08/01/2013 15:26        

Người đốt pháo bị xử lý thế nào?

Người đốt pháo bị xử lý thế nào?

 

Câu hỏi:

Trong thôn tôi vừa qua có nhà đốt pháo, cán bộ thôn có đến trao đổi nhắc nhở nhưng rồi mấy hôm sau tôi lại nghe tiếng pháo nổ bên đó. Tôi biết Nhà nước đã cấm đốt pháo rồi sao nhà ông đó lại có pháo đem đốt. Việc đốt pháo như vậy sẽ ảnh hưởng đến những gia đình khác, nhất là đối với các cháu nhỏ. Về việc này Nhà nước có những biện pháp gì để giải quyết?

 

 

(H.V.T. – Diên Khánh)

 

Ý kiến tư vấn:

Từ năm 1994 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Theo tinh thần Chỉ thị 406/TTg, ngày 08-8-1994, kể từ ngày 01-01-1995 nhà nước nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ, chỉ trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa. Đến năm 2009 Chính phủ có Nghị định số 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo đã quy định nghiêm cấm sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ. Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành, địa phương trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo. Nhờ được tuyên truyền phổ biến rộng rãi, hầu hết mọi người dân đều đã thấy được tác hại và nguy hiểm của việc sản xuất, buôn bán và đốt pháo, đã thông suốt và đồng tình với chủ trương cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo của Chính phủ nên đã chấp hành nghiêm túc. Tuy vậy, lẻ tẻ nơi này nơi khác vẫn có người lén lút đốt pháo, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, và việc mua bán, vận chuyển pháo, chủ yếu từ Trung Quốc về Việt Nam vẫn còn xẩy ra.

Tại Nghị định số 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội Chính phủ đã có một số quy định xử phạt đối với các hành vi như: Sử dụng các loại pháo mà không được phép bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng; Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Với đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự thì một số hành vi đốt pháo nổ  có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự (Quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC, ngày 25-12-2008 của Bộ Công an-Viện kiểm sát nhân dân tối cao-Tòa án nhân dân tối cao).

 

 Luật sư Nguyễn Thiện Hùng

Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa

 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 115939