26/06/2012 16:09        

Đề cương giới thiệu Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN,

GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
-------------------

VỤ PHÁP LUẬT

HÌNH SỰ, HÀNH CHÍNH
------------------------

 

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU PHÁP LỆNH HỢP NHẤT VĂN BẢN

QUY PHẠM PHÁP LUẬT

 

Phiên họp ngày 22 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2012.

 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH PHÁP LỆNH

Trong những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực theo hướng ngày càng thống nhất, minh bạch hơn. Những thành tựu trong công tác lập pháp, lập quy đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh và tăng cường hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, hệ thống pháp luật nước ta vẫn còn rất phức tạp, khó tiếp cận một cách đầy đủ do các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, cá biệt, có văn bản trong một thời gian ngắn được sửa đổi, bổ sung tới 2- 3 lần[1]. Điều này dẫn tới thực trạng là việc tra cứu văn bản quy phạm pháp luật mất rất nhiều thời gian để xác định văn bản nào đã được sửa đổi, bổ sung, các lần sửa đổi, bổ sung; quy định nào còn hiệu lực, quy định nào hết hiệu lực, quy định nào đã được sửa đổi[2]… Tương tự, việc trích dẫn quy định đã được sửa đổi, bổ sung[3] hay đặt tên văn bản cũng gặp nhiều khó khăn, lúng túng do không chắc chắn cần trích dẫn văn bản sửa đổi, bổ sung hay văn bản được sửa đổi, bổ sung[4].

Mặc dù trong thời gian qua, việc hợp nhất văn bản cũng đã được quan tâm, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết[5] ban hành Quy chế kỹ thuật trình bày dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, trong đó có quy định về hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Quy chế này mới chỉ dừng lại ở việc giao Văn phòng Quốc hội trách nhiệm hợp nhất luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và cho đến nay, Văn phòng Quốc hội chủ yếu chỉ hợp nhất một số văn bản về tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Trong khi đó, đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống pháp luật cả về số lượng và tần suất sửa đổi, bổ sung như nghị định, quyết định, nghị quyết liên tịch, thông tư liên tịch, thông tư thì chưa có văn bản nào quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm hợp nhất văn bản. Trên thực tế, cũng có một số nhà xuất bản thực hiện việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, nhưng hợp nhất văn bản nào, hợp nhất như thế nào là do nhà xuất bản quyết định phù hợp với mục đích kinh doanh của họ, mà không theo một quy trình, kỹ thuật thống nhất.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Điều 92 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản quy phạm pháp luật phải được hợp nhất về mặt kỹ thuật với văn bản được sửa đổi, bổ sung và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định những vấn đề cụ thể của việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.

Nhằm cụ thể hoá quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, góp phần đơn giản hóa hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận, tra cứu, áp dụng, thi hành văn bản, ngày 22/3/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Việc ban hành Pháp lệnh này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo đảm tính “minh bạch của hệ thống pháp luật”, “nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật” theo tinh thần Nghị quyết số 48/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đồng thời, bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp, các luật có liên quan, đặc biệt là các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm cải cách hành chính trong quá trình hợp nhất theo hướng đơn giản, thuận tiện và hiệu quả. Đồng thời việc ban hành Pháp lệnh cũng là bảo đảm thực hiện cam kết quốc tế về xây dựng hệ thống pháp luật đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận[6].

 

II. NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG PHÁP LỆNH

Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau đây:

1. Thể chế hoá chủ trương của Đảng về bảo đảm tính “minh bạch của hệ thống pháp luật”, “nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật” theo tinh thần Nghị quyết số 48/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;

2. Bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp, các luật có liên quan, đặc biệt là các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm cải cách hành chính trong quá trình hợp nhất theo hướng đơn giản, thuận tiện và hiệu quả;

3. Góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, minh bạch và dễ tiếp cận.

 

III. BỐ CỤC CỦA PHÁP LỆNH

Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật gồm 4 chương và 20 điều, có Phụ lục kèm theo.

- Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 4) quy định về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), giải thích từ ngữ (Điều 2), nguyên tắc hợp nhất văn bản (Điều 3), sử dụng văn bản hợp nhất (Điều 4).

- Chương II. Thẩm quyền và việc tổ chức hợp nhất (từ Điều 5 đến Điều 10) quy định về thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội (Điều 5), thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội (Điều 6), thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 7), đăng văn bản hợp nhất trên Công báo và trang thông tin điện tử (Điều 8), xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất (Điều 9) và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc hợp nhất văn bản (Điều 10).

