Nội dung câu hỏi:
Có một số trường hợp bên phải thi hành án là cơ quan nhà nước, tuy án đã có hiệu lực nhưng họ tìm cách này cách khác để không thi hành. Bên được thi hành án là người dân phải chịu thiệt thòi, kêu kiện rất khó khăn. Trường hợp là cá nhân không chấp hành quyết định của Toà án thì bị cưỡng chế, vậy với cơ quan của nhà nước không chấp hành án thì xử lý thế nào?
(Câu hỏi của bạn Lê Thị Ngọt)
Ý kiến tư vấn:
Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Toà án thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Luật Tố tụng hành chính đã ghi nhận: Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ có liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó.
Luật cho phép thời hạn cụ thể theo từng trường hợp để người phải thi hành án tự nguyện thi hành án. Quá thời hạn được quy định mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm để Toà án ra quyết định buộc thi hành bản án. Khi nhận được đơn yêu cầu của người được thi hành án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành án hành chính.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định buộc thi hành án của Tòa án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người không thi hành bản án, quyết định của Toà án cũng như những người có trách nhiệm liên quan khác đều bị xem xét xử lý. Theo Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ, không chỉ đối với người phải thi hành án bị xem xét xử lý mà cả người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án và người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án đều bị xử lý trách nhiệm.
Người phải thi hành án khi nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính có trách nhiệm thi hành ngay bản án, quyết định của Tòa án.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án; chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc để xảy ra chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án tại cơ quan, tổ chức do mình là người đứng đầu. Xử lý kỷ luật đối với cá nhân thuộc phạm vi quản lý có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.
Người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định. Xem xét xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm ban hành văn bản chỉ đạo người phải thi hành án nghiêm chỉnh thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Nếu người phải thi hành án vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp có văn bản chỉ đạo về việc xem xét xử lý trách nhiệm hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án theo quy định.
Công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành án hoặc cản trở thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính. Người nào có hành vi không thi hành án, không chấp hành án, cố ý cản trở việc thi hành án có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG