Phòng ngừa bạo lực gia đình
Nội dung câu hỏi:
(của bạn Hải Vy và Minh Châu)
Lâu nay, bạo lực gia đình đang là vấn đề được xã hội quan tâm, báo chí cũng nói đến nhiều, đã có không ít trường hợp bị cộng đồng lên án, pháp luật xử lý. Dư luận cũng nhiều ý kiến cho rằng cần biện pháp để ngăn chặn, không để bạo lực xẩy ra là việc quan trọng. Chúng tôi muốn được biết, trong hoạt động phòng ngừa thì Nhà nước đã có những chính sách, biện pháp thế nào?
Tư vấn của luật sư:
Các biện pháp phòng ngừa như bạn đang quan tâm đến đã được pháp luật đặt ra trong phòng, chống bạo lực gia đình, cũng trên nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính. Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục về gia đình, đồng thời với các biện pháp như hoạt động hòa giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc nhằm kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, ngoài ra có công tác tư vấn, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư về phòng ngừa bạo lực gia đình, phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Tại Nghị định số 08/2009/NĐ-CP Chính phủ đã đặt mạnh công tác tư vấn về gia đình ở cơ sở cũng như tổ chức phê bình trong cộng đồng dân cư.
Về hoạt động tư vấn, căn cứ vào kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình của địa phương và danh sách đối tượng để thực hiện hoạt động tư vấn về gia đình (gồm người có hành vi bạo lực gia đình; nạn nhân bạo lực gia đình; người nghiện rượu, ma tuý, đánh bạc; người chuẩn bị kết hôn), Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp, cộng đồng dân cư tổ chức thực hiện tư vấn về gia đình ở cơ sở. Việc tư vấn về gia đình ở cơ sở được thực hiện thông qua các hình thức: Tư vấn trực tiếp; tư vấn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tư vấn thông qua các loại hình khác. Công chức làm công tác tư pháp phối hợp với công chức làm công tác văn hóa - xã hội cấp xã cung cấp, phổ biến tài liệu, thông tin, kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình cho người chuẩn bị kết hôn trước khi được cấp Giấy chứng nhận kết hôn; cung cấp nội dung tư vấn về gia đình ở cơ sở cho cơ quan thông tin đại chúng. Công chức làm công tác văn hóa - xã hội, công chức làm công tác tư pháp, cán bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi cấp xã, tổ viên của Tổ hòa giải ở cơ sở, nhân viên y tế ở cấp xã đã được tập huấn về tư vấn là người thực hiện tư vấn trực tiếp về gia đình ở cơ sở.
Việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư được áp dụng đối với người có hành vi bạo lực gia đình trong trường hợp thời gian giữa hai lần thực hiện hành vi bạo lực không quá 12 tháng. Trưởng thôn, làng, bản, ấp, phum, sóc, tổ trưởng tổ dân phố hoặc người đứng đầu đơn vị tương đương quyết định và tổ chức việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư. Thành phần tham gia góp ý, phê bình bao gồm đại diện gia đình, hộ gia đình liền kề và các thành phần khác được mời. Việc tổ chức góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình được bố trí bằng một cuộc họp riêng và vào thời gian thích hợp để các thành phần tham gia cuộc họp có thể tham dự được đông đủ. Sau khi góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình, người đứng đầu cộng đồng dân cư phải lập biên bản cuộc họp và gửi tới công chức làm công tác tư pháp, công chức làm công tác văn hóa - xã hội ở cấp xã để lưu trữ, làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm trong trường hợp người đã bị góp ý, phê bình tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình.
(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)