- Chương III. Kỹ thuật hợp nhất văn bản (từ Điều 11 đến Điều 18) quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hợp nhất (Điều 11), tên văn bản hợp nhất (Điều 12), hợp nhất lời nói đầu, căn cứ ban hành (Điều 13), hợp nhất nội dung được sửa đổi (Điều 14), hợp nhất nội dung được bổ sung (Điều 15), hợp nhất nội dung được bãi bỏ (Điều 16), thể hiện quy định về việc thi hành trong văn bản hợp nhất (Điều 17) và mẫu trình bày văn bản hợp nhất (Điều 18).

- Chương IV. Điều khoản thi hành quy định về hợp nhất văn bản được ban hành trước ngày Pháp lệnh có hiệu lực (Điều 19) và hiệu lực thi hành (Điều 20).

 

IV. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LỆNH

Nội dung cơ bản Pháp lệnh gồm:

1. Phạm vi điều chỉnh và mục đích của việc hợp nhất

Pháp lệnh này quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến việc hợp nhất văn bản, bao gồm thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong việc hợp nhất văn bản, trình tự, kỹ thuật hợp nhất văn bản.

Các văn bản hợp nhất theo quy định của Pháp lệnh giới hạn trong các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, bao gồm: văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Việc hợp nhất văn bản hướng đến mục đích nhằm góp phần bảo đảm cho hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

2. Nguyên tắc hợp nhất văn bản

Pháp lệnh quy định văn bản hợp nhất được sử dụng chính thức trong việc áp dụng và thi hành pháp luật. Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thực hiện việc hợp nhất trong việc bảo đảm tính chính xác của nội dung văn bản hợp nhất, Pháp lệnh quy định các nguyên tắc hợp nhất văn bản như sau:

- Chỉ hợp nhất văn bản do cùng một cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật là việc đưa nội dung của văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung vào văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, nên nguyên tắc cần phải bảo đảm khi thực hiện việc hợp nhất văn bản là chỉ hợp nhất văn bản sửa đổi, bổ sung với văn bản được sửa đổi, bổ sung do cùng cơ quan có thẩm quyền ban hành. Ví dụ: chỉ hợp nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu năm 2009 với Luật đấu thầu năm 2005.

- Việc hợp nhất văn bản không được làm thay đổi nội dung và hiệu lực của các văn bản được hợp nhất. Vì hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật chỉ là thực hiện các kỹ thuật nhằm thể hiện nội dung của văn bản sửa đổi, bổ sung và văn bản được sửa đổi, bổ sung trong một văn bản chung mà không tạo ra một văn bản quy phạm pháp luật mới, nên hợp nhất văn bản không được làm thay đổi nội dung, hiệu lực của các văn bản được hợp nhất.

- Việc hợp nhất văn bản phải tuân thủ trình tự, kỹ thuật hợp nhất văn bản theo quy định của Pháp lệnh này. Việc hợp nhất văn bản cần phải bảo đảm kịp thời, chính xác, có độ tin cậy để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tra cứu, sử dụng chính thức trong áp dụng và thi hành pháp luật. Vì vậy, Pháp lệnh quy định việc hợp nhất phải bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục, kỹ thuật và thời hạn chặt chẽ để kiểm soát được tính chính xác cao nhất của văn bản hợp nhất. Bên cạnh đó, có nhiều loại văn bản phải được hợp nhất và việc việc hợp nhất do nhiều cơ quan nhà nước thực hiện nên rất cần phải nhất quán về kỹ thuật hợp nhất văn bản để thuận lợi cho việc theo dõi và sử dụng văn bản hợp nhất. Do vậy, khi thực hiện việc hợp nhất văn bản, các cơ quan cũng phải bảo đảm tuân thủ đúng trình tự và kỹ thuật hợp nhất.

3. Về sử dụng văn bản hợp nhất

Xuất phát từ mục đích của việc hợp nhất văn bản là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tra cứu và thực thi văn bản, bảo đảm tính minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Pháp lệnh quy định văn bản hợp nhất được sử dụng chính thức trong áp dụng và thi hành pháp luật” (Điều 4). Điều này đồng nghĩa với việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể trích dẫn, viện dẫn, sử dụng các điều, khoản của văn bản hợp nhất để thực hiện các quyền, nghĩa vụ hoặc bảo vệ quyền lợi của mình. Quy định này cũng nhằm khẳng định việc bảo đảm độ tin cậy, giá trị sử dụng của văn bản hợp nhất, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng và thực hiện thống nhất pháp luật.

