Nội dung câu hỏi:
Xin cho biết với người chưa thành niên sử dụng ma tuý và bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì cha mẹ hoặc người thân thích khác có thể thay mặt con để khiếu nại khi thấy quyết định đó là không đúng? Nếu có thì thủ tục khiếu nại được quy định thế nào?
(Câu hỏi của bạn Cao Minh)
Ý kiến tư vấn:
Theo Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Toà án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
(Pháp lệnh số: 01/2022/UBTVQH15 ngày 24 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) thì Quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc đối tượng bị khiếu nại.
Quyền khiếu nại được trao cho người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thời hạn khiếu nại của người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án công bố quyết định; trường hợp họ vắng mặt tại phiên họp hoặc trường hợp Tòa án không mở phiên họp và ra quyết định mà theo quy định được quyền khiếu nại đối với quyết định đó thì thời hạn khiếu nại là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án. Do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có quyền khiếu nại không thể thực hiện quyền khiếu nại đúng thời hạn thì thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn khiếu nại. Người khiếu nại phải gửi đơn đến Tòa án đã xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ khiếu nại.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về Toà án nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Tòa án nhân dân cấp huyện đã xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải gửi đơn kèm theo hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền để xem xét, giải quyết; đồng thời thông báo bằng văn bản việc khiếu nại cho cá nhân, cơ quan có liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại kèm theo hồ sơ, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết.
Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại có sự tham gia của người khiếu nại, người đại diện hợp pháp của người khiếu nại. Trường hợp cần thiết, Tòa án yêu cầu người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật, chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú hoặc những người khác tham gia phiên họp.
Thẩm phán ra quyết định căn cứ kết quả phiên họp. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành ngay.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng