08/05/2012 09:58        

Đề cương giới thiệu Luật Cơ yếu

 

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

BỘ QUỐC PHÒNG

BAN CƠ YẾU CHÍNH PHỦ

 

 

ĐỀ CƯƠNG

GIỚI THIỆU LUẬT CƠ YẾU

--------------------------

 

            Ngày 26 tháng 11 năm 2011, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Cơ yếu. Ngày 07 tháng 12 năm 2011 Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh số 14/2011/L-CTN công bố Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2012.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT CƠ YẾU

Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 12 tháng 9 năm 1945 tổ chức Mật mã đầu tiên được thành lập (sau này đổi tên là Cơ yếu), tiền thân của Ban Cơ yếu Chính phủ hiện nay. Với vị trí và tầm quan trọng của việc giữ gìn thông tin bí mật phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; chỉ huy của lực lượng vũ trang, với tính chất hoạt động đặc thù, gần 70 năm hình thành và phát triển Ngành Cơ yếu Việt Nam luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về mọi mặt của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết để quản lý, chỉ đạo đối với Ngành Cơ yếu Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam. Cơ yếu luôn luôn được Đảng và Nhà nước xác định là hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, có chế độ công tác nghiêm ngặt, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

Thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động cơ yếu, ngày 04 tháng 4 năm 2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh cơ yếu. Qua triển khai thực hiện, Pháp lệnh cơ yếu đã từng bước đi vào cuộc sống. Các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương , các tổ chức, cơ quan sử dụng cơ yếu về cơ bản đã nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng, cơ mật và sự cần thiết của công tác cơ yếu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy chế, quy định, chế độ công tác về cơ yếu đã được ban hành. Tuy nhiên, trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin, truyền thông thì yêu cầu bảo mật an toàn thông tin ngày càng cao. Trong khi đó, một số quan điểm, đường lối, chính sách mới của Đảng về công tác cơ yếu vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; Pháp lệnh Cơ yếu và một số văn bản quy phạm pháp luật về cơ yếu còn bộc lộ một số bất cập. Một số văn bản luật như: Luật Công an, Luật An ninh Quốc gia, Pháp lệnh Tình báo, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin ... có một số quy định liên quan đến hoạt động mật mã nhưng chưa thực sự đầy đủ và cụ thể. Tình hình này đòi hỏi phải hoàn thiện khung pháp luật về cơ yếu, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, khắc phục những hạn chế của các văn bản pháp luật hiện hành, tạo điều kiện cho Ngành cơ yếu phát triển.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, nguy cơ mất an toàn và lộ lọt thông tin bí mật quốc gia tăng cao, các thế lực thù địch tìm mọi cách tiến hành các hoạt động gián điệp, thực hiện âm mưu thu tin, mã thám, mua chuộc, cài cắm, móc nối để lấy cắp bí mật quốc gia của Việt Nam, phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, các hình thức, phương tiện lưu giữ, truyền tải thông tin và nhu cầu sử dụng thông tin ở các cơ quan Đảng và Nhà nước ngày càng tăng, do đó hoạt động cơ yếu và yêu cầu phát triển công tác cơ yếu đòi hỏi cần phải được củng cố và kiện toàn một cách sâu rộng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác cơ yếu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ cấp thiết của cả hệ thống chính trị.

Từ thực tế đó đòi hỏi phải xây dựng và ban hành Luật Cơ yếu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức, triển khai, sử dụng cơ yếu, quản lý hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin; bảo đảm quốc phòng và an ninh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ CÁC YẾU CẦU CỦA VIỆC SOẠN THẢO DỰ ÁN LUẬT CƠ YẾU

Việc soạn thảo Dự án Luật Cơ yếu đã quán triệt những quan điểm chỉ đạo và yêu cầu sau đây:

1. Thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động cơ yếu để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.

 2. Khẳng định hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; Cơ yếu Việt Nam được tổ chức thống nhất, chặt chẽ về mọi mặt, có chế độ công tác nghiêm ngặt.

3. Tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và phát triển ngành Cơ yếu chính quy, hiện đại, vững mạnh về mọi mặt, đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ mới do Đảng và Nhà nước giao.

4. Các quy định trong Luật Cơ yếu phải bảo đảm tính kế thừa và phát huy thành tựu gần 70 năm xây dựng và phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam. Các nội dung của Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước đã ban hành, tổng kết thực tiễn hoạt động, xây dựng tổ chức cơ yếu trong thời gian qua.

5. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời thể hiện rõ tính đặc thù về tổ chức và hoạt động của cơ yếu; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trong khu vực và trên thế giới; đáp ứng yêu cầu mở cửa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin.

III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT CƠ YẾU

Luật cơ yếu gồm 5 chương với 38 điều

Chương I: Những quy định chung

Chương này gồm 11 điều (từ Điều 1 đến Điều 11), quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ và một số vấn đề có tính nguyên tắc chung như: chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển lực lượng cơ yếu; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của lực lượng cơ yếu; trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ yếu; trách nhiệm giúp đỡ lực lượng cơ yếu; bảo vệ bí mật sản phẩm mật mã, thông tin trong hoạt động cơ yếu; mã hoá thông tin bí mật nhà nước; kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động cơ yếu và các hành vi bị nghiêm cấm.

Chương II: Hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước     

Chương này gồm 8 điều (từ Điều 12 đến Điều 19), quy định về hoạt động khoa học và công nghệ mật mã, chuyển giao công nghệ mật mã; sản xuất và cung cấp sản phẩm mật mã; nhập khẩu trang thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mật mã; quy chuẩn kỹ thuật, kiểm định, đánh giá sản phẩm mật mã; quản lý, sử dụng sản phẩm mật mã; triển khai, giải thể mạng liên lạc cơ yếu; triển khai sản phẩm mật mã bảo vệ thông tin bí mật nhà nước lưu giữ trong các thiết bị điện tử, tin học và trên mạng viễn thông; bảo đảm an toàn mật mã trong trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm.

Chương III: Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của lực lượng cơ yếu

Chương này gồm 3 điều (từ Điều 20 đến Điều 22), quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu; nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Cơ yếu Chính phủ; tổ chức lực lượng cơ yếu.

Chương IV: Người làm việc trong tổ chức cơ yếu và chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu

Chương này gồm 14 điều (từ Điều 23 đến Điều 36), quy định về người làm việc trong tổ chức cơ yếu; nghĩa vụ, trách nhiệm, tuyển chọn, tiêu chuẩn, hạn tuổi phục vụ, biệt phái người làm công tác cơ yếu; thời hạn không được tham gia hoạt động mật mã; đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu cơ yếu và chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi việc; bảo đảm điều kiện hoạt động cho người làm công tác cơ yếu.

Chương V: Điều khoản thi hành

Chương này gồm 2 điều  (từ Điều 37 và Điều 38), quy định hiệu lực thi hành của Luật (Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2012) và giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật này.

IV. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT CƠ YẾU

1.      Mở rộng khái niệm một số từ ngữ

Do đặc điểm phát triển của công nghệ thông tin, phạm vi bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin của cơ yếu ngày càng đa dạng, trong Luật cơ yếu, một số từ ngữ đã được hiểu theo nghĩa rộng hơn cho phù hợp với bản chất kỹ thuật và thực tiễn hoạt động của  lực lượng cơ yếu:

Trong Pháp lệnh cơ yếu Mạng liên lạc cơ yếu được hiểu là mạng liên lạc mật mã có người làm công tác cơ yếu sử dụng, nhưng ngày nay do khoa học công nghệ phát triển, nhất là công nghệ thông tin, viễn thông phát triển mạnh, yêu cầu bảo đảm an toàn, bảo mật và bảo đảm tính xác thực của thông tin trên các hệ thống  công nghệ thông tin, viễn thông là rất quan trọng. Thực tế đó đòi hỏi Ngành cơ yếu phải trang bị các sản phẩm mật mã để bảo đảm bảo mật, tính xác thực, tính toàn vẹn nội dung  thông tin cho các hệ thống công nghệ thông tin, viễn thông, do đó cụm từ  “mạng liên lạc cơ yếu” và “mật mã”  trong Luật Cơ yếu hiểu theo nghĩa rộng hơn:

Mạng liên lạc cơ yếu là mạng liên lạc có sử dụng sản phẩm mật mã do tổ chức cơ yếu cung cấp và trực tiếp quản lý để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.

 Mật mã là những quy tắc, quy ước riêng dùng để thay đổi hình thức biểu hiện thông tin nhằm bảo đảm bí mật, xác thực, toàn vẹn của nội dung thông tin.