4. Thẩm quyền và việc tổ chức hợp nhất

a) Về thẩm quyền hợp nhất văn bản

Để bảo đảm việc hợp nhất văn bản được nhanh chóng, kịp thời, chính xác và có sự tiếp nối liên tục từ quá trình soạn thảo, ban hành đến hợp nhất văn bản, không làm phát sinh thêm biên chế, tổ chức mới và căn cứ vào khả năng thực tế của các cơ quan liên quan, Pháp lệnh quy định thẩm quyền hợp nhất văn bản của từng chủ thể tương ứng với hình thức văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể như sau:

- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tổ chức thực hiện việc hợp nhất đối với văn bản của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, văn bản liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

- Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được sửa đổi, bổ sung của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện việc hợp nhất đối với văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

- Chánh án Toà án nhân dân tối cao tổ chức thực hiện việc hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành, văn bản của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, văn bản liên tịch do cơ quan mình chủ trì soạn thảo.

- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức thực hiện việc hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành, văn bản liên tịch do cơ quan mình chủ trì soạn thảo.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức thực hiện việc hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành, văn bản liên tịch do cơ quan mình chủ trì soạn thảo.

- Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện việc hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành.

b) Về việc tổ chức thực hiện hợp nhất văn bản

Xuất phát từ sự khác nhau về trình tự, thủ tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của các chủ thể, thời điểm công bố, ban hành và có hiệu lực của các văn bản, nên Pháp lệnh không quy định một trình tự, thủ tục hợp nhất chung cho tất cả các loại văn bản, mà quy định theo hướng giao trách nhiệm cho từng chủ thể có thẩm quyền tổ chức thực hiện việc hợp nhất. Các quy định về tổ chức thực hiện cũng đồng thời thể hiện quy trình hợp nhất để sao cho quy trình hợp nhất văn bản đơn giản và linh hoạt nhất.

Đồng thời, Pháp lệnh quy định việc hợp nhất văn bản và ký xác thực văn bản hợp nhất được tiến hành sau khi văn bản sửa đổi, bổ sung được công bố hoặc ký ban hành với các mốc thời hạn cụ thể  (Điều 5, 6 và 7) để bảo đảm văn bản hợp nhất được đăng Công báo cùng lúc với văn bản sửa đổi, bổ sung và được đăng đồng thời trên Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản được hợp nhất (Điều 8).

Theo đó, việc tổ chức thực hiện hợp nhất văn bản của các chủ thể có trách nhiệm thực hiện việc hợp nhất văn bản được quy định cụ thể như sau:

- Hợp nhất văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội: Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tổ chức thực hiện việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, văn bản liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản sửa đổi, bổ sung được công bố, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hoàn thành việc hợp nhất văn bản và ký xác thực văn bản hợp nhất.

- Hợp nhất văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được sửa đổi, bổ sung của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ký ban hành, văn bản sửa đổi, bổ sung của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được sửa đổi, bổ sung để thực hiện việc hợp nhất văn bản.

Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều này, người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoàn thành việc hợp nhất văn bản và ký xác thực văn bản hợp nhất.

- Hợp nhất văn bản của Toà án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng Kiểm toán nhà nước được thực hiện như sau:

+ Chánh án Toà án nhân dân tối cao tổ chức thực hiện việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành, văn bản của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, văn bản liên tịch do cơ quan mình chủ trì soạn thảo.

+ Hợp nhất văn bản của Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức thực hiện việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành, văn bản liên tịch do cơ quan mình chủ trì soạn thảo.

+ Hợp nhất văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức thực hiện việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành, văn bản liên tịch do cơ quan mình chủ trì soạn thảo.

+ Hợp nhất văn bản của Tổng Kiểm toán Nhà nước: Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành.

+ Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký ban hành văn bản, người có thẩm quyền thực hiện việc hợp nhất văn bản phải hoàn thành việc hợp nhất văn bản và ký xác thực văn bản hợp nhất. 

5. Đăng văn bản hợp nhất trên Công báo và trang thông tin điện tử (Điều 8)

Nhằm phổ biến văn bản trên diện rộng, nhanh chóng, bảo đảm đơn giản, thuận tiện, hiệu quả khi sử dụng, giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận, tra cứu và tìm hiểu văn bản, góp phần tạo thuận lợi cho công tác thi hành pháp luật, Pháp lệnh quy định văn bản hợp nhất phải được đăng đồng thời với văn bản sửa đổi, bổ sung trên cùng một số Công báo (Công báo in và Công báo điện tử). Việc quy định đăng văn bản hợp nhất trên Công báo xuất phát từ giá trị áp dụng của văn bản hợp nhất được xác định tại Điều 4, là văn bản được sử dụng trong việc áp dụng và thi hành pháp luật, nên đòi hỏi phải có độ tin cậy cao về tính chính xác và phải được công bố, công khai mang tính chính thức từ phía cơ quan nhà nước nên cần được đăng trên Công báo. Như vậy, cơ quan, tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể tin tưởng, an tâm khi trích dẫn, sử dụng các quy định của văn bản hợp nhất có được từ nguồn Công báo.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh còn quy định đăng văn bản hợp nhất trên Trang thông tin điện tử chính thức của các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 8. Việc đăng văn bản hợp nhất trên Trang thông tin điện tử đã khẳng định sự đảm bảo của Nhà nước về độ chính xác, độ tin cậy và tính chính thức của văn bản hợp nhất.

