06/06/2013 09:44        

Báo cáo viên pháp luật có được làm công tác viên trợ giúp pháp lý?

Góp ý, trao đổi về văn bản pháp luật

 Báo cáo viên pháp luật có được làm công tác viên trợ giúp pháp lý?


Đây là vấn đề được đặt ra từ thực tiễn công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) ở cơ sở. Quy định của pháp luật còn có điểm chưa rõ, thực tiễn áp dụng văn bản pháp luật đòi hỏi phải giải quyết nhưng do chưa có hướng dẫn nên một lực lượng không nhỏ những người có trình độ cao, có kinh nghiệm giải quyết công việc, tâm huyết với công tác TGPL…vẫn đứng ngoài hoạt động TGPL ở cơ sở.

Khoản 1 Điều 22 của Luật TGPL quy định về tiêu chuẩn cộng tác viên (CTV) có nêu:

“1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, tự nguyện tham gia trợ giúp pháp lý mà không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20 của Luật này thì được Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, công nhận và cấp thẻ CTV trong các trường hợp sau đây:

a) Người có bằng cử nhân luật; người có bằng đại học khác làm việc trong các ngành, nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;

b) Người thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bằng trung cấp luật hoặc có thời gian làm công tác pháp luật từ ba năm trở lên hoặc có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng;”

Như vậy, có thể hiểu về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của người tham gia làm CTV TGPL chỉ cần bằng tốt nghiệp đại học là đủ. Xét theo nghĩa thông thường, việc phân biệt ngành nghề liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân không phải là quá khó, phụ thuộc vào cách hiểu của người thực hiện. Bởi muốn giới thiệu, kể tên ngành nghề đó ra cũng không thể được. Luật quy định như vậy là để loại trừ một số ngành đặc biệt không liên quan trực tiếp đến dân sự, ví dụ như nghề cơ yếu chẳng hạn...

Có thể nói, ngành nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là một khái niệm rất rộng. Tất cả cơ quan trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở ít nhiều đều có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Do phạm vi quá rộng, nên trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TGPL như Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật TGPL, Nghị định 05/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật, Quyết định 05/2008/QĐ-BTP ngày 13/5/2008 về quy chế CTV TGPL của Trung tâm TGPL, Thông tư 07/2012/TT-BTP hướng dẫn về CTV TGPL của Trung tâm TGPL đều không đề cập đến quy định như thế nào là ngành, nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 

Khi trao đổi với những người đang công tác ở một số Trung tâm TGPL, chúng tôi thấy cách áp dụng văn bản ở một số nơi khác nhau, tựa chung có 2 cách vận dụng. Có cách hiểu, người muốn tham gia làm CTV TGPL của Trung tâm đang công tác tại các cơ quan nhà nước ở địa phương có bằng đại học khác đều thực hiện quy trình giống như người có bằng cử nhân luật vì họ cho rằng, tất cả cơ quan nhà nước được thành lập đều có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đều nhằm đảm bảo thực hiện các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Do đó, chỉ cần có bằng đại học là đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn. Hiểu theo cách này sẽ thu hút được đông đảo lực lượng trong xã hội tham gia, đóng góp công sức cho hoạt động TGPL ở địa phương. Có nơi khác lại hiểu rằng, cần có giải thích hoặc hướng dẫn cụ thể của Trung ương về ngành, nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Khi chưa có hướng dẫn thì áp dụng kết hợp điểm a với điểm b của khoản 1 điều 22 Luật TGPL. Nghĩa là, nếu người muốn tham gia làm CTV TGPL có bằng đại học không phải cử nhân luật thì cần phải bổ sung thêm xác nhận “có thời gian làm công tác pháp luật từ ba năm trở lên hoặc có kiến thức pháp luật” để hoàn chỉnh hồ sơ. Theo tác giả, đây là cách hiểu sai lầm. Bởi theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 22 Luật TGPL thì thời gian công tác pháp luật hoặc kiến thức pháp luật chỉ áp dụng cho người thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Mặt khác, nếu hiểu như vậy sẽ có 2 vấn đề không phù hợp giữa các văn bản pháp luật.

