17/01/2022 08:44        

Biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

 

          Nội dung câu hỏi:

          Người có sử dụng ma túy đến mức độ nào thì bị đưa vào nơi cai nghiện tập trung. Để đưa một người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải cần trình tự, thủ tục thế nào để đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, chính xác?

(câu hỏi của bạn Phan Tấn Tùng)

 

          Ý kiến tư vấn:

          Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022) là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

2. Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

3. Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;

4. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

          Việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định như sau:

a) Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

b) Đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

c) Trường hợp người nghiện ma túy do cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật mà thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì cơ quan Công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đó;

d) Hồ sơ đề nghị gồm có biên bản vi phạm; bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó; bản tường trình của người nghiện ma túy hoặc của người đại diện hợp pháp của họ và các tài liệu khác có liên quan.

Cơ quan lập hồ sơ đề nghị phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị. Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.

Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện sau khi tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp: a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính; b) Người đang mang thai có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên; c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận./.

Luật sư Nguyễn Thiện Hùng

 

 

  • Tiếc
    16/04/2024
    Một ông nổi tiếng keo kiệt phải cấp cứu vì ăn nhầm nấm độc. Sau khi được bác sỹ rửa ruột, tiêm thuốc, ông ta hồi tỉnh lại. Trước khi cho xuất viện, báo sỹ hỏi:
  • Giải đáp
    16/04/2024
    Bà vợ hỏi ông chồng: - Tại sao người ta chọn Giờ Trái đất vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm ông nhỉ?
  • Món ngon
    16/04/2024
    Hai bợp nhậu ngồi tám chuyện: - Đố ông, trong các món mồi nhậu, con gì ngon nhất?
Số lượt truy cập: 497542