Văn bản hợp nhất đăng trên Công báo điện tử, Trang thông tin điện tử được khai thác miễn phí.

6. Xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất (Điều 9)

Mặc dù việc hợp nhất văn bản chỉ thuần túy là việc đưa các nội dung sửa đổi, bổ sung vào văn bản được sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình hợp nhất cũng có thể xảy ra sai sót về kỹ thuật dẫn đến nội dung của văn bản hợp nhất khác với nội dung của văn bản được hợp nhất. Trong trường hợp này, Pháp lệnh quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng các quy định của văn bản được hợp nhất. Đồng thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có sai sót trong văn bản hợp nhất gửi kiến nghị đến cơ quan thực hiện việc hợp nhất để kịp thời xử lý; trường hợp không xác định được cơ quan thực hiện việc hợp nhất thì gửi kiến nghị đến Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp thông báo ngay đến cơ quan có trách nhiệm xử lý sai sót.

Pháp lệnh đặt ra trách nhiệm của cơ quan thực hiện hợp nhất văn bản phải kịp thời xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất. Theo đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan thực hiện việc hợp nhất phối hợp với cơ quan Công báo xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất và thực hiện việc đính chính trên Công báo theo quy định của pháp luật về Công báo.

Văn bản hợp nhất đã được xử lý sai sót phải được đăng trên Công báo điện tử, trang thông tin điện tử theo quy định của Pháp lệnh.

7. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc hợp nhất văn bản (Điều 10)

Để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong việc hợp nhất văn bản, qua đó, nâng cao hiệu quả việc hợp nhất văn bản, Pháp lệnh quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan thực hiện việc hợp nhất văn bản, gồm: chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan trong việc hợp nhất văn bản; bảo đảm điều kiện cần thiết để thực hiện việc hợp nhất văn bản; bảo đảm tính chính xác về nội dung, kỹ thuật hợp nhất của văn bản hợp nhất và quy định trách nhiệm xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh cũng quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc hướng dẫn kỹ thuật hợp nhất văn bản; bồi dưỡng kỹ năng hợp nhất văn bản; theo dõi, đôn đốc việc hợp nhất văn bản và kiến nghị cơ quan thực hiện hợp nhất văn bản xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất.

8. Kỹ thuật hợp nhất văn bản

Để bảo đảm thống nhất kỹ thuật hợp nhất văn bản và thống nhất trong thể hiện các nội dung được hợp nhất trong tất cả các văn bản hợp nhất, Pháp lệnh đã dành riêng một chương (Chương III) để quy định về kỹ thuật hợp nhất. Chương này quy định cụ thể về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hợp nhất; từng nội dung được hợp nhất như: tên văn bản hợp nhất, hợp nhất lời nói đầu, căn cứ ban hành, hợp nhất nội dung được sửa đổi, nội dung được bổ sung, nội dung được bãi bỏ, thể hiện quy định về việc thi hành trong văn bản hợp nhất.

Trong quá trình hợp nhất văn bản cần lưu ý các vấn đề chung về kỹ thuật hợp nhất sau đây:

- Do hợp nhất văn bản là việc đưa các nội dung sửa đổi, bổ sung từ văn bản sửa đổi, bổ sung vào văn bản được sửa đổi, bổ sung (là văn bản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành lần đầu và có thể được sửa đổi, bổ sung nhiều lần) nên văn bản được sửa đổi, bổ sung là văn bản gốc, làm nền tảng cho việc hợp nhất.

- Việc hợp nhất các nội dung sửa đổi, bổ sung vào văn bản được sửa đổi, bổ sung không làm thay đổi bố cục của văn bản, theo đó số thứ tự phần, chương, mục, điều, khoản, điểm của văn bản hợp nhất được giữ nguyên như văn bản được sửa đổi, bổ sung.

- Việc lựa chọn ký hiệu để chú thích các nội dung được hợp nhất phải được thống nhất trong cả văn bản hợp nhất, sao cho đó là ký hiệu dễ thể hiện nhất, tránh nhầm lẫn giữa các chú thích trong văn bản hợp nhất (ví dụ khi lựa chọn ký hiệu để chú thích các nội dung hợp nhất nên chọn ký hiệu số và được đánh số từ 1 đến hết).

