Nội dung câu hỏi:
Vợ chồng tôi đã có con chung, thu nhập ổn định đủ trang trải, sống hòa thuận hạnh phúc trên 10 năm. Nay chồng tôi có quan hệ mật thiết với người phụ nữ khác, nhiều ngày đi không về nhà với vợ con. Xin cho biết trường hợp ngoại tình như vậy thì pháp luật hình sự có can thiệp xử lý không.
(Câu hỏi của bạn Mai Hồng Liên)
Ý kiến tư vấn:
Quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự (Bộ luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng:
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Hành vi chung sống như vợ chồng và việc xử lý trách nhiệm hình sự được liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC như sau: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng.
Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v...
b) Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 01/9/2020), các hành vi: đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ thì có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. (Trước khi có Nghị định này thì hành vi nêu trên bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng).
Đối với người là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức, lối sống sẽ bị xử lý kỷ luật. Theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 20/9/2020), hành vi vi phạm quy định của pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình bị xử lý kỷ luật như sau:
Đối với công chức: Vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng bị khiển trách; gây hậu quả nghiêm trọng bị cảnh cáo. Các hành vi tái phạm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tùy từng trường hợp có thể bị xử lý kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; giáng chức, cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; buộc thôi việc.
Đối với viên chức: Bị xử lý kỷ luật khiển trách. Các hành vi tái phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng tùy trường hợp có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, buộc thôi việc; viên chức quản lý bị cách chức.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng