Ủy quyền trong cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Câu hỏi:
Vừa qua tôi có liên hệ UBND xã Diên Điền, Diên Khánh làm Giấy xác nhận tình trạng hôn cho con gái để cháu đăng ký kết hôn tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tôi có mang theo CMND của hai mẹ con, hộ khẩu thể hiện quan hệ mẹ, con; tuy nhiên, cán bộ tư pháp xã từ chối thụ lý hồ sơ với lý do con gái tôi không có văn bản ủy quyền cho tôi thực hiện thủ tục này.
Năm 2013, tôi đã làm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho con gái đầu, khi đó tôi không phải nộp giấy giấy ủy quyền. Vì vậy, tôi muốn biết việc cán bộ tư pháp từ chối thụ lý hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận tình trạng với lý do không có ủy quyền của con gái tôi có đúng không?
(Đặng Thị Sáu – Diền Điền, Diên Khánh, Khánh Hòa)
Trả lời:
Khoản 3 Điều 1 Nghị định 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực quy định như sau:
“Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con) hoặc yêu cầu cấp các giấy tờ về hộ tịch mà không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ.
Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì không cần phải có văn bản ủy quyền, nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ nêu trên.”
Căn cứ theo quy định trên: năm 2013, nếu bà có giấy tờ thể hiện quan hệ mẹ con, thì việc bà nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thay cho con gái không cần giấy ủy quyền là đúng.
Tuy nhiên, hiện nay theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch, có hiệu lực thi hành từ ngày 02/01/2016 thì:
“1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 của Luật hộ tịch được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay, trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con.
2. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật; phạm vi uỷ quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả đăng ký hộ tịch.
Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền.”
Căn cứ theo quy định trên thì việc cán bộ tư pháp xã từ chối thụ lý hồ sơ bà nộp để đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho con gái với lý do không có văn bản ủy quyền của con gái bà là đúng.
Do đó trong trường hợp này, con gái bà cần có văn bản ủy quyền để bà thực hiện thay thủ tục đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Theo thông tin bà cung cấp hộ khẩu đã thể hiện quan hệ mẹ con, nên văn bản ủy quyền của con gái bà không phải công chứng, chứng thực.
Ái Nhân – STP Khánh Hòa