31/03/2017 16:12        

Có thể sinh con thứ ba?


Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Mỹ Dung)
Vợ chồng tôi đã có 02 con, nhưng có một cháu sức khỏe yếu, phải điều trị tại bệnh viện nhiều lần. Bác sĩ cho biết cháu bị ảnh hưởng tuyến giáp, thiếu iod. Chồng tôi và gia đình cha mẹ chồng đều muốn tôi sinh thêm con nữa. Tôi xin được hỏi, có phải trong trường hợp của chúng tôi thì sinh thêm con thứ ba không bị coi là vi phạm chính sách kế hoạch hóa dân số? 

Tư vấn của luật sư: 
Pháp lệnh dân số đã xác nhận các quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, của cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong đó có nội dung sinh một hoặc hai con, chỉ trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ quy định. 
Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh, Nghị định số 20/2010/NĐ-CP của Chính phủ ghi nhận những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con, đó là các trường hợp sau đây:
1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.
6. Cặp vợ chồng mà một hoặc cả hai người đã có con riêng (con đẻ), chỉ sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. Quy định này không áp dụng cho trường hợp tái hôn giữa hai người đã từng có hai con chung trở lên và hiện đang còn sống.
7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.
Ngày 20-01-2014 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BYT ban hành danh mục dị tật, bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền để xác định cặp vợ chồng sinh con thứ ba không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con. Theo danh mục này, có 158 trường hợp thuộc bệnh hiểm nghèo và dị tật được xác định, trong đó có trường hợp hội chứng thiếu iod bẩm sinh gần giống với mô tả của bạn về con mình.
Thông tư của Bộ Y tế cũng đã quy định việc thực hiện theo nguyên tắc: Cặp vợ chồng sinh con thứ ba đã có một hoặc hai con đẻ bị mắc một trong các dị tật, bệnh hiểm nghèo thuộc danh mục do Bộ Y tế ban hành phải được Hội đồng Giám định y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Hội đồng Giám định y khoa Trung ương xác định. Chủ tịch Hội đồng Giám định y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Chủ tịch Hội đồng Giám định y khoa Trung ương chịu trách nhiệm về kết luận xác định dị tật, bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền trong danh mục của một hoặc hai con đẻ của cặp vợ chồng sinh con thứ ba khi có đơn đề nghị giám định của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân.
Đối chiếu các quy định nêu trên, trường hợp của bạn, khi được Hội đồng Giám định y khoa xác định con bạn bị mắc một trong các dị tật, bệnh hiểm nghèo thuộc danh mục do Bộ Y tế ban hành thì việc sinh con thứ ba của vợ chồng bạn không vi phạm quy định của pháp luật về sinh một hoặc hai con.

(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)

 

  • Bao lâu?
    04/05/2024
    Một bà học lái ô tô nhưng rất khó tiếp thu. Một hôm bà hỏi giáo viên: - Tôi phải học bao lâu nữa thì lái được xe?
  • Hay
    04/05/2024
    Bà vợ vừa ra sân chung tập thể dục xong, quay vô bảo với chồng: - Từ nay khỏe rồi ông ơi, ra vô thoải mái mà không sợ giẫm phải “mìn”!
  • Sợ
    04/05/2024
    Hai ông bạn ngồi uống trà đọc báo, bỗng một ông lật đật đứng dậy định rời đi. Ông còn lại ngạc nhiên hỏi: - Đi đâu mà gấp gáp vậy ông?
Số lượt truy cập: 595618