Can thiệp để phòng, chống tác hại của thuốc lá
Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Nguyễn An Viên)
Tôi được biết nhà nước có chủ trương cấm hút thuốc lá, nhất là ở nơi đông người, nơi công cộng, cơ quan, bệnh viện … nhưng trên thực tế vẫn thấy nhiều người hút thuốc lá, nhất là ở quán ăn, bến xe. Xin cho biết các chính sách của Nhà nước, quy định của pháp luật nhằm thực hiện chủ trương này thế nào?
Tư vấn của luật sư:
Do thuốc lá có nhiều tác hại đến sức khỏe của con người nên đã có Luật của Quốc hội và các Nghị định của Chính phủ có các quy định nhằm phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Nguyên tắc phòng, chống tác hại của thuốc lá hướng tới: Tập trung thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá. Chú trọng biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá nhằm giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tác hại do thuốc lá gây ra. Thực hiện việc phối hợp liên ngành, huy động xã hội và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá.
Nhà nước có các chính sách về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đó là:
1. Xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
2. Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
3. Quy hoạch kinh doanh thuốc lá phải phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá, phù hợp với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá.
4. Khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu về tác hại của thuốc lá, các phương pháp cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu và sản xuất thuốc cai nghiện thuốc lá; hợp tác, tài trợ cho phòng, chống tác hại của thuốc lá; người sử dụng thuốc lá tự nguyện cai nghiện thuốc lá.
5. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trồng cây thuốc lá, sản xuất thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá chuyển đổi ngành, nghề.
6. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Luật cũng đã chỉ ra trách nhiệm trong quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, trách nhiệm của người dứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương và quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đưa ra các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá bằng việc quy định địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn; địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá; nghĩa vụ của người hút thuốc lá; trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá cùng với các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Nghị định của Chính phủ số 176/2013/NĐ-CP đã cho phép xử lý các vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá, về bán thuốc lá, về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, về cai nghiện thuốc lá, cùng với các vi phạm quy định khác về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong đó, các hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm, hành vi sử dụng thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi, hành vi sử dụng thuốc lá của nhân viên tư vấn cai nghiện thuốc lá có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Người có trách nhiệm không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Hành vi khuyến khích, vận động người khác sử dụng thuốc lá bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Hành vi tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng …
(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)