Một số nội dung góp ý dự thảo Luật Giám định tư pháp.
Pháp lệnh Giám định tư pháp được UBTVQH ban hành ngày 29/9/2004, có hiệu lực từ 01/01/2005. Qua 7 năm thi hành, Pháp lệnh GĐTP đã đem lại kết quả nhất định đó là xây dựng được hệ thống các tổ chức giám định; kiện toàn đội ngũ giám định viên. Công tác giám định đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của hoạt động tố tụng.
Bên cạnh đó, hoạt động giám định đã bộc lộ những yếu kém, bất cập như hệ thống tổ chức bị phân chia, manh mún dẫn đến đầu tư dàn trải, nguồn lực bị phân tán; lực lượng giám định viên tư pháp mặc dù có phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trước tình hình mới; chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu đề ra của công tác cải cách tư pháp.
Từ thực trạng đó việc ban hành Luật GĐTP là rất cần thiết để giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay và tạo hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động GĐTP phát triển. Ban soạn thảo dự án Luật GĐTP đã nghiên cứu rất kỹ, nhiều lần lấy ý kiến đóng góp rộng rãi; đã trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 2 và tiếp tục trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 này.
Để góp phần xây dựng Luật, tôi xin có một số ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Giám định tư pháp từ góc độ của người làm công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này:
1. Về người giám định tư pháp theo vụ việc:
Dự thảo Luật quy định “Người giám định tư pháp theo vụ việc” là người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 18 và Điều 20 của Luật này, được trưng cầu, yêu cầu giám định.”; danh sách người GĐTP theo vụ việc được các Bộ, ngành chức năng và UBND cấp tỉnh lập và công bố hàng năm, không phải qua thủ tục xem xét, bổ nhiệm.
Trong khi đó, Giám định viên tư pháp là người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm để thực hiện giám định tư pháp.
Như vậy, “người giám định tư pháp theo vụ việc” và “giám định viên tư pháp” có 02 cơ chế “bổ nhiệm” khác nhau, nhưng không có sự khác biệt nào về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong hoạt động giám định. Người giám định tư pháp theo vụ việc được hoạt động giám định một cách lâu dài, thường xuyên, không hạn chế như một GĐV thực thụ và không có một đặc điểm nào để nói lên đúng nghĩa của cái tên “vụ việc”.
Do đó, đề nghị dự thảo Luật cần xác định và phân định rõ sự khác biệt giữa “người giám định tư pháp theo vụ việc” và “giám định viên tư pháp”. Luật nên quy định theo hướng chỉ những người không có trình độ đại học nhưng có kiến thức sâu, có kinh nghiệm về ngành, lĩnh vực thì được chọn làm “người giám định tư pháp theo vụ việc” trong ngành, lĩnh vực đó; và nên giới hạn về thời hạn hoạt động của “người giám định tư pháp theo vụ việc”. Đối với những người có trình độ đại học thì nên tạo điều kiện, khuyến khích họ tham gia vào đội ngũ Giám định viên tư pháp. Có như vậy thì Luật mới tạo điều kiện từng bước chuẩn hoá lực lượng này.
2. Về Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc:
Dự thảo Luật quy định có 03 hình thức tổ chức giám định: tổ chức giám định tư pháp công lập (do nhà nước thành lập); tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập (các văn phòng giám định hoạt động theo mô hình doanh nghiệp); và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Hai loại hình “công lập” và “ngoài công lập” được định nghĩa và xác định rõ về mô hình, tuy nhiên loại hình thứ ba “tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc” là không rõ ràng, không quy định rõ nó thuộc về loại hình nào? “công lập” hay “ngoài công lập” hay lưỡng tính?
Khoản 1, Điều 19 về tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc quy định tổ chức giám định theo vụ việc phải có điều kiện là “Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật và có tư cách pháp nhân”. Tuy nhiên Luật không quy định cơ quan nào có thẩm quyền thành lập loại hình tổ chức này? Và nếu đã được thành lập hợp pháp thì tại sao lại phải có thủ tục lập và công bố danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc quy định tại Điều 20 (trong khi các loại hình tổ chức khác lại không quy định có thủ tục lập và công bố danh sách)? Thủ tục lập và công bố danh sách này là thủ tục bắt buộc hay không bắt buộc?
Cũng tại Điều 19 này, Khoản 3 quy định: “3. Bộ, Cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của người trưng cầu giám định.”. Quy định như vậy phải chăng các Bộ, Cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được hiểu là tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc?
Tương tự như “Người giám định tư pháp theo vụ việc”, đề nghị Luật làm rõ nghĩa của từ “vụ việc” trong khái niệm “tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc”, qua đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của loại hình tổ chức này.
3. Về việc xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp
Hoạt động tố tụng là hoạt động mang tính quyền lực, đặc thù và riêng có của nhà nước. Trong khi đó, kết quả của hoạt động giám định tư pháp là căn cứ chính, căn cứ chủ yếu để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết các vụ án hình sự, các vụ việc dân sự. Việc xã hội hoá hoạt động giám định bằng mô hình Văn phòng giám định mà thực chất là các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH có thể bước đầu giúp giảm tải cho các giám định viên và các tổ chức giám định nhưng có thể thấy rằng nó chưa phù hợp với trình độ phát triển KT-XH của Việt Nam khi mà một doanh nghiệp “tư nhân” hay một giám định viên “tư” lại có thể có tác động trực tiếp đến hoạt động tố tụng thông qua kết quả giám định.
Vấn đề này cần phải có sự nghiên cứu sâu, thực hiện thí điểm và tổng kết, đánh giá một thời gian mới nên áp dụng trong thực tiễn. Việc đưa ngay quy định này vào Luật có thể gây “sốc” cho hoạt động tố tụng cũng như có tác động không tốt đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
4. Về phạm vi điều chỉnh:
Luật Giám định tư pháp quy định về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, tức là mọi hoạt động và kết quả của hoạt động giám định đều phục vụ cho hoạt động tố tụng nói chung, theo đề nghị của người trưng cầu giám định hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định.
Trong thực tế, mức độ của nhiều vụ, việc chỉ cần sự vào cuộc của cơ quan thanh tra chứ chưa cần đến các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong trường hợp này hoạt động thanh tra cũng cần phải xác định các thiệt hại đã gây ra, đặc biệt là trong các lĩnh vực cần có chuyên môn sâu. Khi xử lý những vụ, việc loại này cơ quan thanh tra gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xác định.
Do đó, đề nghị Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng bổ sung thêm nội dung cơ quan thanh tra cũng có thể yêu cầu giám định hoặc trưng cầu giám định./.
- Đức Thắng