Có thể gặp trực tiếp người giải quyết khiếu nại khi gửi đơn?
Câu hỏi:
Cha mẹ chúng tôi qua đời đã lâu, có để lại một số đất ruộng trồng rau màu, trong đó có số diện tích gần 2.000m2 do người anh đầu quản lý, canh tác. Vừa qua Ủy ban nhân dân thành phố đã quyết định cấp sổ đỏ cho người anh đối với diện tích đất này. Chúng tôi không đồng ý vì đây là tài sản thừa kế chưa được phân chia nên đang làm đơn khiếu nại. Do đất có từ thời xưa, giấy tờ để lại không còn được đầy đủ nên chúng tôi muốn được gặp trực tiếp người giải quyết khiếu nại để trình bày khi nộp đơn khiếu nại thì có được không?
(Vũ Huy Thành – Cam Ranh)
Ý kiến tư vấn của luật sư Nguyễn Thiện Hùng:
Luật Khiếu nại đã có các quy định cụ thể về trình tự khiếu nại, hình thức khiếu nại, việc thụ lý giải quyết, quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại, việc xác minh nội dung khiếu nại, việc tổ chức đối thoại … Mỗi người khi tham gia vào quan hệ pháp luật này phải tuân thủ đầy đủ các quy định nhằm giúp cho hoạt động giải quyết khiếu nại đem lại hiệu quả cao.
Khi thực hiện khiếu nại, người khiếu nại có thể gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp. Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Như vậy, trong trường hợp nào thì nội dung khiếu nại đều được thể hiện đầy đủ, rõ ràng về lý do cũng như các tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại.
Sau khi đơn khiếu nại được thụ lý, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu sẽ kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay. Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tổ chức xác minh để kết luận. Quá trình xác minh, người xác minh có thể yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và chứng cứ về nội dung khiếu nại, giải trình bằng văn bản về nội dung liên quan khiếu nại …
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại được tiến hành công khai, dân chủ. Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
Với trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại được Luật quy định như trên, bạn có thể yên tâm là mình sẽ có điều kiện để trình bày tường tận sự việc giúp cho việc giải quyết khiếu nại được chính xác, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên được bảo vệ.