Nội dung câu hỏi:
Thông thường chúng tôi thấy khi phát hiện một người (hay một tổ chức) có hành vi vi phạm hành chính thì việc đầu tiên là lập biên bản vi phạm. Vậy những ai là người có thẩm quyền lập biên bản, có phải là người đang thi hành công vụ thì đều được lập biên bản không?
(Câu hỏi của bạn Vân Trường)
Ý kiến tư vấn:
Không hẳn như câu hỏi của bạn là khi có vi phạm hành chính thì việc đầu tiên là lập biên bản, mà có những hành vi vi phạm hành chính không phải lập biên bản. Đó là các trường hợp vi phạm mà pháp luật quy định xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức. Trường hợp này người có thẩm quyền xử phạt sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Với trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ được ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt. Cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ thì nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định.
Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ là gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang thi hành công vụ, nhiệm vụ; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản.
Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
Đơn cử, tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính là bao gồm những người có thẩm quyền xử phạt (trừ Công an nhân dân được lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi chống đối hoặc cản trở người thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng), ngoài ra còn có thẩm quyền của các chức danh: a) Công chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng; b) Công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước ngành xây dựng được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành độc lập hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra; c) Công chức, viên chức được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, quản lý, phát triển nhà./.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng