Người nước ngoài có thể vào hợp tác xã?
Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn V.P.)
Tôi đã làm việc tại Việt Nam được mấy năm, do có đam mê trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, tôi muốn tham gia vào một tổ chức hợp tác đang hoạt động trong ngành nghề này. Tôi muốn tìm hiểu thêm, với người nước ngoài thì việc tham gia vào tổ chức hợp tác có bị ràng buộc thế nào, và nếu gia nhập được thì quyền lợi trong việc ăn chia được tính ra sao?
Tư vấn của luật sư:
Tại Điều 13 của Luật Hợp tác xã đã ghi nhận nội dung: cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân trở thành thành viên hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam.
Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân;
b) Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;
c) Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã;
d) Góp vốn theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ hợp tác xã nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã;
đ) Điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã.
Quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã, tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, ngày 21-11-2013 Chính phủ đã xác định rõ, cá nhân là người nước ngoài tham gia vào hợp tác xã ở Việt Nam, ngoài việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Trường hợp tham gia hợp tác xã tạo việc làm thì phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam đối với lao động là người nước ngoài.
3. Đối với hợp tác xã có ngành nghề kinh doanh hạn chế về tỷ lệ sở hữu vốn của người nước ngoài thì việc tham gia của người nước ngoài vào hợp tác xã phải tuân thủ các quy định của pháp luật đầu tư liên quan tới ngành nghề đó.
4. Các điều kiện khác do điều lệ hợp tác xã quy định.
Mỗi hợp tác xã đều có điều lệ, được thông qua tại hội nghị thành lập hợp tác xã. Là thành viên của hợp tác xã có trách nhiệm tuân thủ điều lệ của hợp tác xã.
Một trong những nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của hợp tác xã là thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã; được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ. Theo nguyên tắc đó, hợp tác xã sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, thu nhập của hợp tác xã được phân phối như sau:
- Trích lập quỹ đầu tư phát triển với tỷ lệ không thấp hơn 20% trên thu nhập; trích lập quỹ dự phòng tài chính với tỷ lệ không thấp hơn 5% trên thu nhập;
- Trích lập các quỹ khác do đại hội thành viên quyết định;
- Thu nhập còn lại sau khi đã trích lập các quỹ được phân phối cho thành viên, hợp tác xã thành viên theo nguyên tắc: Chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên; theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm; phần còn lại được chia theo vốn góp; tỷ lệ và phương thức phân phối cụ thể do điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định;
- Thu nhập đã phân phối cho thành viên, hợp tác xã thành viên là tài sản thuộc sở hữu của thành viên, hợp tác xã thành viên. Thành viên, hợp tác xã thành viên có thể giao thu nhập đã phân phối cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quản lý, sử dụng theo thỏa thuận với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)