sử dụng.
2.3. Hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp
Hạn mức giao đất nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 70 của Luật đất đai năm 2003.
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 71 của Luật đất đai năm 2003.
2.4. Thời hạn miễn, giảm thuế
Thời hạn miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.
Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp không quy định tại Nghị quyết này thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Trường hợp người nộp thuế được hưởng cả miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết này và quy định của Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp thì được hưởng mức miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cao nhất.