Xử lý vi phạm trong thi hành bản án hành chính
* Câu hỏi:
Tình trạng bản án, quyết định hành chính của Tòa án đã có hiệu lực nhưng việc thi hành trên thực tế khá khó khăn xảy ra không ít. Xin cho biết quy định của pháp luật xử lý với trường hợp người phải thi hành án chậm trễ trong việc thi hành án?
Phạm Việt Thắng (Nha Trang)
* Ý kiến tư vấn:
Theo Luật Tố tụng hành chính, những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành bao gồm: Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật; Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm; Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án; Quyết định theo thủ tục đặc biệt của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án mặc dù có khiếu nại, kiến nghị. Các bên đương sự căn cứ vào quyền và nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án để thi hành.
Người phải thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến danh sách cử tri thì người phải thi hành án phải thi hành ngay kể từ ngày nhận được bản án, quyết định. Đối với quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Cơ quan phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải thông báo kết quả thi hành án bằng văn bản cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó.
Quá thời hạn tự nguyện thi hành án nói trên mà người phải thi hành án không thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Luật Tố tụng hành chính cũng đã nói rõ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định buộc thi hành án của Tòa án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tại Nghị định 71/2016/NĐ-CP Chính phủ đã có các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án; việc Thi hành bản án, quyết định của Tòa án khi có quyết định buộc thi hành án hành chính; việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành án hành chính.
Về việc xử lý kỷ luật, Nghị định của Chính phủ quy định công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Trong đó hình thức kỷ luật buộc thôi việc được áp dụng đối với công chức, viên chức sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc bị phạt tù mà không được hưởng án treo về tội không chấp hành án hoặc tội cản trở việc thi hành án.
Về trách nhiệm vật chất, người phải thi hành án trong quá trình thi hành án mà gây ra thiệt hại thì phải khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, hoàn trả theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, pháp luật về dân sự.
Mặt khác, quyết định buộc thi hành án hành chính còn được Cục Thi hành án dân sự tổ chức công khai bằng hình thức đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền theo dõi của Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc. Cơ quan, người có thẩm quyền không xét thi đua, khen thưởng; không đánh giá, phân loại ở mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng