10/12/2012 11:16        

Vì sao cần sửa đổi chế định sở hữu đất đai?

Vì sao cần sửa đổi chế định sở hữu đất đai?

 

Có thể nói, vào thời điểm hiện tại, chủ trương của Đảng và nhà nước về đất đai, cơ bản phù hợp với tình hình hiện tại, nhất là khi Chính phủ tuyên bố không thu hồi, xáo trộn về đất đai khi hết hạn sử dụng theo Luật đất đai 2003.

Tuy nhiên, thực tế gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai 2003 đã bộ lộ nhiều vấn đề bất cập như: quyền sử dụng đất chưa được làm rõ về bản chất; vấn đề nhà nước là chủ sở hữu đất đai nhưng giao cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sử dụng lâu dài với đầy đủ quyền năng của chủ sở hữu (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) nhưng không được thừa nhận là chủ sở hữu (mà chỉ là người sử dụng) trong khi thực tế đã diễn ra quá trình tư nhân hóa đất đai.

Sự kiện thu hồi đất trái pháp luật ở Tiên Lãng, Hải Phòng cùng với việc xảy ra trên 4000 vụ khiếu kiện tập thể trong cả nước trong 6 năm qua, đều liên quan đến bồi thường, giải tỏa đất, tái định cư - tức là thực chất liên quan vấn đề sở hữu đất đai, đã đặt ra vấn đề cấp bách cho các nhà quản lý, lập pháp là phải xem xét, sửa đổi chế định sở hữu đất đai theo pháp luật hiện hành.

Điều 17 Hiến pháp 1992 qui định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”;  Điều 5 Luật Đất đai 2003 qui định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”.

Cương lĩnh chính trị năm 1930 của Đảng nêu mục tiêu “người cày có ruộng” và Hiến pháp năm 1992 ghi như trên, thì rõ ràng đó là những tuyên ngôn chính trị hơn là một chế định pháp lý trong đạo luật gốc, bởi “đất đai” mà ghi chung chung như Hiến pháp thì về mặt kỹ thuật lập pháp, không thể xác định là một tài sản thuộc sở hữu của một chủ sở hữu cụ thể theo luật dân sự được (chỉ có hai  chủ thể quyền sở hữu là pháp nhân và thể nhân). Chỉ có thửa đất, mảnh đất cụ thể mới là đối tượng của một chủ sở hữu cụ thể. Trong hai chủ thể, pháp nhân lớn nhất là quốc gia, mà nhà nước là đại diện. Bởi vậy, nếu coi “sở hữu toàn dân” là sở hữu quốc gia thì quyền sở hữu đất đai là quyền của nhà nước, nói “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” cũng có nghĩa là tuyên bố không thừa nhận về mặt pháp lý quyền sở hữu tư nhân về đất đai.

Nhưng thực tế, pháp luật về đất đai hiện nay vẫn thừa nhận một thực tế là nhà nước chỉ can thiệp vào quyền kiểm soát quyền sử dụng đất và quyền định đoạt chứ không tước bỏ quyền sở hữu (định đoạt) của người sử dụng đất.

Sự nhập nhằng về sở hữu đất đai đã không chỉ làm đau đầu người đọc, mà còn làm rối rắm, chồng chéo về văn bản quản lý về đất đai, về sự tùy tiện trong vận dụng thực tế, đã gây ra nhiều tác động tiêu cực, phần nào kìm hãm sự phát triển kinh tề theo dúng quy luật. Nói khác đi, chế định quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai hiện nay, không còn mang ý nghĩa tích cực như khi nó mới ra đời là căn cứ xác lập nền tảng kinh tế có ý nghĩa sống còn của nền kinh tế XHCN nước ta nữa, vì thực tế hiện nay trên thế giới, các nước, nhất là các nước phát triển vẫn thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai mà không mất đi quyền điều chỉnh của nhà nước theo những thỏa thuận với chủ sở hữu đất.

Về phía người dân, do sự không rõ ràng giữa sở hữu toàn dân với sở hữu nhà nước về đất đai, vẫn cho rằng khi họ được nhà nước giao cho 7 quyền thì đất đai thuộc sở hữu của họ và họ phải được quyền định đoạt, nên khi nhà nước thu hồi, giải tỏa thì gặp khó khăn, nhất là do việc tính giá bồi thường vì người dân không được coi là chủ sở hữu để có thể đưa ra các thỏa thuận về giá các tài sản mà họ đã phải đổ mồ hôi, công sức, tiền của mới có được.

Các nhà lý luận kinh tế XHCN (và không ít trong số chúng ta đã được dạy), cho rằng nguồn gốc của mọi bất công trong xã hội chính là chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất (chủ yếu, trong đó không thể thiếu đất đai) và cổ vũ phải xóa bỏ nó. Thực tế tại Việt Nam, chế độ công hữu (sở hữu toàn dân) về đất đai còn bộc lộ nhiều nhược điểm như trên, làm cho người sử dụng đất không yên tâm đầu tư vào đất đang sử dụng; hay quyền định đoạt đất đai chỉ do chủ sở hữu là cơ quan nhà nước, không tránh khỏi sự can thiệp hành chính (chứ không phải dân sự) vào thị trường đất đai là nguyên  nhân nhiều hành vi tham nhũng hiện chưa có thuốc đặc trị.

Với nhiều bất cập như vậy (và chắc chắn chưa kể hết) thì việc sửa đổi Luật Đất đai càng cấp thiết hơn. Nhưng Luật Đất đai cũng không thể sửa theo hướng thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, nếu Hiến pháp năm 1992 không được sửa đổi.

Đặt vấn đề như vậy, hoàn toàn không phải là vấn đề mới, bởi trong lịch sử, cha ông ta đã thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai: Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Giáp dần (1254) vua Trần Thái Tông đã xuống chiếu bán ruộng công, mỗi mẫu 5 quan tiền cho dân làm ruộng tư. Năm Mậu thân (1248), cho phép trưng thu đất đắp đê, nhưng qui định rằng chỗ nào đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng của dân để đền bù bằng tiền.

Đất đai ở một nước nông nghiệp như chúng ta ngày càng sụt giảm, nhưng nhiều người dân có vốn, có kiến thức sẵng sàng đầu tư sản xuất lớn, tạo nhiều việc làm cho người dân và an sinh xã hội nếu được giao đất ổn định lâu dài, được pháp luật thừa nhận là chủ sở hữu trên mảnh đất của mình

Tất cả những điều đó, đòi hỏi các nhà lý luận, lập pháp và quản lý phải sớm pháp điển hóa chế định sở hữu về đất đai, theo hướng công nhận cả quyền sở hữu tư nhân về đất đai, để tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển, ổn định.

- QĐ

 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 65544