Sản xuất rượu thủ công có phải cấp phép?
Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Huỳnh Ngọc)
Vừa qua tình trạng sử dụng rượu bị ngộ độc xẩy ra ở nhiều nơi. Trên thực tế chúng tôi thấy việc sản xuất rượu trong dân cư khá phổ biến, không rõ phạm vi nhà nước quản lý hoạt động này thế nào. Có cơ sở sản xuất rượu với lượng khá nhiều và họ trực tiếp giao cho các nhà hàng, quán ăn tiêu thụ, vậy với quy mô đó thì họ có phải đăng ký, xin phép gì không?
Tư vấn của luật sư:
Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men (có hoặc không chưng cất) từ tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của cây và hoa quả hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm (Ethanol). Trong đó rượu thủ công được sản xuất bằng dụng cụ truyền thống như nồi (kháp) đồng, ống dẫn hơi rượu, bồn lạnh... quy mô nhỏ do hộ gia đình hoặc tổ chức, cá nhân thực hiện.
Rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh. Ngoại trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân chưng cất rượu để sử dụng cho mình, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại.
Đối với việc sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, tổ chức, cá nhân phải có đăng ký kinh doanh ngành, nghề sản xuất rượu thủ công; phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật để được cấp Giấy phép. Sản phẩm rượu là sản phẩm hàng hóa bắt buộc phải đăng ký bản công bố hợp quy.
Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công là thành viên thuộc làng nghề sản xuất rượu thủ công thì không phải xin cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Tổ chức, cá nhân đại diện làng nghề phải xin cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công cho làng nghề và chịu trách nhiệm về các điều kiện sản xuất rượu áp dụng chung cho các thành viên thuộc làng nghề.
Thông tư số 60/2014/TT-BCT của Bộ Công thương quy định, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh lập 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, 01 bộ gửi cơ quan có thẩm quyền cấp phép, 01 bộ lưu tại trụ sở tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh (theo mẫu quy định);
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận mã số thuế;
c) Bản sao Giấy tiếp nhận công bố hợp quy, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
d) Bản liệt kê tên hàng hóa sản phẩm rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa sản phẩm rượu mà tổ chức, cá nhân dự kiến sản xuất.
Vi phạm trong sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh sẽ bị xử phạt về hành chính được quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, với hành vi sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh vượt quá sản lượng được phép sản xuất ghi trong giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, tùy tỷ lệ phần trăm mức vượt, có thể bị phạt tiền, mức thấp là 1.000.000 đồng, mức cao là 20.000.000 đồng. Ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật; tước quyền sử dụng giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)