30/05/2016 10:39        

Chế độ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng

Chế độ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng

* Câu hỏi:
Chồng tôi bị án tù 8 năm do có liên quan đến ma túy. Tới đây anh được mãn hạn, nhưng sau này chúng tôi muốn chuyển chỗ ở đến địa phương khác thì có khó khăn gì không? Thời gian ở trại giam anh cải tạo tốt, đã mấy lần được giảm án. Nhiều lần tôi vào thăm anh cũng hứa rời xa con đường tội lỗi đó. Tuy nhiên chúng tôi đều thấy trước mắt có rất nhiều khó khăn, trở ngại. Xin cho biết Nhà nước có những chính sách gì để giúp đỡ những người mới ra tù?
Vũ Thị Mai Hoa (Cam Ranh)

* Ý kiến tư vấn:
Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật là một nội dung được Nhà nước quan tâm, thể hiện trên chính sách, pháp luật và việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện trên thực tế. Cùng với việc ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ một cách thiết thực đối với các đối tượng này, chính sách của Nhà nước quán triệt nguyên tắc nghiêm cấm mọi hành vi kì thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong án phạt tù.
Tại Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 Chính phủ đã quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù. Các biện pháp đó là:
1. Thông tin, truyền thông giáo dục về hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù.
2. Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
3. Dạy nghề, giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù.
4. Trợ giúp về tâm lý và hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho người chấp hành xong án phạt tù.
5. Các biện pháp hỗ trợ khác.
Cùng với việc xác lập các biện pháp, Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các biện pháp đó một cách hiệu quả.
Người chấp hành xong án phạt tù có quyền được chính quyền địa phương và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tạo điều kiện giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng; được đăng ký thường trú, tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú; được quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xóa án tích khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi có nhu cầu. Pháp luật cũng đòi hỏi người chấp hành xong án phạt tù thực hiện một số nghĩa vụ như: Phải trở về nơi cư trú và xuất trình Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù hoặc Giấy chứng nhận đặc xá với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, đơn vị công tác cũ theo đúng thời gian quy định; chịu sự quản lý, giáo dục, giám sát của chính quyền địa phương, đơn vị, tổ chức xã hội và nhân dân nơi cư trú, công tác, học tập trong thời gian chưa được xóa án tích; định kỳ báo cáo kết quả chấp hành pháp luật và việc thực hiện các cam kết, nghĩa vụ dân sự (nếu có) với chính quyền địa phương hoặc cơ quan, đơn vị nơi cư trú, công tác, học tập; tích cực lao động, học tập và tham gia các hoạt động phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và những hành vi vi phạm pháp luật khác. 
Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều quy định chi tiết, cụ thể về các chính sách, biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng của Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù tại Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 của Chính phủ.
Việc chuyển nơi cư trú được thực hiện theo quy định chung. Bạn cần có chỗ ở hợp pháp nơi đến và làm đầy đủ thủ tục chuyển nơi thường trú.

Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
 

  • Bao lâu?
    04/05/2024
    Một bà học lái ô tô nhưng rất khó tiếp thu. Một hôm bà hỏi giáo viên: - Tôi phải học bao lâu nữa thì lái được xe?
  • Hay
    04/05/2024
    Bà vợ vừa ra sân chung tập thể dục xong, quay vô bảo với chồng: - Từ nay khỏe rồi ông ơi, ra vô thoải mái mà không sợ giẫm phải “mìn”!
  • Sợ
    04/05/2024
    Hai ông bạn ngồi uống trà đọc báo, bỗng một ông lật đật đứng dậy định rời đi. Ông còn lại ngạc nhiên hỏi: - Đi đâu mà gấp gáp vậy ông?
Số lượt truy cập: 577088