- Do tại tên của văn bản hợp nhất đã thể hiện rõ tên, số ký hiệu, ngày tháng năm công bố/ký ban hành văn bản và ngày có hiệu lực của văn bản được sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung nên tại phần chú thích nội dung hợp nhất nên thống nhất cách thể hiện tên của văn bản sửa đổi, bổ sung một cách ngắn gọn, đầy đủ và dễ hiểu.

- Phần chú thích về hiệu lực của từng nội dung được hợp nhất phải rất thận trọng để bảo đảm xác định chính xác hiệu lực của quy định, vì trên thực tế có nhiều trường hợp một số quy định của văn bản có hiệu lực không phụ thuộc vào hiệu lực của văn bản sửa đổi, bổ sung (ví dụ: hiệu lực của văn bản sửa đổi, bổ sung là từ ngày 01/7/2010, nhưng trong quy định về chế độ, chính sách của văn bản lại quy định được áp dụng từ ngày 01/1/2010...).

8.1. Về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản (Điều 11)

Văn bản hợp nhất chứa đựng toàn bộ quy phạm pháp luật của văn bản được hợp nhất và những nội dung thể hiện kỹ thuật hợp nhất văn bản, được hình thành theo một trình tự, thủ tục và kỹ thuật riêng, kết cấu theo một thể thức và kỹ thuật trình bày riêng, không hoàn toàn tuân theo thể thức của văn bản quy phạm pháp luật hay thể thức của văn bản hành chính. Vì vậy, để thống nhất cách thức trình bày văn bản hợp nhất, Pháp lệnh quy định cụ thể về thể thức văn bản hợp nhất. theo đó, thể thức của văn bản hợp nhất bao gồm phần quốc hiệu, tiêu ngữ, tên văn bản hợp nhất, lời nói đầu, căn cứ ban hành, phần, chương, mục, điều, khoản, điểm của văn bản được sửa đổi, bổ sung và các nội dung được hợp nhất, phần quy định về việc thi hành, phần ký xác thực.

Pháp lệnh quy định rất chi tiết, cụ thể về kỹ thuật hợp nhất từng nội dung của văn bản được hợp nhất, kèm theo đó là các phụ lục hướng dẫn cụ thể và có các ví dụ minh họa cho từng kỹ thuật hợp nhất để thuận tiện cho việc áp dụng.

8.2. Về tên văn bản hợp nhất (Điều 12)

Do trên thực tế một văn bản có thể được sửa đổi, bổ sung nhiều lần với nhiều tên gọi khác nhau và do chưa được hợp nhất các văn bản sửa đổi, bổ sung với văn bản được sửa đổi, bổ sung, nên đã gây ra những khó khăn, lúng túng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xác định tên của văn bản được áp dụng, là tên văn bản được sửa đổi, bổ sung hay tên văn bản sửa đổi, bổ sung. Do vậy, khi tiến hành hợp nhất các văn bản được hợp nhất, cần phải thống nhất tên gọi của văn bản hợp nhất theo hướng ngắn gọn, thuận lợi cho quá trình viện dẫn, trích dẫn.

Theo đó, Điều 12 Pháp lệnh quy định cụ thể về việc xác định tên văn bản hợp nhất là tên của văn bản được sửa đổi, bổ sung. Văn bản được sửa đổi, bổ sung có thể được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, nhưng tên của văn bản được ban hành lần đầu tiên chính là tên của văn bản hợp nhất.

Ví dụ: Luật Khiếu nại, tố cáo 09/1998/QH10 ngày 02 tháng 12 năm 1998 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 26/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật số 58/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005. Sau khi hợp nhất 2 Luật sửa đổi, bổ sung với Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, thì tên của luật hợp nhất các luật này sẽ là “Luật Khiếu nại, tố cáo”.

Đồng thời, Pháp lệnh quy định cụ thể cách trình bày tên văn bản hợp nhất. Tên văn bản hợp nhất là tên của văn bản được sửa đổi, bổ sung. Tên văn bản được sửa đổi, bổ sung và tên văn bản sửa đổi, bổ sung được liệt kê ngay sau tên văn bản hợp nhất. Kèm theo tên văn bản được sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung phải ghi rõ số, ký hiệu, ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành, tên cơ quan ban hành và ngày có hiệu lực của từng văn bản.

 8.3. Về kỹ thuật hợp nhất lời nói đầu, căn cứ ban hành (Điều 13)

Lời nói đầu và căn cứ ban hành trong các văn bản được hợp nhất cũng là một phần nội dung của các văn bản này, do đó, khi thực hiện hợp nhất văn bản, để bảo đảm tính toàn vẹn của các nội dung trong văn bản được hợp nhất thì các nội dung này cũng cần thể hiện trong văn bản hợp nhất và trong trường hợp chúng được sửa đổi, bổ sung thì phải được thực hiện việc hợp nhất. Trên thực tế, trong văn bản sửa đổi, bổ sung có thể sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ toàn bộ, một hay nhiều đoạn, cụm từ của lời nói đầu. Văn bản sửa đổi, bổ sung khi ban hành cũng có thể được căn cứ vào các văn bản mới so với văn bản được sửa đổi, bổ sung, và việc thể hiện chúng trong văn bản hợp nhất là rất quan trọng để người áp dụng có thể tìm hiểu, tra cứu ngược trở lại các quy định, văn bản là căn cứ để ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung.

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất về kỹ thuật hợp nhất đối với lời nói đầu và căn cứ ban hành văn bản, Pháp lệnh quy định cụ thể về kỹ thuật hợp nhất các nội dung này. Cụ thể:

- Tại văn bản được sửa đổi, bổ sung có lời nói đầu được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thì việc hợp nhất lời nói đầu được thực hiện như việc hợp nhất nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo quy định về hợp nhất nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ tại các điều 14, 15 và 16 của Pháp lệnh.

- Đối với việc hợp nhất căn cứ ban hành, Pháp lệnh quy định trong văn bản hợp nhất phải có ký hiệu chú thích ngay tại phần căn cứ ban hành và tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và căn cứ ban hành của văn bản sửa đổi, bổ sung.                     

8.4. Về kỹ thuật hợp nhất nội dung được sửa đổi (Điều 14)

Đối với trường hợp hợp nhất nội dung được sửa đổi, Pháp lệnh quy định kỹ thuật và cách trình bày nội dung hợp nhất như sau:

- Văn bản được sửa đổi, bổ sung có phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được sửa đổi thì số thứ tự của phần, chương, mục, điều, khoản, điểm trong văn bản hợp nhất vẫn được giữ nguyên như văn bản được sửa đổi, bổ sung.

- Trong văn bản hợp nhất phải có ký hiệu chú thích ngay tại phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được sửa đổi.

- Tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của quy định sửa đổi phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ.

8.5. Về kỹ thuật hợp nhất nội dung được bổ sung (Điều 16)

 Văn bản sửa đổi, bổ sung có thể bổ sung cả một phần, một chương, một số mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ. Việc trình bày nội dung được bổ sung trong văn bản hợp nhất được Pháp lệnh quy định như sau:

- Văn bản được sửa đổi, bổ sung có phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được bổ sung thì số thứ tự của phần, chương, mục, điều khoản, điểm trong văn bản hợp nhất vẫn được giữ nguyên như văn bản được sửa đổi, bổ sung.

- Việc sắp xếp phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được bổ sung trong văn bản hợp nhất được thực hiện theo thứ tự quy định trong văn bản sửa đổi, bổ sung.

- Trong văn bản hợp nhất phải có ký hiệu chú thích ngay tại phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được bổ sung.

- Tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của quy định bổ sung phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ.

8.6. Về kỹ thuật hợp nhất nội dung được bãi bỏ (Điều 16)

Văn bản hợp nhất chỉ bao gồm các quy định còn hiệu lực kể từ thời điểm hợp nhất vì mục đích của việc hợp nhất là để bảo đảm cho công chúng được tiếp cận với những quy định còn hiệu lực. Do vậy, Pháp lệnh quy định văn bản được sửa đổi, bổ sung có phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được bãi bỏ thì trong văn bản hợp nhất không thể hiện nội dung được bãi bỏ. Để bảo đảm không làm thay đổi bố cục cũng như trật tự của các điều khoản, số thứ tự phần, chương, mục, điều, khoản, điểm trong văn bản hợp nhất được giữ nguyên như văn bản được sửa đổi, bổ sung; ngay sau số thứ tự của phần, chương, mục, điều, khoản, điểm đó phải có ký hiệu chú thích và ghi rõ cụm từ “được bãi bỏ”.

Do nội dung được bãi bỏ có thể là một đoạn, một cụm từ trong một điều, khoản, điểm của văn bản nên việc thể hiện nội dung được bãi bỏ trong trường hợp này cũng rất cần được lưu ý. Theo đó, tại vị trí của đoạn, cụm từ được bãi bỏ không ghi cụm từ “được bãi bỏ” mà phải đánh ký hiệu chú thích để giải thích cụ thể tại cuối trang văn bản hợp nhất.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định thời điểm chấm dứt hiệu lực của các nội dung được bãi bỏ, Pháp lệnh quy định tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của quy định bãi bỏ phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ. Việc xác định rõ ngày có hiệu lực của quy định bãi bỏ phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ rất cần thiết, vì thời điểm phát sinh hiệu lực của quy định bãi bỏ đồng nghĩa với thời điểm chấm dứt hiệu lực của các nội dung được bãi bỏ. Do đó, khi xác định ngày có hiệu lực của nội dung được bãi bỏ cần phải trên cơ sở quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản sửa đổi, bổ sung và lưu ý đến quy định chuyển tiếp trong văn bản sửa đổi, bổ sung.

8.7. Về thể hiện quy định về việc thi hành trong văn bản hợp nhất (Điều 17)

Trong văn bản sửa đổi, bổ sung, ngoài các điều khoản quy định nội dung sửa đổi, bổ sung thường còn có các điều khoản quy định về hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, quy định chuyển tiếp. Đây cũng là những nội dung quan trọng của văn bản sửa đổi, bổ sung và có ảnh hưởng tới quá trình áp dụng, thi hành các quy định của văn bản hợp nhất, nhất là các quy định chuyển tiếp và quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thi hành văn bản sửa đổi, bổ sung. Điều khoản chuyển tiếp thường liên quan đến rất nhiều nội dung trong văn bản sửa đổi, bổ sung, thậm chí có liên quan cả đến những nội dung không được sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, trong văn bản hợp nhất cũng cần thiết phải thể hiện đầy đủ các quy định này. Việc thể hiện các quy định này được Pháp lệnh quy định theo hướng trong văn bản hợp nhất phải có ký hiệu chú thích ngay tại tên chương hoặc điều quy định về việc thi hành và tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung, ngày có hiệu lực và các nội dung về việc thi hành trong văn bản sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, tại văn bản được sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung không quy định cụ thể về việc triển khai thi hành văn bản mà cơ quan ban hành văn bản lại ban hành văn bản riêng để quy định (như Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự...), trong đó có chứa đựng các quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành, trách nhiệm tổ chức thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân... Trong trường hợp này, tại văn bản hợp nhất phải có cách thức thể hiện phù hợp để giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng văn bản hợp nhất có thể biết đến các văn bản đó để áp dụng. Theo đó, Pháp lệnh quy định trong văn bản hợp nhất phải có ký hiệu chú thích ngay tại tên chương hoặc điều quy định về việc thi hành và tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu, ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành của văn bản quy định về việc thi hành. Trường hợp văn bản được sửa đổi, bổ sung không có chương, điều về việc thi hành thì phải có ký hiệu chú thích tại phần quy định về việc thi hành trong văn bản hợp nhất và tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu, ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành của văn bản quy định về việc thi hành.

9. Phần Ký xác thực

Xuất phát từ việc khẳng định giá trị của văn bản hợp nhất “được sử dụng chính thức trong áp dụng và thi hành pháp luật”, nên việc bảo đảm tính chính xác về nội dung và kỹ thuật trình bày trong văn bản hợp nhất là trách nhiệm hàng đầu của các chủ thể có trách nhiệm hợp nhất văn bản. Một trong những biện pháp nhằm thể hiện rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thực hiện việc hợp nhất văn bản trong việc bảo đảm tính chính xác về nội dung của văn bản hợp nhất, bảo đảm tính chính xác về kỹ thuật trình bày trong văn bản hợp nhất chính là việc đặt ra trách nhiệm ký xác thực văn bản hợp nhất. Theo đó, Pháp lệnh quy định cụ thể trách nhiệm ký xác thực văn bản hợp nhất của các chủ thể có thẩm quyền hợp nhất văn bản như sau:

- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, văn bản liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội (Điều 5);

- Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được sửa đổi, bổ sung của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội (Điều 6);

- Chánh án Toà án nhân dân tối cao ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành, văn bản của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, văn bản liên tịch do cơ quan mình chủ trì soạn thảo (khoản 1 Điều 7);

- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành, văn bản liên tịch do cơ quan mình chủ trì soạn thảo (khoản 2 Điều 7);

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành, văn bản liên tịch do cơ quan mình chủ trì soạn thảo (khoản 3 Điều 7);

- Tổng Kiểm toán Nhà nước ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành (khoản 4 Điều 7)

Để bảo đảm tính thống nhất về hình thức thể hiện phần ký xác thực văn bản hợp nhất trong văn bản hợp nhất, tại phần phụ lục có mẫu trình bày phần ký xác thực, gồm:

- Phần ký xác thực ở trang cuối cùng của văn bản hợp nhất, ngăn cách với nội dung hợp nhất bằng một đường kẻ liền.

- Thể thức của phần ký xác thực gồm: tên cơ quan thực hiện việc hợp nhất; số, ký hiệu văn bản hợp nhất (có giá trị lưu trữ); cụm từ ”XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT”; ngày, tháng, năm ký xác thực và chức vụ, chữ ký, họ tên của người ký xác thực cùng con dấu của cơ quan thực hiện việc hợp nhất; nơi nhận văn bản hợp nhất (gồm cơ quan đăng Công báo, trang thông tin điện tử, các cơ quan khác có liên quan và lưu trữ).

10. Hợp nhất văn bản được ban hành trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực (Điều 19)

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, tìm hiểu cũng như việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thì cũng cần tiến hành hợp nhất các văn bản được sửa đổi, bổ sung với văn bản sửa đổi, bổ sung được ban hành trước khi Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực. Đây là khối lượng công việc tương đối nặng nề và phải được cân nhắc giao cho cơ quan có đủ khả năng và điều kiện thực hiện. Đồng thời, cũng phải tính toán một khoảng thời gian hợp lý để hoàn thành việc hợp nhất để vừa bảo đảm không gây quá tải cho cơ quan được giao trách nhiệm nhưng cũng không để tình trạng các văn bản được ban hành trước thời điểm Pháp lệnh có hiệu lực không được hợp nhất trong một thời gian quá dài, vừa gây khó khăn cho quá trình thực hiện văn bản cũng như sửa đổi, bổ sung văn bản khi cần thiết. Do vậy, Pháp lệnh quy định: trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày Pháp lệnh này có hiệu lực, các văn bản được ban hành trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực phải được hợp nhất và đăng trên Công báo điện tử và trang thông tin điện tử của cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh.

Ngoài ra, để đảm bảo việc hợp nhất các văn bản ban hành trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực được thực hiện thống nhất, nhanh chóng, chính xác và đầy đủ, Pháp lệnh quy định Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và bảo đảm kinh phí thực hiện việc hợp nhất các văn bản được ban hành trước ngày Pháp lệnh có hiệu lực. Việc quy định như vậy bảo đảm sự thống nhất hơn nữa trong trách nhiệm thực hiện văn bản; mặt khác còn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc tận dụng các kết quả phát hiện được trong quá trình hợp nhất. Hơn nữa khi trách nhiệm hợp nhất được san sẻ cho nhiều cơ quan thì việc hoàn thành trách nhiệm này cũng có tính khả thi cao hơn.  

 

V. TỔ CHỨC THI HÀNH

Kỹ thuật hợp nhất văn bản được quy định tại Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật là những nội dung tương đối mới đối với các cơ quan, cán bộ, công chức có trách nhiệm thực hiện việc hợp nhất văn bản, do vậy, để triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh, trước mắt cần tập trung một số công việc sau đây:

1. Tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu hướng dẫn kỹ thuật và bồi dưỡng kỹ năng hợp nhất văn bản cho các đối tượng là các cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật để có thể nắm bắt và triển khai được ngay các quy định về trình tự, thủ tục và kỹ thuật hợp nhất văn bản của Pháp lệnh.

2. Các cơ quan quy định tại khoản 2 Điều 19 (Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước) cần sớm xây dựng kế hoạch và bảo đảm kinh phí thực hiện việc hợp nhất các văn bản được ban hành trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực.

3. Để văn bản quy phạm pháp luật được hợp nhất theo đúng thủ tục, trình tự, kỹ thuật theo quy định của Pháp lệnh, các cơ quan cần có kế hoạch triển khai thực hiện các quy định của Pháp lệnh; bảo đảm điều kiện cần thiết để thực hiện việc hợp nhất văn bản thuộc trách nhiệm hợp nhất của cơ quan mình.

           



[1] Ví dụ: Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 được sửa đổi, bổ sung 2 lần bởi Luật số 26/2004/QH11 và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 58/2005/QH11; Nghị định số 176/1999/NĐ-CP ngày 21/12/1999 về lệ phí trước bạ được sửa đổi, bổ sung 2 lần bởi Nghị định số 47/2003/NĐ-CP ngày 12/5/2003 và Nghị định số 80/2008/NĐ-CP ngày 29/7/2008.

[2] Ví dụ:  Để áp dụng chính xác Điều 23 của Luật khiếu nại, tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phải tra cứu, sử dụng cả Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và 2 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo (lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2004 và lần sửa đổi, bổ sung năm 2006).

[3] Ví dụ: Khi áp dụng Điều 17 của Nghị định số 43/2007/NĐ-CP ngày 26/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 2 Nghị định số 50/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2007/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức, cá nhân không rõ cần trích dẫn Điều 17 của Nghị định số 43/2007/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung hay Điều 2 Nghị định số 50/2010/NĐ-CP.

[4]Ví dụ: do chưa được hợp nhất các quy định đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật với các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 nên khi xây dựng nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của hai luật này, cơ quan soạn thảo văn bản rất lúng túng trong việc xác định tên của nghị định là nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

[5] Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 03/7/2007.

[6] Xem Báo cáo của Ban công tác gia nhập WTO (đoạn 510, 515, 518), Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ.

 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 1644705