Đưa người nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh
Câu hỏi:
Chồng tôi bị nghiện ma túy, trước đây anh ấy đã bị chính quyền xử lý hành chính giáo dục tại địa phương, nhưng nay lại bị bắt đi tập trung. Tôi nghĩ bị nghiện cũng như một bệnh, sao lại phải bắt đi tập trung?
(Minh Hòa – Vạn Ninh)
Ý kiến tư vấn:
Đúng như chị nói, nghiện ma túy là một bệnh, vì là bệnh nên phải chữa. Có trường hợp người nghiện ma túy tự cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng có kết quả. Trường hợp người không thể tự cai nghiện thì có thể bị buộc phải đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2002, người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh để lao động, học văn hoá, học nghề và chữa bệnh dưới sự quản lý của cơ sở chữa bệnh. Đây là một biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy. Chồng của chị thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về việc sử dụng trái phép chất ma túy mà vẫn còn nghiện nên buộc phải áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh. Về thủ tục, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người nghiện ma túy cư trú xem xét, lập hồ sơ gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định. Hồ sơ thể hiện tóm tắt lý lịch, bệnh án (nếu có), tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó và các biện pháp giáo dục đã áp dụng, nhận xét của cơ quan Công an, ý kiến của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội cùng cấp có liên quan.
Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người nghiện ma tuý là từ một năm đến hai năm.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa