Ban biên tập Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Khánh Hòa nhận được bài “Về điều kiện tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Trợ giúp pháp lý” của Luật sư Nguyễn Hồng Hà bàn về sự bất cập giữa điều kiện để tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Trợ giúp pháp lý (TGPL) với điều kiện để bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý; chúng tôi xin đăng bài trên để bạn đọc cùng suy nghĩ, trao đổi.
Về điều kiện tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Trợ giúp pháp lý
.
Theo Luật trợ giúp pháp lý (TGPL) 2006, người có bằng Cử nhân Luật, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL và phải có thời gian công tác pháp luật từ 2 năm trở lên, sẽ được bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), nhưng thực tế để được tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thì phải có thời gian công tác pháp luật từ 10 năm trở lên, điều kiện này có phù hợp thực tiễn và pháp luật ?
Từ thực tiễn...
Theo công văn của Cục TGPL gửi Giám đốc Sở Tư pháp địa phương chỉ đạo Trung tâm TGPL đề xuất và gửi danh sách cán bộ thuộc nguồn bổ nhiệm TGVPL tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ pháp lý thì người được cử tham dự phải có các điều kiện sau:
1. Có bằng cử nhân luật
2. Đã tốt nghiệp hoặc được miễn khóa đào tạo nghiệp vụ luật sư theo pháp luật vể Luật sư; hoặc người có thời gian công tác pháp luật từ 10 năm (đối với người làm việc tại Trung tâm) hoặc từ 05 năm (đối với người làm việc tại chi nhánh của Trung Tâm).
3. Đã được tuyển dụng vào làm việc tại Trung tâm TGPL, chi nhánh của Trung tâm hoặc là công chức công tác tại Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện nhưng thuộc diện quy hoạch luân chuyển về Trung tâm trợ giúp pháp lý hoặc chi nhánh của Trung tâm.
4.Có văn bản cử cán bộ đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL của Giám đốc Sở Tư pháp.
Căn cứ điều kiện về thời gian công tác pháp luật nêu trên, thì rất hiếm có người nào làm việc ở trung tâm có trên 10 năm công tác để đủ điểu kiện tham dự các lớp học bồi dưỡng TGPL. Có chăng đáp ứng điều kiện này là do những người trước khi vào việc ở Trung tâm đã có thời gian công tác pháp luật ở các cơ quan tổ chức khác. Điều này dẫn đến việc các cán bộ đã và đang công tác tại Trung tâm nhưng không thể tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do chưa đủ thời gian công tác (phải trên 10 năm), là không công bằng, ảnh hưởng quyền lợi của người đang công tác tại Trung tâm có nguyện vọng được bồi dưỡng nghiệp vụ để trở thành TGVPL.
Có thể so sánh một người sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật, trúng tuyển vào làm việc tại Trung tâm TGPL. Người này phải có 10 năm công tác ở Trung tâm trở lên, mới đủ điều kiện được tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL. Trong khi đó, một người sau khi tốt nghiệp, có bằng Cử nhân Luật tiếp tục học 6 tháng và tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư. Sau đó người này vào Trung tâm làm việc thì họ vẫn được cử tham dự khóa bồi dưỡng mà không đòi hỏi phải có trên 10 năm công tác pháp luật ?
Có đúng luật ?
Vấn đề cần trao đổi trong bài viết này là: Điều kiện về thời gian công tác pháp luật (đối với người làm việc tại Trung tâm TGPL phải có từ 10 năm trở lên hoặc từ 05 năm trở lên đối với người làm việc tại chi nhánh của Trung Tâm) để được cử tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL như vậy có phù hợp với thực tiễn và pháp luật ?
Theo điều 21 Luật TGPL năm 2006, để được bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý, cán bộ, viên chức làm việc ở Trung tâm hoặc các chi nhánh TGPL trực thuộc phải là Cử nhân Luật, được Cục trưởng Cục TGPL thuộc Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL, phải có thời gian làm công tác pháp luật từ 2 năm trở lên, sẽ được Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm TGVPL và cấp thẻ hành nghề theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.
Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ có quy định chi tiết và hướng dẫn: Người có bằng Cử nhân Luật, đang làm việc trong Trung tâm TGPL nhà nước hoặc Chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước nếu có nguyện vọng trở thành TGVPL thì được Giám đốc Trung tâm TGPL đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp cử tham dự khoá bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định nội dung chương trình, thời gian khoá bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; ban hành Quy chế kiểm tra nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và tổ chức kiểm tra việc thực hiện khoá bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.
Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật TGPL và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật này thì được bổ nhiệm TGVPL.
Thời gian làm công tác pháp luật là thời gian mà họ đã từng đảm nhận công tác pháp luật ở các chức danh pháp lý chuyên trách trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Tại điều 11 của quy chế Bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL (Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-BTP ngày 5 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), những người tham dự khoá bồi dưỡng để được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL phải có đủ các điều kiện sau đây:
1 .Có bằng Cử nhân Luật và có thời gian làm công tác pháp luật từ 2 năm trở lên
2. Thuộc diện được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư;
3. Đã được tuyển dụng vào ngạch viên chức hoặc tương đương và đang làm việc tại Trung tâm TGPL, chi nhánh của Trung tâm hoặc là công chức đang công tác tại Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện và đã được Sở Tư pháp cử tham dự có kết quả khoá đào tạo nghề luật sư theo chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp;
4. Được Giám đốc Sở Tư pháp cử tham dự khoá bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL bằng văn bản.
Như vậy, các quy định về thời gian công tác pháp luật - điều kiện bổ nhiệm TGVPL đã được quy định rất cụ thể tại Luật TGPL năm 2006, được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tại Nghị định số 07/2007/NĐ-CP. Thời gian công tác pháp luật - điều kiện để được tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL cũng được quy định thống nhất là “2 năm trở lên” theo quy chế bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL (kèm theo quyết định số 07/2008/QĐ-BTP của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp.)
Cho đến nay, chưa có thông tin nào cho thấy Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung quy chế bồi dưỡng TGVPL. Từ thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, điều kiện đặt ra đối với cán bộ làm việc tại Trung tâm phải có thời gian công tác pháp luật từ trên năm 5 hoặc trên 10 năm là không phù hợp thực tiễn và không đúng pháp luật. Việc áp dụng điều kiện này ảnh hưởng đến nguyện vọng của các cán bộ đã và đang công tác tại Trung tâm nhưng không được tham dự học bồi dưỡng nghiệp vụ TGVPL, do không đủ thời gian công tác pháp luật theo quy định là phải có 10 năm công tác. Và như thế sẽ ảnh hưởng đến việc tăng trưởng nguồn nhân lực trợ giúp pháp lý theo hoạch định (Theo Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thời gian từ 2011 đến 2015 phát triển khoảng 1.000 trợ giúp viên trên phạm vi toàn quốc).
Về thực tiễn và pháp lý có thể thấy yêu cầu thời gian công tác pháp luật như hướng dẫn của Cục TGPL đã sửa đổi, bổ sung điều 11 quy chế của Bộ Tư pháp về việc bồi dưỡng TGPL? Nếu hướng dẫn này được áp dụng thống nhất trên toàn quốc thì vô hình chung chưa phù hợp với quy định tại điểu 21 Luật TGPL, theo đó điều kiện về thời hạn công tác pháp luật là từ 2 năm trở lên.
Trên đây ý kiến trao đổi chủ quan của cá nhân có thể không đầy đủ thông tin nên rất mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc về vấn đề này./.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà
Đoàn luật sư Khánh Hòa