Thứ nhất về thời gian làm công tác pháp luật. Theo quy định tại khoản 2 điều 4 Thông tư 07 hướng dẫn về CTV TGPL của Trung tâm TGPL nay thì Người có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý là người đã hoặc đang làm công tác liên quan đến pháp luật trong các cơ quan thuộc ngành Tư pháp, Kiểm sát, Tòa án, Thanh tra, hệ thống các cơ quan điều tra hoặc tổ chức pháp chế các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang; cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến pháp luật; người đã hoặc đang là công chức tư pháp hộ tịch xã, phường, thị trấn, Hội thẩm nhân dân, Bào chữa viên nhân dân, luật gia.

Quy định trên vừa mang tính liệt kê, vừa mang tính khái quát. Có thể hiểu, người tham gia làm CTV TGPL đã hoặc đang làm việc tại bất kỳ cơ quan nào có hoạt động liên quan đến pháp luật đều được. Nhưng như thế nào là có liên quan đến pháp luật – có liên quan trong hoạt động xây dựng pháp luật, thực hiện pháp luật hay áp dụng pháp luật? vấn đề này chưa rõ.

Thứ hai về kiến thức pháp luật. Cũng theo quy định tại khoản 3 điều 4 của Thông tư 07, thì Người có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý là người đã hoặc đang là tổ viên tổ hoà giải, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, già làng, trưởng bản, trưởng thôn, trưởng ấp, đại diện tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở cơ sở. Phải khẳng định rằng, Thông tư 07 được ban hành để hướng dẫn thi hành Luật TGPL, quy định trên dùng để áp dụng cho người đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi không có bằng trung cấp luật, không có thời gian 3 năm làm công tác pháp luật chứ không phải áp dụng cho tất cả mọi đối tượng. 

Đó là đối với CTV TGPL, còn xét về trình độ chuyên môn của BCVPL, theo quy định tại điều 2 của Thông tư số 18/2010/TT-BTP ngày 05/11/2010 quy định về BCVPL thì tiêu chuẩn của BCVPL cấp Trung ương và cấp tỉnh phải là người có trình độ cử nhân luật, trường hợp không có bằng đại học luật, nhưng có bằng đại học khác thì cần có thời gian công tác từ 5 năm trở lên đối với BCVPL cấp Trung ương, từ 3 năm trở lên đối với BCVPL cấp tỉnh và am hiểu pháp luật về lĩnh vực cần phổ biến. Có thể hiểu, đối với người có bằng đại học khác thì chỉ cần thời gian công tác là 5 năm đối với BCVPL cấp trung ương và 3 năm đối với BCVPL cấp tỉnh (không nhất thiết làm công tác pháp luật) và am hiểu pháp luật về lĩnh vực cần phổ biến là đủ tiêu chuẩn về chuyên môn để tham gia làm BCVPL. Theo suy nghĩ của tác giả, quan điểm của nhà làm luật khi soạn thảo văn bản này cho rằng, với người có trình độ tốt nghiệp đại học, làm công tác chuyên môn theo đúng chuyên ngành được đào tạo từ 5 năm hoặc 3 năm trở lên -  trong thời gian này, người đó thường đọc, nghiên cứu và phải xử lý khá nhiều văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực công tác nên họ rất am hiểu pháp luật trong lĩnh vực của mình.

Trên thực tế, những người là BCVPL cấp huyện, cấp tỉnh thông thường là cán bộ chủ chốt các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Họ là những chuyên gia đầu ngành ở địa phương. Hàng ngày, họ phải thường xuyên tiếp nhận, xử lý thông tin, nghiên cứu văn bản pháp luật của cấp trên để tham mưu cho UBND cùng cấp trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, vận dụng và áp dụng pháp luật trong lĩnh vực công tác tại địa phương. Có thể khẳng định, họ là những người có trình độ pháp luật chuyên sâu trong lĩnh vực công tác của mình. Dù vậy, không phải ai trong số họ cũng có bằng cử nhân luật, không phải ai cũng từng kinh qua những vị trí công tác trong các ngành Tư pháp, Kiểm sát, Tòa án, Thanh tra, hệ thống các cơ quan điều tra hoặc tổ chức pháp chế các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang…Đơn cử như ở tỉnh K, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội của Sở LĐTBXH là người tốt nghiệp đại học ngành khác, thời gian công tác trong ngành khá lâu, rất am hiểu pháp luật trong lĩnh vực bảo trợ xã hội nhưng do chưa có quy định về ngành nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nên nếu hiểu theo cách trên, đồng chí này không thể làm CTV TGPL, còn nếu xét theo Thông tư 18 thì đồng chí này thừa tiêu chuẩn làm BCVPL cấp tỉnh. Hay như tại Khánh Hòa, ngày 08/02/2012 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 310/QĐ-UBND về công nhận 72 BCVPL cấp tỉnh, tăng 12 người so với Quyết định cũ. Trong danh sách công nhận BCVPL theo quyết định này, có khá nhiều người làm công tác giảng dạy chính trị ở các trường Cao đẳng, trường Chính trị tỉnh, có người là cán bộ Đoàn Thanh niên tỉnh, cán bộ làm công tác chính trị của Bộ đội Biên phòng tỉnh, cơ quan Quân sự tỉnh và cũng có người là cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cán bộ Hội Nông dân tỉnh… những người này không phải ai cũng có bằng cử nhân luật.

