19/12/2019 21:13
|
Biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình
Biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình
Nội dung câu hỏi: Tôi có đứa cháu 15 tuổi, bị nghiện ma túy. Do cháu mới bị nghiện, mức độ còn nhẹ, chúng tôi muốn cơ quan chức năng hỗ trợ và gia đình phối hợp để cai nghiện cho cháu được không. Trong trường hợp của cháu có thể có biện pháp nào tốt nhất để giúp cháu cai nghiện được hiệu quả?
(Câu hỏi của bạn Tường Vy)
Ý kiến tư vấn: Theo Luật Phòng, chống ma túy (ban hành năm 2000, được sửa đổi, bổ sung năm 2008), người nghiện ma túy có trách nhiệm tự khai báo về tình trạng nghiện ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) nơi cư trú và tự đăng ký hình thức cai nghiện ma túy. Gia đình người nghiện ma túy cũng có trách nhiệm khai báo với UBND cấp xã về người nghiện ma tuý trong gia đình mình và đăng ký hình thức cai nghiện cho người đó. Có nhiều hình thức cai nghiện ma túy, trong đó hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng được áp dụng đối với người tự nguyện cai nghiện (trừ trường hợp người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại cơ sở cai nghiện). Đây là hình thức cai nghiện ma túy được Nhà nước khuyến khích. Với trường hợp con của bạn, có thể thực hiện cai nghiện tại gia đình. Theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ, hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ mười hai tuổi trở lên. Thời hạn cai nghiện ma túy tại gia đình từ sáu tháng đến mười hai tháng, tính từ ngày ký quyết định cai nghiện. Về thủ tục đăng ký tự nguyện cai nghiện, người nghiện ma túy hoặc gia đình, người giám hộ của người nghiện ma túy chưa thành niên có trách nhiệm đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình với UBND cấp xã nơi cư trú. Hồ sơ đăng ký gồm: a) Đơn đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình của bản thân hoặc gia đình, người giám hộ của người nghiện ma túy. Nội dung đơn phải bao gồm các nội dung: tình trạng nghiện ma túy; các hình thức cai nghiện ma túy đã tham gia; tình trạng sức khỏe; cam kết tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình; b) Bản sơ yếu lý lịch của người nghiện ma túy; c) Kế hoạch cai nghiện cá nhân của người nghiện ma túy. UBND cấp xã sẽ thành lập Tổ công tác để giúp Chủ tịch Ủy ban tiếp nhận hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình. Người cai nghiện ma túy tại gia đình sẽ được bác sĩ điều trị cắt cơn khám sức khỏe ban đầu, làm hồ sơ bệnh án, xét nghiệm phát hiện chất ma túy và các xét nghiệm khác để chuẩn bị cho việc điều trị cắt cơn. Căn cứ vào bệnh án, các kết quả xét nghiệm, cán bộ điều trị phân loại người cai nghiện theo loại ma túy sử dụng, tình trạng sức khỏe để xây dựng kế hoạch điều trị, cai nghiện phù hợp với từng người. Gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm tham gia, phối hợp với UBND cấp xã trong việc tổ chức hoạt động cai nghiện, thực hiện kế hoạch cai nghiện, quản lý, giám sát, giúp đỡ người cai nghiện thực hiện kế hoạch cai nghiện cá nhân như giám sát thực hiện thời gian biểu hàng ngày; hướng dẫn người nghiện ma túy tham gia học nghề, lao động sản xuất, sinh hoạt câu lạc bộ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do địa phương tổ chức; quản lý việc chấp hành các chế độ về cư trú, đi lại, thông tin, báo cáo… Trong thời gian cai nghiện, người nghiện ma túy được xét nghiệm chất ma túy đột xuất hoặc định kỳ, được đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch cai nghiện. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, quá trình theo dõi, giám sát việc thực hiện kế hoạch cai nghiện cá nhân của người nghiện, Chủ tịch UBND cấp xã cấp “Giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng”.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
|
|
|
|
|
|