2. Xác định vị trí, tính chất và nguyên tắc tổ chức hoạt động của cơ yếu

Thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động cơ yếu, bảo đảm tính kế thừa và phát huy thành tựu gần 70 năm xây dựng và phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam. Luật Cơ yếu xác định:  “hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, sử dụng nghiệp vụ mật mã, kỹ thuật mật mã và các giải pháp có liên quan để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước”, “đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.”

Đây là quan điểm vô cùng quan trọng và nền tảng chi phối toàn bộ nội dung của Luật Cơ yếu, khẳng định được tính chất hoạt động của Ngành cơ yếu – một công cụ quan trọng góp phần  bảo vệ lợi ích của Đảng, Nhà nước, sự sống còn của chế độ.

Chương I của Luật Cơ yếu, xuất phát từ tính chất nêu trên của họat động Cơ yếu, xác định Chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển lực lượng cơ yếu (Điều 4); Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của lực lượng cơ yếu (Điều 5),  quản lý nhà nước về cơ yếu (Điều 6). Tư tưởng xuyên suốt là xây dựng lực lượng cơ yếu chính quy, hiện đại dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và mở rộng quan hệ hợp tác trên nguyên tắc bảo đảm tính độc lập, tự chủ và chủ quyền lợi ích của quốc gia. Nguyên tắc bất di bất dịch của tổ chức và hoạt động cơ yếu là đặt dưới sự lãnh  đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu. Đồng thời Luật quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu và trực tiếp chỉ đạo họat động của Ban Cơ yếu Chính phủ - cơ quan mật mã quốc gia.

Mặc dù là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định hành chính, nhưng do tính chất đặc thù của công tác cơ yếu, Luật chỉ rõ Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã Quốc gia, quản lý chuyên ngành về cơ yếu. Điều đó cho thấy yêu cầu của việc thống nhất quản lý mật mã trên mọi phương diện (nghiên cứu, sản xuất, triển khai và sử dụng) để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước của quốc gia, không chỉ trong lĩnh vực  quốc phòng, an ninh. Tên gọi Ban Cơ yếu Chính phủ - một tổ chức trực thuộc Bộ quốc phòng, đã cho thấy tính chất đặc thù này của một tổ chức mà trước đây trực thuộc Chính phủ, nay do yêu cầu của cải cách hành chính về tổ chức Bộ đa ngành, nên cần phải có một cơ chế riêng để không làm ảnh hưởng hoạt động quản lý ngành trên phạm vi rộng của một cơ quan trực thuộc Bộ. Điều 6 của Luật Cơ yếu được các cơ quan chức năng của Quốc hội và Quốc hội thảo luận rất kỹ để bảo đảm tính chất độc lập tương đối của Ban Cơ yếu Chính phủ trong bộ máy hành chính của Bộ quốc phòng. Điều 6, Trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ yếu, đã xác định 6 nội dung rất cơ bản:

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban Cơ yếu Chính phủ.

3. Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, quản lý chuyên ngành về cơ yếu, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ yếu.

4. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện quản lý  về cơ yếu thuộc phạm vi mình phụ trách.

5. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của minh phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu.

6. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu theo sự phân cấp của Chính phủ.

Vì vậy, bên cạnh những điều luật quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước, nhiều điều luật cũng quy định nhiệm vụ cụ thể của Ban Cơ yếu Chính phủ trong quản lý chuyên ngành về cơ yếu như : thống nhất quản lý họat động nghiên cứu khoa học công nghệ mật mã, việc sản xuất, cung cấp và quản lý các sản phẩm mật mã (Điều 13), triển khai, giải thể mạng liên lạc cơ yếu (Điều 17) v.v...

3. Các hoạt động đặc thù của cơ yếu để bảo vệ thông tin bộ máy nhà nước:

Chương II của Luật Cơ yếu quy định các họat động đặc thù của Cơ yếu trên các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, triển khai, quản lý chỉ đạo sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước. Đây là những điều luật khung để Chính phủ quy định cụ thể các quy trình nghiệp vụ phải tuân thủ để bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt mọi hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bộ máy. Nguyên tắc cơ bản của các điều luật thể hiện trong chương này là : 

- Nhà nước thống nhất quản lý và tổ chức họat động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mật mã để bảo vệ thông tin bộ máy nhà nước theo quy định của pháp luật bảo vệ bộ máy nhà nước (Điều 12);

- Nhà nước độc quyền sản xuất và cung cấp sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bộ máy nhà nước, mà Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan được giao quyền thống nhất quản lý hoạt động này (Điều 13);

- Triển khai sản phẩm mật mã, xây dựng mạng liên lạc cơ yếu, quản lý sử dụng sản phẩm mật mã phải bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ, nghiêm ngặt trên cơ sở xác định nhiệm vụ của hai chủ thể tham gia là cơ quan và người làm cơ yếu với cơ quan và người sử dụng cơ yếu (Điều 16, Điều 17, Điều 18 và Điều 19);

Tất cả nội dung quan trọng này phải được Chính phủ quy định ở một hoặc một số Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cơ yếu.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của lực lượng Cơ yếu

Thông thường các luật chuyên ngành không quy định cụ thể những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan, nhưng do tính chất đặc thù của Luật Cơ yếu, Quốc hội đã cho phép xác định ngay trong Luật những vấn đề rất cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của lực lượng cơ yếu nói chung và Ban Cơ yếu Chính phủ nói riêng.

Điều 20 của Luật xác định “lực lượng cơ yếu một trong những lực lượng chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước, có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu, thực hiện hoạt động cơ yếu; góp phần bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống; chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh với các hoạt động thám mã gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”

Đây là điều luật hết sức quan trọng xác định rõ vị trí, chức năng nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu thể hiện sự độc lập tương đối của công tác cơ yếu trong cơ chế tổ chức Bộ Quốc phòng. Mặc dù Ban Cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Quốc phòng, nhưng lực lượng cơ yếu bao gồm ở các Bộ, ngành, địa phương. Do đó nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Cơ yếu Chính phủ được xác định tại Điều 21 thể hiện tính chất đặc thù riêng, trong đó quy định : Tham mưu đề xuất và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, triển khai, kiểm tra, thanh tra các họat động cơ yếu trong phạm vi cả nước; tổ chức nghiên cứu và thống nhất quản lý nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mật mã để bảo vệ thông tin bộ máy nhà nước, là đơn vị đầu mối kế hoạch đầu tư và ngân sách trực thuộc trung ương, thống nhất quản lý và bảo đảm chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật mật mã cho họat động cơ yếu trong phạm vi cả nước, hợp tác quốc tế về cơ yếu v.v...

Về tổ chức của lực lượng cơ yếu, Luật quy định cơ quan cơ yếu ở Trung ương là Ban Cơ yếu Chính phủ; cơ yếu các Bộ, ngành gồm: Hệ thống tổ chức cơ yếu Quân đội nhân dân, Hệ thống tổ chức cơ yếu Công an nhân dân, Hệ thống tổ chức cơ yếu Ngoại giao, Hệ thống tổ chức cơ yếu trong cơ quan của Đảng, cơ quan khác của Nhà nước ở trung ương và địa phương. Tổ chức cơ yếu thuộc cơ yếu các bộ, ngành là đầu mối độc lập đặt dưới sự lãnh đạo của cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng cơ yếu và sự quản lý về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức cơ yếu cấp trên; việc thành lập, giải thể các tổ chức cơ yếu và cơ cấu tổ chức của Ban Cơ yếu Chính phủ do Chính phủ quy định. (Điều 22)

5. Về nguời làm việc trong tổ chức cơ yếu và chế độ, chính sách đối với lực lượng cơ yếu

Để phù hợp với tính chất đặc thù về tổ chức và tính chất công việc, đảm bảo thực hiện chế độ công tác nghiêm ngặt, thống nhất, chặt chẽ và các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với từng đối tượng trong tổ chức cơ yếu; theo đó, người làm việc trong tổ chức bao gồm 03 đối tượng (Điều 23):

- Người làm công tác cơ yếu là những người được điều động, biệt phái, bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu;

- Người được tuyển chọn để đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cơ yếu;

- Người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.

Từ Điều 24 đến Điều 30 xác định nghĩa vụ, trách nhiệm, điều kiện, tiêu chuẩn và những tính chất ràng buộc mà người làm việc trong tổ chức cơ yếu phải có nghĩa vụ, trách nhiệm tuân thủ, thực hiện. Đó là các vấn đề về lai lịch chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, hạn tuổi phục vụ, cũng như việc bảo đảm không hoạt động cơ yếu sau khi nghỉ hưu, chuyển ngành, chuyển công tác khác hay thôi việc vì bất ký lý do gì. Điều quan trọng bắt buộc là người làm công tác trong tổ chức cơ yếu phải được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cơ yếu theo từng mức độ khác nhau tùy theo yêu cầu nhiệm vụ.

Chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu được quy định từ Điều 31 đến Điều 36 và được phân thành các nhóm – người làm công tác cơ yếu, người làm các công việc khác trong tổ chức cơ yếu và học viên cơ yếu. Đặc biệt, Luật cũng chỉ rõ từng loại đối tượng hoạt động ở các phạm vi khác nhau: trong quân đội, công an, hay trong các cơ quan Đảng và Nhà nước. Mỗi nhóm có những chính sách đặc thù riêng nhằm tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên cơ yếu yên tâm, ổn định với công việc và đồng thời  thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng vào làm việc trong tổ chức cơ yếu. Chế độ chính sách được Luật xác định thống nhất chung như chế độ chính sách đối với quân nhân, đồng thời cán bộ, nhân viên cơ yếu được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ cơ mật mật mã.

Theo đó, Luật Cơ yếu đã quy định:

+ Người làm việc trong tổ chức cơ yếu là quân nhân, Công an nhân dân  được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp, các chế độ, chính sách khác theo quy định đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân (khoản 1, Điều 31 và khoản 1 Điều 33).

+ Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp, các chế độ, chính sách khác như đối với quân nhân và được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ (khoản 2, Điều 31).

+ Người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp, các chế độ, chính sách như đối với công nhân, viên chức quốc phòng trong Quân đội nhân dân và được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ (khoản 2, Điều 33)

+ Người được tuyển chọn để đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cơ yếu được hưởng các chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường Quân đội, Công an (Điều 32).

          Ngoài ra, Luật Cơ yếu quy định người làm việc trong tổ chức cơ yếu được hưởng các chế độ, chính sách đặc thù của ngành cơ yếu và chế độ phụ cấp trách nhiệm bảo vệ cơ mật mật mã (khoản 3, Điều 31, Điều 34);chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi việc  (Điều 35)

  Khung chính sách được Luật quy định, nhưng nội dung cụ thể cho từng đối tượng thì Chính phủ sẽ quy định bằng các Nghị định về chế độ chính sách phù hợp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN LUẬT CƠ YẾU

Để Luật Cơ yếu đi vào cuộc sống, trong thời gian tới phải tiến hành tổ chức phổ biến, quán triệt và ban hành các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật, cùng với việc tổ chức rà soát, hệ thống hóa pháp luật lĩnh vực Cơ yếu và các lĩnh vực có liên quan; sửa đổi bổ sung các văn bản qui phạm pháp luật đã ban hành cho phù hợp với các qui định của Luật Cơ yếu. Đây là công việc đòi hỏi phải có sự nhận thức, hành động thống nhất của các ngành, các cấp, các địa phương và lực lượng vũ trang. Để thực hiện có hiệu quả Luật cơ yếu, các hoạt động sau đây sẽ được triển khai:

1. Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Luật Cơ yếu trong phạm vi cả nước;

2. Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng 05 Nghị định và 01 Quyết định của Thủ tướng để cụ thể hóa Luật cơ yếu gồm các văn bản sau:

- Nghị định của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Cơ yếu Chính phủ.

- Nghị định của Chính phủ qui định về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu.

- Nghị định của Chính phủ qui định về hoạt động nghiên cứu, sản xuất và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước.

- Nghị định của Chính phủ qui định về ngạch, chức danh người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ qui định cơ chế nhập khẩu trang thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mật mã.

3. Triển khai kế hoạch phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Luật Cơ yếu để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và các tổ chức cơ yếu.

 

 

  • Tiếc
    16/04/2024
    Một ông nổi tiếng keo kiệt phải cấp cứu vì ăn nhầm nấm độc. Sau khi được bác sỹ rửa ruột, tiêm thuốc, ông ta hồi tỉnh lại. Trước khi cho xuất viện, báo sỹ hỏi:
  • Giải đáp
    16/04/2024
    Bà vợ hỏi ông chồng: - Tại sao người ta chọn Giờ Trái đất vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm ông nhỉ?
  • Món ngon
    16/04/2024
    Hai bợp nhậu ngồi tám chuyện: - Đố ông, trong các món mồi nhậu, con gì ngon nhất?
Số lượt truy cập: 513205