Các ngành nghề, lĩnh vực mà BCVPL cấp tỉnh ở Khánh Hòa đang công tác không nhiều thì ít đều có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Qua trao đổi với một số BCVPL của tỉnh, chúng tôi được biết họ đều ủng hộ công tác TGPL. Nhiều người, dù rất bận công tác quản lý cơ quan nhưng họ cũng có nguyện vọng sẵn sàng tham gia với TGPL khi có yêu cầu, miễn là phù hợp với lĩnh vực công tác của mình. Thực tiễn công tác TGPL ở Khánh Hòa thời gian qua nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của họ trong quá trình triển khai thực hiện TGPL tại địa phương. Nếu hiểu một cách máy móc, cần có văn bản quy định rõ ràng ngành nghề nào có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thì việc mời các BCVPL này tham gia làm CTV TGPL sẽ gặp khó khăn, không có lợi cho công tác TGPL ở địa phương.

Luật quy định chưa rõ, văn bản hướng dẫn cũng không đề cập đến, nếu hiểu văn bản theo tư duy cứng nhắc, không linh hoạt sẽ dẫn đến việc vô hình chung chúng ta bỏ sót nguồn nhân lực chất lượng cao mà công tác TGPL ở cơ sở đang rất cần. Thiết nghĩ, đối với những trường hợp ngoài quy định của văn bản pháp luật, Cục TGPL cần có hướng dẫn cụ thể để có thể huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác TGPL, vừa phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác TGPL, vừa không để sót nguồn nhân lực có trình độ cao cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công tác TGPL ở địa phương.

Trên đây là một số suy nghĩ của tác giả về việc triển khai thực hiện khoản 1 Điều 22 Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi, góp ý của bạn đọc gần xa về vấn đề này, qua đó giúp cho việc áp dụng văn bản pháp luật vào thực tiễn được thuận tiện và thống nhất.

         Đặng Hữu

 
Luật không đi vào cuộc sống là luật chết
Chi nhánh Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước: Đơn vị phụ thuộc hay trực thuộc trung tâm?
Ngày Hiến pháp là ngày Lễ quốc gia ở nhiều nước
Tổ hòa giải thôn Nông Trường (Ninh Sim, Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa): Điểm sáng trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Công ty đòi nợ có được đòi nợ theo bản án quyết định của Tòa?
Bí mật đời tư bị ảnh hưởng vì phiếu lý lịch tư pháp?
Đề nghị quy định mang thai hộ khi sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
Không thực hiện trợ giúp pháp lý trong 6 tháng: Có bị “tước” thẻ cộng tác viên?
Cần gỡ vướng trong thanh toán bồi dưỡng cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Thu hút nhân lực cho công tác trợ giúp pháp lý: Bài toán chưa có lời giải.
Một số quy định mới về giám định tư pháp theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
Công chứng khác với chứng thực
Về điều kiện tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Trợ giúp pháp lý
Đề xuất quy định về bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo
Nhức nhối nạn bạo hành
Trang phục cho Trợ giúp viên pháp lý - “nhỏ” mà “không nhỏ”!
Một số điều cần lưu ý trong soạn thảo văn bản
Hỏi thủ tục nhận cháu ruột làm con nuôi
* Hỏi về việc ly hôn tài sản nhà đất được giải quyết như thế nào?
Vì sao cần sửa đổi chế định sở hữu đất đai?

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 64547