04/07/2016 12:48        

Quyền khởi kiện vụ án hành chính

Quyền khởi kiện vụ án hành chính

* Câu hỏi:
Muốn khởi kiện một quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính thì cần phải có những điều kiện gì và thủ tục thế nào? Có phải khi khiếu nại không được giải quyết mới được quyền khởi kiện không? 
Hoàng Thị Mỹ Châu (Diên Khánh)

* Ý kiến tư vấn:
Theo Luật Tố tụng hành chính (được Quốc hội thông qua năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01-7-2016), cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó.
Như vậy, khi không đồng ý với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính mà cá nhân, cơ quan, tổ chức không muốn thực hiện thủ tục khiếu nại thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính đến Tòa án.
Quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm phải trong thời hạn mà pháp luật quy định, gọi là thời hiệu khởi kiện, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. 
Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:
a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
b) 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.
Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Khi khởi kiện vụ án hành chính thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phải làm đơn khởi kiện, có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính;
c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
d) Nội dung quyết định hành chính hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính;
đ) Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có);
e) Yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết;
g) Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. 

Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 111186